Chương 3: THỰC TRẠNG, NGUYÊN NHÂN XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI SÁCH ĐIỆN TỬ, GIẢI PHÁP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN
3.4. MỘT SỐ GIẢI PHẢI PHÁP VÀ PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT
3.4.1. Một số giải pháp
Trong cuộc chiến chống các hành vi xâm phạm bản quyền cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng cũng như các tổ chức, cá nhân liên quan. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại về xâm phạm tài sản Sở hữu trí tuệ trong môi trường kĩ thuật số ngày càng phát triển như hiện nay.
3.4.1.1. Giải pháp từ phía cơ quan Nhà nước
Đối với thực trạng xâm phạm bản quyền đối với sách điện tử nói riêng và vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung như hiện nay. Ở nhiều nước trên thế giới có các cơ quan thực thi xử lý khác nhau. Tuy nhiên, các cơ quan này đều có những điểm chung giữa các quốc gia với hệ thống hành chính đầy đủ các cơ quan chuyên môn với những nhiệm vụ quản lý khác nhau.
Tòa án: việc áp dụng các biện pháp dân sự, hình sự để xử lý các vụ việc xâm phạm bản quyền, quyền tác giả và quyền liên quan đối với sách điện tử nên thuộc về thẩm quyền của Tòa án. Vì mệnh lệnh của Tòa án có tính cưỡng chế với mọi đối tượng nên hầu hết các vụ tranh chấp liên quan đến quyền tác giả nói chung và liên quan đến xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung nên được xử lý tại Tòa án. Tại Việt Nam, Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả cụ thể được quy định tại Bộ luật
dân sự và một số nghị định hướng dẫn. Ngoài ra, Tòa án có quyền ra quyết định các biện pháp cần thiết để xử lý xâm phạm dựa trên sự xem xét hợp lý các hành vi vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
Chính phủ: Chính phủ thực hiện nhiệm vụ thống nhất Nhà nước về bảo hộ bản quyền trên phạm vi cả nước. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ chống lại các hành vi xâm phạm bản quyền bằng việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các nghị định, thông tư liên quan và yêu cầu các chủ thể có quyền và nghĩa vụ thực hiện theo những văn bản pháp luật này. Tránh những văn bản mang tính chỉ đạo lại chồng chéo, đảm bảo sự minh bạch và rõ ràng, phù hợp với tinh thần các văn bản, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia kí kết trong tiến trình đàm phán hội nhập. Tăng cường đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhằm tạo ra nhiều tài sản trí tuệ có khả năng phục vụ tốt cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: là cơ quan của chính phủ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo hộ quyền tác giả. Cơ quan này có trách nhiệm và quyền hạn xây dựng các chủ trương, chính sách về chống xâm phạm bản quyền trong môi trường kĩ thuật số, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình chính phủ để ban hành các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề này, hợp tác quốc tế về bản quyền.
Cục Bản quyền tác giả: Cơ quan này có trách nhiệm vụ giúp đỡ, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý Nhà nước về bản quyền như soạn thảo các dự luật, nghị định và các văn bản pháp quy khác liên quan đến bản quyền; hướng dẫn Sở Văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý Nhà nước về quyền tác giả tại địa phương; tổ chức, thực hiện việc hợp tác với nước ngoài, các tổ chức toạ đàm, giao lưu kinh nghiệm với quốc tế về bản quyền; tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân về vấn đề bản quyền và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ có liên quan ở Trung ương và địa phương.
Thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: thanh tra chuyên ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ phận này có nhiệm vụ xử lý, giải quyết tranh chấp liên quan đến xâm phạm bản quyền.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện bảo hộ bản quyền tại địa phương mình.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: cơ quan này có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện pháp luật, quản lý, bảo hộ bản quyền, quyền tác giả tại địa phương.
Các bộ ngành liên quan khác như cơ quan Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, An ninh văn hóa… Các cơ quan này đều có nhiệm vụ thanh tra, quản lý, giám sát, xử lý các trường hợp xâm phạm bản quyền tác giả nói chung và đối với sách điện tử nói riêng. Họ có thể làm việc riêng theo từng nhiệm vụ được giao hoặc kết hợp lại với nhau trong một nhiệm vụ chung chống lại xâm phạm bản quyền tác giả nói chung và quyền tác giả đối với sách điện tử nói riêng. Các cơ quan này đều có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính khi phát hiện ra đối tượng xâm phạm bản quyền đối với sách điện tử. Trong một số trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và đảm bảo xử phạt hành chính. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính có thể áp dụng đối với xâm phạm bản quyền đối với sách điện tử gồm có bắt giữ người, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, khám xét… Việc tăng cường và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc phòng chống vi phạm bản quyền có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
3.4.1.2. Giải pháp từ phía tổ chức, cá nhân có liên quan
Tự bảo vệ: tác giả, chủ sở hữu bản quyền đối với sách điện tử trước hết phải tự bảo vệ tác phẩm mình trước khi công bố. Cần lưu trữ các tài liệu, chứng cứ, chứng minh mình là tác giả, chủ sở hữu tác phẩm như bản thảo, hợp đồng, hóa đơn, giấy ký nhận, hợp đồng biểu diễn. Khi công bố, việc lựa chọn hình thức công bố phù hợp là rất quan trọng. Nếu chọn hình thức công bố trên Internet thì phải có cách hạn chế sự lan truyền như giảm bớt dung lượng file, chỉ đưa file bản xem thử, có hệ thống mã khóa bảo vệ. Cũng nên thường xuyên theo dõi, kiểm soát tình hình sử dụng, truy cập các tác phẩm của mình trong môi trường kĩ thuật số như thế nào. Khi phát hiện các hành vi xâm phạm, cần có văn bản yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm ngay, đây sẽ là chứng cứ pháp lý quan trọng nếu sau này có yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý chủ thể vi phạm. Đồng thời có thể yêu cầu phía cơ quan chức năng, Nhà nước có thẩm quyền xử lý các chủ thế xâm phạm.
