Chương 1: LÝ LUẬN CHUNG VỀ BẢN QUYỀN ĐỐI VỚI SÁCH ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM
2.1. CHỦ THỂ CÓ QUYỀN ĐỐI VỚI BẢN QUYỀN SÁCH ĐIỆN TỬ
2.1.4. Các quyền của chủ sở hữu quyền tác giả
Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005 chủ sở hữu quyền tác giả có các dạng sau:
Chủ sở hữu quyền tác giả là tác giả
Theo Điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tác giả sáng tạo ra tác phẩm bằng việc sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kĩ thuật của mình để sáng tạo ra các tác phẩm có các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm”.
Tác giả có toàn quyền về tác phẩm do chính mình sáng tạo ra, tác giả được bảo hộ quyền tài sản và lẫn cả quyền nhân thân bằng việc bỏ thời gian, công sức, tài chính đầu tư vào việc sáng tác và thể hiện tác phẩm không theo một hợp đồng nào.
Ví dụ: Nhà văn X tự sáng tác ra tác phẩm Y bằng việc đầu tư thời gian, công sức và tiền bạc. Nên nhà văn X hoàn toàn có toàn bộ các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm của mình. Mặc khác, nếu X sáng tác tác phẩm Y cho nhà xuất bản Z bằng hợp đồng thì X chỉ có quyền nhân thân đối với tác phẩm.
Có thể nói tác giả là người nắm độc quyền thực hiện hoặc cho người khác thực hiện các quyền mà tác giả nắm theo Luật Sở hữu trí tuệ. Chủ thể khác có nhu cầu sử dụng tác phẩm phải xin phép, trả tiền thù lao và nhuận bút, các quyền lợi khác cho tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả là đồng tác giả
Tác phẩm do các đồng tác giả tạo nên cũng phải trải qua quá trình đầu tư thời gian, tiền bạc và công sức trí tuệ để tạo ra tác phẩm. Vì vậy, các đồng tác giả cũng có các quyền nhân thân và tài sản đối với phần tác phẩm mà mình tạo ra (Điều 38 Luật Sở hữu trí tuệ 2005). Việc phân chia quyền tác giả trong trường hợp chủ sở hữu quyền là đồng tác giả có thể chia được và không phân chia được.
Quyền tác giả có thể chia được là trường hợp tác phẩm có thể chia theo từng phần để sử dụng độc lập và những phần tác phẩm được chia này phải tương ứng với phần đóng góp của mỗi đồng tác giả, cũng như tương ứng với phần quyền mà đồng tác giả được hưởng khi tác giả được phân chia.
Quyền tác giả không phân chia được là trường hợp tác phẩm do các đồng tác giả sáng tạo nên nhưng không thể phân chia tác phẩm ra từng phần tương ứng với phần đóng góp của đồng tác giả để sử dụng độc lập.
Như vậy, đối với tác phẩm mà quyền tác giả không thể phân chia thì cá nhân, tổ chức muốn khai thác thì phải được sự đồng ý của các đồng tác giả, nếu đồng tác giả chết thì phải được sự đồng ý của người thừa kế. Đối với tác phẩm mà phần quyền tác giả của các đồng tác giả có thể phân chia thì chỉ cần sự đồng ý của các tác giả là chủ sở hữu phần quyền tác giả mà cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng; nếu muốn khai thác trọn vẹn tác phẩm thì phải được sự đồng ý của tất cả các đồng tác giả.
Chủ sở hữu quyền tác giả là cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ cho tác giả hoặc giao kết hợp đồng với tác giả
“Cơ quan, tổ chức giao nhiệm vụ sáng tạo tác phẩm cho tác giả là người thuộc tổ chức mình hoặc giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu đối với một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản” (Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ).
Quyền của chủ sở hữu phát sinh ngay từ khi tác phẩm được tác giả thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định, tức là thời điểm phát sinh quyền tác giả. Tác giả thực hiện công việc sáng tác của mình theo yêu cầu của chủ thể có quyền khác (cơ quan, tổ chức, cá nhân), họ là người bỏ ra tài chính, vật chất kĩ thuật để tác giả thực hiện công việc.
Công việc được thực hiện theo hợp đồng hoặc nhiệm vụ và quyền tài sản thuộc về cơ quan, tổ chức, cá nhân giao nhiệm vụ hoặc thuê theo hợp đồng.
Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế
Thừa kế là sự chuyển dịch quyền sở hữu đối với tài sản của người chết sang cho người hoặc người còn sống theo ý nguyện của người quá cố hoặc theo quy định của pháp luật.
“Tổ chức, cá nhân, cơ quan được thừa kế quyền tác giả theo quy định của pháp luật thừa kế và các quy định pháp luật khác có liên quan là chủ sở hữu các quyền tài sản đối với quyền tác giả được thừa kế” (Điều 40 Luật Sở hữu trí tuệ).
