B. Gương mặt đất nước trong thơ văn kháng chiến
I. Đất nước vốn là những gì gần gũi thân quen
Trong thơ kháng chiến, đất nước không còn là một khái niệm mơ hồ, xa xôi nữa, nó đã trở nên gần gũi, ấm áp gắn liền với tấm lòng yêu quê hương thiết tha của mỗi người. Mỗi nhà thơ có nhiều cách gọi tên đất nước: giang sơn, sông núi, nước non, nước Việt, dân tộc, trời Nam nhưng tất cả chỉ là một - Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
1. Đất nước trong chiều sâu văn hóa, lịch sử:
Trong bài thơ Đất Nước trích trường ca Mặt đường khát vọng, cảm nghĩ về sự hình thành của đất nuớc, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã không minh chứng bằng sử liệu mà bằng những gì gần gũi và thân thiết với mỗi người Việt Nam. Đó là truyền thống, là quá khứ, là sự kế thừa văn hoá và cả lịch sử dựng nước, giữ nước của cha ông :
Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi
Đất nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể Đất nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Điệp ngữ đất nước vọng lên như khúc nhạc thiêng liêng gợi nhớ về đất nước có chiều sâu quá khứ bốn ngàn năm với nhiều kho tàng văn hoá dân gian cổ xưa giàu màu sắc, âm điệu.
Đồng thời thấy được đất nước chúng ta đã tồn tại từ lâu đời, gắn liền với sinh hoạt văn hoá, đời sống tâm hồn của nhân dân. Và để có được đất nước như hôm nay, mọi người hẳn phải gìn giữ, nỗ lực xây dựng hết mình. Bên cạnh đó nhà thơ còn nhấn mạnh đến sức lao động của nhân dân để làm nên cuộc sống, từ việc xây dựng nhà cửa đến sản xuất làm ra hạt gạo, cùng bao của cải vật chất :
Cái kèo cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng Đất nước có từ ngày đó.
Nhà thơ tiếp tục mạch cảm hứng về đất nước, bằng sự suy nghiệm và miêu tả Tổ quốc qua thời gian đằng đẵng và không gian mênh mông vừa chân thực vừa phảng phất không khí
huyền thoại. Từ không gian và thời gian trong các truyền thuyết về cội nguồn đất nước, dân tộc: “Đất là nơi chim về. Nước là nơi rồng ở. Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đẻ ra đông bào ta trong bọc trứng". đến không gian và thời gian gần gũi của cuộc sống hàng ngày: “Đất là nơi anh đến trường. Nước là nơi em tắm’" . Và đất nước ngày càng thân thuộc hơn khi nó tồn tại ngay trong máu thịt con người :
Trong anh và em hôm nay Đều có một phần đất nước
(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Vì thế, trách nhiệm, bổn phận đối với đất nước không phải là cái gì khác mà là trách nhiệm đối với chính bản thân mình :
Em ơi em đất nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở Làm nên đất nước muôn đời...
(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Đất Nước trải dài trong không gian văn hóa và thời gian lịch sử. Dân tộc Việt Nam viết nên sử vàng từ nước mắt và đau thương trong suốt 4000 năm:
Ôi Đất Nước sau 4.000 năm đi đâu ta cũng thấy Những cuộc đời đã hóa núi sông ta
(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Vì thế đất nước trở thành một phần máu thịt trong mỗi chúng ta. Quan điểm này Nguyễn Khoa Điềm đã gặp Chế Lan Viên trong một thi phẩm khác:
Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt Như mẹ cha ta, như vợ như chồng Ôi Tổ quốc nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà ngọn núi con sông (Sao chiến thắng - Chế Lan Viên)
Có ở đâu đất nước lại ngọt ngào, kì diệu đến thiêng liêng nhưng vô cùng giản dị gần gũi như trong thơ Nguyễn Khoa Điềm. Tất cả như tuổi thơ, như nỗi niềm cổ tích huyền thoại cứ ùa về tự nhiên cho ta thấy đất nước thật gần:
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời Dẫu phải cay đắng dập vùi
Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu Cây khế chua có đại bàng đến đậu Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Tự hào thay đất nước Việt Nam hôm nay bắt bắt đầu từ hôm qua trong suốt mạch nguồn lịch sử âm thầm của dân tộc. Cha ông xưa với nghìn công lao để dựng xây đất nước tươi đẹp như bây giờ. Tiếng nói lịch sử đi qua tháng năm với những con người kiên cường, bất khuất.
Điều đó làm nên sức mạnh diệu kì cho kháng chiến và muôn thế hệ mai sau:
Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Các nhà thơ thời kỳ kháng chiến viết về đất nước không chỉ bằng tình yêu tha thiết, chân thành mà còn vì niềm tự hào về một đất nước bốn nghìn năm văn hiến; về những truyền thống văn hóa đã tạo nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam; về những trang sử vẻ vang của cha ông ta trong quá trình dựng nước và giữ nước. Đó cũng là cơ sở để chúng ta có cái nhìn sâu sắc, đầy đủ hơn về hình tượng đất nước trong thơ kháng chiến.
