Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT
1.1. Những vấn đề lý luận về thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp sơ thẩm
1.1.2. Đặc điểm của thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp sơ thẩm
- Thứ nhất, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án cấp sơ thẩm là thủ tục tố tụng dân sự mang tính quyền lực của nhà nước bởi lẽ đó là phương thức giải quyết thông qua Tòa án mà Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, tức là quyền xét xử các vụ án, nhân danh Nhà nước khi xét xử. Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Khác với phương thức giải quyết tranh chấp khác như hòa giải hay tự thỏa thuận, phán quyết của Tòa án có hiệu lực buộc các bên phải thi hành, nếu không thi hành thì bị cưỡng chế phải thi hành20.
- Thứ hai, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ theo tố tụng dân sự được tiến hành theo trình tự, thủ tục nghiêm ngặt và chặt chẽ. Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ theo một trình tự thủ tục do pháp luật tố tụng dân sự21. Trình tự giải quyết này được thực hiện từ giai đoạn khởi kiện, thụ lý vụ án, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử, giai đoạn đưa vụ án ra xét xử, giai đoạn mở phiên tòa sơ thẩm, giai đoạn hỏi tại phiên tòa, tranh luận nghị án, tuyên án.
Tất cả các giai đoạn tố tụng này đều phải được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự nên người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng phải chấp hành các quy định đó. Về bản chất, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại tòa án cấp sơ thẩm thể hiện cách thức giải quyết của Tòa sơ thẩm đối với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Khác với các cách thức giải quyết khác như tự thỏa thuận, hòa giải bởi bên thứ ba hay sử dụng thiết chế tư là trọng tài thì nói đến thủ tục sơ thẩm giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng
20 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2013), Hiến pháp n c cộng hoà xã hội chủ ngh a Việt Nam năm 2013, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
21 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Bộ luật Tố tụng dân sự, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội;
QSDĐ là nói đến việc giải quyết tranh chấp gắn liền với thẩm quyền của Tòa án, diễn ra tại Tòa án, do Tòa án tiến hành. Điều này cũng có nghĩa một hoặc các bên tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã lựa chọn Tòa án là nơi giải quyết tranh chấp, họ đã khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết và Tòa án đã thụ lý giải quyết tranh chấp đó. Sau khi Tòa án thụ lý, vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ sẽ được Tòa án giải quyết theo một trình tự tố tụng dân sự mà pháp luật đã quy định. Việc giải quyết này của Tòa án không chỉ tuân thủ pháp luật tố tụng dân sự mà việc giải quyết này còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật nội dung có liên quan như Bộ luật dân sự, Luật Đất đai... Như vậy, việc giải quyết tranh chấp này của Tòa án chịu sự điều chỉnh của cả pháp luật nội dung và luật hình thức.
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại tòa án cấp sơ thẩm thể hiện cách thức giải quyết lần đầu của Tòa án đối với vụ án tranh chấp chuyển nhượng QSDĐ. Ở Việt Nam, việc giải quyết các tranh chấp tại Tòa án được thực hiện theo chế độ hai cấp xét xử là xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm22. Cũng như nhiều quốc gia khác, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm (nếu có căn cứ) là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam được quy định tại khoản 6 Điều 103 Hiến pháp năm 2013, Điều 6 Luật tổ chức TAND và Điều 17 BLTTDS, theo đó tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ sẽ được Tòa án sơ thẩm giải quyết, nếu sau khi giải quyết mà có yêu cầu giải quyết lại thì vụ án sẽ được giải quyết lại một lần nữa theo thủ tục phúc thẩm. Như vậy, khác với thủ tục phúc thẩm là lần giải quyết lại, thủ tục sơ thẩm là lần giải quyết đầu tiên của Tòa án về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Để phân biệt thủ tục sơ thẩm và phúc phẩm thì ngoài việc phân biệt về tính chất (thủ tục sơ thẩm là xét xử lần đầu, phúc thẩm là xét xử lại vụ án đã được cấp sơ thẩm giải quyết) thì còn phân biệt về thẩm quyền, đó là thủ tục sơ thẩm chủ yếu thuộc thẩm thẩm quyền của Tòa án cấp huyện, trong một số trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh, còn thủ tục phúc thẩm thuộc thẩm quyền của Tòa án cấp trên trực tiếp của Tòa án đã xét xử sơ thẩm (Tòa án cấp
22Phạm Văn Oanh, “Giải quyết tranh chấp hợp đồng chuy n nh ợng quyền sử dụng đất ở tại Tòa án nhân dân huyện Th ờng Tín, Hà Nội” Luận văn thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội năm 2017.
tỉnh hoặc Tòa án cấp cao). Căn cứ phát sinh thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại tòa án cấp sơ thẩm là do có đơn khởi kiện, còn căn cứ phát sinh thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án cấp phúc thẩm là do có đơn kháng cáo của các đương sự hoặc quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát.
