HƯƠNG DẲN HỌC SINH KHAI THÁC DẲN CHỨNG CHO NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT LÕI VỀ LÝ LUẬN VĂN HỌC ĐỐI VƠI ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

Một phần của tài liệu Chuyên đề Học sinh giỏi quyển 2 (Trang 47 - 52)

Chương 3 NHỮNG BÀI VĂN ĐẠT ĐIỂM CAO CỦA HỌC SINH GIỎI

III. HƯƠNG DẲN HỌC SINH KHAI THÁC DẲN CHỨNG CHO NHỮNG VẤN ĐỀ CỐT LÕI VỀ LÝ LUẬN VĂN HỌC ĐỐI VƠI ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

Dẫn chứng trong bài văn nghị luận chính là những bằng chứng cụ thể để người viết thuyết phục người nghe tin vào những phán đoán mà mình đã nêu ra. Một bài văn nghị luận mà không có hoặc thiếu dẫn chứng thì sẽ thiếu sức thuyết phục. Đặc biệt, đối với bài thi

HSGQG, các em phải luyện kỹ năng chọn và phân tích dẫn chứng sao cho những vấn đề lý luận văn học không phải được trình bày một cách sáo rỗng mà phải thật tự nhiên và thuyết phục.

1. Các yêu cầu của dẫn chứng:

Dẫn chứng trong văn nghị luận cần đáp ứng các yêu cầu sau: chính xác, đủ, tiêu biểu và có

tính mới.

Yêu cầu thứ nhất: dẫn chứng phải chính xác.

Bài viết không có dẫn chứng thì không có sức thuyết phục, dẫn chứng không chính xác thì

cũng chẳng có tác dụng gì. Nếu là thơ phải trích nguyên văn, nếu là văn xuôi thì tóm lược ý hay trích nguyên văn một số chi tiết, song phải đảm bảo tính chính xác của dẫn chứng bằng việc chú giải nguồn trích dẫn (tên tác phẩm, tác giả,...). Thực tế, không ít bài viết của học sinh ghi dẫn chứng không chính xác, chẳng hạn như: Nắng xuống, trời lên xanh bát ngát. Chính xác phải là Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu (Tràng giang - Huy Cận); hay Mị có người yêu là A Phủ, A Sử giả làm người yêu của Mị để bắt cóc Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)... Do đó cần phải đọc thật kĩ văn bản tác phẩm, đối với thơ phải học thuộc văn bản, với văn xuôi ngoài học thuộc một số lời thoại, lời trần thuật,.. .còn phải tóm tắt chi tiết cốt truyện.

Mặt khác, dẫn chứng đúng không chỉ là trích đúng như văn bản tác phẩm mà còn phải hiểu, cảm thụ đúng giá trị nội dung và nghệ thuật của phần trích dẫn. Nếu không hiểu đúng dễ dẫn đến phân tích, suy diễn tùy tiện. Ví dụ phân tích câu thơ Chày đêm nện cối đều đều suối xa (Việt Bắc - Tố Hữu) có em viết theo kiểu diễn xuôi ý câu thơ: Người Việt Bắc trước khi ngủ nhà nào cũng chày đêm nện cối đều đều vang vọng đến suối xa trong khi sách giáo khoa đã chú thích đó là nhịp chày của cối giã gạo đặt bên suối, hoạt động bằng sức nước. Âm thanh gợi lên nhịp sống của người dân Việt Bắc được hồi tưởng trong cảm xúc nhớ nhung da diết, tình dân nghĩa đảng vì thế mà càng đậm đà thiết tha.

Yêu cầu thứ hai: dẫn chứng phải đủ.

Cần hiểu “Đủ” là mức độ đáp ứng trong phạm vi yêu cầu của đề về tư liệu Có thể gọi đó là dẫn chứng bắt buộc. Chẳng hạn đề bài thi học sinh giỏi quốc gia năm 2017:

Mỗi nhà văn chân chính bước lên văn đàn, về thực chất là sự cất tiếng bằng nghệ thuật của một giá trị nhân văn nào đó được chưng cất từ những trải nghiệm sâu sắc trong trường đời.

