CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁC DOANH NGHIỆP FDI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
2.4. Những kết quả đạt được và một số vấn đề còn tồn tại trong công tác quản lý
2.4.2. Một số hạn chế và nguyên nhân hạn chế trong công tác quản lý thuế các
Trong thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI còn gặp không ít khó khăn vướng mắc, đó là:
* Vướng mắc trong chính sách pháp luật của Nhà nước:
- Thiếu tính ổn định trong công tác xây dựng và ban hành Luật thuế, Luật đầu tư hiện nay. Có thể nhận thấy, các văn bản quy phạm pháp luật về thuế hiện nay thường xuyên thay đổi bổ sung. Điều này tạo nên sự chồng chéo khiến cho cán bộ công chức thuế gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế TNDN đối với DN FDI. Các văn bản pháp luật sau khi ban hành chỉ một thời gian sau đó đã bộc lộ những lạc hậu so với điều kiện mới.
Thực tế cho thấy, việc thi hành luật ở nước ta còn phải chờ các văn bản Nghị định và Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ban ngành mới được thực hiện nên dù thời gian thi hành Luật đã có hiệu lực nhưng khi chưa có hướng dẫn thì những quy định mới này cũng chưa thể thực hiện được.
Tất cả những điều này ảnh hưởng đến công tác quản lý thuế nói chung và thuế TNDN đối với doanh nghiệp có vốn ĐTNN nói riêng, là kẽ hở để những doanh nghiệp lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận về thuế.
- Những kẽ hở chủ yếu trong chính sách thuế DN có khả năng lợi dụng bằng cách tăng chi phí, giảm lợi nhuận nhằm trốn tránh thuế và khiến cho
công tác chống gian lận thuế hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư ở Việt Nam còn gặp nhiều bất cập khiến cho các công ty đa quốc gia vẫn có thể lách luật định giá chuyển nhượng như:
+ Quy định giá hàng hoá nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, xác định theo hoá đơn thương mại. Qui định DN được tự xác định giá bán của sản phẩm là đúng nhưng cần có một đội ngũ cán bộ công chức có chuyên môn vững vàng và một chế tài đủ mạnh để kiểm soát hành vi gian lận một cách triệt để hoạt động xuất nhập khẩu này.
+ Quy định giá trị của công nghệ chuyển giao do thỏa thuận của các bên liên quan. Do vậy, trường hợp thực hiện được giao dịch liên kết giữa các công ty liên kết hoặc với các công ty trong cùng tập đoàn các DN này sẽ dễ dàng thực hiện định giá sai giá công nghệ chuyển giao so với giá trên thị trường.
Với những qui định hiện nay sẽ làm cho các công ty đa quốc gia thực hiện hành vi gian lận thông qua định giá chuyển nhượng một cách dễ dàng hơn, để giảm nghĩa vụ thuế, chuyển bớt một phần lợi nhuận ra chi nhánh tại nước ngoài mà các cơ quan quản lí Nhà nước khó có thể can thiệp được.
Trong những năm vừa qua, chúng ta cũng cũng đã xây dựng và kiện toàn Luật cạnh tranh và chống bán phá giá. Điều này cũng phần nào làm giảm thiểu được tình trạng trốn, tránh thuế TNDN nhưng bên cạnh đó tình trạng bán phá giá vẫn đang diễn ra. Chúng ta chưa có một bộ máy chuyên biệt để thực thi và một chế tài đủ mạnh để xóa bỏ những hiện tượng này.
- Đồng thời, có những ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với DN FDI như:
Miễn thuế nhập khẩu đối với các hàng hoá nhập khẩu mà tạo tài sản cố định, miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu sản xuất của các dự án đầu tư trên địa bàn hay lĩnh vực khuyến khích đầu tư…đã làm giảm đi sự mâu thuẫn với mục tiêu giảm thuế thu nhập hay giảm thuế quan cho DN. Hiện nay, các công ty đa quốc gia rất thích sử dụng bất cập này để khai tăng giá trị của hàng
hoá nhập khẩu và làm tăng chi phí giảm thu nhập tính thuế TNDN mà không phải nộp thêm số thuế nhập khẩu…
Ngoài những mặt tích cực của chính sách ưu đãi thuế TNDN đối với dự án đầu tư thì vẫn còn tồn tại nhiều những hạn chế như sau:
Thứ nhất, trước đây chính sách thuế ưu đãi cho DN mới thành lập và cho hoạt động đầu tư mở rộng nay chuyển sang cho thu nhập của DN do thực hiện dự án đầu tư mới điều này đã gây ra nhiều mặt hạn chế sau:
DN đã thực hiện đầu tư ở địa bàn trong hoặc ngoài khu kinh tế có thời gian ưu đãi sắp đến hạn, sẽ dần chuyển sang thực hiện dự án đầu tư mới bằng cách chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần tài sản để thành lập dự án mới ở địa bàn ưu đãi hoặc DN đang ở ngoài địa bàn ưu đãi chuyển vào đầu tư trong địa bàn ưu đãi. Theo đó, họ vừa được hưởng ưu đãi thuế TNDN như ban đầu trong khi họ vẫn có lợi thế hơn so với các DN mới thực sự, các DN khởi nghiệp từ tìm kiếm khách hàng, thị trường, nguyên nguyên vật liệu đầu vào...
