CHƯƠNG 3: HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỘ KINH DOANH Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
3.2. Các giải pháp hoàn thiện pháp luật
3.2.1. Hoàn thiện về chế định hộ kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp
Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống các doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp, loại hình hộ kinh doanh là một hình thức tổ chức kinh doanh có vị trí quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Cũng giống như doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác, hộ kinh doanh cũng có các quyền và nghĩa vụ cơ bản giống như các doanh nghiệp khác và đều bình đẳng trước pháp luật. Do vậy, cần bổ sung thêm chế định hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật đã ban hành về những vấn đề liên quan đến hộ kinh doanh theo hướng xóa bỏ phân biệt đối xử giữa các chủ thể kinh doanh; bảo đảm thể hiện đồng bộ, nhất quán, tính cụ thể, minh bạch và ổn định của pháp luật; tiếp tục tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong luật pháp, thủ tục hành chính.
71
Địa vị pháp lý của hộ kinh doanh hiện nay chưa được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp, mà chỉ được quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Nghị định 108/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 78/2015/NĐ-CP, tuy nhiên 2 nghị định này cũng chưa quy định về thủ tục pháp lý chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp mà chỉ có trong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, cá nhân tác giả đồng tình với quan điểm sẽ bổ sung quy định về hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp cũng như quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Hiện nay, chủ trương về vận động, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp ở các địa phương được ban hành trong các Đề án hỗ trợ khởi nghiệp. Tuy nhiên để thống nhất thì nên luật hóa trên cơ sở quy định tại khoản 2 điều 212 Luật Doanh nghiệp 2014 theo hướng: “Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên 10 lao động trở lên phải chuyển đổi thành doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này.
Chính phủ quy định chi tiết thủ tục chuyển đổi hộ kinh doanh thành các loại hình doanh nghiệp”.
Hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư đối với hộ kinh doanh Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017 và Nghị định hướng dẫn áp dụng đã đề ra khá nhiều chính sách cụ thể áp dụng cho tất cả các loại hình tổ chức sản xuất kinh doanh trong đó có các hộ kinh doanh như: chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn; khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn; các chính sách khuyến khích phát triển về làng nghề. Hiện nay số lượng các hộ kinh doanh đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp còn quá ít, điều đó thể hiện tâm lý của người dân chưa thực sự tin tưởng vào việc kinh doanh dài hạn nhiều rủi ro, số lượng các hộ kinh doanh chủ yếu tập trung ở nông thôn. Vì vậy, việc khuyến khích đầu tư vào công nghiệp, nhất là phát triển hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu cần được chú trọng, công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản cần được đầu tư nhiều hơn nữa phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Để khuyến khích các hộ kinh doanh bỏ vốn đầu tư, một mặt Nhà nước cần phải xây dựng một khung pháp lý để cho họ yên tâm đầu tư, mặt khác cần đầu tư
72
xây dựng cơ sở hạ tầng: đường, điện, cấp thoát nước, khuyến khích những ngành cần phát triển thông qua ưu đãi về giá thuê đất, miễn giảm thuế và được vay tín dụng ưu đãi. Rà soát các văn bản pháp luật liên quan đến hộ kinh doanh và khuyến khích hộ kinh doanh đầu tư, hủy bỏ những văn bản lỗi thời, đảm bảo tính ổn định của các văn bản dưới luật, hủy bỏ các loại giấy phép không cần thiết đối với việc đăng ký kinh doanh và liên quan đến hoạt động của hộ kinh doanh; ví dụ như giấy chứng nhận kinh tế trang trại đối với các hộ trang trại đăng ký kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh.
Hơn nữa, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hiệu lực một năm, nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung liên quan đến ưu đãi thuế cho doanh nghiệp. Vì vậy, để thuận lợi cho công tác tuyên truyền, vận động cũng như là áp dụng trong thực tế, Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, cần có những quy định thống nhất cũng như cụ thể hơn về tiêu chí, điều kiện hay cách nhận diện về hộ kinh doanh.
Một trong những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn vận động chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp là về chính sách thuế. Hiện tại, hộ kinh doanh sẽ được miễn thuế đối với mức doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm và các phương thức tính thuế khoán. So với doanh nghiệp thì vấn đề thuế của hộ kinh doanh linh hoạt và mang tính “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều. Vì vậy, muốn hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp thì các hoạt động như kế toán cần duy trì như cũ hoặc nâng cấp nhưng vẫn phải đơn giản hơn so với chế độ kế toán với doanh nghiệp. Thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng chế độ kế toán đơn giản để tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên DN. Đặc biệt, các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành DN cũng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi hơn.
3.2.2. Các kiến nghị về công tác đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh
Một là, thực hiện phối hợp “một cửa liên thông” giữa cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện và cơ quan thuế cấp quận, huyện
Áp dụng mô hình “một cửa liên thông” cho cả hai thủ tục gồm đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là tiền đề để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục đăng ký thành lập
73
hộ kinh doanh. Kinh nghiệm quốc tế và ngay tại Việt Nam cho thấy, sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước được coi là nhân tố chủ yếu để thực hiện cải cách đột phá trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp nói chung và đăng ký hộ kinh doanh nói riêng.
Hộ kinh doanh chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại một cơ quan hành chính là cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện thay vì phải đến hai cơ quan để thực hiện các thủ tục này như hiện nay (theo quy trình của mô hình “một cửa liên thông” thì các công đoạn của quá trình đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế là quy trình xử lý nội bộ, người dân chỉ cần nộp một bộ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại một cơ quan và sẽ được trả kết quả tại chính cơ quan ấy cho cả hai thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế). Điều này sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân, đồng thời, giúp giảm tải đáng kể công việc cho cơ quan hành chính nhà nước.
Hai là, sử dụng một mẫu đơn hợp nhất để thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, trong đó, xóa bỏ sự trùng lặp thông tin kê khai đăng ký kinh doanh và các thông tin kê khai đăng ký thuế.
Với giải pháp áp dụng một bộ hồ sơ duy nhất khi đăng ký hộ kinh doanh thay vì phải nộp 02 bộ hồ sơ (gồm 01 bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh tại Phòng Tài chính Kế hoạch và 01 bộ hồ sơ đăng ký thuế tại Chi cục Thuế) như hiện nay; sẽ giúp loại bỏ những nội dung kê khai và giấy tờ trùng lặp hoặc không hợp lý.
Ba là, bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký thuế cho hộ kinh doanh.
Điều này là hệ quả của việc áp dụng một mẫu đơn hợp nhất, một bộ hồ sơ đăng ký và một giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh chung (bao gồm cả nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế).
Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin thống nhất trên phạm vi toàn quốc vào nghiệp vụ đăng ký hộ kinh doanh.
Thông qua một hệ thống duy nhất, người dân và cơ quan đăng ký kinh doanh có thể đăng ký và theo dõi quá trình xử lý hồ sơ, thực hiện tra cứu kết quả xử lý, tra cứu tên hộ kinh doanh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính
74
nhà nước có thể trao đổi thông tin cần thiết liên quan đến hộ kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác. Các cơ quan trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính) cần phối hợp với các địa phương để triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký hộ kinh doanh, xây dựng Cổng thông tin đăng ký hộ kinh doanh để phục vụ công tác đăng ký kinh doanh đối với loại hình này (hoặc tích hợp chung trong Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp) [44].