Khái lược về Truyện Kiều

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du qua việc vận dụng điển cố (Trang 35 - 39)

Chương 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT

1.3. Sơ lược về Nguyễn Du và Truyện Kiều

1.3.2. Khái lược về Truyện Kiều

Truyện Kiều (chữ Nôm: 傳翹), tên gốc là Đoạn trường tân thanh (chữ Hán: 斷腸新聲), là truyện thơ kinh điển trong nền Văn học Việt Nam, được viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát của Nguyễn Du, gồm 3254 câu, dựa theo tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện (金雲翹傳) của Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人), một tiểu thuyết chương hồi bằng văn xuôi của Trung Quốc.

Truyện Kiều kể lại số phận chìm nổi, bất hạnh của Thúy Kiều trải qua mười lăm năm lưu lạc, trải qua nhiều kiếp nạn đoạn trường. Có thể nói, trong

thế giới nhân vật phụ nữ của Văn học Việt Nam, chưa có nhân vật phụ nữ nào lại bất hạnh hơn Thúy Kiều. Tác giả Lê Đình Kỵ đã nhận xét:

Truyện Kiều - Đoạn trường tân thanh” - là tiếng kêu xé ruột của con người bị đày đọa, là bằng chứng về nỗi đau của con người bị giày xéo trong tình yêu, trong tình cảm gia đình, trong niềm khát vọng bình thường nhất, trong nhân phẩm tối thiểu của một con người”[20, 241].

Về mặt nội dung, một trong những giá trị lớn nhất của Truyện Kiều là tinh thần nhân đạo cao đẹp. 3254 câu thơ Kiều dào dạt một tình thương mênh mông của Nguyễn Du trước những bi kịch cuộc đời, mà theo như lời của thi hào “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tinh thần nhân đạo được thể hiện trước hết là tiếng nói ngợi ca những giá trị, phẩm chất tốt đẹp của con người như tài sắc, lòng hiếu nghĩa, vị tha, chung thuỷ trong tình yêu. Đó còn là tấm lòng của nhà thơ đồng tình với những ước mơ và khát vọng về tình yêu lứa đôi, về tự do và công lý; là sự đồng cảm, xót thương với bao nỗi đau, bị vùi dập của con người, nhất là đối với người phụ nữ “bạc mệnh” trong xã hội phong kiến. Có thể nói, cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du là cảm hứng trân trọng và thương yêu con người bị áp bức, bị chà đạp. Tác phẩm có ý nghĩa như là tiếng kêu cứu lấy số phận con người và khẳng định phẩm giá con người.

Về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều là một công trình nghệ thuật tuyệt mỹ.

Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Du đã thể hiện sự tài hoa, sắc sảo trong miêu tả, tự sự... Hay nói đúng hơn, đó chính là tài năng bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ. Tả người, tả cảnh hay tả tình... đều rất mực tài hoa. Xin dẫn lời của tác giả Mộng Liên Đường chủ nhân trong bài Tựa Truyện Kiều, một lời nhận xét tuy ngắn gọn mà đã khái quát được tài hoa của Nguyễn Du: “Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột,... Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có

con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”[24, 395].

So với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nội dung của Truyện Kiều không có nhiều khác biệt. Nhưng về mặt nghệ thuật, Truyện Kiều đã vượt xa Kim Vân Kiều truyện, được đánh giá là một thiên tuyệt bút, khẳng định ngòi bút điêu luyện, tài tình của Nguyễn Du. Trải qua hàng trăm năm, với biết bao thăng trầm của cuộc sống, Truyện Kiều vẫn nóng bỏng hơi thở của nó, vẫn trường tồn sức sống trong lòng mọi thế hệ độc giả. Đúng như tác giả Lê Trí Viễn đã ca ngợi: “Câu chuyện trầm luân của Thúy Kiều xưa nay biết bao người nói đến, lời thơ của Nguyễn Du đã đi qua hàng thế kỷ, thế mà bao khúc nôi đoạn trường cùng những lời đứt ruột kia vẫn như còn mới tinh, sức sống của văn chương, sức sống của sự việc không hề giảm đi mà còn có vẻ tăng thêm”[45, 59].

Có thể nói, Truyện Kiều là tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Du mà cũng là tác phẩm lớn nhất trong văn học cổ điển Việt Nam, một kiệt tác của nhân loại.

Nó không chỉ là kết quả lao động sáng tạo của một thiên tài “vô tiền khoáng hậu” mà còn là thành quả của một thời kì lịch sử, thành quả của cả một nền văn hóa có bề dày hàng nghìn năm. Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Với Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng Hòa bình thế giới UNESCO vinh danh ông là Danh nhân văn hóa thế giới.

Với sự cống hiến của Nguyễn Du, với những thành tựu đã được ghi nhận, Nguyễn Du và Truyện Kiều đã trở thành niềm tự hào và sẽ sống mãi trong lòng bao thế hệ người Việt!

***

Tiểu kết chương 1

Trong Chương 1, chúng tôi đi tìm hiểu những nét khái quát về ngôn ngữ văn chương, về điển cố, những nét khái quát về tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều.

Về ngôn ngữ văn chương, chúng tôi đã làm rõ khái niệm và các đặc trưng của ngôn ngữ văn chương. Với tư cách là là chất liệu ngôn từ nghệ thuật văn chương, ngôn ngữ văn chương có những đặc điểm sau: tính phổ biến toàn dân, tính dân tộc, tính mang nghĩa, tính võ đoán, tính hình tuyến và tính biểu cảm.

Về lý thuyết điển cố, chúng tôi đã làm rõ khái niệm điển cố, phân loại điển cố, đặc biệt chúng tôi đã chỉ ra các tính chất của điển cố. Xét về mặt nghĩa, điển cố mang tính lịch sử cụ thể, tính biểu trưng và tính biểu thái.

Chúng tôi cũng đã tóm lược những nét cơ bản nhất về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả Truyện Kiều cũng như những giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Các cơ sở lý thuyết trên sẽ tạo một nền tảng vững chắc để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu việc vận dụng điển cố trong Truyện Kiều và các đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều qua việc vận dụng điển cố ở các chương sau.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du qua việc vận dụng điển cố (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)