CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỘ KINH DOANH VÀ THỰC TIỄN CHUYỂN ĐỔI HỘ KINH DOANH THÀNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
2.1. Nội dung cơ bản của pháp luật Việt Nam về hộ kinh doanh
2.1.4. Quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp
Như đã trình bày ở trên, hiện nay chính sách hỗ trợ chuyển đổi HKD thành DN là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ trong bối cảnh thúc đẩy, hỗ trợ sự phát triển của kinh tế tư nhân. Các căn cứ pháp lý của việc chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp bao gồm:
- Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017;
- Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Nghị định số 108/2018/NĐ-CP ngày 23/8/2018 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
- Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020;
- Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 và Thông tư 130/2017/TT-BTC ngày 04/12/2017 của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp;
- Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp;
- Chỉ thị số 07/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 05/3/2018 về tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg;
- Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;
- Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 03/7/2017 của UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 06/6/2017 của Thủ tướng Chính
38
phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.
2.1.4.1. Quy định về hồ sơ, trình tự thủ tục
Theo Nghị định số 108/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp thì ở Khoản 6 Điều 1 hộ kinh doanh có thể trực tiếp chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp bao gồm:
Bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký thuế và các giấy tờ quy định tại Điều 21, Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp tương ứng với từng loại hình doanh nghiệp.
Cụ thể như sau:
Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp tư nhân:
+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.
+ Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Bản sao hợp lệ của một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của chủ doanh nghiệp tư nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu.
Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần và công ty hợp danh
+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.
+ Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Điều lệ công ty.
+ Danh sách thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần. Danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức.
+ Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
39
Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu. Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên
+ Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh bản chính.
+ Giấy chứng nhận đăng ký thuế bản sao hợp lệ.
+ Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
+ Điều lệ công ty.
+ Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của người đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.
Danh sách người đại diện theo ủy quyền và bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của từng đại diện theo ủy quyền đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được tổ chức quản lý theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 78 Luật Doanh nghiệp.
+ Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân như Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân/ Hộ chiếu của chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là cá nhân; Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, Điều lệ hoặc tài liệu tương đương khác của
40
chủ sở hữu công ty đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+ Văn bản ủy quyền của chủ sở hữu cho người được ủy quyền đối với trường hợp chủ sở hữu công ty là tổ chức.
Trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tương ứng với loại hình doanh muốn chuyển đổi như trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính.
Bước 3: Phòng đăng ký kinh doanh tiếp nhận và xem xét tính hợp lệ của hồ sơ. Sau đó trả biên nhận hồ sơ có hẹn thời gian trả kết quả.
Bước 4: Đến ngày như trên biên nhận đến Phòng đăng ký kinh doanh nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Bước 5: Khắc dấu doanh nghiệp và thông báo mẫu con dấu.
Bước 6: Đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày thành lập.
Ngoài ra trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và bản chính Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở để thực hiện chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh.
2.1.4.2. Quy định về nội dung hỗ trợ chuyển đổi
Nội dung về hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đã được luật hóa tại điều 16 Luật Hỗ trợ DNNVV, theo đó HKD chuyển đổi thành DN sẽ có được những hỗ trợ sau đây:
41
Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp;
Miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu; miễn phí thẩm định, phí, lệ phí cấp phép kinh doanh lần đầu đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
Tư vấn, hướng dẫn miễn phí về các thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu;
Miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp;
Miễn, giảm tiền sử dụng đất có thời hạn theo quy định của pháp luật về đất đai.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trường hợp công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ chưa thanh toán của hộ kinh doanh, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật.