B. Gương mặt đất nước trong thơ văn kháng chiến
IV. QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI TRONG VĂN HỌC VIỆT
2. Con người thế sự, đời tư
Ra khỏi chiến tranh, những đề tài lớn lao như Tổ quốc, chủ nghĩa xã hội nhường chỗ cho những đề tài thế sự. Những vấn đề nhân sinh, những vấn đề cơm áo gạo tiền, những lo toan vật chất, những mối quan hệ chằng chịt phức tạp của cuộc sống thường nhật trở thành mối quan tâm hàng đầu của văn học. Do đó, trong văn học hình thành kiểu con người thế sự, đời tư.
Từ sau năm 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Ngay từ giữa những năm chiến tranh chống Mỹ, Nguyễn Minh Châu đã nghĩ rằng cuộc chiến đấu cho quyền sống của mỗi con người sẽ còn lâu dài và khó khăn hơn cả cuộc chiến đấu cho quyền sống của dân tộc. Cũng không phải ngẫu nhiên mà trong một truyện ngắn được viết ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc - truyện Bức tranh - nhà văn đã mạnh mẽ phê phán và bác bỏ những luận điểm nhân danh cái chung, mượn cớ lợi ích cộng đồng mà bỏ qua, thậm chí chà đạp lên nỗi đau và số phận của mỗi cá nhân. Văn học cũng phát hiện ra rằng không ít khi có sự "lệch pha", thậm chí trái ngược giữa số phận cá nhân và cộng đồng, nảy sinh những bi kịch của con người là nạn nhân của hoàn cảnh và số phận. Tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu là tác phẩm đầu tiên đã phát hiện và cảm nhận thấm thía về điều đó.
Từ những năm 70, trong những sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu Trong tiểu thuyết Miền cháy sáng tác năm 1977, hình ảnh người anh hùng trở về từ chiến tranh hiện lên đầy tâm trạng. Đó là sự khắc khổ, dằn vặt, bất an trước mảnh đất miền Trung xác xơ sau khói bom lửa đạn. Người anh hùng kiên cường trong chiến đấu thì cũng phải bản lĩnh để đối mặt với ngổn ngang đổ nát, với bộn bề lo toan để quê hương nhanh chóng được hồi sinh. Tiểu thuyết Lửa từ những ngôi nhà (1977) của Nguyễn Minh Châu là sự phát triển của nguồn cảm hứng đã được khơi từ Miền cháy, vẫn là bộ mặt khắc khổ của những người lính từng là anh hùng nơi chiến trường nhưng xa lạ với lo toan đời thường sau chiến tranh, sống bất an trong hòa bình. Họ cởi bỏ bộ áo người anh hùng chiến trận, trở về đời thường với biết bao lo toan, trăn trở.
Điều cần phải khẳng định là con người trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu sau 1975 vẫn tiếp nối đạo lí truyền thống của dân tộc, vẫn nuôi dưỡng hoài bão xây dựng quê hương giàu đẹp nhưng đã biết bám rễ trên mảnh đất hiện thực. Lực (truyện vừa Cỏ lau) đã hi sinh thời trai trẻ, hi sinh tình cha con, vợ chồng, anh em cho cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Ngày trở về, em mất, vợ đã có một gia đình mới, người cha già phải sống nhờ cô con dâu tái giá, tuy đau đáu nỗi niềm, song anh hiểu “cuộc sống đã an bài… chẳng dễ thay đổi được hoàn cảnh”, anh lựa chọn cho mình tương lai của “một người lính già sống suốt đời cùng với một ông bố”, nơi có “những hình người đàn bà bằng đá đầy cô đơn”. Lại một lần nữa, Lực nhận về mình phần thiệt thòi nhưng người đọc cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp giàu chất nhân văn của tâm hồn người Việt Nam. Trước khi ra đi vĩnh viễn, Hòa (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) đã chia sẻ với người yêu về những dự định, những ước mơ của anh. Hòa từng “mơ tưởng sau này lớn lên sẽ chế tạo được một chiếc máy cày” để những ông già đầu bạc, những em bé không còn phải “giơ cao những chiếc cuốc rất nặng bổ xuống một cánh đồng đất rắn như gang”, để bàn tay mẹ không giống như một tấm da trâu sau mỗi vụ cày ải”. Ra khỏi chiến tranh, Quỳ (Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành) đã có mặt trên mặt trận kinh tế ở ngay tại mảnh đất mà người thân yêu và đồng đội của chị đã ngã xuống. Chị đã “cứu Ph ra khỏi sự lầm lạc, trả lại vị trí xứng đáng để người kỹ sư cơ khí phát huy năng lực sở trường”, “đã nhận ra được vai trò quan trọng của tài năng, của tri thức trong sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới”.
