CHƯƠNG 3: NHỮNG GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CỦA VIỆC ÁP DỤNG THỦ TỤC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƢỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM
3.2. Một số giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Tòa án sơ thẩm
3.2.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật
Pháp luật là một trong những yếu tố cơ bản quyết định tính hiệu quả của hoạt động tố tụng. Quy định của pháp luật tố tụng có đầy đủ, phù hợp thì các hoạt động tố tụng mới thuận lợi, đem lại hiệu quả cao. Nhận thức được điều này nên giải pháp đầu tiên mà tác giả đưa ra để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục được hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện thủ tục sơ thẩm vụ án dân sự là giải pháp về hoàn thiện pháp luật. Mặc dù BLTTDS năm 2015 đã khắc phục được khá nhiều hạn chế của BLTTDS năm 2004, được sửa đổi, bổ sung năm 2011 nhưng thực tiễn thực hiện ba năm qua (từ 1/7/2016 - khi BLTTDS năm 2015 có hiệu lực) cho thấy vẫn cần thiết phải tiếp tục công tác hoàn thiện pháp luật. Từ thực trạng áp dụng pháp luật về sơ thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đã nêu trên thì pháp luật tố tụng dân sự về thủ tục sơ thẩm cần tập trung hoàn thiện các nội dung sau:
- Thứ nhất, chú trọng lựa chọn các bản án đưa vào án lệ là nguồn của pháp luật trong quá trình xét xử của Tòa án.
Từ năm 2013, Hiến pháp mới đã quy định TANDTC thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Sau quá trình dài chuẩn bị, cùng với sự ban hành Luật Tổ chức TAND, vừa qua TANDTC đã ban hành các Quyết định công bố các án lệ đã được Hội đồng thẩm phán TANDTC thông qua trong đó có 02 án lệ về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ56.
Theo đó án lệ được lựa chọn phải chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau; phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một
56Án lệ số 04/2016/AL về tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và Án lệ số 14/2017/AL về vụ án yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất;
vụ việc cụ thể. Đồng thời, án lệ đáp ứng yêu cầu chuẩn mực và có giá trị như một hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Do đó các bản án đưa vào án lệ phải đảm bảo chuẩn mực, bởi khi thực thi cho các trường hợp giống nhau thì sẽ có sự xét xử giống nhau vì trình độ xử lý của thẩm phán cũng như thẩm quyền của thẩm phán Việt Nam khác với các nước trên thế giới, cho nên chất lượng án chưa được chính xác như của các nước.
- Thứ hai, tiếp tục tổng kết quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, qua đó hoàn thiện các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành cơ bản tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc của BLTTDS năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011), góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đến nay qua quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số quy định chưa rõ ràng, khó khăn trong quá trình giải quyết đối với các vụ án riêng biệt, cần có các văn bản hướng dẫn để áp dụng thống nhất. Cụ thể một vài vấn đề như sau:
+ Về thẩm quyền của Tòa án: Tại Điểm c Khoản 1 Điều 39 của BLTTDS năm 2015 có quy định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp bất động sản thì “Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết” nhưng trên thực tế vẫn xảy ra tranh chấp về thẩm quyền giữa các Tòa án khi giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ. Do đó BLTTDS cần bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ đối với tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ hoặc TANDTC cần có Nghị quyết hướng dẫn rõ về vấn đề này.
+ Về phiên họp việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải:
Chứng cứ có tính quyết định đến việc giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nên phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ theo quy định tại các Điều 208 đến Điều 211 BLTTDS có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu phiên họp này được tổ chức cùng với phiên hòa giải như quy định của BLTTDS
năm 2015 như hiện nay là không hợp lý bởi rất có thể qua việc các bên biết chứng cứ của nhau thì các bên không muốn thỏa thuận với nhau nữa, không lên Tòa án làm việc gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án. Mặt khác phiên họp cung cấp chứng cứ với phiên hòa giải được tổ chức theo cách thức như thế nào, nếu đương sự không đến phiên họp này thì tòa án phải giải quyết ra sao thì cho đến nay vẫn không có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đây là một khó khăn, vướng mắc khá lớn cho tòa án sơ thẩm nói chung. Trong thời gian tới TANDTC cần phải có văn bản hướng dẫn đầy đủ về vấn đề này57.