Như vậy, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án cấp sơ thẩm bao gồm một trình tự các bước do pháp luật quy định được Tòa án tiến hành để giải quyết vụ án về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ.
Thủ tục sơ thẩm được Tòa án thực hiện theo một trình tự là để giải quyết được, giải quyết đúng và giải quyết khách quan vụ án về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Thủ tục nhận đơn khởi kiện phải là thủ tục bắt buộc đầu tiên của trình tự giải quyết sơ thẩm, trên cơ sở đó tòa án mới thụ lý đơn khởi kiện về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Sau khi thụ lý, Tòa án không thể xét xử ngay được mà Tòa án cần phải tiến hành các hoạt động chuẩn bị xét xử như phân công Thẩm phán giải quyết vụ án, nghiên cứu và hoàn thiện hồ sơ vụ án, tiếp nhận và thu thập chứng cứ, ra các quyết định tố tụng cần thiết. Trước khi xét xử, Tòa án còn cần phải kiểm tra xem liệu đương sự có thỏa thuận được với nhau để tự giải quyết hay không, chính vì thế Tòa án cần phải hòa giải các bên trong vụ án về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, trừ một số trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được. Sau khi hòa giải nhưng không thành, mặt khác đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử, thủ tục sơ thẩm tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ sẽ được Tòa án thực hiện tiếp nối bằng việc mở phiên tòa sơ thẩm. Phiên tòa sơ thẩm được tổ chức công khai, chính thức giải quyết yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện dựa trên chứng cứ, lý lẽ của các bên đương sự, quy định của pháp luật và Tòa án sẽ ra phán quyết giải quyết vụ án.
- Thứ ba, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án cấp sơ thẩm phải đảm bảo quyền tự định đoạt của đương sự. Tuy thủ tục sơ thẩm giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thể hiện cách thức mà Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết đối với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ
nhưng trong quá trình Tòa án giải quyết thì các bên tranh chấp vẫn có quyền tự định đoạt theo quy định của pháp luật và Tòa án phải tôn trọng quyền tự định đoạt đó. Cụ thể là dù người khởi kiện đã khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, Tòa án đã thụ lý giải quyết nhưng chủ thể khởi kiện vẫn có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện và khi đó Tòa án vẫn phải chấp nhận việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện đó. Hay các bên đương sự trong vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có quyền thỏa thuận với nhau về giải quyết vụ án và tòa án phải công nhận sự thỏa thuận đó (trừ khi thỏa thuận đó là vi phạm điều cấm của luật hoặc vi phạm đạo đức xã hội).
Như vậy, trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ theo thủ tục tố tụng dân sự, các đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi các yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không trái pháp luật và đạo đức xã hội. Khác với pháp luật tố tụng hình sự hướng tới mối quan hệ giữa một bên là Nhà nước một bên là tội phạm, thì trong tố tụng dân sự đương sự có quyền định đoạt, tự lựa chọn phương thức giải quyết, tự định đoạt các hành vi tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, tất nhiên việc tự định đoạt này phải nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền tự định đoạt của mình.
- Thứ t , giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ không buộc phải qua hòa giải tại UBND cấp xã. Đây là đặc điểm riêng biệt khác với một số loại tranh chấp đất đai khác. Nhà nước khuyến khích hòa giải tranh chấp đất đai tại cơ sở. Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai xác định giải quyết tranh chấp đất đai phải qua hòa giải tại UBND cấp xã.
Nếu hiểu theo nghĩa rộng thì tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cũng là một loại của tranh chấp đất đai nhưng thực chất tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là tranh chấp về hợp đồng nên không cần bắt buộc phải hòa giải.
Theo Luật đất đai mục đích hòa giải đất đai là nhằm giữ ổn định đoàn kết nội bộ trong nhân dân, mục đích này chỉ có ý nghĩa đối với những tranh chấp về ranh giới đất, về việc ai là người có QSDĐ. Còn đối với tranh chấp về hợp đồng chuyển
nhượng QSDĐ bản chất là tranh chấp về một giao dịch dân sự, tức là tranh chấp giữa các bên về quyền và nghĩa vụ giao kết, thực hiện hợp đồng, do đó, việc giải quyết cần phải có một cơ quan nắm vững về pháp luật dân sự, Luật đất đai, yêu cầu này khó có thể thực hiện đối với tổ chức hòa giải tại UBND cấp xã, dẫn đến sự ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của các bên tranh chấp, việc hòa giải kéo dài có thể làm cho đương sự mất quyền khởi kiện do hết thời hiệu khởi kiện.
- Thứ năm, quyết định của Tòa án về giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ được bảo đảm thực hiện bằng cưỡng chế Nhà nước. Khi bản án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ có hiệu lực pháp luật các bên phải nghiêm chỉnh, tự giác thực hiện. Nếu các bên không tự thi hành án được với nhau, theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự các bên có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền thi hành. Khi tổ chức thi hành án, nếu bên phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định.
