Thực tiễn thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Một phần của tài liệu Pháp luật về hộ kinh doanh từ thực tiễn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 67 - 73)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ HỘ KINH DOANH VÀ THỰC TIỄN CHUYỂN ĐỔI HỘ KINH DOANH THÀNH DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

2.3. Thực tiễn về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

2.3.3. Thực tiễn thực hiện chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội

Tháng 9/2018, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4665/QĐ- UBND ban hành Đề án “Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020”, trong đó có nội dung về khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Ngày 05/10/2018, Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND chỉ đạo các sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã tập trung tuyên truyền, triển khai các nội dung của Luật Hỗ trợ DNNVV, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Công tác tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách được các quận, huyện, thị xã triển khai tích cực.

Một số quận huyện đã xây dựng kế hoạch riêng khá chi tiết và đầy đủ để triển khai các Kế hoạch, Chỉ thị của Thành phố như quận Long Biên, Hai Bà Trưng... Triển khai nắm bắt tình hình, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhu cầu thành lập doanh nghiệp của các hộ kinh doanh trên địa bàn để có số liệu chính xác, chi tiết, nhằm có nhận định, đánh giá và tổng hợp đầy đủ để triển khai các giải pháp phù hợp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, chỉ đạo. Phân công đơn vị và cán bộ đầu mối thực hiện hướng dẫn các hộ kinh doanh về thủ tục, hồ sơ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp của quận, huyện như các đơn vị: Tây Hồ, Long

63

Biên, Đan Phượng,…Năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ DNNVV thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ tổ chức các khóa đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng quản trị kinh doanh cho các hộ kinh doanh. Trong quá trình tổ chức các khóa đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã vận động tuyên truyền, đồng thời triển khai tiếp nhận thông tin, làm hồ sơ thủ tục chuyển đổi thành doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh có nhu cầu và các hộ thuộc diện phải chuyển đổi thành doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bên cạnh một số ít hộ kinh doanh chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp và gặt hái được thành công thì thực trạng nói chung trên địa bàn thành phố còn rất hạn chế. Có rất nhiều hộ đủ điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp phải chuyển đổi sang thành lập doanh nghiệp nhưng không muốn chuyển đổi.

Một số hộ sản xuất kinh doanh tuy có đủ điều kiện để phát triển lên doanh nghiệp, công ty nhưng khi cơ quan thuế hướng dẫn, vận động thì hộ kinh doanh chỉ hứa hẹn nhưng không thực hiện chuyển đổi. Do đó, cơ quan thuế vẫn tiếp tục quản lý thu thuế theo phương pháp khoán thuế. Do không có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài sản nên dễ xảy ra những trường hợp núp bóng, lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng tới quá trình minh bạch của ngành thuế, thất thu ngân sách Nhà nước. Một số cá nhân hoặc nhóm cá nhân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, đặc biệt là trong chính sách thuế áp dụng đối với hộ kinh doanh để “né” thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước. Bên cạnh đó trên một số địa bàn cơ sở, còn có cả sự tiếp tay của một số cán bộ, công chức thông qua sự thỏa hiệp ăn chia mức thuế khoán đối với hộ kinh doanh [42].

Hơn nữa, việc chuyển thành doanh nghiệp sẽ khiến các hộ kinh doanh phải mở sổ sách, thuê kế toán, lập báo cáo tài chính. Đồng nghĩa với việc khi có giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp thì thủ tục hành chính phức tạp hơn, rất nhiều thủ tục như bảo hiểm, công đoàn, thuế, lao động, phòng cháy chữa cháy... sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng. Trong khi với hộ kinh doanh thực hiện chế độ sổ sách kế toán, hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập đơn giản; lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp [43].

64

Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

- Tâm lý lo ngại của đại bộ phận các hộ kinh doanh về các điều kiện, thủ tục chuyển đổi, nghĩ rằng doanh nghiệp phải có quy mô lớn, phát sinh chi phí tổ chức quản lý, thực hiện các thủ tục về thuế… Một số điểm vướng mắc chung của các hộ kinh doanh như bị trùng tên hộ kinh doanh với các doanh nghiệp đã có từ trước, ngại thủ tục thẩm định lại các điều kiện kinh doanh do các cơ quan có thẩm quyền cấp; phải thực hiện nhiều hơn các quy định về kế toán, kê khai nộp thuế… Bên cạnh đó là thói quen kinh doanh nhỏ lẻ hay tâm lý “làm vừa đủ ăn” trong đại đa số hộ kinh doanh cũng góp phần không nhỏ trong việc không mặn mà với việc chuyển đổi thành doanh nghiệp hay phát triển quy mô kinh doanh của mình. Một số trường hợp hộ kinh doanh muốn làm ăn lớn hơn nhưng lại thiếu kiến thức và kỹ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp như tài chính, nhân sự, bán hàng, rủi ro...

nên chưa đủ tự tin để phát triển lên doanh nghiệp.

- Công tác quản lý hộ kinh doanh sau thành lập còn những bất cập: hộ kinh doanh sau khi đăng ký thành lập không kinh doanh tại địa điểm đã đăng ký; việc sử dụng lao động thời vụ, không đóng bảo hiểm xã hội khá phổ biến nên khó xác định được là lao động “thường xuyên” hay “không thường xuyên”…; công tác phối hợp giữa các bộ phận liên quan thuộc quận, huyện còn chưa chặt chẽ; việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm chuyên ngành ở một số đơn vị còn yếu…

khiến cho việc quản lý số lượng thực tế hộ kinh doanh trên địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa đạt hiệu quả cao [41]. Số hộ kinh doanh hoạt động nhưng không đăng ký kinh doanh còn nhiều. Thêm vào đó, công tác phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp giữa các ban ngành còn hạn chế, trong khi cơ quan thuế chỉ có thể vận động, giải thích về chính sách, thủ tục thuế, còn các lĩnh vực khác được đa số hộ kinh doanh quan tâm như: bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh thực phẩm, điều kiện kinh doanh lại chưa có cán bộ chuyên trách để hỗ trợ.