Thứ hai, một số hình thức ưu đãi thuế đang trở thành “kẽ hở” để các DN lợi dụng, trốn thuế. Các thủ đoạn doanh nghiệp lợi dụng sự ưu đãi của chính sách để trốn, tránh thuế như sau: Thành lập DN mới để hưởng chế độ ưu đãi thuế, hết thời hạn ưu đãi lại giải thể và thành lập một DN mới khác nhằm kéo dài thời gian được miễn giảm thuế; chuyển thu nhập từ dự án không được hưởng ưu đãi sang dự án có hưởng ưu đãi; tạo nên các dự án đầu tư mới mang tính chất ngắn hạn, kém hiệu quả để được hưởng lợi từ ưu đãi hoàn thuế cho các khoản lợi nhuận được sử dụng để thực hiện tái đầu tư...
Thứ ba, các chính sách ưu đãi thuế này đã gây ra một sự cạnh tranh không lành mạnh, và không công bằng giữa các doanh nghiệp bên trong bên ngoài khu kinh tế, mặc dù cùng địa bàn TP Hải Phòng, trong khi không có sự khác biệt về vị trí địa lý và địa hình;
Thứ tư, chưa có Luật chống chuyển giá riêng, vì vậy, vẫn phải dựa trên quy định của Luật quản lý thuế để xem xét ấn định, chống chuyển giá.
- Bên cạnh đó, theo quy định về thời gian thực hiện thanh tra tại trụ sở DN là 30 ngày làm việc và có thể gia hạn thêm 15 ngày làm việc nữa là tối đa (45 ngày làm việc); Thời gian kiểm tra tại trụ sở DN là 5 ngày làm việc và có thể gia hạn thêm 5 ngày làm việc nữa là tối đa (10 ngày làm việc). Do đó việc thanh kiểm tra việc chống chuyển giá đã bị giới hạn bởi chính quy định của pháp luật.
* Công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận thuế chưa đạt hiệu quả cao:
Việc các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp để nhằm trốn thuế TNDN hiện nay là khá phổ biến. Hầu hết các hành vi trốn thuế của DN FDI thực hiện thông qua việc kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối với nguyên vật liệu nhập khẩu, trong khi xuất khẩu (đầu ra) lại bán với giá thấp hơn rất nhiều, từ đó tạo ra các khoản lỗ, song trên thực tế là dòng tiền vẫn đang chuyển động giữa các công ty thành viên, công ty mẹ con. Cho thấy, cách thức trốn thuế của các doanh nghiệp FDI hiện nay là ngày càng tinh vi và khó phát hiện.
Ngành thuế đã xây dựng được một quy trình thanh kiểm tra ,tuy nhiên quy trình này chưa đáp ứng được sự thay đổi và phát triển của DN nói riêng hay của cả nền kinh tế nói chung. Do đó, công tác thanh kiểm tra thuế và công tác thanh kiểm tra chống gian lận thuế TNDN còn rất thủ công nên thường bị kéo dài và có hiệu quả thấp.
Bên cạnh đó, công tác thanh kiểm tra chống gian lận thuế mặc dù cũng được các cơ quan chức năng quan tâm nhưng chưa được đánh giá đúng mức, chưa được quan tâm chuyên môn hoá cao độ và việc đánh giá mức độ rủi ro còn thiếu tính chính xác và cơ sở thực tế… khiến cho kết quả chống gian lận thuế còn gặp nhiều hạn chế.
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại Cục Thuế TP Hải Phòng thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế, mà nguyên nhân chủ yếu là do:
- Công tác xây dựng kế hoạch thanh tra kiểm tra thuế chủ yếu dựa trên việc lựa chọn, phân tích, đánh giá, đi sâu vào phân tích thông tin về đối tượng
nộp thuế và thông tin khác có liên quan trong khi cơ sở thông tin, dữ liệu của doanh nghiệp chưa đầy đủ, không đáp ứng được yêu cầu xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Do vậy, việc xây dựng kế hoạch thanh tra thuế, kiểm tra thuế còn hình thức, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm làm việc của cán bộ công chức quản lý thuế.
