CHƯƠNG 2: VIỆC VẬN DỤNG ĐIỂN CỐ TRONG TRUYỆN KIỀU
2.2. Việc vận dụng điển cố trong Truyện Kiều
2.2.3. Phân loại và các phương thức vận dụng điển cố trong Truyện Kiều
Điển cố trong Truyện Kiều như trên đã nêu, được phân ra làm hai loại:
loại dùng điển và loại dẫn kinh.
Loại dùng điển dựa vào các câu chuyện, sự tích nổi tiếng trong sách để lấy ra giá trị biểu trưng. Nó được vận dụng chủ yếu theo 3 phương thức sau:
- Sự thật hoặc sự việc cốt lõi.
- Nhân vật tính cách, cốt cách điển hình cho một phẩm chất, một thái độ sống.
- Tên địa danh, sông, núi,… biểu trưng cho một khái niệm phổ biến.
Loại dẫn kinh thường lấy từ ngữ trong các sách kinh điển, trong các câu nói nổi tiếng của người xưa. Loại điển cố này cũng được Nguyễn Du vận dụng theo 3 cách sau:
- Lấy trọn một ý, một đoạn ngữ trong nguyên văn.
- Cắt lấy một vài chữ đầu hay chữ cuối của câu văn trong sách.
- Lựa chọn một vài từ trong câu nói của kinh truyện cấu tạo lại theo cách riêng của tác giả.
2.2.4. Điển cố Truyện Kiều dưới góc nhìn ngôn ngữ học 2.2.4.1. Xét về mặt ngữ âm
Xét về mặt ngữ âm, điển cố trong Truyện Kiều bao gồm điển cố âm thuần Việt và điển cố âm Hán - Việt. Chúng tôi đã thống kê được kết quả theo bảng sau:
Bảng 2.2. Bảng thống kê điển cố theo âm đọc STT Âm đọc Số lượng
(điển cố)
Tỉ lệ
(%) Ghi chú
1 Thuần Việt 157 51,5
2 Hán Việt 148 48,5
Tổng 305 100,0
Nhìn vào kết quả thống kê, có thể thấy rằng tỉ lệ điển cố âm Hán Việt và âm thuần Việt là tương đương nhau, điển cố âm thuần Việt có 157 điển cố chiếm tỉ lệ 51,5% và điển cố âm Hán Việt có 148 điển cố, chiếm tỉ lệ là 48,5%. Điều này khẳng định nỗ lực rất lớn của Nguyễn Du trong việc “Việt hóa” điển cố Trung Quốc. Mặc dù các điển cố chủ yếu có nguồn gốc từ kinh, sử, truyện, thơ Trung Quốc, nhưng bằng nhiều cách khác nhau, Nguyễn Du đã Việt hóa làm cho điển cố hòa nhập với câu thơ chữ Nôm, mang đậm màu sắc của dân tộc Việt hơn. Do vậy làm cho người đọc dễ hiểu, dễ cảm hơn.
Với một khối lượng phong phú những điển cố là từ thuần Việt, Hán Việt và từ Hán Việt được Việt hóa, có thể khẳng định vốn am hiểu sâu rộng, uyên bác của thi hào Nguyễn Du về ngôn ngữ. Ngôn ngữ dân tộc hay ngôn ngữ vay mượn đều được Nguyễn Du sử dụng một cách tài tình, điêu luyện.
2.2.4.2. Xét về mặt ngữ pháp
Xét ở phương diện ngữ pháp, chúng tôi nhận thấy các điển cố có khi là một đơn vị ngôn ngữ tương đương với cấp độ từ, cấp độ cụm từ, hay có khi điển cố lại tương đương với cấp độ câu. Kết quả thống kê như sau:
Bảng 2.3. Bảng thống kê điển cố theo ngữ pháp
STT Ngữ pháp Số lượng
(điển cố) Tỉ lệ (%) Ghi chú
1 Từ 198 64,9
2 Cụm từ 78 25,6
3 Câu 29 9,5
Tổng 305 100,0
Như vậy, xét về mặt cú pháp, phần lớn các điển cố tương đương với cấp độ từ có 198 điển cố (64,9%) và cụm từ là 78 điển cố (25,6%). Số lượng các điển cố tương đương với cấp độ câu chiếm tỉ lệ rất ít, chỉ có 29 điển cố chiếm 9,5%. Đây cũng là một biểu hiện của tính cô đọng, hàm súc của ngôn ngữ Truyện Kiều, khi nội dung ý nghĩa của điển cố được “dồn nén” trong một dung lượng câu chữ ít nhất.
