Chương III ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG HÌNH PHẠT CHÍNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN 3.1. Đánh giá tổng quan về hệ thống hình phạt chính trong Bộ luật hình sự Việt Nam
3.1.1. Đánh giá tổng quan về hệ thống hình phạt chính trong luật hình sự Việt Nam nhìn từ góc độ trong nước
3.1.1.4. Hình phạt trục xuất
Là một hình phạt có lịch sử ra đời muộn nhất, hình phạt trục xuất cũng có một số điểm hạn chế nhất định.
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam. là một quá trình hết sức phức tạp và nhạy cảm, liên quan đến vấn đề chủ quyền, an ninh quốc gia và bảo vệ công dân quốc tế. Do vậy những trường hợp này nhà nước ta chủ yếu xử lý bằng con đường ngoại giao theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký
kết, tham gia hoặc theo thông lệ quốc tế, việc áp dụng trục xuất với tư cách là hình phạt chính cũng như bổ sung rất hạn chế.
Qua nghiên cứu hình phạt trục xuất quy định tại Điều 32 BLHS Việt Nam năm 1999, chúng tôi thấy có một số vấn đề cần trao đổi dưới đây:
Thứ nhất, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của việc xử lý các trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, nên Nhà nước ta chủ yếu xử lý các trường hợp này thông qua con đường ngoại giao theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia hoặc theo thông lệ quốc tế. Hình phạt trục xuất được quy định trong luật hình sự vừa phải đảm bảo tính linh hoạt nhưng cũng vừa phải đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với người nước ngoài nếu họ xâm phạm đến lợi ích chủ quyền quốc gia Việt Nam. Do đó, không phải ngẫu nhiên mà luật quy định trục xuất có thể được Tòa án áp dụng là hình phạt chính (hình phạt bắt buộc phải áp dụng đối với người phạm tội và được Tòa án tuyên độc lập phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của người phạm tội) hoặc là hình phạt bổ sung (loại hình phạt áp dụng kèm theo hình phạt chính và không được Tòa án tuyên một cách độc lập) trong từng trường hợp (vụ án) cụ thể. Tuy nhiên, Điều 32 BLHS lại không quy định những điều kiện (tiêu chí) cụ thể để áp dụng hình phạt trục xuất, đồng thời cũng không quy định hình phạt này trong khung hình phạt (chế tài) nào tại các điều luật cụ thể của Phần các tội phạm. Điều đó có nghĩa, khi người nước ngoài phạm bất cứ một tội danh nào được quy định trong BLHS đều có thể bị áp dụng loại hình phạt này (người phạm tội ở đây là người nước ngoài). Tùy vào từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở sự cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau, Tòa án sẽ vận dụng điều luật để đưa ra quyết định việc áp dụng hình phạt trục xuất đối với người phạm tội. Song việc Điều 32 BLHS quy định “trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể” là chưa phù hợp vì để bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự thì người phạm tội không phải chịu một hình phạt nào ngoài những hình phạt đã được quy định trong BLHS, đồng thời Tòa án cũng không được tuyên bất kỳ một hình phạt nào không có trong Bộ luật hình sự (nhất là hình phạt đó chưa được liệt kê hoặc quy định trong Điều luật tương ứng ấy) nên theo chúng tôi trong trường hợp này cần có sự giải thích rõ ràng và cụ thể hơn.
Thứ hai, mặc dù Điều 32 BLHS năm 1999 định nghĩa như thế nào là hình phạt trục xuất, Nghị định số 54/2001/NĐ-CP ngày 23/8/2001 của Chính phủ đã hướng dẫn về việc thi hành hình phạt trục xuất thì đối tượng bị áp dụng là “người nước ngoài” thì việc áp dụng còn gặp vướng mắc. Nếu như đồng ý với cách hiểu người nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam theo quy định của Pháp lệnh về xuất nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 28/4/2000, song thực tế xảy ra hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất, người nước ngoài là người có quốc tịch của một nước khác không phải Việt Nam và trường hợp thứ hai người nước ngoài không mang quốc tịch của bất cứ nước nào (người không có quốc tịch). Như vậy, điều đó dẫn đến vấn đề khi thi hành hình phạt trụcxuất, các cơ quan chức năng có nhiệm vụ thi hành án (cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an) sẽ có hai lớp đối tượng khác nhau khi thi hành hình phạt này, đó là: người không có quốc tịch và người có quốc tịch của một nước khác mà không phải là quốc tịch Việt Nam. Và theo quy định tại Điều 9 Nghị định 54/2001/NĐ- CP, nếu như “Người bị trục xuất chưa có khả năng tự chịu chi phí về phương tiện xuất cảnh thì cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh có thể yêu cầu cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người đó là công dân giải quyết kinh phí đưa người bị trục xuất về nước. Trong trường hợp vẫn chưa giải quyết được kinh phí hoặc vì lý do cấp bách bảo vệ an ninh quốc gia thì cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh được sử dụng ngân sách nhà nước để trả chi phí về phương tiện xuất cảnh với mức thấp nhất để buộc người bị trục xuất nhanh chóng rời khỏi lãnh thổ Việt Nam”. Vậy trong các trường hợp người nước ngoài phạm tội bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam là người không có quốc tịch thì cơ quan nào sẽ đại diện cho họ thanh toán các chi phí xuất cảnh mà họ không có khả năng chi trả (?). Và vấn đề này theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định 54/2001/NĐ-CP có nghĩa là “chưa giải quyết được kinh phí” và “vì lý do cấp bách bảo vệ an ninh quốc gia” cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh phải sử dụng ngân sách quốc gia để trả chi phí nói trên, bởi hầu hết các trường hợp bị trục xuất theo quyết định của Tòa án đều nguy hiểm cho an ninh quốc gia nên ở đây rõ ràng là chúng ta chưa dự liệu được khả năng này xảy ra.