Chiếc thuyền ngoài xa là tập truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu, đi sâu vào khám phá cuộc sống và con người ở bình diện đời tư, thế sự. Truyện ngắn cùng tên được dạy trong chương trình THPT là một ví dụ tiêu biểu. Gia đình người đàn bà hàng chài được miêu tả trong tác phẩm với bao bi kịch ngổn ngang, những éo le, nghịch lí mà nếu không nhìn vào thực tế không ai lí giải nổi. Cuộc sống đói nghèo, tăm tối mà con người phải đối mặt sau chiến tranh là điều mà trước ngày giải phóng đất nước không ai có thể hình dung được. Cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài diễn ra ngay trên bãi phá, cạnh chiếc xe tăng hỏng của địch để lại – dấu tích của thời oanh liệt mà Phùng và Đẩu đã tự hào trải qua. Phùng giờ đã là nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng, Đẩu là chánh án một tòa án huyện vùng biển. Họ đều trở về đời thường với
những địa vị xã hội nhất định, nhưng còn những người dân chài kia – đám đông vô danh và đông đúc kia - cuộc sống của họ có thực sự thay đổi? Cách mạng thành công rồi mà tại sao cuộc sống của họ vẫn chìm trong bạo lực, tăm tối, đói nghèo? Những đứa trẻ như thằng Phác sẽ ra sao trong tương lai của gia đình ấy? ... Con người thế sự loay hoay trong việc tìm câu trả lời cho những vấn đề thường nhật. Nhà văn và bạn đọc cũng vậy. Những câu hỏi nhức nhối mà nhà văn đặt ra để bạn đọc tự tìm câu trả lời. Cuộc đời là thế, đám đông bụi bặm và đông đúc kia mới là nơi văn học cần tìm đến để khám phá, để rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật thuần khiết với cuộc đời phức tạp, giữa người nghệ sĩ với con người...
Sự thức tỉnh trở lại ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm đổi thay quan niệm về con người. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Cũng Nguyễn Minh Châu trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ đầu năm 1986 đã phát biểu như sau: "Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người. Người viết nào cũng có thể có tính xấu nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống".
Con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: con người xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác và với chính mình... Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát. Điều dễ nhận ra là trong phần lớn các tác phẩm văn học thời kỳ này, con người không còn là nhất phiến, đơn trị mà luôn là con người đa diện, đa trị, lưỡng phân, trong con người đan cài, chen lẫn, giao tranh bóng tối và ánh sáng, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và quỉ sứ, cao cả và tầm thường... Cố nhiên, một nền văn học dựa trên nền tảng tinh thần nhân bản không thể đưa đến sự hoài nghi, hạ thấp hay phủ nhận con người. Nó phải cảm thông, thấu hiểu và nâng đỡ con người nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cao ở con người và luôn chú ý thức tỉnh sự tự ý thức của con người để hướng tới cái thiện, cái đẹp và sự hoàn thiện nhân cách.
