Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.2. Tổng quan về điển cố
Điển cố là một khái niệm, cho đến ngày nay vẫn gây nhiều khó khăn cho các nhà nghiên cứu văn học, nghiên cứu ngôn ngữ. Vì chưa có một tên gọi thống nhất, cùng một khái niệm nhưng các nhà nghiên cứu lại dùng các thuật ngữ khác nhau gây khó khăn cho việc tiếp nhận và nghiên cứu. Qua tìm hiểu một số tài liệu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có nhiều tên gọi khác nhau: điển, điển cố, điển tích, điển nghĩa.
Bên cạnh những tên gọi khác nhau cho điển cố thì cách hiểu, cách giải thích về khái niệm điển cố cũng có nhiều ý kiến, bàn cãi.
Theo tác giả Bửu Kế: “Ðiển là sách sử, cổ là cũ. Điển cố là chuyện cũ đã từng chép trong sách xưa”[18, 566].
Còn theo tác giả Đào Duy Anh trong "Từ điển Hán - Việt". Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội - 1974 đã định nghĩa: “Điển cố là những chuyện chép trong sách vở xưa”[3, 132].
Tác giả Đinh Gia Khánh cho rằng: “Tích là những sự việc, câu chuyện xưa, câu chỉ sự việc của đời xưa, của văn học cổ” [19, 11] và theo ông “tích nằm trong cố gọi chung là điển cố”[19, 11].
Theo định nghĩa của Viện Ngôn ngữ học trong "Từ điển tiếng Việt"
(Hoàng Phê chủ biên), Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học - Hà Nội - 2006: “Điển cố là sự việc hay câu chữ trong sách đời trước được dẫn trong thơ văn” [30, 318] và điển tích là: "Câu chuyện trong sách đời trước, được dẫn lại một cách cô đúc trong tác phẩm" [30, 318].
Tác giả Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu lại có cách giải thích: “Điển (nghĩa đen là việc cũ) là một chữ hay một câu có ám chỉ đến việc cũ, một tích xưa khiến cho người đọc sách phải nhớ đến chuyện ấy, sự tích ấy mới hiểu ý nghĩa và cái lý thú của câu văn”[14, 197].
Tác giả Trần Đình Sử trong cuốn Những thế giới nghệ thuật thơ có viết rõ ràng hơn, sâu sắc hơn về điển cố: “Điển cố là các sự việc, câu chữ, của tác phẩm văn học thời trước mà người đọc nào cũng biết, được sử dụng lại trong tác phẩm mới nhằm tăng cường sức biểu hiện, mở rộng, đổi mới ý thơ”[35, 30].
Từ việc tìm hiểu các cách hiểu về điển cố của một số tác giả thì Phạm Đan Quế trong cuốn Tìm hiểu điển tích Truyện Kiều đã nhận định: “Như vậy, điển, điển cố, điển tích có nghĩa tương đương nhau, nhưng điển tích nặng về câu chuyện, sự việc kể lại”[33, 8].
Để việc nghiên cứu luận văn được thuận lợi và mang tính khoa học, chúng tôi sử dụng thuật ngữ “điển cố” cho toàn luận văn của mình. Theo quan niệm của chúng tôi: điển cố là các sự việc, câu chữ, hình mẫu nhân vật của
tác phẩm văn học, sử sách, kinh truyện thời trước được các tác giả sử dụng, vận dụng lại trong xây dựng tác phẩm nghệ thuật của mình.
1.2.2. Phân loại điển cố
Văn học xưa chia điển cố thành hai loại:
Nếu điển cố lấy các tích truyện xưa làm nội dung xuất phát thì nó được gọi là “dụng điển”. Dụng điển bao gồm các sự vật, sự việc căn bản, những nhân vật biểu trưng cho loại tính cách, phẩm chất, quyền năng hay hành vi.
Những nhân vật này có thực trong lịch sử hoặc hư cấu trong tác phẩm văn học. Dụng điển có khi là những địa danh (vùng đất, sông hồ, núi non, biển cả,...) gắn với một tích truyện hay tượng trưng cho một khái niệm, một tư tưởng, tình cảm nào đó. Dụng điển có khi là những nhân vật kỳ vĩ, nổi tiếng, là tấm gương hiếu thảo, anh hùng liệt sĩ, tấm gương về đạo đức,… Ví dụ, trong Truyện Kiều có câu:
Từ rằng: Lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân. ( 2192)
Điển cố Bình Nguyên Quân gợi nhớ đến Triệu Thắng, hiệu Bình Nguyên Quân, con Vũ Linh vương nước Triệu đời Chiến quốc. Bình Nguyên Quân vốn là người hào hiệp, lại biết dùng người tài. Cho nên văn học cổ thường nhắc đến Bình Nguyên Quân khi ngụ ý nói về người biết trọng tài đức.