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ
Để khắc phục những bất cập Khoản 3, khoản 4 Điều 106 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, pháp luật cần phải: (i) Giải quyết xung đột trong quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 với quy định của các luật chuyên ngành theo hướng: Ưu tiên áp dụng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ để buộc các cơ quan, tổ chức, cá nhân này cung cấp tài liệu, chứng cứ trong mọi trường hợp (trừ khi cơ quan, tổ chức, cá nhân đó chứng minh được chứng cứ đó không còn hoặc không còn do cơ quan, tổ chức, cá nhân đó nắm giữ). Đồng thời, Tòa án, Viện kiểm sát, các đương sự có nghĩa vụ không được tiết lộ những thông tin về chứng cứ đó ra bên ngoài nếu điều đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ. (ii) Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 cần quy định rõ những lý do nào được xem là lý do chính đáng hoặc đưa ra những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để một lý do được xem là lý do chính đáng trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp tài liệu, chứng cứ.
+ Cần quy định rõ người được ủy quyền có quyền ký đơn kiện thay cho người ủy quyền không? Câu hỏi tưởng như khá đơn giản và có thể trả lời ngay là được, vì tại Điều 186 BLTTDS 2015 đã quy định rõ là: “ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu
57 Nguyễn Thị Hương (2018), Một số vấn đề về chứng cứ, chứng minh trong Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và thực tiễn áp dụng, Tạp chí Tòa án nhân dân, Số 11 (kỳ 1 tháng 6/2018), tr.7-10.
Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Tuy nhiên, tại Điều 189 của Bộ luật này, quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện thì lại có quy định khác, cụ thể: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:
“Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ”.
Với quy định nêu trên thì người khác chỉ có viết hộ đơn khởi kiện, còn người đi kiện phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn. Như vậy, nội dung Điều 186 và Điều 189 có mâu thuẫn với nhau. Tôi chưa đồng tình với quy định này, bởi chế định ủy quyền thì cá nhân có thể ủy quyền cho người khác nhiều nội dung kể cả quyết định toàn quyền trong việc giải quyết nội dung vụ kiện, thì không có lý do gì lại hạn chế người được ủy quyền không được ký vào đơn khởi kiện mà chỉ có người đi kiện ký vào đơn mới hợp lệ.
+ Vấn đề thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ. Theo quy định tại khoản 4 Điều 96 BLTTDS 2015 thì: Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật này. Theo như vậy, thì đương sự phải nộp tài liệu chứng cứ cho Tòa án tối đa là 02 tháng hoặc 04 tháng tùy theo từng loại án được quy định tại Điều 203 BLTTDS 2015, về thời hạn chuẩn bị xét xử. Và như vậy, BLTTDS 2015 quy định giới hạn quyền cung cấp tài liệu chứng cứ của đương sự mà không hề giới hạn thời hạn thu thập chứng cứ của Tòa án, mà cụ thể là thẩm phán trực tiếp thụ lý, xét xử vụ án đó. Do đó, có thể dẫn đến khả năng có sự tùy tiện trong việc cho đương sự giao nộp chứng cứ, tài liệu và thực tế có vụ án Thẩm phán giới hạn cho đương sự giao nộp chứng cứ với thời hạn trên, nhưng có vụ án khi mở phiên tòa sơ thẩm vẫn được giao nộp chứng cứ, mặc dù trước đó đã được yêu cầu giao nộp chứng cứ, tài liệu cụ thể.
+ Khoản 5 Điều 189 BLTTDS 2015 quy định: Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác. Đây là quy định mới trong BLTTDS 2015 và là quy định tiến bộ, giúp cho các bên đương sự có điều kiện tiếp cận đầy đủ tài liệu để tham gia tranh luận tại phiên tòa. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa có trường hợp nào đương sự thực hiện và quan trọng hơn là không có chế tài nào để buộc thực hiện nên dẫn đến việc đương sự không thực hiện nhưng Tòa án không xử lý được và tính khả thi trong thực tế của chế định này không cao vì vậy cần phải có chế tài quy định về việc này58.