Bằng những hiểu biết về văn học, anh chị hãy bình luận ý kiến trên.

Với câu hỏi này, đề yêu cầu học sinh biết vận dụng các kiến thức lý luận văn học về nhà văn và quá trình sáng tác. Dan chứng cần được vận dụng để làm nổi bật chính là những hiểu biết về nhà văn có tầm vóc tư tưởng lớn, thể hiện qua cuộc đời, sự nghiệp và các tác phẩm văn học . Đó là những sáng tác có sức sống lâu bền với thời gian, bởi nó cất tiếng bằng nghệ thuật của một giá trị nhân văn nào đó được chưng cất từ những trải nghiệm sâu sắc trong trường đời. Đề không hạn định số lượng, nhưng để làm rõ được ý kiến đánh giá của mình, người viết phải tìm được các dẫn chứng thuộc văn học trung đại và cả hiện đại, văn học Việt Nam và nước ngoài. Sức khái quát lớn sẽ dễ thuyết phục hơn.

Như vậy, để dẫn chứng đủ, đối với dạng đề lý luận mang tính chất khái quát đòi hỏi tư

và thời gian, từ văn học Việt Nam đến văn học nước ngoài, từ văn học dân gian đến văn học trung đại, hiện đại.

Yêu cầu thứ ba là dẫn chứng phải tiêu biểu, xác đáng và có tính mới.

Dẫn chứng tiêu biểu là dẫn chứng không chỉ “đúng” mà còn phải “trúng” với trọng tâm đề. Ví dụ ở đề trên, nếu chọn những nhà văn lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh sẽ có sức thuyết phục hơn nếu chọn Huy Cận, Chu Mạnh Trinh,.. .Tính mới trong lựa chọn dẫn chứng đòi hỏi người viết sáng tạo, không đi theo lối mòn ở những cách chọn và phân tích quen thuộc.

Bài làm của học sinh giỏi đòi hỏi mức độ sáng tạo của người viết. Nó không đơn thuần là kiểm tra kiến thức. Bài viết của học sinh giỏi thể hiện một khả năng tư duy nhạy bén, một xúc cảm sâu sắc nên yêu cầu thứ ba này thể hiện rõ độ vênh với những bài viết thông thường.

Sau đây là những vấn đề lý luận cốt lõi các em thường gặp trong các kỳ thi HSG. Để làm rõ nội dung kiến thức, chúng ta nên chọn những dẫn chứng xác đáng và tiêu biểu.

2. Gợi ý một số vấn đề lý luận cốt lõi cần vận dụng dẫn chứng Quan điểm nhà văn trong sáng tác

Quan điểm là cách nhìn, cách đánh giá về một đối tượng nào đó. Quan điểm của nhà văn trong sáng tác là cách nhìn nhận, hướng suy nghĩ của nhà văn trong việc lựa chọn đề tài, phương pháp nhận thức, hình thức nghệ thuật trong sáng tác. Quan điểm sáng tác phải được hiện thực hoá trong quá trình sáng tác, được phát biểu trực tiếp hay thể hiện gián tiếp qua các tác phẩm. Nhà văn nào cũng có quan điểm sáng tác nhưng để tạo thành một hệ thống có giá trị thì không phải ai cũng làm được.

Đề thi chọn HSG toàn quốc năm học 1987 - 1988:

Trong truyện ngắn “Trăng sáng” Nam Cao viết:

“Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than...”. Và ở truyện ngắn “Đời thừa”, ông cho rằng, một tác phẩm có giá trị: “Phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tung lòng thương, tình bác ái, sự công bình...

Nó làm cho người gần người hơn ”.

Còn Vũ Trọng Phụng, khi “Đáp lời báo Ngày nay” của Tự lực văn đoàn, đã nói: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi, muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời ”.

