Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.3. Những vấn đề bất cập của các chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm
Chủ trương thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho đô thị hoá, phát triển các khu công nghiệp là một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng và Nhà
nước ta. Xét về tổng thể, việc phát triển các cụm, khu công nghiệp sẽ thu hút được nhiều lao động có tay nghề, nâng cao được năng suất và chất lượng sản phẩm tạo ra giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên việc thực hiện chủ trương này sẽ khiến cho một bộ phận lớn dân cư làm nông nghiệp rơi vào tình trạng mất việc làm. Chính vì vậy, cần phải có những chính sách và giải pháp hỗ trợ đảm bảo về thu nhập, điều kiện sống và việc làm cho lực lượng lao động trong các vùng quy hoạch phát triển đô thị.
Để thực hiện chủ trương trên, Nhà nước đã ban hành các chính sách bồi thường cho các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi bằng tiền đã bù đắp được một phần ảnh hưởng đó, điều này được thể hiện ở các mặt sau:
- Trước hết là người dân có một khoản tiền khá lớn từ tiền bồi thường, hỗ trợ và có thể sử dụng làm phương tiện sinh kế.
-Khoản tiền bồi thường giúp giải quyết những khó khăn của nông hộ do mất đất nông nghiệp, khoản tiền bồi thường chính là tiền vốn giúp nông hộ tạo ra thu nhập mới, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông hộ.
- Đầu tư cho con em học, đào tạo nghề tạo tiền đề ổn định cuộc sống về sau.
Bên cạnh những thành tích đáng khích lệ, chính sách hỗ trợ giải quyết về lao động việc làm trên địa bàn Huyện cũng bộc lộ những tồn tại, bất cập cần nghiêm túc xem xét, khắc phục, có giải pháp phù hợp. Đó là những vấn đề khách quan và chủ quan liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, công tác quy hoạch; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội gắn với lao động việc làm, công tác đào tạo nghề; trách nhiệm của chính quyền, người lao động và người sử dụng lao động.
Chính sách bồi thường, hỗ trợ mới tập trung quan tâm đến bồi thường thiệt hại vật chất, chưa chú trọng đến chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động nông nghiệp bị thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ đều thực hiện bằng hình thức chi trả tiền trực tiếp cho tổ chức, cá nhân trong diện
giải phóng mặt bằng. Thực tế trên đã dẫn đến tình trạng người bị thu hồi đất chủ yếu sử dụng khoản tiền này để phục vụ nhu cầu mua sắm, sinh hoạt...mà ít quan tâm đến học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm.
3.3.1. Nguyên nhân của những hạn chế
Quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá đang diễn ra nhanh chóng với tốc độ cao, tư duy, nhận thức, cơ chế chính sách chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm, thất nghiệp và các vấn đề xã hội bức xúc ở khu vực thu hồi đất chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp.
Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp ( người sử dụng lao động), hệ thống thông tin đại chúng chưa quan tâm đồng bộ và thường xuyên đối với vấn đề học nghề, chuyển nghề, lao động việc làm của người dân sản xuất nông nghiệp bị thu hồi đất.
Người dân sản xuất nông nghiệp trong diện được bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa có ý thức chủ động học tập, chuyển đổi nghề để có việc làm ổn định cuộc sống, chưa biết sử dụng có hiệu quả kinh phí bồi thường
3.3.2. Đánh giá chung
Việc thu hồi đất nông nghiệp phục vụ cho xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp là một yêu cầu khách quan, mang tính tất yếu trong quá trình CNH-HĐH đất nước. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới trên địa bàn huyện Từ Liêm nói riêng và cả nước nói chung. Cần nhận thức rằng đây là điều kiện và thời cơ tốt để giúp chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ.
Muốn làm được việc đó, đi đôi với quy hoạch sử dụng đất, chính quyền địa phương cần làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho người dân thuộc diện thu hồi đất, đồng thời phổ biến, tư vấn cho người dân sử dụng hợp lý khoản tiền bồi thường thu hồi đất.
Vấn đề bức xúc đối với việc giải quyết việc làm, thu nhập, điều kiện sống của người dân có đất nông nghiệp bị thu hồi không diễn ra đồng đều trong địa bàn của Huyện. Những tác động tiêu cực đáng lo ngại như tình trạng lao động không có việc làm trước và sau khi bị thu hồi đất tăng nhanh, trình độ văn hoá và trình độ tay nghề còn ở mức thấp, tình trạng ô nhiễm môi trường ở những khu vực gần các khu công nghiệp ngày càng trở nên bức xúc, các tệ nạn xã hội tăng nhanh,…
Thêm vào đó, cần có kế hoạch đào tạo nghề cho những người bị thu hồi đất phù hợp với yêu cầu của thị trường và có kế hoạch sử dụng họ sau khi đào tạo. Một việc cũng không kém phần quan trọng là tăng cường các hỗ trợ về vốn vay và thông tin về thị trường lao động, giúp người lao động sau khi bị thu hồi đất có thể tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.