Chương III ĐÁNH GIÁ TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG HÌNH PHẠT CHÍNH TRONG BỘ LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN 3.1. Đánh giá tổng quan về hệ thống hình phạt chính trong Bộ luật hình sự Việt Nam
3.2. Hướng hoàn thiện hệ thống hình phạt chính trong luật hình sự Việt Nam
3.2.1. Những tiêu chí để có một hệ thống hình phạt chính khả thi
Xây dựng một hệ thống hình phạt chính khả thi là một trong những vấn đề lớn của pháp luật hình sự và khoa học pháp lý. Với vai trò là công cụ bảo vệ xã hội khỏi những vi phạm điều kiện tồn tại của nó, hình phạt giữ vị trí quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Tuy nhiên, mỗi hình phạt nói riêng và hệ thống hình phạt chính nói chung chỉ phát huy được vai trò của mình khi nó được quy định một cách hợp lý (lập pháp), được áp dụng trong thực tiễn một cách chính xác (áp dụng) và được thực
thi một cách nghiêm chỉnh (thi hành). Vì vậy, cần phải xây dựng một hệ thống hình phạt chính khả thi ngay từ trong các quy định cụ thể của của pháp luật hình sự.
Theo quan điểm của chúng tôi, trên cơ sở tiếp thu những quan điểm của các học giả đi trước, những tiêu chí để có một hệ thống hình phạt khả thi bao gồm:
Thứ nhất: Một hệ thống hình phạt chính khả thi là một hệ thống gồm các hình phạt chính được xây dựng phải đạt được các mục đích của hình phạt. Mục đích của hình phạt chi phối việc xây dựng và áp dụng hình phạt. Vì vậy, một hệ thống hình phạt chính khả thi không thuần túy chỉ là kết quả của các hình phạt chính đối với các quan hệ xã hội, kết quả đạt được càng gần với mục đích của hình phạt thì hiệu quả của hình phạt càng cao và càng tiến tới một hình phạt khả thi. Như vậy, nói đến một hình phạt chính khả thi là nói đến mức độ đạt được một cách tối ưu mục đích của hình phạt. Từ đó có thể thấy rằng không thể xây dựng một hệ thống hình phạt chính khả thi nếu không xác định đúng những vấn đề liên quan đến mục đích của hình phạt, không làm rõ nội hàm của mục đích đặc ra cho hình phạt.
Bên cạnh đó cần phải hiểu rõ mối quan hệ giữa hình phạt - kết quả sử dụng hình phạt - mục đích của hình phạt. Hình phạt và kết quả của hình phạt là mối quan hệ nhân quả mang tính tất yếu khách quan, trong đó hình phạt là nguyên nhân và kết quả là hệ quả trực tiếp của việc áp dụng hình phạt. Sử dụng hình phạt như thế nào sẽ đạt được kết quả như thế ấy, còn mục đích của hình phạt là phạm trù mang tính khách quan; mục đích là do nhà làm luật trong quá trình nhận thức về hình phạt, về khả năng và vai trò của các hình phạt trên cơ sở những yêu cầu khách quan của xã hội. Chính vì vậy, tùy từng quan điểm lập pháp của các quốc gia thì họ sẽ quy định mục đích mục đích hình phạt khác nhau; thậm chí ngay cả trong một quốc gia, trong từng thời kỳ, giai đoạn phát triển, vận động của xã hội thì cũng có sự khác nhau trong việc quy định mục đích của hình phạt.
Ngược lại về phía mình thì hình phạt không đơn giản chỉ nhằm một mục đích, hơn nữa tùy từng mức độ thứ hạng khác nhau mà hình phạt đặt ra các mục đích khác nhau. Do vậy, một hệ thống hình phạt chính khả thi phải được đánh giá trên cơ sở xem xét việc thực hiện có hiệu quả tất cả các mục đích đó. Việc quá nhấn mạnh một mục đích nào sẽ dãn đến việc xem nhẹ các mục đích khác và làm cho hiệu quả của hình phạt bị hạn chế.
