CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP VÀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ
1.4. Kinh nghiệm công tác quản lý thu thuế TNDN các doanh nghiệp FDI của một số Cục thuế địa phương
1.4.1. Kinh nghiệm công tác quản lý thuế TNDN đối với doanh nghiệp FDI tại Cục thuế Quảng Ninh
Công tác quản lý thuế TNDN tại Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu như: Cơ chế tự tính, tự khai, tự nộp đã nâng cao được ý thức trách nhiệm và tính tự giác của DN; Cơ cấu tổ chức bộ máy được thực hiện theo mô hình chức năng ngăn ngừa tình trạng thông đồng giữa cán bộ thuế và DN; Chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, phòng ban có mối liên hệ tạo ra cơ chế tự kiểm tra, và kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các phòng nhằm nâng cao tính chính xác và hiệu quả của quy trình; Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp cho bộ phận kê khai, thanh tra, kiểm tra phân tích, khai thác và xử lý tốt các thông tin về DN, giảm thời gian thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát nguồn thu thuế TNDN từ các doanh nghiệp FDI.
Qua nghiên cứu về “Tăng cường quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Trần Quốc Hoàn, 2017) cho thấy rằng:
- Về tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế: Cục thuế tỉnh Quảng Ninh thực hiện đối thoại đạt hiệu quả cao, và việc hướng dẫn qua internet cũng được thực hiện nhưng chưa mang lại hiệu quả. Cục hỗ trợ người nộp thuế bằng văn bản là chủ yếu, tổ chức các buổi tập huấn và hội nghị cũng được tổ chức nhưng hiệu quả chưa cao.
- Về giải quyết thủ tục hành chính thuế: công tác đăng ký thuế được tăng cường, hoàn thiện rút ngắn thời gian đăng ký thuế. Nộp hồ sơ khai thuế áp dụng công nghệ mã vạch hai chiều và hệ thống mạng internet. Việc nộp thuế vào ngân sách được thực hiện qua ngân hàng tại nhiều địa điểm khác nhau và bất kỳ thời gian nào. Quản lý người thông tin nộp thuế được cập nhật, quản lý thông tin qua hệ thống các chương trình ứng dụng trên máy tính.
- Về công tác kiểm tra thuế, thanh tra thuế được quan tâm và là bước phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật làm cơ sở để kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp. Với
các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tính toàn cầu thì công tác thanh tra chống chuyển giá được quan tâm và quản lý chặt hơn.
- Về công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế được kiểm soát, phân loại theo dõi chặc chẽ, tìm nguyên nhân của từng khoản nợ thuế để xác định cụ thể làm cơ sở để áp dụng các biện pháp thu nợ phù hợp và hiệu quả hơn.
1.4.2. Kinh nghiệm công tác quản lý thuế TNDN đối với các doanh nghiệp FDI tại Cục thuế Tỉnh Thừa Thiên Huế
Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế xác định công tác thanh tra, kiểm tra là khâu mũi nhọn nhằm phòng ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần chống thất thu, khai thác tăng thu ngân sách nhà nước. Đồng thời để tuyên truyền, hỗ trợ chính sách pháp luật thuế trực tiếp tới người nộp thuế; tiếp tục nghiên cứu, đổi mới phương thức, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào phân tích rủi ro và hỗ trợ quá trình thanh tra, kiểm tra, giúp giảm thời gian, nâng cao hiệu quả, chất lượng thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cơ quan Thuế đã tập trung tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật thuế, đôn đốc kê khai, nộp thuế; thanh tra, kiểm tra chống thất thu và quyết liệt đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Thuế cũng như tính tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, góp phần tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Nghiên cứu của Võ Tường Lân (2015) về “Quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Cục thuế tỉnh Thừa Thiên Huế”, đưa ra các quan điểm về quản lý như sau:
- Quản lý người nộp thuế: Cục Thuế thực hiện quản lý qua việc đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế, kết hợp đối chiếu kiểm tra thực tế với tài liệu kê khai của người nộp thuế, tiến hành phân loại doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ để có các biện pháp quản lý thích hợp.
- Quản lý kê khai và nộp tờ khai thuế và quản lý thu nộp thuế: hiện tại Cục thuế đã triển khai việc quản lý theo mô hình chức năng, mỗi Phòng quản lý theo dõi
một công đoạn trong cả quá trình từ khi tính thuế đến khi nộp thuế vào ngân sách và quyết toán thuế, do đó đã tăng tính đồng bộ và giám sát lẫn nhau trong toàn bộ quá trình nâng cao hiệu quả quản lý.
- Về công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Thừa Thiên Huế đã hướng dẫn trực tiếp cho người nộp thuế tại cơ quan Thuế; Hỗ trợ, giải đáp vướng mắc qua điện thoại; Hỗ trợ, hướng dẫn bằng văn bản; Tổ chức lớp tập huấn chính sách thuế mới cho người tham gia, trong đó có lớp tổ chức tập huấn cho đại lý thuế; Tổ chức hội nghị đối thoại với người nộp thuế.
- Đối với công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, Cục Thuế đã xây dựng kế hoạch quản lý nợ, giao nhiệm vụ thu nợ chi tiết tới từng Phòng ban, từng cán bộ để triển khai quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ theo đúng quy định, tập trung vào các đối tượng có số nợ lớn và các khoản nợ có khả năng thu; thường xuyên rà roát, đối chiếu, chuẩn hóa dữ liệu nợ thuế, đồng thời phân tích, xác định rõ thực trạng, nguyên nhân nợ, tình trạng hoạt động và khả năng thu hồi nợ đến từng doanh nghiệp nợ trọng điểm để áp dụng các biện pháp phù hợp, hiệu quả, đúng quy định. Thường xuyên phối hợp rà soát, lựa chọn danh sách các đơn vị là doanh nghiệp nợ trọng điểm, các chủ dự án nợ tiền sử dụng đất, tiền thuế đất lớn để báo cáo, tham mưu UBND thành phố làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn, đồng thời đôn đốc các đơn vị nộp ngay các khoản nợ vào ngân sách nhà nước. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu, chống chuyển giá; phối hợp, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.