II. Tình huống truyện của Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân; Vợ nhặt của Kim Lân và
1. Tác phẩm Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân
a) Tình huống truyện:
Nguyễn Tuân đã xây dựng một tình huống hết sức độc đáo: cuộc gặp gỡ oái oăm giữa Huấn Cao và viên quản ngục.
- Hoàn cảnh diễn ra cuộc gặp gỡ: Không gian là chốn ngục tù tối tăm, nhơ bẩn; mối quan hệ giữa hai nhân vật hết sức éo le, trớ trêu: tử tù và quản ngục.
- Sự éo le, trớ trêu của hai nhân vật:
+ Xét về bình diện xã hội: Huấn Cao và viên quản ngục hoàn toàn đối lập nhau. Một người là tên “đại nghịch”, cầm đầu cuộc nổi loạn nay bị bắt giam, đang chờ ngày ra pháp trường để chịu tội; còn một người là quản ngục, kẻ đại diện cho cái trật tự xã hội đương thời.
+ Xét về bình diện nghệ thuật: Họ lại là những con người có tâm hồn nghệ sĩ, là tri âm, tri kỉ với nhau. Huấn Cao có tài hoa và khí phách còn quản ngục lại ngưỡng mộ tài hoa và khí
phách. Huấn Cao chỉ cúi đầu trước thiên lương cao khiết của con người, còn quản ngục lại là
“một tấm lòng trong thiên hạ”. Người nào cũng có những phẩm chất cao quý mà người kia khát khao, ngưỡng mộ. Song sự éo le, trớ trêu thể hiện ở chỗ: quản ngục bị đặt trong một tình thế mà chỉ có một lựa chọn: Một là, muốn tròn bổn phận quan lại, giữ yên trật tự xã hội đương thời thì phải chà đạp lên lòng tri kỉ. Nếu hành động theo hướng này thì quản ngục không còn là “tấm lòng trong thiên hạ”, đâu phải là “cái thuần khiết giữa một đống cặn bã”. Hai là, muốn giữ trọn đạo tri kỉ thì sẽ không làm tròn chức phận quan lại. Nếu hành động theo hướng này, quản ngục dám bất chấp cả sự an nguy đến tính mạng, và vì thế quản ngục mới là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ”.
b). Diễn biến của tình huống:
+ Mới đầu, lúc nhận tù, quản ngục đã có tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, nên vừa nương nhẹ tử tù, dù cố giữ rất kín kẽ nhưng vẫn không qua mặt được đám lính tráng, vừa biệt đãi tử tù và mong có ngày được xin chữ. Nhưng Huấn Cao có tài viết chữ đẹp, nổi tiếng cả vùng tỉnh Sơn, song ông chỉ cho chữ người nào là tri kỉ mà thôi. Trong khi, thái độ của Huấn Cao dành cho quản ngục là khinh bạc đến điều, xua đuổi quản ngục ngay khi ông mới bước vào buồng giam. Thái độ đó của Huấn Cao khiến cho quản ngục ngày đêm trăn trở, lo âu, thấp thỏm chờ
cơ hội.
+ Nhưng về sau, khi quản ngục nhận được phiến trát lần thứ hai, lệnh xử chém tử tù, thì
quản ngục “tái nhợt người”, tình thế buộc ông phải hành động, nếu không ngày mai thôi sẽ không còn Huấn Cao ở trên đời, ông sẽ không còn cơ hội xin chữ, cái ước nguyện cả đời của ông sẽ không được mãn nguyện. Ông đã bày tỏ tâm nguyện lớn lao của mình với thầy thơ lại.
Nghe thầy thơ lại tường thuật lại câu chuyện, Huấn Cao đã hết sức cảm động “Ta cảm cái lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy Quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ”. Từ đó quản ngục và Huấn Cao đã trở thành tri kỉ. Quan hệ đối địch giờ đã nhường chỗ cho quan hệ tri kỉ.