Nguyễn Huy Thiệp lại miêu tả con người thế sự trong cái dung tục, tầm thường hóa của đời thường. Có người gọi Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn của “ những cái trớ trêu”. Với sự mẫn cảm đặc biệt của một nhà văn có thực tài, ông đã thoát ra ngoài những chuẩn mực đạo đức, luân lý thông thường để xác định diện mạo thật của cuộc sống. Cuộc sống đâu chỉ có cái đẹp, cái cao cả như một thời văn học ta ngợi ca. Cuộc sống còn là một cõi tục hoang sơ, trì đọng, một thế giới hỗn tạp xô bồ “đất không có vua và biển không có thủy thần”. Ở đó có những con người bạc ác, đểu cáng. Ở đó có những con người vụ lợi, dối trá. Nguyễn Huy Thiệp dùng phần lớn dung lượng tác phẩm của mình để viết về kiểu người đê tiện, thực dụng. Đây là kiểu nhân vật bị thoái hóa về nhân cách, bị vấy bẩn về tâm hồn, sống độc ác và tàn nhẫn. Họ lấy đồng tiền, lấy quan hệ vật chất làm thước đo cho mọi giá trị. Họ tham lam, ích kỉ, thực dụng một cách tỉnh táo và vụ lợi một cách bỉ ổi. Gia đình lão Kiền trong “ Không có vua” là một thế giới thu nhỏ, một cõi nhân gian không còn trật tự tôn ti. Mọi chuẩn mực truyền thống của một gia đình Việt dường như bị triệt tiêu hoàn toàn khi lão Kiền – bố chồng bắt ghế lén xem con dâu tắm, lại hoàn toàn thản nhiên trước mâu thuẫn của các con “ Chúng mày giết nhau đi, ông càng mừng”, khi Đoài – em chồng chòng ghẹo, đòi ngủ với chị dâu, ghen cả với bố. Người đọc cứ rờn rợn trước cái lối biểu quyết bố chết của Đoài: “ Ai đồng ý bố chết giơ tay, tôi biểu quyết nhé”. Sự sa đọa về phẩm chất đã đẩy con người đến chỗ đốn mạt. “ Không có vua” như một tiếng chuông cảnh tỉnh cho sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức con người.
Tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện hàng loạt những nghịch lý : Ở hiền thì gặp chuyện bất trắc. Đi tìm cái đẹp thì gặp cái xấu xa, bỉ ổi. Đi tìm điều thiện thì gặp điều độc ác.
Những kẻ trí thức có học thì dâm ô, dối trá, bịp bợm…Những nghịch lý ấy là sự thật về cái phi lý của cuộc sống và con người. Cuộc sống không đơn giản mà vô cùng phức tạp. Con người không dễ hiểu mà vô cùng rắc rối. Khám phá con người bằng cặp mắt nhiều chiều, xoáy sâu vào đời sống nội tâm chằng chịt của con người, nhà văn đã góp được một tiếng nói thành thật về con người mà suốt mấy mươi năm chiến tranh, vì nhiều lý do, văn học buộc phải giấu kín trong vỏ bọc chính trị, đạo đức, văn hóa. Cất lên tiếng nói thành thật ấy, Nguyễn Huy Thiệp từng bị chỉ trích một cách gay gắt. Biết làm sao được. Sự thật đôi lúc rất tàn nhẫn. Nhưng tàn nhẫn đến mấy cũng phải phơi bày nó ra để cảnh tính con người, hướng con người về chân – thiện – mĩ. Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm của mình đã “ lôi tuột chúng ta từ khoảng trống lơ lửng giữa trời và đất, buộc ta phải đối mặt với mình, với một thế giới không có vua, dạy chúng ta những bài học nông thôn, bắt chúng ta hiểu rằng trước khi muốn nhìn lên bầu trời thì phải nhìn mặt đất đã.”
Tạ Duy Anh trong Thiên thần sám hối đã chọn điểm nhìn độc đáo là bào thai còn nằm trong bụng mẹ để thể hiện quan niệm nghệ thuật về con người thời hậu hiện đại. Thế giới người lớn mà bào thai cảm nhận được qua kênh thính giác đã khiến nó không còn muốn chui ra khỏi bụng mẹ như khao khát của người mẹ nữa. Nó định sẽ ở mãi trong tổ ấm yên bình và
vô sự ấy, tránh xa sự phức tạp, lừa lọc của thế giới bên ngoài. Đó là thế giới phức tạp mà con người thế sự phải đối mặt.
Văn xuôi giai đoạn hậu đổi mới lại quan tâm đến con người thế sự ở nhu cầu bản năng, nhu cầu tính dục rất rõ nét. Nguyễn Khải có lần nói: “không bị mất nghề cũng là chuyện quan trọng nhưng không sợ bị bỏ đói, bỏ chết còn quan trọng hơn” (Nghề văn cũng lắm công phu).