Đây là đề bài yêu cầu học sinh bình luận về quan điểm sáng tác của hai nhà văn Nam Cao và Vũ Trọng Phụng: Nhấn mạnh sự tôn trọng hiện thực khi sáng tác. Hay nói khác hơn, hai nhà văn chính là đại diện tiêu biểu cho quan điểm của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Để làm tốt bài viết này, cần tiến hành như sau:

Thứ nhất, trọng tâm trong quan điểm của Nam Cao là Văn học phải gắn với đời sống hiện thực khổ đau, mất mát, tác phẩm văn học phải mang tinh thần nhân đạo. Còn Vũ Trọng Phụng: Văn học gắn với hiện thực đời sống. Vậy hai nhà văn có điểm tương đồng với nhau.

Thứ hai, học sinh cần đưa ra những dẫn chứng tiêu biểu từ những tác phẩm của hai nhà văn trên để minh chứng cho quan điểm sáng tác của cả hai. Đây là dẫn chứng ở mức độ làm sáng tỏ.

Thứ ba, học sinh cần kết hợp mở rộng dẫn chứng trong các tác phẩm thuộc dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930 - 1945 như: Tắt đèn, Bước đường cùng,... với những tác giả tiêu biểu khác như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,. để thấy được tầm tư tưởng cũng như sự đúng đắn của quan điểm sáng tác trên. Đây là dẫn chứng ở mức độ nâng cao.

Để bình luận về sự đúng đắn này người viết nên dùng thêm một cách hạn chế các dẫn chứng của văn học nước ngoài và văn học hiện đại.

Phong cách nghệ thuật

Phong cách nghệ thuật là một khái niệm trong khái niệm phong cách văn học. Vì vậy, để hiểu khái niệm phong cách nghệ thuật của nhà văn, cần phải nắm được khái niệm phong cách văn học.

Theo SGK Ngữ văn 12 Nâng cao : Phong cách văn học là một khái niệm được dùng để chỉ tính độc đáo có ý nghĩa thẩm mĩ của một hiện tượng văn học (có thể là nền văn học của một dân tộc, một thời đại, một trào lưu, một trường phái, hay toàn bộ sáng tác của một nhà văn, thậm chí những tác phẩm văn học riêng lẻ...).

Phong cách nghệ thuật của nhà văn biểu hiện tài nghệ của người nghệ sĩ ngôn từ trong việc đem đến cho người đọc một cái nhìn mới mẻ chưa từng có về cuộc sống, con người, thông qua những hình tượng nghệ thuật độc đáo và những phương thức, phương tiện thể hiện đặc thù in đậm dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo.

Trong đề thi HSGQG năm 2009, câu hỏi số 2:

Thơ nữ viết về tình yêu thường thể hiện sâu sắc bản lĩnh và ý thức về hanh pphúc của người _phụ nữ.

Hãy phân tích, so sánh bài thơ “Tự tình ” (bài II) của Hồ Xuân Hương và “Sóng” của Xuân Quỳnh để làm rõ nét chung và nét riêng trong tâm sự tình yêu của hai nữ tác giả ở hai thời đại khác nhau.

Đề bài yêu cầu học sinh làm rõ nét chung và nét riêng trong cách người phụ nữ làm thơ tình yêu với sự chủ động bộc lộ tình yêu một cách sâu sắc bản lĩnh và ý thức về hạnh phúc của người phụ nữ , lưu ý rằng điều đó được nhìn nhận từ góc nhìn nữ giới của Hồ Xuân Hương và Xuân Quỳnh. Người phụ nữ đã chủ động trong việc giãi bày tâm sự tình yêu của mình, không chút mặc cảm khi bộc bạch cả những tình ý thầm kín, những khát khao tế nhị trong cõi lòng người phụ nữ. Cả hai đều bộc lộ khát vọng được chung tình, được sống trong một tình yêu và hạnh phúc trọn vẹn.