+ Cuối cùng, cảnh cho chữ - “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” đã hóa giải tất cả: cái đẹp lên ngôi ngay từ “đống cặn bã”, từ sự tối tăm của nhà tù. Xét về không gian, nơi “buồng tối chật hẹp,ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián”, nơi ngự trị của bóng tối và cái ác, vậy mà cái đẹp ra đời. Xét về thời gian, khi “tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh”, giữa canh khuya thanh vắng, cũng là những giây phút cuối cùng của Huấn Cao, ông tô điểm cái đẹp gửi lại cho đời. Chính sự bất thường này đã làm nên một cuộc đảo lộn ghê gớm: Trước khi được cho chữ, quản ngục như bị cầm tù trong cái nhà tù vô hình, bởi bề ngoài ông là một viên quan của triều đình nhưng bên trong ông lại tôn thờ những điều tương phản với triều đình, bên ngoài ông tự do về nhân thân nhưng bên trong ông dằn vặt về nhân cách. Còn Huấn Cao, là tên tử tù bị cầm tù trong cái nhà tù hữu hình, bên ngoài bị
cầm tù về nhân thân nhưng bên trong lại tự do về nhân cách. Quản ngục là người đứng đầu cho trật tự nhà tù, cũng không thể cứu được Huấn Cao và cũng không tự giải thoát được mình, nhưng Huấn Cao chẳng những không cần giải cứu mà trước khi ra pháp trường ông còn cứu được quản ngục thoát khỏi ngục tù vô hình.
c). Sự tác động của tình huống: Qua cuộc gặp gỡ của Huấn Cao và quản ngục, quan hệ của nhân vật đã thay đổi:
- Về quyền uy: Kẻ có quyền hành thì không có quyền uy (quản ngục), mà quyền uy lại thuộc về kẻ đã bị tước đi mọi thứ quyền, kể cả quyền sống (Huấn Cao).
- Về chức phận và thái độ: Ngục quan , kẻ bề trên thì lại “khúm núm” còn tử tù lại “ung dung”. Kẻ đại diện cho quyền lực thống trị không làm chủ mà người tử tù làm chủ. Cai tù
không giáo dục tội phạm, ngược lại tội phạm lại giáo dục cai tù. Trong nhà tù, giữa quản ngục và tử tù, không còn tội phạm, bề trên, chỉ có những người bạn tri kỉ với cái đẹp, nghệ thuật.
d). Ý nghĩa của tình huống:
- Tình huống đã làm nổi bật vẻ đẹp của hình tượng Huấn Cao; làm sáng tỏ tấm lòng biệt nhỡn liên tài của quản ngục;
- Bộc lộ quan niệm về cái đẹp của Nguyễn Tuân: Cái đẹp và cái thiện không thể tách rời, cái tài phải đi đôi với cái tâm; cái đẹp là bất diệt, dù thực tại có hắc ám đến đâu cũng không thể tiêu diệt được cái đẹp; cái đẹp sẽ cảm hóa được con người trong mọi hoàn cảnh.
2. Tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân:
a). Tình huống truyện:
Nhà văn Kim Lân đã tạo ra một tình huống oái oăm, hết sức độc đáo: Tràng- một anh nông dân ngụ cư nghèo bỗng “nhặt” được vợ trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Việc
“nhặt vợ” của Tràng lại diễn ra trong hoàn cảnh không ai dám nghĩ đến chuyện vợ con cho anh ta: người dân đang chết đói đầy đường.
b). Diễn biến của tình huống: Việc Tràng “nhặt” được vợ đã khiến nhiều người ngạc nhiên:
- Trước hết là người dân xóm ngụ cư: hết ngạc nhiên đến võ đoán, có cả mừng vui “những khuôn mặt hốc hác u tối của họ bỗng dưng rạng rỡ hẳn lên”, và cuối cùng là ái ngại “Giời đất này còn rước cái của nợ đời về. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không?”
- Tiếp đến là sự ngạc nhiên của bà cụ Tứ: Hết sức ngạc nhiên, khi hiểu ra cơ sự thì buồn thương cho số kiếp nghèo khổ của con trai, càng thương con trai bao nhiêu thì bà lại càng thương người con dâu bấy nhiêu, bà an ủi động viên các con về một tương lai thiết thực.
