Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.4. Đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho lao đông thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp
3.4.1. Giải pháp về cơ chế chính sách
Nội dung cơ bản của các chủ trương chính sách hiện nay của Nhà nước hướng vào giải phóng tiềm năng lao động, đất đai khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực mới cho nông dân phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, nhất là trong kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nông thôn…; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập; tạo việc làm đầy đủ cho lao động nông thôn, nông dân, đặc biệt là vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nâng cao giá trị việc làm cho lao động nông thôn, nông dân.
Vướng mắc lớn nhất trong giải quyết việc làm, thu nhập và đời sống của người dân có đất bị thu hồi là các chính sách hiện nay vẫn chưa đồng bộ, chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, cần phải xác định và thực
hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp để họ có điều kiện ổn định cuộc sống, phổ cập giáo dục, học nghề, chuyển đổi nghề và việc làm, có thu nhập ổn định để cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.
* Chính sách liên quan tới bồi thường hỗ trợ cho người dân khi thu hồi đất nông nghiệp
Trước hết, Nhà nước và chính quyền thành phố khi xây dựng chính sách liên quan tới thu hồi đất cần thống nhất quan điểm sau:
Thứ nhất, việc thu hồi đất không phải chỉ là một công việc đơn giản là đưa ra các văn bản hành chính và thực hiện các văn bản đó, mà nó còn tác động tới nhiều mối quan hệ trong xã hội. Do đó, khi xây dựng chính sách liên quan tới thu hồi đất thì trước hết cần tìm hiểu rõ về địa phương nơi có đất bị thu hồi để đưa ra những phương pháp xử lý phù hợp với hoàn cảnh đặc thù của địa phương đó.
Thứ hai, khi xây dựng chính sách cần chú ý tới nguyên tắc: người có đất bị thu hồi không phải là nạn nhân của sự phát triển mà là người đóng góp vào sự phát triển xã hội nên cần được hưởng lợi ích xứng đáng từ sự phát triển.
Thứ ba, việc thu hồi đất phải được thực hiện theo thể thức pháp lý chặt chẽ, đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước và người có đất bị thu hồi.
* Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho người lao động.
Ban hành cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân, trong đó hình thành cơ chế 3 bên. Một bên là các doanh nghiệp lấy đất và có nhu cầu tuyển dụng lao động. Bên thứ hai là chính quyền địa phương, nơi có người dân bị thu hồi đất và cuối cùng là cơ sở đào tạo. Nếu là lấy lao động phổ thông thì cơ chế hai bên là chính quyền xã và nhà tuyển dụng. Nếu là lao động kỹ thuật thì phải áp dụng cơ chế 3 bên như trên. Trường hợp cơ sở đào tạo đã đào tạo đúng ngành nghề mà nhà tuyển dụng yêu cầu thì bắt buộc doanh nghiệp đó phải tuyển dụng, không để tình trạng doanh nghiệp hứa rồi không tuyển dụng.
Cần nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, việc lập kế hoạch phải dựa trên các phương pháp hiện đại và quy hoạch tổng thể của thành phố và của huyện, trên cơ sở khai thác được năng lực, thế mạnh của các cơ sở đào tạo. Từ đó có giải pháp cụ thể từng năm cho từng ngành trong lĩnh vực kinh tế - xã hội. Cần xác định:
- Đối tượng đào tạo: chú trọng lực lượng trong độ tuổi lao động từ 18 tuổi đến 60 tuổi.
- Hướng đào tạo nghề phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người lao động, phải gắn với nhu cầu của thị trường. Tuỳ vào thế mạnh của huyện trong các lĩnh vực phát triển kinh tế mà ta có thể hướng người dân lựa chọn nghề nghiệp khác nhau.
Công nghiệp, xây dựng, giao thông: Đây là lĩnh vực phát triển tương đối thuận lợi, cần khuyến khích nông dân học các nghề như: lái xe, sửa chữa ô tô, xe máy, xây dựng, điện dân dụng, cơ khí, gò, hàn phục vụ nhu cầu của xã hội.
Tiểu thủ công nghiệp: Chú trọng đào tạo và phát triển tiểu thủ công nghiệp tại địa phương nhằm thu hút lao động tại chỗ, như: may mặc, thêu, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, hàng thủ công mỹ nghệ, mộc dân dụng phục vụ nhu cầu xây dựng…
- Lựa chọn các hình thức đào tạo bồi dưỡng nghề: có hai hình thức là đào tạo nghề dài hạn và đào tạo ngắn hạn.
Khuyến khích đào tạo các nghề mới xuất phát từ nhu cầu của xã hội phát sinh từ sự phát triển của nền kinh tế, của thị trường.
- Gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm:
Huyện nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn Huyện để các doanh nghiệp này có thể ưu tiên tuyển lao động bị thu hồi đất nông nghiệp đã qua đào tạo nghề về làm việc tại doanh nghiệp. Cung cấp thông tin về các hội chợ việc làm và sàn giao dịch
việc làm trên địa bàn huyện và thành phố đến người lao động đang trong đào tạo để họ có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp.