Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ PHÁP LUẬT VỀ BỒI THƯỜNG KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT NÔNG NGHIỆP
1.2. Lý luận pháp luật về bồi thường khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp
1.2.3. Yêu cầu đối với pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp
- Tính hợp hiến, hợp pháp: Các văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp. Về tính hợp hiến, đây là nhân tố hàng đầu đảm bảo sự thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật. Tính hợp hiến đòi hỏi tất cả các quy phạm pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp không được trái hoặc mâu thuẫn với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc, hiệu lực pháp lý của văn bản, tạo thành một hệ thống thống nhất về tên gọi với thứ bậc cao thấp khác nhau theo quy định của Hiến pháp. Về tính hợp pháp, thuật ngữ này khi được sử dụng cùng với thuật ngữ “tính hợp hiến” không bao hàm ý nghĩa về sự phù hợp với các quy định của pháp luật nói
chung (trong đó có Hiến pháp) mà chỉ đề cập đến sự phù hợp với các quy định của các đạo luật và văn bản dưới luật. Theo nghĩa như vậy, để bảo đảm tính hợp pháp, văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đúng thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục luật định. Bên cạnh đó, hình thức của văn bản phải phù hợp với quy định về kỹ thuật văn bản.
- Tính thống nhất: pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải đảm bảo tính thống nhất. Sự thống nhất của pháp luật là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự thống nhất trong mục đích và sự triệt để trong việc áp dụng pháp luật. Về mặt nội dung, trước tiên, tính thống nhất đòi hỏi các quy phạm và các văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải bảo đảm sự nhất quán. Tránh tình trạng Luật Đất đai năm 2013 thì cho phép tổ chức, cá nhân được hưởng bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp nhưng xuống đến văn bản hướng dẫn thi hành luật lại không cho phép, đồng thời, văn bản luật và văn bản có giá trị pháp lý thấp hơn luật đều phải phù hợp với Hiến pháp. Mặt khác, pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải bảo đảm thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ thể. Về phương diện hình thức, tính thống nhất của hệ thống pháp luật còn được thể hiện qua cấu trúc, cách sắp xếp, phân loại thứ bậc, hiệu lực của quy phạm pháp luật. Cũng là các quy phạm cùng điều chỉnh về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp nhưng tính thống nhất đòi hỏi những quy phạm pháp luật được quy định trong Luật Đất đai năm 2013 phải có giá trị pháp lý cao nhất, sau với đến những quy phạm pháp luật được chứa đựng trong các Nghị định của Chính phủ, thứ nữa mới đến các quy phạm pháp luật chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Như vậy, dưới góc độ này, tính thống nhất của hệ thống pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải bảo đảm trên hai mức độ: (1) sự thống nhất trong chính mỗi văn bản quy phạm pháp luật; (2) tính thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật.
- Công khai, minh bạch: Công khai, minh bạch là một nguyên tắc quan trọng của pháp luật nói chung và của pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp nói riêng. Tính công khai của văn bản quy phạm pháp luật là việc một người được biết về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật được công khai cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật đó. Tính minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là sự rõ ràng, rành mạch, thông suốt, ổn định và có thể dự đoán trước của hệ thống pháp
luật.
- Tính khả thi: Phân tích về tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, chúng ta cần xem xét ở hai khía cạnh: khả thi cho ai và khả thi vì ai? Ở đây, có 2 đối tượng cơ bản, đó là: (1) Đối tượng phải chấp hành nghĩa vụ pháp lý mà văn bản pháp luật quy định (hoặc đối tượng được hưởng quyền lợi mà văn bản pháp luật quy định); (2) Các cơ quan nhà nước (hoặc cán bộ, công chức) phải tổ chức thi hành các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Một văn bản quy phạm pháp luật có tính khả thi, theo tác giả, phải là khả thi đối với cả 2 nhóm đối tượng này. Nếu không có tính khả thi đối với đối tượng thứ nhất, pháp luật sẽ không tạo ra sự chuyển biến gì trong đời sống thực tế, mục đích ban hành pháp luật sẽ không đạt được. Nếu không có tính khả thi đối với nhóm đối tượng thứ hai, pháp luật sẽ khó được chấp hành nghiêm chỉnh.
- Tính toàn diện, đồng bộ: pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp phải bảo đảm có đầy đủ các quy phạm pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Các văn bản quy phạm pháp luật phải được ban hành đồng bộ, kịp thời. Ví dụ: Luật Đất đai năm 2013 đã quy định các đối tượng được hưởng bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì Chính phủ phải kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2013 về việc xác định các đối tượng được hưởng bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ bồi thường dễ dàng áp dụng pháp luật.
- Tính hiện đại: Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa, các quan hệ xã hội trở nên vô cùng đa dạng và phức tạp. Cùng là một quan hệ xã hội nhưng ở các thời kỳ khác nhau thì nội dung của các quan hệ xã hội đó khác nhau. Chính vì lẽ đó, pháp luật cần có những quy tắc xử sự chung hiện đại phù hợp với xu thế tiến bộ của xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cần kế thừa, tiếp thu những quy định hiện đại của các nước trên thế giới về bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp để vận dụng vào tình hình thực tiễn của Việt Nam. Hệ thống pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cần hiện đại hóa phương thức chi trả tiền bồi thường hoặc có những quy định hiện đại về trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Hệ thống pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cần được xây dựng trên các quan điểm, tư tưởng hiện đại về pháp luật. Theo đó, hệ thống pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp cần
hướng đến phục vụ người dân thay vì quan niệm “hành là chính”.