Trường hợp thừa kế trong sáng tác có đồng tác giả theo quan điểm của người viết thì thừa kế sẽ được chia trong phần tác giả sáng tác nếu tác phẩm sáng tác theo phần tác giả sáng tác trong toàn bộ tác phẩm. Nếu tác phẩm không có phần sáng tác riêng mà toàn bộ tác phẩm là chung, thống nhất thì việc thừa kế sẽ chia theo thỏa thuận phần công sức đóng góp, sáng tác.
Về thời hạn của quyền tác giả trong trường hợp này có sự khác biệt nhất định, kết hợp từ quy định của Điều 40 (Chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế) và Điều 27 (Thời hạn bảo hộ quyền tác giả) của Luật Sở hữu trí tuệ, tác có các thời gian được hưởng quyền sở hữu đối với quyền tác giả cho từng trường hợp cụ thể.
Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao quyền
Tổ chức, cá nhân được chuyển nhượng toàn bộ quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm (Điều 41 Luật Sở hữu trí tuệ) theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp này có quyền sở hữu đối với quyền tác giả la do hiệu lực của một hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả. Người chuyển nhượng có thể là tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ), có thể là cơ quan, tổ chức, cá nhân. Khi hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả có hiệu lực thì người được chuyển nhượng sẽ là chủ sở hữu đối với một phần hay toàn bộ quyền như được thỏa thuận trong hợp đồng.
Về thời gian sở hữu quyền tác giả sẽ tùy thuộc và loại hình tác phẩm và tác giả còn sống hay đã chết.
Chủ sở hữu tác phẩm là Nhà nước
Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với: tác phẩm khuyết danh; tác phẩm còn trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu quyền tác giả chết không còn người thừa kế, người từ chối nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản; tác phẩm được chủ sở hữu quyền tác giả chuyển giao quyền sở hữu cho Nhà nước (Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ).
Đối với tác phẩm khuyết danh, nếu do cá nhân, tổ chức đang quản lý thì tổ chức cá nhân đó được phép chuyển nhượng quyền sở hữu, được hưởng thù lao cho đến khi xác định được danh tính tác giả thực sự của tác phẩm (Điều 28 Nghị định 100/2006/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bằng Nghị định 85/2011/NĐ-CP). Theo đó quyền sở hữu tác phẩm khuyết danh chỉ thuộc về sở hữu Nhà nước khi tác phẩm đó không có người quản lý và thuộc về chủ sở hữu thật sự khi danh tính của chủ sở hữu được xác định. Quy định này một phần để bảo vệ những người đã có công quản lý bảo vệ quyền tác giả của tác phẩm, đồng thời, Nhà nước cũng đảm bảo không để quyền tác giả bị xâm phạm nếu tác phẩm đó không có người quản lý.
Theo pháp luật về thừa kế: “Trong trường hợp không có người thừa kế theo di chúc, theo pháp luật hoặc có nhưng không được quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản thì tài sản còn lại sau khi đã thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà không có người nhận thừa kế thuộc về Nhà nước” (Điều 644 Bộ luật Dân sự 2005). Như vậy, đối với tài sản là quyền sở hữu trí tuệ mà Nhà nước được thừa kế chỉ thuộc về Nhà nước đối với phần còn lại sau khi đã thực hiện xong nghĩa vụ của người để lại di sản.
Cá nhân, tổ chức muốn khai thác quyền tác giả thuộc sở hữu Nhà nước phải thông qua cơ quan đại diện quản lý quyền tác giả của Nhà nước là Cục bản quyền tác giả Văn học – Nghệ thuật (Điều 29 Nghị định 100/2006/NĐ-CP).
Về thời hạn bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm thuộc sở hữu Nhà nước cũng theo quy định chung về thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Tác phẩm thuộc về công chúng
Tác phẩm được bảo hộ bằng quyền tác giả trong một thời hạn nhất định. Nếu hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm sẽ không còn được bảo hộ nữa. Mặc dù tác phẩm là tài sản văn hóa do một số cá nhân sáng tạo ra, nhưng do có nhiều người sử dụng nên tác phẩm sẽ thuộc về xã hội. Khi hết thời hạn nhất định, toàn xã hội có thể sử dụng tác phẩm một cách tự do. Do vậy, tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả sẽ thuộc về công chúng.
Phạm vi thuộc về công chúng bao gồm các tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian, các công trình sáng tạo như văn học, nghệ thuật đã kết thúc thời hạn bảo hộ (Điều 43 Luật Sở hữu trí tuệ), khi đó tác phẩm này không thuộc sở hữu của một cá nhân hay một chủ thể nào mà thuộc về tất cả mọi người. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian và các sáng tạo đã kết thúc thời hạn bảo hộ này được coi như là một phần của văn hóa và di sản
tri thức chung của cộng đồng, bất kì ai cũng có thể sử dụng và thu lợi từ chúng trong khuôn khổ của pháp luật về sở hữu trí tuệ.