Kiến thức lý luận văn học cho ta biết : Phong cách nghệ thuật bao gồm những đặc điểm độc đáo trong các tác phẩm của nhà văn từ nội dung đến hình thức. Những đặc điểm ấy phải được thể hiện ra bằng một diện mạo nghệ thuật cụ thể, tức là nó cụ thể, hữu hình, có thể

và phải mô tả được. Như vậy khi phân tích, so sánh, học sinh cần chú ý sự thể hiện khát vọng tình yêu ở cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật của thơ.

Đặc biệt, về nét riêng, học sinh cần chú ý làm rõ những đặc trưng riêng của từng tác giả về các phương diện: tâm thế trữ tình, nội dung cảm xúc, giọng điệu, thân phận và thời đại.

Để thực hiện tốt các yêu cầu trên, học sinh cần phải biết sử dụng dẫn chứng đủ trong phạm vi cả hai ngữ liệu mà đề yêu cầu. Đó là bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương và bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh. Bên cạnh đó, để làm nổi bật vấn đề trọng tâm là người phụ nữ viết về tình yêu thì các em cần dẫn chứng những câu thơ tình, bài thơ tình của các nhà thơ nam để so sánh, mở rộng vấn đề. Bài viết đạt giải nhất năm 2009 đã bám sát theo yêu cầu của đề khi lấy dẫn chứng chủ yếu từ hai tác phẩm nêu trên.

Ngoài ra, để tăng thêm sức thuyết phục, học sinh đã khéo léo sử dụng dẫn chứng từ thơ của Nguyễn Du, Xuân Diệu, Trịnh Thanh Sơn nhằm làm rõ cách thể hiện tình yêu, tiếng nói của nữ quyền trong xã hội nam quyền.

Từ những điều đã nghị luận, sau khi phân tích dẫn chứng theo các luận điểm đưa ra, học sinh cần khái quát những nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của từng nữ tác giả, đồng thời khẳng định những đóng góp đối với nền văn học nước nhà.

Vấn đề về tiếp nhận văn học

Tiếp nhận văn học là một hoạt động xã hội - lịch sử, mang tính khách quan. Chứ không phải là một hoạt động cá nhân chủ quan thuần túy. Tác phẩm sau khi thoát ly khỏi nhà văn thì nó trở thành một hiện tượng tinh thần, một khách thể tinh thần tồn tại một cách khách quan đối với người đọc. Người đọc tiếp nhận nó là một kiểu phản ánh, nhận thức thế giới. Mà nhận thức nào cũng có phương diện chủ quan và phương diện khách quan của nó. Hơn nữa, một nhận thức đúng đắn là một nhận thức tiếp cận được với bản chất và quy luật của đối tượng. Nội dung của tác phẩm trước hết là do những thuộc tính nội tại của nó tạo nên, là cái vốn có chứa đựng trong bản thân tác phẩm. Việc người đọc khác nhau đã cắt nghĩa khác nhau khi cùng đọc một tác phẩm là thuộc phương diện chủ quan của tiếp nhận. Có thể thấy, ba yếu tố nhà văn, văn bản và bạn đọc có mối quan hệ chặt chẽ, không thể tách rời:

+ Nhà văn: người sáng tạo ra văn bản => thực hiện quá trình kí mã => Ý đồ nghệ thuật, cách lí giải của nhà văn về văn bản chỉ là một khả năng hiểu văn bản.

+ Bạn đọc: người tiếp nhận văn học => thực hiện quá trình giải mã.

+ Văn bản: là một bộ mã, có thể chấp nhận nhiều cách giải khác nhau nhưng phải phù

hợp với các mã đã được nhà văn kí gửi.

Một tác phẩm hay phải là một tác phẩm có giá trị độc đáo, một kết tinh của tình cảm thẩm mĩ, một tư tưởng sâu sắc. Một người yêu thích văn chương phải là người có tâm hồn nhạy cảm, biết rung động, biết khám phá giá trị độc đáo của tác phẩm, từ tác phẩm mà nhận ra phong cách của nhà văn.