Tham gia các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan để có cơ chế, tiếng nói bảo vệ hiệu quả và kịp thời hơn.
Giải pháp từ các nhà cung cấp các dịch vụ trung gian truyền tải phổ biến sách điện tử: Hiện nay có rất nhiều nhà cung cấp dịch vụ, truyền tải Internet, thiết bị hỗ trợ đọc sách điện tử đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh gay gắt với việc hạ giá cung cấp dịch vụ, cung cấp tràn lan gây ra tình trạng không quản lý được các sản phẩm dịch vụ mình đã cung cấp. Để hạn chế tình trạng xâm phạm quyền tác giả đối với các tác phẩm trên Internet, thiết bị điện tử; các nhà cung cấp đã đưa các bức tường lửa quản lý không cho phép truy cập vào các trang có dấu hiệu vi phạm bản quyền hoặc các biện pháp tự bảo vệ như đã trình bày ở mục “1.7. Biện pháp chống xâm phạm bản quyền đối với sách điện tử”. Các nhà cung cấp các dịch vụ trung gian cũng có thể bị kiểm tra hoặc thuê người khác kiểm tra tình hình vi phạm bản quyền trên Internet để xử lý vi phạm
ngay. Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL có ý nghĩa quan trọng đối với việc quản lý và đưa ra trách nhiệm đối với các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Đồng thời, thông tư cũng quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trong môi trường Internet và mạng viễn thông trong đó có nhà cung cấp Internet.
Thông tư liên tịch ra đời trong tình hình cần thiết quy định trách nhiệm nhà cung cấp Internet như vậy thì quản lý được khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet, sử dụng vì mục đích gì. Trong trường hợp người sử dụng vi phạm bản quyền trong khi sử dụng Internet thì sẽ được xử lý ngay, nếu nhà cung cấp dịch vụ vi phạm, không thực hiện đúng theo thông tư liên tịch chịu trách nhiệm với hình thức quản lý này khó có hành vi xâm phạm bản quyền xảy ra. Như vậy, việc thông tư ra đời góp phần làm giảm tình trạng xâm phạm bản quyền đối với môi trường kĩ thuật số đặc biệt là Internet.
Giải pháp từ nhà cung cấp Web: hiện nay hình thức vi phạm bản quyền đối với sách điện tử xảy ra phố biến nhất là Internet vì tính phổ biến của nó. Các Website, trang mạng, là một tập hợp trang Web, thường chỉ nằm trong một tên miền hoặc tên miền phụ trên World Wide Web của Internet. Một trang Web là tập tin HTML hoặc XHTML có thể truy nhập dùng giao thức HTTP. Website có thể được xây dưng từ các tệp tin html (website tĩnh) hoặc vận hành bằng các CMS chạy trên máy chủ (website động). Website có thể được xây dựng bằng nhiều ngôn ngữ lập trình khác nhau (PHP, Net, Java, Ruby on Rails).
Một bộ phận khách hàng sử dụng các trang web của mình vào các mục đích chia sẻ, kinh doanh các tác phẩm dưới hình thức sách điện tử thông qua môi trường Internet mà chưa có bản quyền. Do môi trường kĩ thuật số đặc biệt là Internet ảo và rộng nên khó quản lý và kiểm soát được các hành vi vi phạm bản quyền. Do đó, công tác quản lý đối với hoạt động cung cấp web là vô cùng cần thiết thông quan tên miền mà người sử dụng đăng kí. Phân biệt tên miền có địa chỉ tại Việt Nam hay từ nước ngoài. Thông qua thiết bị lọc kiểm tra nếu có thấy các hình thức vi phạm thì các nhà cung cấp Web biết được trang Web nào đang có hành vi xâm phạm bản quyền. Thông tư liên tịch 07/2012/TTLT- BTTTT-BVHTTDL ra đời, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông trong đó có nhà cung cấp Internet. Nếu xãy ra tình trạng xâm phạm bản quyền của các trang Web thì sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, các nhà cung cấp các trang Web không được liệt vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, điều đó có nghĩa là thông tư liên tịch này không được áp dụng cho các nhà cung cấp trang Web. Công tác quản lý của nhà cung cấp trang Web cũng có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ bản quyền đối với sách điện tử trong môi trường kĩ thuật số.