CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.2. NỘI DUNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH
1.2.5. Gia tăng kết quả hoạt động du lịch
Về mặt kinh tế: Đóng góp của du lịch vào thu nhập quốc dân, tạo việc làm, thu nhập của dân cư và phần trăm tăng thêm nhờ phát triển du lịch, quảng bá cho sản xuất địa phương, tăng nguồn thu cho nhà nước, phát triển nhu cầu du lịch trong nước, cải thiện cán cân thương mại quốc gia do nguồn thu ngoại tệ của du lịch.
Về mặt văn hóa: Đóng góp của du lịch vào việc bảo tồn, duy trì, phát triển những nét văn hóa truyền thống của xã hội, tương tác giữa du khách và dân cư địa phương, thương mại hóa các tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công do sản xuất với số lượng lớn để bán cho du khách.
Về mặt xã hội: Phát triển du lịch tạo ra nhiều công ăn, việc làm cho xã hội, thực hiện xoá đói, giảm nghèo ở những vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo đói. Du lịch giúp tái hồi sức lao động của con người sau thời gian lao động vất vả cần nghỉ ngơi, thư giản và giải trí. Du lịch cũng là một trong những phương tiện giáo dục có hiệu quả tình yêu quê hương, đất nước, tinh thần tự hào truyền thống lịch sử và văn hoá dân tộc từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm
của người đối với việc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ truyền thống dân tộc.
Về mặt môi trường: Phát triển du lịch nâng cao ý thức của cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, giáo dục mọi người tôn trọng, văn minh, lịch sự với khách du lịch, không để xảy ra hiện tượng ăn xin, chèo kéo khách mua hàng, bán hàng đúng giá cho khách và giữ uy tín với khách.
Gia tăng kết quả trong hoạt động du lịch được biểu hiện thông qua một hệ thống tiêu chí, yêu cầu đặt ra là hệ thống các tiêu chí hiệu quả kinh tế trong du lịch phải bao gồm các tiêu chí để đánh giá hiệu quả kinh tế của bản thân ngành du lịch và các tiêu chí dùng để đánh giá mức độ tham gia của ngành này vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế quốc dân. Trên thực tế có một số tiêu chí được sử dụng:
+ Doanh thu du lịch
Du lịch cũng như tất cả các ngành kinh tế khác đều cần được đánh giá sự phát triển thông qua sự gia tăng về doanh thu, về giá trị đóng góp cho nền kinh tế quốc dân. Doanh thu du lịch có ý nghĩa quan trọng, nó biểu hiện được sự thay đổi chất lượng phục vụ; sự thay đổi trình độ hiện đại hoá của cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch; mức độ và trình độ phục vụ của nhân viên du lịch làm mức thu nhập tăng tiến. Mặc dù không phải là yếu tố duy nhất quyết định nhưng sự tăng trưởng về doanh thu vẫn là dấu hiệu đầu tiên và quan trọng nhất để nhận biết hiệu quả của phát triển du lịch.
+ Chỉ tiêu doanh lợi
Doanh lợi là chỉ tiêu thể hiện mức độ tận dụng chi phí trong quá trình phục vụ khách. Doanh lợi là tỷ lệ % giữa lợi nhuận và chi phí.
+ Chỉ tiêu thu hồi vốn đầu tư
Chỉ tiêu này được áp dụng đối với các công trình mới, sửa chữa và hiện đại hoá cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ du lịch.
+Số lượng khách du lịch tăng
Lượng khách du lịch tăng cao chứng tỏ rằng hoạt động du lịch đang phát triển đúng hướng và có hiệu quả. Điều này càng quan trọng đối với những đối tượng khách du lịch từ những thị trường khách có khả năng chi trả cao, có thời gian lưu trú dài ngày.
+ Số lượng các khu, điểm du lịch được tôn tạo, bảo vệ
Số lượng các khu, điểm du lịch được đầu tư, tôn tạo, bảo vệ được coi là một trong những dấu hiệu nhận biết về sự phát triển của hoạt động du lịch.
Trong việc đầu tư, ngoài nguồn đầu tư từ nhà nước hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn đầu tư quan trọng là từ thu nhập du lịch. Nguồn đầu tư này càng lớn chứng tỏ rằng hiệu quả của ngành du lịch mang lại càng cao. Quy mô đầu tư (tỉ lệ tái đầu tư) từ thu nhập du lịch sẽ được xem là sự gia tăng nguồn lực cho hoạt động phát triển du lịch.
+ Tạo việc làm cho cộng đồng địa phương
Nếu như việc thu hút khách du lịch quốc tế chủ yếu nhằm tăng nguồn thu ngoại tệ cho nền kinh tế thì việc thu hút khách du lịch nội địa còn có ý nghĩa tạo điều kiện phân phối lại thu nhập giữa các thành phần lao động trong xã hội, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho xã hội, hỗ trợ tích cực cho các chương trình cứu trợ của Chính phủ như các chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức cho cộng đồng….Như vậy đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu đặt ra của phát triển cả dưới góc độ về kinh tế và xã hội.
+ Mức đóng góp của du lịch vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
Hiện nay du lịch được xem là ngành kinh tế tạo nguồn thu ngoại tệ to lớn cho đất nước, thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành khác có liên quan.
Tuy nhiên một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển của du
lịch là việc đóng góp phát triển kinh tế xã hội các địa phương nơi có du lịch phát triển.