Nhưng mặt khác, cũng cần xác định những hướng chủ đạo cho từng thời kỳ, từng giai đoạn phạm tội và người phạm tội. Nếu hình phạt đạt được mục đích nào đó, nhưng lại gây hậu quả tiêu cực quá lớn trở thành yếu tố có ảnh hưởng nhiều hơn so với kết quả tích cực, thì cũng không thể nói là hình phạt có hiệu quả cao và một hệ thống hình phạt khả thi.
Thứ hai: Một hệ thống hình phạt chính khả thi là một hệ thống phải có khả năng đáp ứng tối đa các mức độ nguy hiểm khác nhau của xã hội. Hình phạt chính đa dạng bao gồm nhiều loại hình phạt khác nhau. Nhà nước đặt ra hình phạt, nhưng hình phạt đó phải tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi do người thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm thì thái độ phản ứng của nhà nước càng quyết liệt, hình phạt càng nghiêm khắc. Mức độ về tính tương xứng giữa hình phạt và tội phạm đòi hỏi các hình phạt trong hệ thống hình phạt chính được quy định với những tội phạm khác nhau cần tuân theo một tỉ lệ nhất định, theo các nhóm tội được quy định trong luật hình sự.
Như vậy, một hệ thống hình phạt chính đa dạng với nhiều loại hình khác nhau sẽ tạo ra sự uyển chuyển, linh hoạt thỏa mãn yêu cầu tương xứng với tội phạm. Hệ thống hình phạt càng đa dạng thì khả năng phân hóa và cá thể hóa trách nhiệm hình sự càng cao, đạt được mục đích của hình phạt.
Nếu loại hình phạt được quy định chiếm tỷ lệ vượt trội trong các điều luật là hình phạt quá nghiêm khắc cao thì khi hành vi phạm tội có mức độ nguy hiểm thấp sẽ gây lúng túng cho người áp dụng pháp luật và sẽ dẫn đến hai tình huống: Áp dụng các hình phạt quá nghiêm khắc so với hành vi phạm tội hoặc bỏ qua các trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng. Ngược lại, nếu loại hình phạt được quy định chiếm tỷ lệ vượt trội là các hình phạt có tính nghiêm khắc thấp thì khi xảy ra hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cao, việc xử lý lại chưa tương xứng, dễ tạo tâm lý xem thường pháp luật.
Thứ ba: Một hệ thống hình phạt chính khả thi là một hệ thống mà trong đó mỗi hình phạt phải được quy định trong các văn bản pháp luật hình sự một cách cụ thể, rõ ràng, chính xác về trình tự, thủ tục, các căn cứ và điều kiện áp dụng. Một hệ thống hình phạt chính khả thi phải là một hệ thống với những hình phạt tạo mọi điều kiện thuận lợi cho
Tòa án cá thể hóa hình phạt với việc dự liệu, cân nhắc tất cả các khả năng có thể xảy ra của việc thực hiện tội phạm trong thới giới khách quan. Muốn vậy, mỗi loại hình phạt phải được quy định chặc chẽ, chính xác về mặc nội dung, điều kiện áp dụng để đạt được các mục đích của hình phạt. Bên cạnh đó, trong từng hình phạt chính quy định rõ phạm vi áp dụng thông qua việc quy định mức tối thiểu và tối đa. Mức tối thiểu tối đa phải căn cứ vào điều kiện kinh tế, xã hội cụ thể của từng quốc gia từng thời kỳ và tình hình tội phạm cụ thể. Bên cạnh yêu cầu cụ thể, rõ ràng về mặt nội dung, phạm vi áp dụng; hệ thống hình phạt chính khả thi còn phải cụ thể hóa đối tượng áp dụng (áp dụng đối với loại tội phạm nào, đối với người phạm tội nào, trường hợp không ápdụng hình phạt…).
