Chương 3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.4. Đề xuất giải pháp nhằm hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho lao đông thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp
3.4.2. Giải pháp về kinh tế, xã hội
*Khai thác và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá của huyện Từ Liêm
Mỗi địa phương đều có những đặc thù riêng, chính vì vậy trước khi đưa dự án đầu tư vào địa phương cần điều tra điều kiện từng nơi để có các chính sách tạo việc làm cho người lao động bị thu hồi đất sao cho phù hợp. Mặc dù các khu công nghiệp xây dựng lên có thể thu hút nhiều lao động vào làm việc, nhưng không phải đối tượng nào cũng đáp ứng được yêu cầu của quá trình sản xuất, do đó cần phát triển đa dạng các ngành nghề ở địa phương để đáp ứng nhu cầu việc làm của đại đa số các đối tượng.
Trong thời gian tới cần tiếp tục chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là nghề truyền thống để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trong huyện, đặc biệt là lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp. Cần tập trung vào các giải pháp cụ thể như:
Thứ nhất, xây dựng quy hoạch phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống theo từng vùng:
Xã Tây Mỗ: tập trung phát triển nghề dệt thêu ren.
Xã Đại Mỗ: tập trung phát triển nghề hàng nan với các sản phẩm đan mũ nan, đồ thủ công mây tre đan.
Xã Xuân Đỉnh: tập trung phát triển nghề chế biến mứt, bánh trung thu.
Xã Liên Mạc: phát triển nghề làm đậu phụ.
Xã Mễ Trì: Phát triển nghề làm bún, làm cốm.
Bên cạnh việc phát triển các ngành nghề truyền thống ở các xã trên, cần đẩy mạnh phát triển các nghề tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn toàn Huyện như may mặc, mộc dân dụng, thủ công mỹ nghệ…
Thứ hai, Huyện cần có chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề truyền thống, cụ thể như :
- Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp với những năm đầu cho các cơ sở làm nghề truyền thống, miễn giảm thuế những năm tiếp theo cho các cơ sở sản xuất có quy mô lao động lớn.
- Cho các chủ sản xuất vay vốn với lãi suất ưu đãi.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh có quy mô lao động lớn thuê đất để hoạt động sản xuất, tuỳ từng ngành nghề, miễn giảm tiền thuê đất.
- Ưu tiên vị trí thuận lợi để xây dựng xưởng sản xuất tập trung.
Thứ ba, Huyện cần có chính sách khuyến khích du nhập nghề mới . Thứ tư, đào tạo bồi dưỡng trình độ quản lý kinh doanh đối với các chủ cơ sở sản xuất.
Thứ năm, các cấp, các ngành huyện Từ Liêm nên tập trung tuyên truyền, mở các buổi hội thảo để các chủ sản xuất, các hộ gia đình, người nông dân có điều kiện học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và cách làm, cùng giúp đỡ nhau làm kinh tế.
Thứ sáu, Huyện cần có các chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làm nghề truyền thống đầu tư theo chiều sâu, đổi mới máy móc, thiết bị, hiện đại hoá công nghệ
Thứ bảy, Huyện cần cố gắng mở rộng quan hệ hợp tác, giao lưu, tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm của các ngành nghề truyền thống, giúp người dân an tâm sản xuất.
Thứ tám, khuyến khích thành lập các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, hợp tác xã làm nghề truyền thống, các hợp tác xã này có ưu thế là nguồn vốn lớn, có thể tiến hành sản xuất tập trung, thuận lợi cho việc đầu tư đổi mới công nghệ, quy mô sản xuất lớn, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường.
* Quy hoạch hợp lý các chợ và các trung tâm thương mại
Với lao động khó chuyển đổi nghề thì cần tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực mà các lao động này có khả năng tham gia. Qua phân tích ở phần thực trạng ở trên ta thấy một khả năng hợp lý để tạo việc làm cho những lao động khó chuyển đổi nghề là tạo điều kiện cho họ được buôn bán kinh doanh trong các chợ, các trung tâm thương mại bởi vì những công việc đó thường là buôn bán nhỏ nên cần ít vốn, kỹ năng bán hàng đơn giản. Mỗi chợ và trung tâm thương mại có thể tạo được số lượng khá lớn việc làm cho người dân bị thu hồi đất.