Nếu điển cố có nguồn gốc từ các trích dẫn, từ kinh sách, từ các câu nói của người xưa thì được gọi là “dẫn kinh”. Dẫn kinh có thể là một câu, một ngữ, một từ được trích dẫn nguyên vẹn, có khi chỉ dùng một vài từ trong cả câu được lựa chọn và sắp xếp lại thành điển cố mà vẫn thể hiện được tinh thần của câu văn trích.
1.2.3. Tính chất của điển cố
Xét về mặt nghĩa, điển cố có những tính chất sau:
1.2.3.1. Tính lịch sử cụ thể
Điển cố luôn luôn gắn bó với một tích truyện nhất định, trong sách vở hay ngoài cuộc đời thực. Tuy nhiên, tính cụ thể của điển cố lại thường mang ý
nghĩa ẩn dụ hay hoán dụ để truyền đạt một ý nghĩa khái quát mang tính chất phổ biến.
1.2.3.2. Tính biểu trưng
Điển cố được sử dụng nhằm thay thế cho một sự tích, một câu nói, một tứ thơ thì nó được gọt giũa thêm để trở nên hàm súc hơn, ý tại ngôn ngoại, tức là cố gắng chuyển tải được một nội dung lớn hơn nhiều với sức hàm chứa của bản thân từ ngữ.
Để hiểu rõ hơn về hai đặc điểm này, ta hãy xét điển cố Lam Kiều (hay Cầu Lam):
Về tính lịch sử cụ thể: Lam Kiều là tên một chiếc cầu thuộc huyện Lam Điền tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Đây là một chiếc cầu có thật, từng tồn tại trong một không gian và thời gian nhất định trong quá khứ. Đó là mặt hiện thực của từ ngữ Lam Kiều.
Về tính biểu trưng: theo sách truyền kỳ, Bùi Hàng đời Đường gặp người con gái đẹp tặng bài thơ có câu như sau:
“Nhất ẩm quỳnh tương bách cảm sinh, Huyền sương đảo tận kiến Vân Anh, Lam Kiều tận thị thần tiên quật, Hà tất kỳ khu thướng ngọc kinh”
(Chén rượu quỳnh tương vừa uống xong sinh ra trăm mối cảm, Thuốc huyền sương giã xong thì được gặp Vân Anh,
Lam Kiều chính là nơi động tiên đó, Hà tất phải lặn lội đến kinh đô làm gì).
Sau Bùi Hàng có dịp đến Lam Kiều, khát nước, ghé vào quán lá cạnh đường, bà chủ quán gọi cô gái là Vân Anh rót nước mời, thấy Vân Anh đẹp, Hàng xin trọ lại và xin cầu hôn. Bà quán bảo: “Trước đây thần tiên cho ta thìa linh dược, cần có chày, cối bằng ngọc để giã. Bao giờ người mang các thứ đó lại đây ta sẽ gả Vân Anh cho”. Hàng quyết tâm tìm mua chày cối ngọc mang đến Lam Kiều và lấy được Vân Anh làm vợ. Từ câu chuyện này, Lam Kiều được cấp một hàm nghĩa
mới: đó là nơi người đẹp, làm chuyện nhân duyên. Đây không phải là mặt hiện thực mà là mặt biểu trưng, mặt giá trị phong cách của điển cố. Người viết văn dùng Lam Kiều với cấp độ biểu trưng, vì thế mới có các câu:
Cầu Lam hội ấy đành khôn hẹn, Con tạo trời kia bỗng khéo xây.
(Lâm tuyền kỳ ngộ) Chày sương chưa nện cầu Lam,
Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng?
(Truyện Kiều) Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang.
(Truyện Kiều) Trong các ví dụ trên, các tác giả không có ý định nói đến một chiếc cầu cụ thể nọ ở tỉnh Thiểm Tây (mặt hiện thực) mà muốn ám chỉ đến chuyện nhân duyên, chuyện tìm người đẹp (mặt biểu trưng, mặt giá trị). Mặt hiện thực chỉ biết đến như một cái cớ. Điển cố chủ yếu dùng đến mặt sau, mặt giá trị phong cách. Không có mặt sau thì điển cố không bao giờ trở thành một biện pháp tu từ và vì vậy cũng không thể có cái gọi là điển cố.
1.2.3.3. Tính biểu thái
Điển cố được sử dụng để biểu thị sự đánh giá về những phẩm chất của những con người nhất định. Do vậy, việc vận dụng điển cố luôn gắn với thái độ, tính cảm, quan điểm, tư tưởng,... của tác giả. Mỗi điển cố được dẫn bao giờ cũng chứa đựng tình cảm, thái độ yêu, ghét, thương xót, cảm thông, coi thường, khinh bỉ hay ngợi ca, trân trọng,... khi nhìn nhận sự việc, hiện tượng hay con người.