- Đến bản thân Tràng cũng hết sức ngạc nhiên, không tin nổi vào sự thật là mình đã có vợ, đến tận hôm sau vẫn còn “ngỡ ngàng như không phải”.
c). Sự tác động của tình huống: Tình huống truyện đã làm thay đổi tính cách, số phận của nhân vật:
- Nhân vật Tràng: Khi người đàn bà theo mình về thật thì Tràng lo lắng trước cảnh nạn đói
“thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”, nhưng ngay lập tức anh đã “Chậc, kệ!”, và Tràng đã quyết định đưa vợ về trong niềm hạnh phúc khó
tả. Có vợ, Tràng cảm thấy mình mới “nên người”, nhận ra trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và có niềm tin vào tương lai.
- Nhân vật người đàn bà vợ nhặt: Trước khi làm vợ Tràng, chị là người phụ nữ chao chát, nhưng khi về làm vợ Tràng, chị đã thay đổi, trở thành một người vợ hiền, dâu đảm đúng mực, biết thu vén công việc gia đình và đặc biệt còn có những hiểu biết về tình hình xã hội, mang đến cho gia đình câu chuyện tràn đầy niềm tin.
- Nhân vật bà cụ Tứ: là người mẹ đói khổ một đời nhưng giàu lòng nhân hậu, giàu niềm tin.
Trước tình cảnh con trai “nhặt vợ” bà vừa thương vừa buồn tủi, nhưng với lòng nhân hậu, sự cảm thông bà đã dang rộng vòng tay đón người con dâu mới. Dù trong lòng nặng trĩu một nỗi lo “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không” nhưng bà cụ đon đả động viên các con bằng cái triết lí “ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”, mở ra một tương lai rất thiết thực mà các con có thể tin vào khả năng của mình đó là vườn tược, nào là gà qué... Bà cụ Tứ đã mang lại cho gia đình một không khí ấm áp, vui tươi, “Bà lão nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau này”.
d). Ý nghĩa của tình huống:
- Tình huống có ý nghĩa phát hiện và khẳng định bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của con người: ngay trên bờ vực của cái chết họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau.
- Tình huống còn mang ý nghĩa phát hiện sâu sắc về hiện thực xã hội: gián tiếp tố cáo tội ác của thực dân Pháp và phát xít Nhật, kẻ đã gây ra nạn đói khủng khiếp, không chỉ cướp đi sinh mệnh của hàng triệu người dân Việt nam mà còn hạ thấp giá trị con người, đó là thân phận con người bị rẻ rúng.
3. Tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu:
Xác định tình huống truyện
Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh tình huống về nhân vật Phùng - một nghệ sĩ nhiếp ảnh – người đang đi săn tìm cái đẹp của cuộc sống để đem lại những bức ảnh đẹp cho vào bộ lịch nghệ thuật về thuyền và biển. Nhân chuyến thăm người bạn chiến đấu năm xưa tên Đẩu - giờ là chánh án tòa án huyện, Phùng sau bao đắn đo đã quyết định chụp cảnh đoàn thuyền đánh cá vào lúc bình minh. Cảnh ấy thật lung linh, huyền ảo, thơ mộng với “một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích, một vẻ đẹp của “đạo đức, chân lí của sự toàn thiện”. Phùng cảm thấy sung sướng vô cùng khi anh “khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Nhưng chính lúc anh đang tràn ngập niềm vui, hạnh phúc do “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại” thì anh bất giác nhìn thấy chiếc thuyền của người đàn bà hàng chài ngay trước mặt. Tệ hại hơn, anh còn được chứng kiến cảnh lão đàn ông dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng vợ. Và rồi anh cùng với người bạn của mình tìm hiểu về cuộc sống của gia đình người đàn bà hàng chài. Cuối cùng anh cũng ngộ ra mối quan hệ giữa cuộc đời thật và nghệ thuật thật không đơn giản. Đằng sau bức ảnh con thuyền chìm trong bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào là số phận đớn đau của người phụ nữ, là cuộc sống nheo nhóc, lênh đênh của một gia đình hàng chài, là tình trạng bạo lực gia đình. Và con mắt tinh tường của anh đã từng băn khoăn về một chân lí lớn đã được một đại văn hào phát hiện: bản thân cái đẹp chính là đạo đức. Nhưng anh cũng nhận ra rằng quan niệm về đạo đức cũng đang biến đổi theo hoàn cảnh, theo sự nhìn nhận của từng số phận cá nhân. Cuối cùng, anh đã có cái nhìn thay đổi về cuộc sống và nghệ thuật. Người nghệ sĩ không thể có cái nhìn đơn giản và sơ lược về cuộc sống. Trong những bức ảnh anh đã mang về có
một bức ảnh màu trắng thật đẹp và đã được lựa chọn. Tuy là ảnh đen trắng nhưng lạ thay, mỗi lần anh ngắm đều thấy hiện lên màu hồng hồng của sương mai, càng nhìn kĩ lại càng thấy hiện lên người đàn bà hàng chài nghèo khổ, đang bước chậm rãi, bàn chân giậm trên mặt đất chắc chắn, hòa lẫn trong đám đông.