* Củng cố hoạt động dịch vụ tạo việc làm
Nguyên nhân thiếu thông tin về việc làm là một trong những nguyên nhân chủ yếu chỉ sau nguyên nhân về trình độ của người lao động làm cho tỷ lệ thất nghiệp của lao động mất đất thời điểm sau khi thu hồi đất lớn hơn rất nhiều so với thời điểm trước khi thu hồi đất. Hệ thống thông tin chưa đầy đủ, chưa thực sự trợ giúp được cho người lao động trong việc tìm việc làm.
Do vậy, trong thời gian tới để khắc phục tình trạng này, chính quyền địa phương cần có sự phối hợp với các Trung tâm giới thiệu việc làm để có thêm thông tin về thời gian và địa điểm tổ chức, sau đó tuyên truyền cho người lao động địa phương mình có thể qua đài, báo, áp phích, băng rôn… nhằm giúp cho người lao động, đặc biệt là những lao động mất đất có cơ hội đến các hội chợ tìm việc làm cho bản thân, hoặc ít ra là để tìm hiểu yêu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó có hướng đào tạo cho bản thân.
Ngoài ra một dịch vụ tạo việc làm khác cũng không kém phần quan trọng đó là các trung tâm giới thiệu việc làm. Trong thời gian tới huyện Từ Liêm cần giải quyết những vấn đề sau:
- Tuyên truyền phổ biến thông tin và nâng cao nhận thức của người lao động, của các cơ sở đào tạo nghề, của doanh nghiệp về vai trò của các trung
tâm giới thiệu việc làm. Đồng thời Huyện và thành phố cũng nên có sự quan tâm, hỗ trợ các trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn như miễn thế, giảm thuế đối với những trung tâm mà giới thiệu việc làm cho nhiều lao động…
- Xây dựng website kết nối giữa các trung tâm giới thiệu việc làm để tạo điều kiện tìm kiếm, trao đổi thông tin về lao động, việc làm, tiếp thu kinh nghiệm về giới thiệu việc làm.
- Phối hợp chặt chẽ giữa các trung tâm giới thiệu việc làm và các cơ sở dạy nghề, tạo điều kiện trao đổi thông tin về lao động.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ giới thiệu việc làm, kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan chủ quản của các trung tâm giới thiệu việc làm để cùng quản lý hoạt động giới thiệu việc làm. Cần chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm của các trung tâm giới thiệu việc làm.
* Xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một giải pháp có ý nghĩa trong việc giải quyết việc làm cho những lao động thuộc diện bị thu hồi đất nông nghiệp hiện chưa có việc làm, đây là một biện pháp để giảm sức ép việc làm ở địa phương.
Trong thời gian tới để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu lao động thì Huyện cần chú trọng giải quyết các vấn đề sau:
- Tập trung chủ động quan hệ với các cơ quan, doanh nghiệp được phép của Nhà nước đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài để tạo nguồn cung cho các hoạt động xuất khẩu lao động từ nguồn lao động của Huyện.
- Nâng cao nhận thức của lao động mất đất đối với hoạt động xuất khẩu lao động, cho họ thấy được những lợi ích mà xuất khẩu lao động đem lại.
Hướng dẫn cho người dân hiểu về quy trình xuất khẩu lao động để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng khi họ muốn tham gia xuất khẩu lao động.
- Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các
cơ sở dạy nghề tổ chức giáo dục, định hướng cho người lao động trước khi tham gia xuất khẩu lao động về các mặt: trình độ tay nghề, kỷ luật lao động, ngoại ngữ, văn hoá và phong tục của nước mà người lao động sẽ đến.
- Huyện cần có chính sách hỗ trợ và ưu đãi tín dụng đối với những lao động thuộc diện thu hồi đất nông nghiệp tham gia xuất khẩu lao động.
- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu lao động.
Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động được phép hoạt động trên địa bàn Huyện phải thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên, đột xuất và chịu sự kiểm tra của với ủy ban nhân dân huyện. Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành và người dân trong việc phòng, chống các hành vi tiêu cực, lừa đảo trong xuất khẩu lao động.