Đến năm 2016, sau nhiều chỉ đạo sâu sát của Bộ Tư pháp và sự quan tâm của chính quyền địa phương, hiện nay đa số Lãnh đạo UBND các tỉnh nhận thức đúng và đồng thuận thực hiện chủ trương chuyển giao việc bán đấu giá quyền sử dụng đất từ các Hội đồng bán đấu giá sang cho các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp thực hiện.
1.5.1 Đấu giá quyền sử dụng đất tại Hà Nội
Theo Kế hoạch số 29/KH-UBND ngày 20/02/2013 của UBND Thành phố Hà Nội về việc thực hiện các dự án đấu giá QSDĐ năm 2013 của Thành phố, năm 2013 trên địa bàn Hà Nội có 30 dự án đấu giá QSDĐ, với tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 238,5 ha, dự kiến thu về khoảng 2.000 tỷ đồng cho ngân sách. Song đến nay, theo thống kê của Sở KH-ĐT, 9 tháng năm 2013,
công tác đấu giá QSDĐ toàn thành phố mới đạt 38,6% kế hoạch với số tiền thu về là 772,4 tỷ đồng (An Trần,2013) [34].
Theo Báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, Thành phố đã vượt kế hoạch thu ngân sách từ đấu giá QSDĐ trong năm 2014. Cụ thể, công tác đấu giá đất trên địa bàn Thành phố năm 2014 đã thu được 1.752 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch. Thành phố Hà Nội trước đó đã ban hành kế hoạch thực hiện các dự án đấu giá QSDĐ trên địa bàn Thành phố trong năm 2014 với 34 dự án đất đấu giá có tổng diện tích 42,65 ha. Việc thu ngân sách từ đấu giá đất vượt chỉ tiêu cho thấy, khách hàng đã mua sản phẩm đất đấu giá đất với giá cao hơn rất nhiều mức giá sàn trong nhiều phiên đấu giá.
Điểm mới trong công tác đấu giá QSDĐ năm 2014 là thực hiện Quyết định số 6187/QĐ-UBND ngày 25/11/2014 của UBND Thành phố về việc thành lập Hội đồng đấu giá QSDĐ thành phố, từ tháng 12/2014, Sở TN&MT đã trình Thành phố phê quyệt 5 phương án đấu giá thực hiện dự án đầu tư [41].
Theo kế hoạch, năm 2015 toàn Thành phố dự kiến đấu giá là 54 dự án, diện tích đấu giá là 56 ha, tổng thu từ đấu giá là 2.640 tỷ đồng. Trong đó, đấu giá quỹ đất do thành phố quản lý là 12 dự án, do cấp huyện quản lý là 12 dự án. Bước sang năm 2015, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục, thì nhiều, quận huyện vẫn liên tục tổ chức đấu giá QSDĐ thành công. Mỗi phiên đấu giá luôn có số lượng người đăng ký gấp vài lần số thửa đất và mức tiền trúng đấu giá chênh lệch nhiều so với dự kiến.
Theo kết quả tổng hợp công tác đấu giá trên địa bàn Thành phố, năm 2015, Hà Nội có 21 quận, huyện, thị xã và Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội tổ chức đấu giá QSDĐ, với diện tích đất tổ chức đấu giá 18,1 ha, số tiền trúng đấu giá là 3.230 tỷ đồng, đạt 122% kế hoạch (Phong Vân, 2015) [41].
Năm 2016, trên địa bàn Hà Nội có 20 đơn vị tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, với diện tích đất tổ chức đấu giá là 23,8 ha, số tiền trúng đấu giá là 4.221 tỷ đồng/3.050 tỷ đồng được giao, đạt 138% kế hoạch.Tiền thu từ đất đạt
khoảng 28.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng thu ngân sách thành phố;
trong đó, tiền sử dụng đất khoảng 22.400 tỷ đồng, tiền thuê đất 4.256 tỷ đồng và các khoản thu khác.
Năm 2016, mặc dù ngành đã hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu của thành phố trong các lĩnh vực như đấu giá quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ, bảo vệ môi trường, cải cách thủ tục hành chính, xử lý vi phạm đất đai…, song công tác giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp vẫn còn rất chậm. Nguyên nhân do nguồn lực cho giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật quỹ đất dịch vụ còn hạn chế (Minh Nghĩa, 2017) [39].
1.5.2 Đấu giá quyền sử dụng đất tại Hải Phòng
Năm 2013, ở Hải Phòng dự kiến có gần 50 ha đất được đưa vào đấu giá QSDĐ. Tuy nhiên, mới có huyện Kiến Thụy triển khai đấu giá được 56 lô đất với diện tích 10.603 m2 và 1 ha đất do TT phát triển quỹ đất quản lý được tổ chức đấu giá. Còn lại hầu hết các dự án đấu giá đang ở giai đoạn… chuẩn bị.