Thứ ba, về việc người bị áp dụng hình phạt trục xuất có bị mang án tích hay không là vấn đề cũng cần phải có sự hướng dẫn và quy định thống nhất. Bởi lẽ, một đặc trưng
quan trọng để phân biệt hình phạt và các dạng trách nhiệm pháp lý khác ở chỗ - hình phạt để lại cho người phạm tội một án tích. Theo Điều 28 BLHS năm 1999 quy định về các hình phạt thì trục xuất nằm trong hệ thống các hình phạt của luật hình sự Việt Nam và nó không nằm ngoài tính chất chung của hình phạt, có nghĩa sẽ để lại một án tích cho người bị áp dụng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng trục xuất là hình phạt không để lại án tích cho người phạm tội bị áp dụng. Bởi lẽ, tại Điều 64 và Điều 65 BLHS năm 1999 quy định về đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án đều không có bất cứ một trường hợp nào người chấp hành hình phạt trục xuất được xóa án tích. Mặt khác, đối tượng bị áp dụng ở đây là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, khi họ bị áp dụng hình phạt trục xuất về nước thì vấn đề án tích có lẽ không đặt ra nên hình phạt này mang tính chất một hình phạt thì không mang án tích.
Thứ tư, đối với trường hợp Tòa án áp dụng một hình phạt nào đó và trục xuất được áp dụng là hình phạt hình phạt bổ sung thì nảy sinh một số vấn đề như: Trường hợp nào Tòa án áp dụng trục xuất là hình phạt bổ sung? Việc thi hành hình phạt bổ sung này như thế nào? Theo chúng tôi, về mặt lý thuyết nếu người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính là một trong các loại hình phạt: Cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn hoặc tù chung thân thì việc áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất sẽ không còn ý nghĩa nữa, bởi lẽ các hình phạt chính kể trên đã có mục đích nhằm giáo dục, cải tạo người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội rồi và vì vậy, nếu trục xuất người bị kết án ra khỏi Việt Nam thì mục đích của hình phạt chính sẽ không đạt được. Theo suy luận logic đó thì Tòa án chỉ có thể áp dụng trục xuất với tính chất là hình phạt bổ sung khi hình phạt chính áp dụng đối với người phạm tội là hình phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội bị áp dụng hình phạt cảnh cáo và bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất thì không có vấn đề gì, nhưng đối với trường hợp người phạm tội bị áp dụng hình phạt chính là phạt tiền và hình phạt bổ sung là trục xuất thì hình phạt bổ sung chỉ có thể được thực hiện khi người phạm tội đã nộp đủ số tiền phạt. Việc buộc người phạm tội phải nộp đủ tiền phạt sau đó mới trục xuất trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến tính thời sự của việc trục xuất, bởi vì khi Tòa án xét thấy cần áp dụng hình phạt trục xuất là phải tính đến khả năng không thể để người bị kết án ở lại Việt Nam lâu hơn nữa.
Tóm lại, việc quy định trong hệ thống hình phạt của BLHS Việt Nam năm 1999 một hình phạt mới – trục xuất vừa thể hiện chính sách hình sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nó không chỉ là công cụ hữu hiệu trong việc giải quyết một cách nhanh chóng, đúng pháp luật quốc tế các trường hợp người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà còn có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng và thi hành hình phạt này trên thực tế, theo chúng tôi cần có những quy định cụ thể hơn nữa về đối tượng bị áp dụng, cách thức, điều kiện và phạm vi áp dụng loại hình phạt này để trên cơ sở đó hoàn thiện pháp luật hình sự nói chung, chế định hình phạt nói riêng, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.