Thứ tư: Hệ thống hình phạt chính khả thi là hệ thống được xây dụng cân đối, khoa học giữa phần chung và phần các tội phạm, đảm bảo tính thống nhất nội tại về quy định trong pháp luật hình sự. Phần chung là phần quy định những vấn đề chung nhất về hệ thống hình phạt chính như: Nội dung, điều kiện áp dụng, phạm vi áp dụng…; và phần các tội phạm sẽ chi tiết hóa trong từng tội phạm cụ thể trên cơ sở những quy định về hệ thống hình phạt chính ở phần chung. Sự thống nhất nội tại trước hết thể hiện ở việc xây dựng một trình tự liên kết các loại hình phạt trong hệ thống hình phạt phải tương ứng với sự phân chia các nhóm tội phạm nhất định trong phần chung. Nếu tội phạm được phân loại dựa trên tính nguy hiểm theo hướng nào thì hệ thống hình phạt cũng được sắp xếp theo hướng đó. Phần chung quy định hệ thống hình phạt chính bao gồm các loại hình phạt chính nào thì phần các tội phạm cũng chỉ có các loại hình phạt đó được cụ thể hóa trong phần chế tài của các điều luật.
Nếu một hình phạt không được quy định trong phần chung nghĩa là không có bất cứ cơ sở pháp lý nào quy định về hình phạt này để đưa vào áp dụng. Ngoài ra, nội dung điều kiện, trình tự áp dụng của mỗi hình phạt trong phần chung phải được thể hiện tương ứng trong các chế tài cụ thể trong phần các tội phạm cụ thể đảm bảo tính thống nhất trong nội tại của các quy định trong pháp luật hình sự, dẫn tới sự thống nhất trong áp dụng pháp luật và giáo dục pháp luật.
Như vậy, sự thống nhất trong việc quy định chung về hình phạt chính và sự cụ thể hóa ở từng tội phạm là rất quan trọng. Trên cơ sở thống nhất sẽ gốp phần đảm bảo tính hiệu
quả của hình phạt và tạo nên một hệ thống hình phạt chính khả thi. Một hệ thống hình phạt chính sẽ không đánh giá là khả thi nếu ngay trong bản thân các quy định của pháp luật đã chứa đựng sự mâu thuẫn.
Thứ năm: Hệ thống hình phạt chính khả thi phải là sự thể chế hóa chính sách hình sự về hình phạt của nhà nước. Chính sách hình sự của Nhà nước về hình phạt một bộ phận trong chính sách hình sự, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt chính nói riêng. Hệ thống hình phạt chín, nói rộng ra là pháp luật trước hết phải là công cụ bảo vệ lợi ích giai cấp quyền, lợi ích công cộng. Do vậy, hệ thống hình phạt chính là kênh thông tin, truyền tải những quan điểm chủ trương của nhà nước. Nhìn vào hệ thống hình phạt này người ta có thể thấy được chính sách hình phat của nhà nước.
Một hệ thống hình phạt với những hình phạt dã man, tàn bạo ta thấy ngay rằng đây là sự thể chế hóa chính sách hình sự của giai cấp thống trị. Ngược lại, một hệ thống hình phạt chính với những hình phạt vừa thể hiện nội dung trừng trị thích đáng người phạm tội vừa thể hiện nội dung giáo dục cải tạo họ thành người có ích, tôn trọng các giá trịcủa con người thể hiện chính sách hình sự về hình phạt dứt khoát nhưng cũng không kém phần nhân đạo. Chính sách hình sự và hệ thống hình phạt chính đều là những bộ phận của kiến trúc thượng tầng nên bản thân chúng luôn có mối quan hệ nội tại với nhau. Trong đó, chính sách hình sự về hình phạt quyết định việc xây dựng hệ thống hình phạt chính, khi chính sách thay đổi thì hệ thống cũng thay đổi theo (loại bỏ, bổ sung hay tiếp tục duy trì hình phạt nào, đường lối xử lý trong từng vụ án, từng cá nhân, mang nặng tính trừng trị hay phòng ngừa giáo dục…).
Tóm lại, từ sự phân tích trên có thể thấy rằng, có năm tiêu chí để xây dựng một hệ thống hình phạt chính khả thi đó là: Phải đạt được các mục đích của hình phạt; phải có khả năng đáp ứng tối đa các mức độ nguy hiểm khác nhau của xã hội; phải được quy định trong các văn bản hình sự một cách rõ ràng, cụ thể, chính xác về trình tự, thủ tục, điều kiện áp dụng; phải cân đối, khoa học trong cách quy định giữa phần chung và phần các tội phạm, đảm bảo tính thống nhất nội tại về quy định trong pháp luật hình sự; phải là sự thể chế hóa chính sách hình sự của nhà nước.