Hiện nay, thành phố chưa có quy định cụ thể việc trích lại % kinh phí từ nguồn đấu giá đất cho các trung tâm phát triển quỹ đất duy trì hoạt động. Do đó, hiện trung tâm không có kinh phí để chi lương cán bộ, công nhân viên chức lao động, ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ công tác đấu QSDĐ.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường năm 2014, toàn thành phố tổ chức đấu giá QSDĐ hơn 20,4 ha đất, với số tiền trúng đấu giá hơn 336,8 tỷ đồng. Trong đó, đấu giá đất xen kẹt gần 10,6 ha với tổng số tiền thu nộp ngân sách đạt hơn 241,9 tỷ đồng; đấu giá theo kế hoạch được hơn 9,8 ha.
Đáng chú ý, nhiều quận, huyện thu từ đấu giá QSDĐ vượt mức kế hoạch đề ra. Quận Hồng Bàng vượt mức kế hoạch gần 72%, An Dương vượt 47%, Tiên Lãng hơn 10%,…(Nguyên Mai, 2015) [36].
Trong năm 2015, các quận, huyện của TP đề ra mục tiêu thu khoảng hơn 500 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu
này, UBND thành phố cần sớm hoàn thiện, thống nhất cơ sở pháp lý về đấu giá đất phù hợp Luật Đất đai 2013 (Bộ Tư Pháp, 2015a) [4].
1.5.3 Tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh Hà Tĩnh Những năm qua, kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh liên tục tăng trưởng và phát triển ổn định. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hoạt động đấu giá tài sản nói chung, đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất nói riêng đã trở thành nhu cầu đòi hỏi thực tế của nền kinh tế. Trước đây, việc bán đấu giá QSDĐ được thực hiện theo Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá tài sản; Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đấu giá QSDĐ để giao đất có thu tiền SDĐ hoặc cho thuê đất.
Nhiều đơn vị cấp huyện đã tổ chức bán đấu giá QSDĐ thành công, với giá trị tài sản lớn, thu chênh lệch giữa giá khởi điểm với giá bán tài sản cao như: thành phố Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ, thị xã Hồng Lĩnh… được đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, tăng thu cho ngân sách nhà nước, ngăn ngừa tham nhũng tiêu cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương.
Tuy nhiên, trước yêu cầu quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, nhất là quyền sử dụng đất đòi hỏi ngày càng phải chặt chẽ, hoạt động bán đấu giá cần được tập trung và từng bước xã hội hóa mang tính chuyên nghiệp cao. Vì vậy ngày 04/3/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2010/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010) thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP về đấu giá tài sản; ngày 06/12/2010 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 23/2010/TT- BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP.
Ngày 27/4/2015 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Quyết định số 17/2015/QĐ-UBND về việc ban hành quy định tạm thời trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, song việc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành còn nhiều lúng
túng, bất cập như: nhiều huyện vẫn tiếp tục thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất; tổ chức bán đấu giá QSDĐ theo trình tự quy định cũ của UBND tỉnh mà không ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức bán đấu giá. Cá biệt còn có những đơn vị khi tổ chức bán đấu giá QSDĐ đã vi phạm các thủ tục thông thường như: tổ chức thông báo, niêm yết việc bán đấu giá QSDĐ không đủ số lượng và thời gian quy định; biên bản bán đấu giá QSDĐ áp dụng văn bản đã hết hiệu lực... gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi thẩm định, phê duyệt kết quả bán đấu giá.
Đến nay sau nhiều năm triển khai thực hiện Nghị định 17/2010/NĐ-CP của chính phủ, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất của Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt của Tỉnh Hà Tĩnh được triển khai nhịp nhàng, đúng kế hoạch. Tuy nhiên việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian qua, do sự trầm lắng của thị trường nhà đất cùng với các nguyên nhân khác như vị trí, mức giá các quỹ đất đấu giá chưa thực sự hấp dẫn... nên số ô đất đấu giá thành công chiếm tỷ lệ thấp so với quỹ đất đưa vào đấu giá.
Mặt khác mật độ tổ chức các cuộc đấu giá chưa nhiều do vậy quá trình thực hiện tổ chức đấu giá của Tỉnh Hà Tĩnh chưa bộc lộ khó khăn, vướng mắc mà khó tháo gỡ. Trong thời điểm hiện tại Hội đồng đấu giá tài sản trong trường hợp đặc biệt của tỉnh vẫn đảm nhiệm tốt nhiệm vụ đó là tổ chức thành công các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo an toàn, đúng trình tự theo quy định. (Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hà Tĩnh, 2015) [27].
CHƯƠNG II