- Công tác phân tích hồ sơ chuyên sâu của DN phụ thuộc vào kinh nghiệm và trình độ của cán bộ công chức thuế. Vì vậy, việc phân tích hồ sơ khai thuế, báo cáo tài chính chưa đánh giá hết được các rủi ro. Mặt khác, số lượng DN đang quản lý là khá lớn nên việc phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ, xác định rủi ro trong hồ sơ khai thuế còn gặp nhiều khó khăn trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế.
- Do việc thanh kiểm tra thuế có nhiều niên độ và mang tính chất phức tạp trong nội dung thanh tra kiểm tra, DN có nhiều thay đổi về nhân sự nên việc giải trình các số liệu kiểm tra thường kéo dài gây mất thời gian và có ảnh hướng đến tiến độ thanh tra, kiểm tra.
* Thiếu đồng bộ khi phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan, các ngành chức năng trong công tác quản lý thuế .
Quản lý thuế chịu tác động từ yếu tố người nộp thuế đến yếu tố môi trường xung quanh. Do vậy, công tác quản lý thuế muốn đạt hiệu quả thì không thể thiếu sự phối hợp của các cơ quan ban ngành như: KBNN thành phố, Bảo hiểm thành phố, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hải Phòng, Sở lao động - thương binh xã hội; sự phối kết hợp thường xuyên giữa các cơ quan này nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin về số dự án đầu tư dự kiến thực hiện, số vốn đầu tư, số lao động của các DN, cũng như thời gian thực hiện dự án là rất cần thiết cho cơ quan thuế trong việc xem xét rủi ro trong thực hiện nghĩa vụ thuế của các DN.
Vì có sự phối hợp với các cơ quan liên quan, các ngành chức năng trong công tác quản lý thuế nên thời gian xin ý kiến các sở ban ngành thường kéo dài, các văn bản qua lại giữa các cơ quan, các ngành chức năng làm phát
sinh thủ tục hành chính gây chậm trễ thời gian thanh tra kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp FDI.
* Khó khăn trong triển khai các ứng dụng tin học
- Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế còn gặp nhiều khó khăn do chính sách thuế thường xuyên có sự thay đổi dẫn đến các chương trình ứng dụng liên tục thay đổi, thời gian triển khai gấp gây khó khăn cho cấp cơ sở;
- Việc đào tạo tin học nâng cao và chuyên sâu về cơ sở dữ liệu, lập trình và quản trị hệ thống... chưa được quan tâm tổ chức thường xuyên;
- Nguồn lực cán bộ về công nghệ thông tin chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhiệm vụ, chưa được đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý doanh nghiệp và phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.
* Hạn chế trong công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế:
Công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế chưa thật sự linh hoạt, hiệu quả:
Có thể dễ dàng nhận thấy, các hình thức tuyên truyền chính sách thuế hiện nay rất đơn điệu, cứng nhắc và không có tính thu hút. Việc tổ chức công tác tuyên truyền về thuế chưa chủ động, không thường xuyên, liên tục cũng như chưa thật sự thống nhất, đồng bộ, chưa đi vào chiều sâu, chưa phong phú và hiệu quả chưa cao.
* Khó khăn về tình hình kinh doanh từ phía doanh nghiệp:
Thực tế hiện nay tình hình suy giảm kinh tế, nhìn chung đã ảnh hưởng tình hình sản xuất kinh doanh của các DN FDI gặp nhiều khó khăn:
- Một số DN FDI hoạt động lĩnh vực gia công xuất khẩu các ngành hàng như may mặc, giầy da... do kinh tế khủng hoảng nên thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra đã bị thu hẹp, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu xuất khẩu và lợi nhuận của DN.
- Đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... do cắt giảm đầu tư công, suy giảm kinh tế đã ảnh hưởng đến sản
lượng tiêu thụ của DN, lượng hàng tồn kho lớn, đã tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
- Các DN duy trì sản xuất kinh doanh ở một mức độbằng cách cắt giảm lao động, giảm giờ làm, giảm thời gian tăng ca...
- Chi phí đầu vào như tiền điện nước, xăng dầu, chi phí lãi suất... đã ảnh hưởng đến hoạt động SXKD và lợi nhuận của DN.
- Đối với các chủ đầu tư là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, việc tìm hiểu, nắm bắt pháp luật về thuế ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, chủ đầu tư có các doanh nghiệp liên kết, liên doanh, quan hệ đa quốc gia, nên đã có hiện tượng tránh thuế, trốn thuế cho nên công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thuế gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
- Kế toán ở một số doanh nghiệp chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kế toán, tài chính (do là người nước ngoài hoặc không được đào tạo đúng chuyên môn ngành kế toán).
Trên đây là những nội dung cơ bản về DN FDI; đánh giá phân tích thực trạng, những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại trong công tác quản lý thuế đối với các DN FDI trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại này, tác giả kiến nghị một số biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với các DN FDI ở Chương 3.