Nguyễn Đình Thi thì tâm sự: “một chế độ nhân đạo là phải lo cho con người không bị bỏ đói để nó khỏi nhe răng ra với nhau”. Miếng ăn, cái đói vốn đã là đề tài nổi bật của văn xuôi hiện thực phê phán 30 – 45, nay tiếp tục được khai thác trong mối quan hệ với nền kinh tế thị trường. Ai kiếm được miếng ăn, người đó có quyền lực, cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Truyện vừa Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện rõ điều này. Nhìn thẳng vào sự thật, Nguyễn Huy Thiệp vạch trần tâm lý thực dụng, vụ lợi một cách trắng trợn của con người.
Nhân vật Hạnh trong “ Huyền thoại phố phường” để tạo được sự tin cậy của gia đình bà Thiều đã không ngần ngại “ xắn tay áo rồi đưa tay mò dọc theo cái rãnh đầy bùn, lõng bõng nước bẩn, thậm chí còn có cả cục phân người”. Ông Bổng trong “ Tướng về hưu” ở đám tang chị dâu tỏ vẻ tiếc rẻ “ Mất mẹ bộ xa lông. Ai lại đi đóng quan tài bằng gỗ dổi bao giờ. Bao giờ bốc mộ cho chú bộ ván”. Đặc biệt hơn cả, sự trục lợi tỉnh táo đến mức kinh tởm ở nhân vật Thủy trong “ Tướng về hưu”: “ Vợ tôi làm việc ở bệnh viện sản, công việc là nạo phá thai. Hằng ngày các rau thai nhi bỏ đi, Thủy cho vào phích đá đem về. Ông Cơ nấu lên cho chó, cho lợn… Cha tôi dắt tôi xuống bếp, chỉ vào nồi cám, trong đó có các mẩu thai nhi bé xíu. Tôi lặng đi. Cha tôi khóc…Vợ tôi đi vào nói với ông Cơ: Sao không cho vào máy xát? Sao để ông biết?”. Banzắc từng nói “ Khi túi tiền phình ra thì trái tim bị teo lại”. Chính tâm lý vụ lợi, thực dụng đã khiến con người đánh mất lương tri. Viết về kiểu người này, Nguyễn Huy Thiệp đã “ lột truồng con người ra và phơi bày toàn bộ sự đớn hèn của nó”.
Về nhu cầu tình dục, văn học sau đổi mới rất quan tâm đến vấn đề này. Con người tự nhiên có lúc chống lại con người đạo lí, tiếng nói của bản năng có khi mạnh hơn lí trí. Nguyễn Trí Huân đã viết về khao khát hạnh phúc đến nhức nhối của một nữ anh hùng, một cán bộ huyện: “Hầu hết những đêm thao thức bởi những khát vọng bình thường của người phụ nữ chưa hề được làm vợ làm mẹ, chị đã sống bằng mộng mị với Dũng. Những đêm như vậy, tỉnh dậy, người chị trở nên phờ phạc. Chị vội vã chạy lao ra ngoài, cố trấn tĩnh cho thật tỉnh táo”.
Cuộc sống độc thân kéo dài khiến chị luôn phải kìm nén, nhưng có những lúc nhu cầu ái ân trở nên bức xúc: “Chị luống cuống tìm hộp quẹt trên bàn và đã gặp bàn tay của anh. Một bàn tay nóng hổi như biết nói. Người chị tê dại. Cái ước muốn được chia sẻ, được thỏa mãn đột ngột đốt cháy trái tim chị” (Chim én bay). Những sáng tác sau này của lớp nhà văn trẻ như Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Đỗ Hoàng Diệu đều chạm đến yếu tố tính dục như một phần tất yếu của con người đời thường.
Thơ ca sau 75 cũng là mảnh đất màu mỡ cho sự thể hiện của quan niệm con người thế sự, đời tư. Hướng về con người thế sự đời tư có thể xem là xu hướng nổi bật nhất trong thơ sau