1.1.3. Ý nghĩa của việc quy định về thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tòa án cấp sơ thẩm
- Về phương diện pháp lý:
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án cấp sơ thẩm có ý nghĩa rất quan trọng trong tố tụng dân sự bởi nó thể hiện một phương thức giải quyết đúng đắn, khách quan và minh bạch của Tòa án với vai trò là cơ quan đại diện của Nhà nước. Với việc giải quyết này Tòa án đã thay mặt Nhà nước giải quyết được các mâu thuẫn, tranh chấp về chuyển nhượng QSDĐ, ổn định trật tự xã hội trong lĩnh vực đất đai, đồng thời bảo vệ được quyền, lợi ích của đương sự.
Chính các quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã chứng tỏ Việt Nam là một đất nước tuân thủ pháp luật, tôn trọng và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt quyền, lợi ích đó là về đất đai.
Với tính chất là lần giải quyết đầu tiên của Tòa án, thủ tục sơ thẩm tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ còn có ý nghĩa là lần xét xử đầu tiên, có tính quyết
định bởi nếu thủ tục giải quyết lần đầu này thực hiện tốt thì sẽ không phát sinh các thủ tục tiếp theo, không kéo dài tố tụng, uy tín của Nhà nước tăng cao.
- Về phương diện chính trị, xã hội
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại TAND cấp sơ thẩm góp phần tạo nên bức tranh về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với đặc thù đề cao dân chủ và thượng tôn pháp luật. Với thủ tục sơ thẩm được tiến hành, Nhà nước đã thể hiện được vai trò của mình trong việc ổn định các quan hệ dân sự giao dịch về đất đai, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội. Mối quan hệ giữa nhà nước (Tòa án đại diện) với nhân dân (các bên đương sự) được thiết lập một cách chặt chẽ, tôn trọng nhau và bảo vệ nhau, từ đó tạo cơ sở cho việc nâng cao ý thức bảo vệ QSDĐ, bảo đảm các chủ thể được tự do, tự nguyện thể hiện ý chí của mình trong việc chuyển nhượng QSDĐ.
Về mặt xã hội, thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ góp phần ổn định trật tự xã hội trong lĩnh vực đất đai, củng cố niềm tin của người dân vào Nhà nước. Thông qua việc thực hiện thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai, về hợp đồng được thực hiện một cách tự nhiên và khá hiệu quả.
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án có ý nghĩa đảm bảo chế độ sở hữu đất đai thuộc toàn dân, Nhà nước thực hiện vai trò là người đại diện quản lý cho chủ sở hữu. Khi Tòa án tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ thì phải luôn đảm bảo nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Việc xem xét thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án là một nội dung quan trọng trong hoạt động xét xử, trong tình hình kinh tế thị trường QSDĐ như một hàng hóa giao dịch sôi động vì vậy việc xảy ra tranh chấp và Tòa án phải giải quyết theo thủ tục tố tụng là điều không tránh khỏi. Thông qua việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án, mà các quan hệ chuyển nhượng QSDĐ được điều chỉnh phù hợp với lợi ích của Nhà nước, của xã hội của người sử dụng đất, cần giáo dục ý thức pháp luật cho công dân để ngăn ngừa những vi phạm pháp luật khác có thể xảy ra.
Với ý nghĩa đó thì việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ tại Tòa án là tìm ra cơ sở đúng đắn trên cơ sở pháp luật nhằm giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Trên cơ sở đó phục hồi các quyền hợp pháp bị xâm hại, đồng thời bắt buộc bên vi phạm phải gánh chịu những hậu quả pháp lý do hành vi của mình gây ra. Đó cũng là công việc có ý nghĩa quan trọng để tăng cường pháp chế trong lĩnh vực giao lưu dân sự và quản lý đất đai.
Như chúng ta cũng biết, tất cả các dạng tranh chấp đất đai nói chung và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nói riêng nếu chúng ta không làm tốt công việc giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn xảy ra trong đời sống xã hội nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường thì tranh chấp về đất đai nói chung và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất nói riêng ngày càng gia tăng cả về số lượng và tính phức tạp. Vậy việc quy định thủ tục giải quyết các tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ là vô cùng cần thiết. Nếu không giải quyết tốt công việc đó thì nó sẽ có tác động xấu tới sự ổn định của tình hình chính trị, cũng như các đối tượng thù địch lợi dụng vào nó lôi kéo người dân gây mất ổn định đời sống kinh tế - xã hội.
Mặt khác, các tranh chấp phát sinh kéo dài gây ra sự tốn kém, mất thời gian, chi phí cho các chủ thể liên quan trong việc khiếu kiện, khiếu nại. Chính vì điều đó, việc giải quyết tốt các tranh chấp đất đai nói chung và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến sự phát triển của đất nước23.