Rõ ràng truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” xoay quanh tình huống nhận thức của nhân vật Phùng. Anh đã đi từ lầm lẫn, ngộ nhận đến hiểu biết, “giác ngộ” trong cách nhìn về cuộc sống. Qua tình huống tự nhận thức ấy, ta không chỉ thấy được quan niệm nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Minh Châu – người mở đường tinh anh cho văn xuôi Việt nam sau 1975 mà còn thấy được ý nghĩa nhân bản sâu xa toát ra từ tác phẩm. Đó là tình yêu tha thiết với con người. Tình yêu ấy cháy bỏng lên thành khát vọng kiếm tìm, phát hiện và tôn vinh vẻ đẹp của con người. Đó còn là nỗi lòng khắc khoải, lo âu trước cái xấu xa, tàn bạo. Tôi chợt nhớ tới câu nói của Nguyễn Đình Thi: “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã làm nên những điều cao cả ấy trong thế giới văn chương. Đằng sau cái nhìn hiện thực gồ ghề, thô ráp, đau đớn và cả cái ác là vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, là trái tim của người phụ nữ hy sinh, nhân ái, vị tha. Cái nhìn hiện thực của nhà văn sâu sắc, trĩu nặng tình thương và nỗi lo âu với con người. Nguyễn minh Châu đã từng quan niệm: “Người viết văn là một người rất nặng nợ với đời” ( Trang giấy trước đèn ). Bởi trong thâm tâm, ông luôn quan niệm tình yêu ở người nghệ sĩ “vừa là một niềm hân hoan, say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình” ( Ngày xuân phỏng vấn các nhà văn, Báo văn nghệ ). Ông luôn có ý thức rõ về vai trò của mình khi cho rằng cuộc đời nhà văn “là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội, và trong khi chăm chú đọc cái cuốn sách khổng lồ đó, anh ta phải đặt hết tâm hồn và trí tuệ của mình vào, phải tỏ rõ chính kiến và lập trường của mình trước mỗi sự việc, mỗi hoàn cảnh, mỗi một con người” ( Trang giấy trước đèn ).
Tình huống tự nhận thức cũng phản ánh rõ nét đặc điểm phong cách nghệ thuật Nguyễn Minh Châu. Đó là một lối văn thâm trầm, giản dị, đôn hậu mà sâu sắc, thấm thía, nhiều dư vị, lắng đọng chiêm nghiệm sâu xa về lẽ đời để kết tụ thành những triết lí nhân sinh sâu sắc.
Vậy từ những tình huống tự nhận thức ấy, người nghệ sĩ văn chương và độc giả rút ra những bài học nhận thức gì cho mình ?.
Ý nghĩa của tình huống tự nhận thức trong “Chiếc thuyền ngoài xa”
Nhận thức về con người và cuộc sống
Có lẽ, những người nghiên cứu văn học muôn đời luôn thấm thía một câu nói của đại văn hào Nga, Mácxim Gorki “Văn học là nhân học”. Quả thực, con người là chủ thể của vũ trụ và là tổng hòa các mối quan hệ xã hội. Chỉ nhắc đến hai tiếng Con Người, lòng ta đã tràn đầy niềm tự hào, hứng khởi, hạnh phúc: “Con Người, hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh và hùng tráng xiết bao”. Bởi vậy, bất kì tác phẩm văn học chân chính nào cũng có những nhận thức, khám phá mới mẻ về cuộc sống của con người. Cao quý hơn, nó còn là tiếng nói tôn vinh những giá trị tốt đẹp của con người. Hơn ai hết, Nguyễn Minh Châu ý thức rất rõ về thiên chức của người nghệ sĩ trong việc phát hiện ra những bí mật ẩn chứa trong tâm hồn con người, đó là những