Chẳng hạn, đề thi HSGQG năm 2015, câu 2 là:

Hình tượng nhân vật được sinh ra từ tâm trí của nhà văn nhưng chỉ thực sự sống bằng tâm trí của người đọc.

Bằng tri thức và trải nghiệm văn học của mình, bạn hãy bình luận ý kiến trên.

Để làm rõ vấn đề này, học sinh có thể tự do chọn dẫn chứng miễn sao cho phù hợp và thuyết phục. Tuy nhiên, các em cần chọn những dẫn chứng từ văn học dân gian, văn học trung đại, văn học hiện đại rồi có thể mở rộng ra các tác phẩm từ văn học nước ngoài. Điều quan trọng là học sinh cần chọn những tác giả tác phẩm đã có một độ lùi lịch sử để cảm nhận trọn vẹn sự đánh giá của độc giả về tác phẩm vì chính độc giả là người cho tác phẩm một đời sống. Ví dụ: cảm nhận nhân vật Thúy Kiều, các em có thể dẫn Truyện Kiều với nhiều ý kiến đánh giá khác nhau. Nào là những người yêu Kiều, nào là những người căm ghét Kiều,...

Nhưng sau đó, các em bày tỏ ý kiến phân tích, đánh giá khẳng định giá trị của nhân vật và tác phẩm. Để làm tăng sức thuyết phục cho lý lẽ của mình, học sinh nên chọn dẫn chứng từ những câu thơ của Tố Hữu, của Chế Lan Viên để khẳng định sức sống của tác phẩm qua tâm trí của người đọc, qua sự yêu mến của hậu thế dành cho Truyện Kiều của Nguyễn Du:

Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn (Chế Lan Viên)

Tố Hữu cũng đã bộc bạch:

Tố Như ơi, lệ chảy quanh thân Kiều

Như vậy, bằng vài dẫn chứng tiêu biểu, học sinh sẽ chứng minh được rằng sức sống của tác phẩm có được là nhờ tâm trí, tấm lòng yêu thương, đồng cảm của người đọc.

Học sinh thường lấy những dẫn chứng quen thuộc, được nhiều người biết đến để làm sáng tỏ cho vấn đề nghị luận. Điều đó là đúng song chưa có tính mới. Để có những dẫn chứng mới, đòi hỏi người viết phải có vốn hiểu biết sâu rộng, thông tin thời sự về văn học, đời sống xã hội... Chẳng hạn để làm sáng tỏ giá trị nhân đạo của các tác phẩm văn học thì không nhất thiết các em luôn vận dụng dẫn chứng từ những tác phẩm kinh điển. Các em có thể chọn những tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp,... thì

dẫn chứng này sẽ có tính mới hơn rất nhiều.

Khi lấy dẫn chứng cần chú ý đến tính hệ thống. Nghĩa là các dẫn chứng được trích dẫn thường được sắp xếp trên trục thời gian tuyến tính (dẫn chứng ra đời trước trích trước và ngược lại) và không gian từ hẹp đến rộng, từ gần đến xa... (ví dụ lấy dẫn chứng trong nước rồi đến dẫn chứng nước ngoài).

Cuối cùng là chú ý tỉ lệ trích dẫn chứng với phân tích dẫn chứng. Trích dẫn chứng luôn đi liền với việc phân tích dẫn chứng. Một bài viết quá thiên về lí lẽ sẽ trở nên khô khan nhưng nếu chỉ trích dẫn chứng không thôi thỉ sẽ trở nên hời hợt, sáo rỗng, không sâu sắc.

Tác giả chuyên đề : NGUYỄN THỊ THANH THỦY- THPT CHUYÊN THOẠI NGỌC HẦU

Một phần của tài liệu Chuyên đề Học sinh giỏi quyển 2 (Trang 47 - 52)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(486 trang)
w