2. Đất nước - làng quê hiền hòa, bình dị mến thương
Đất nước từ lâu đã đi vào văn học dân gian với những hình ảnh quen thuộc: cây đa, bến nước, sân đình, con đò, mái rạ, xóm chiều, khói buông…Trải qua thời gian, gương mặt đất nước cũng dần thay đổi, nên trong thơ ca, đất nước Việt Nam muôn màu muôn vẻ. Nếu đất nước trong tiềm thức của người nông dân là “Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” (Ca dao) và nơi chiến trường nhớ về một “Quê hương anh nước mặn đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá” (Đồng chí – Chính Hữu) hay “Ít nhiều người vợ
trẻ/Mòn chân bên cối gạo canh khuya” (Nhớ - Hồng Nguyên). Đến với Nguyễn Đình Thi, đất nước mới lạ hơn trong kí ức của những người con Hà Nội. Nhớ nhớ quê hương thân yêu là nhớ về một sớm thu Hà Nội nồng nàn hương cốm mới với heo may vương tràn thềm phố:
“Gió thổi mùa thu hương cốm mới Tôi nhớ những ngày thu đã xa Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may”
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Để cả một vùng kí ức ngập đầy hình ảnh Hà Nội thân yêu trong kháng chiến:
“Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Cảm xúc ấy thêm một lần đốt cháy Hà Nội trong chất ngất nỗi nhớ mong:
“Nhớ đêm ra đi đất trời như bốc lửa Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng”
(Ngày về - Chính Hữu)
Để rồi, khi ra chiến trường, hành trang mang nặng ba lô của những người lính là hình bóng quê hương chập chờn trong giấc mộng:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm”
(Tây Tiến –Quang Dũng)
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, khi căn cứ địa cách mạng được chuyển lên chiến khu Việt Bắc, thì hình ảnh đất nước bỗng chốc hóa bình dị, gần gũi vô cùng, khoáng đạt và mênh mông:
“Những cánh đồng thơm mát Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Tình yêu quê hương đều có trong mỗi một con người, dù nhiều, dù ít. Và ở mỗi lứa tuổi, tình yêu quê hương lại được thể hiện theo từng cung bậc khác nhau của nhận thức. Thuở bé, Giang Nam đã yêu quê hương vì :
Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm Có những ngày trốn học bị đòn roi (Quê hương - Giang Nam)
Trong nhận thức của một đứa trẻ, quê hương là cái gì đó gần gũi như lời ru của mẹ, êm ái như cánh diều. Ngày xưa tác giả yêu quê hương chỉ vì một lẽ đơn giản như thế: "có chim có
bướm” và bởi quê hương còn là cái nôi của kỷ niệm một thời trẻ con bé dại, ngây thơ : Những ngày trốn học đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc (Quê hương - Giang Nam)
Quê hương là con đường đến trường, là trang sách, là bài văn, là phút mơ màng nghe chim hót. Quê hương đối với con người là cái gì đó thật giản dị, thật gần gũi, đơn sơ mà thật là thiêng liêng, sâu lắng:
Quê hương là chùm khế ngọt Cho con trèo hái mỗi ngày Quê hương là đường đi học Con về rợp bướm vàng bay (Quê hương - Đỗ Trung Quân)
Quê hương không còn là một khái niệm quá to tát, xa vời, mà quê hương là những cái gần gũi, thân thương với con người nhất. Với vài dòng thơ, mà tình yêu trong tác giả được thể hiện sâu sắc, dạt dào nồng thắm biết bao!
Và đâu đó không phải đất nước xa xôi mà gần gũi đến bình dị trong mỗi gốc tre, bên những bãi bờ, trên những cánh đồng lúa, lạc vào trong bàn tay khéo léo ken những mái rơm mái rạ…
tất cả thấp thoáng bóng dáng cha ông xưa từ lịch sử bước ra:
Ôi những gốc tre tổ tiên ta từng thấy Vẫn còn nguyên trên bờ bãi sông Hồng Lúa lên xanh trên những cánh đồng Cũng có tay cha ông in vào trong lúa Sâu thẳm quá cho đến từng mái rạ
Cũng có dáng một ngày cha ông khăn gói bước ra (Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)
Cái nên thơ nghìn đời trong thơ ca Việt Nam ta là bờ tre, giếng nước, là tạo vật thiên nhiên gắn liền với đời sống lao động, sản xuất nơi chốn ruộng đồng, từ đó đã tạo nên thói quen cảm xúc cho người đọc. Hình tượng đất nước trong thơ thời kỳ kháng chiến cũng được các nhà thơ xây dựng trên nền những thói quen đó và nó đã đi vào lòng người đọc qua từng hình ảnh, đường nét, màu sắc miêu tả thật giản dị mà thân quen trìu mến.