- Nguyên nhân từ pháp luật: Đầu tiên, phải kể đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực được 01 năm, nhưng các nội dung liên quan đến chính sách ưu đãi về thuế vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của Trung ương

65

nên cơ quan thuế và các đơn vị liên quan gặp khó khăn khi giới thiệu, tuyên truyền về các lợi ích cụ thể để vận động các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Thứ hai, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Nghị định 78/2015/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành, giữa hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ có đăng ký kinh doanh, có mã số thuế và doanh nghiệp tư nhân có hầu hết các đặc điểm tương đồng; nhất là các đặc điểm để định vị loại hình tổ chức kinh doanh (đều do một cá nhân làm chủ; đều chịu trách nhiệm vô hạn và đều không bị khống chế tối thiểu, tối đa vốn đầu tư). Đặc điểm hay tiêu chí quan trọng nhất để phân biệt hộ kinh doanh do cá nhân làm chủ và doanh nghiệp tư nhân là quy mô lao động sử dụng thường xuyên (từ 10 lao động trở lên hoặc dưới 10 lao động) – Đây không phải là tiêu chí để xác định bản chất pháp lý của loại hình tổ chức kinh doanh mà chỉ là tiêu chí xác định quy mô của tổ chức kinh doanh. Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp cũng không có quy định số lao động tối thiểu phải sử dụng thường xuyên mới được công nhận, đăng ký là doanh nghiệp tư nhân. Sự tương đồng và khác biệt giữa hộ kinh doanh do nhóm người làm chủ và công ty hợp danh cũng diễn ra tương tự.

Như vậy, có thể thấy rằng không có sự khác biệt về bản chất pháp lý, tiêu chí để định vị loại hình doanh nghiệp giữa hộ kinh doanh do 01 cá nhân là chủ với doanh nghiệp tư nhân cũng như giữa hộ kinh doanh do nhóm người làm chủ và công ty hợp danh. Đồng thời, chính việc phân định này đã tạo cho các cá nhân, nhóm cá nhân đầu tư quy mô nhỏ, siêu nhỏ tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh doanh mà mình muốn. Tuy nhiên, cũng chính sự phân định như vậy và hệ lụy của nó đã dẫn đến việc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải có quy định hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.

Thứ ba, Luật Doanh nghiệp quy định chỉ sử dụng tiêu chí số lượng lao động sử dụng thường xuyên (từ 10 lao động trở lên) để quyết định việc hộ kinh doanh phải đăng ký thành lập doanh nghiệp là chưa đầy đủ, tạo kẽ hở cho nhiều hộ kinh doanh không thực hiện chuyển đổi bằng cách giảm số lượng lao động sử dụng thường xuyên xuống dưới mức quy định. Đồng thời, việc sử dụng tiêu chí “số lao động thường xuyên” tại Luật này là chưa thống nhất với tiêu chí sử dụng “số lao

66

động bình quân” tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 56/2009/NĐ-CP hoặc tiêu chí “số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân” tại khoản 1 Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Thứ tư, việc chưa có quy định về thời hạn phải chuyển đổi và chế tài xử lý đối với hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện quy định không đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp đã dẫn đến việc các hộ kinh doanh đáp ứng điều kiện quy định của Luật Doanh nghiệp phải chuyển thành doanh nghiệp chủ yếu trông chờ vào sự tự giác của hộ hoặc ý chí của chính quyền cấp quận, huyện.

- Do cán bộ, công chức cấp xã, phường, thị trấn được khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực và trách nhiệm của mọi công việc ngày càng cao, dẫn đến việc rà soát, nắm bắt đầy đủ, kịp thời, chính xác tình trạng hoạt động các hộ kinh doanh, số lượng lao động của các hộ kinh doanh chưa được triệt để và hiệu quả [41].

Hiện nay, Nhà nước đang dừng lại ở việc khuyến khích và tác động ở quy định, quy trình chuyển đổi cho hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Vì vậy, cần khuyến khích và dùng đòn bẩy kinh tế, hơn là sử dụng “mệnh lệnh” hành chính, tạo động lực tự nhiên cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh; nếu để người kinh doanh thấy có lợi ích sẽ tự khắc chuyển đổi.

67

Kết luận chương 2

Bên cạnh các quy định pháp luật về hộ kinh doanh ở Việt Nam, vấn đề thực trạng thi hành các quy định pháp luật của hộ kinh doanh cũng đang được Nhà nước quan tâm. Nổi bật là thực trạng chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp ở Hà Nội cũng như các tỉnh thành khác còn gặp nhiều vướng mắc. Cần xác định rõ mục tiêu của chính sách chuyển đổi là vận động, tuyên truyền chứ không phải là mệnh lệnh hành chính. Để khuyến khích hộ kinh doanh lên doanh nghiệp cần rất nhiều yếu tố, nhưng trọng tâm phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hơn nữa, đặc biệt là đối với các hộ kinh doanh có tiềm năng, có đủ điều kiện. Bên cạnh đó, cần phải đảm bảo các điều kiện pháp lý thật đơn giản, thuận lợi về thủ tục, chế độ kế toán... Hơn nữa, Nhà nước cần kịp thời có những hướng dẫn cụ thể về chính sách hỗ trợ, kết hợp đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước, xử lý nghiêm những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thuế cũng như chế tài đối với các hộ kinh doanh còn né tránh, “lách luật”.

Một phần của tài liệu Pháp luật về hộ kinh doanh từ thực tiễn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 67 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)