2.2.4.3. Xét về mặt từ loại
Trong số 276 điển cố tương đương với cấp độ từ và cụm từ (theo bảng 2.3), chúng tôi nhận thấy, xét về mặt từ loại, các điển cố đều thuộc các từ loại danh từ, động từ, tính từ. Kết quả thống kê cụ thể như sau:
Bảng 2.4 Bảng thống kê điển cố theo từ loại
STT Từ loại Số lượng
(điển cố)
Tỉ lệ
(%) Ghi chú
1 Danh từ 222 84,5
2 Động từ 40 13,1
3 Tính từ 14 6,4
4 Tổng 276 100
Nhìn vào kết quả thống kê, có thể nhận thấy, phần lớn các điển cố được vận dụng trong Truyện Kiều đều là danh từ, có đến 222 danh từ (84,5%). Căn nguyên là do các điển cố đều có liên quan đến các con người, địa danh, sự vật, sự việc, hiện tượng của văn chương, sử sách, kinh truyện đời trước. Để định danh cho con người, địa danh, sự vật, hiện tượng nên các điển cố chủ yếu là danh từ. Các điển cố là động từ và tính từ có số lượng khiêm tốn, có 40 điển cố là động từ (13,1%) và 14 điển cố là tính từ (6,4%). Dù vậy, các điển cố là động từ, tính từ cũng đã góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng về từ loại cho ngôn ngữ Truyện Kiều.
2.2.5. Nét đặc sắc của việc vận dụng điển cố trong Truyện Kiều
Như trên đã trình bày, việc sử dụng điển cố là một phép văn rất phổ thông trong văn học trung đại. Ngoài Truyện Kiều, các tác phẩm khác như Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc...cũng sử dụng nhiều điển cố. Nhưng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, điển cố được vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt, sàng lọc và gọt dũa một cách công phu và mang lại hiệu quả cao.
Nó là một minh chứng cho khả năng sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ vô cùng sắc sảo và tài hoa của thi hào Nguyễn Du. Có thể nói, việc vận dụng điển cố trong Truyện Kiều đã mang lại nét độc đáo, đặc sắc của ngôn ngữ Truyện Kiều, là một trong những yếu tố quan trọng mang lại thành công rực rỡ cho tác phẩm nói chung và thành công trong sử dụng ngôn ngữ nói riêng.
***
Tiểu kết chương 2
Trong chương 2, chúng tôi tiến hành tìm hiểu việc vận dụng điển cố trong văn chương trung đại nói chung và trong Truyện Kiều nói riêng. Chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét như sau:
Thứ nhất, phải khẳng định rằng, việc dùng điển cố trong văn học thời trung đại nói chung và trong Truyện Kiều là một nghệ thuật theo quan điểm thẩm mỹ của người xưa.
Thứ hai, trong Truyện Kiều, các điển cố được sử dụng với một số lượng lớn. Như đã trình bày, theo quan điểm và sự thống kê của tác giả Luận văn, có 305 điển cố được vận dụng trong Truyện Kiều. Phần lớn các điển cố có xuất xứ ngoại lai, cụ thể là từ nguồn kinh, sử, truyện, thơ Trung Quốc. Dù thế, tác giả Nguyễn Du đã cố gắng Việt hóa làm cho các điển cố trở nên gần gũi, dễ hiểu với bạn đọc. Đây chính là sự sáng tạo độc đáo của thiên tài Nguyễn Du.
Điểm đặc biệt nhất ở trong chương này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, thống kê các điển cố được vận dụng trong Truyện Kiều dưới góc độ ngôn ngữ học. Kết quả như sau:
Xét ở phương diện ngữ âm, các điển cố được vận dụng trong Truyện Kiều bao gồm cả hai loại âm đọc: âm thuần Việt và âm Hán-Việt. Mức độ hai loại âm đọc này là tương đương nhau, thậm chí âm thuần Việt còn có phần trội hơn. Điều đó đã thể hiện một nỗ lực tuyệt vời của thi hào Nguyễn Du trong việc sử dụng ngôn ngữ dân tộc. Nó không chỉ là tài năng sử dụng ngôn ngữ mà trên hết, đó là sự trân trọng, tình yêu vô hạn với ngôn ngữ dân tộc.
Xét ở phương diện ngữ pháp, điển cố trong Truyện Kiều rất phong phú đa dạng, có khi điển cố là một đơn vị ngữ pháp tương đương với cấp độ từ, cụm từ, có khi lại được cấu trúc là một câu.
Xét ở phương diện từ loại, điển cố Truyện Kiều chủ yếu là các danh từ, một số ít điển cố là tính từ, động từ.
Như vậy, có thể thấy các điển cố được vận dụng trong Truyện Kiều rất phong phú, đa dạng về ngữ âm, ngữ pháp, về từ loại. Và vì thế, trong từng vị trí của câu thơ, ở những “ngữ cảnh” cụ thể, các điển cố sẽ tạo nên sự đa dạng trong cách diễn đạt và thể hiện nội dung Truyện Kiều. Đặc biệt, việc vận dụng điển cố đã làm nên vẻ đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều. Những vẻ đẹp đó sẽ được chúng tôi làm rõ trong chương sau của Luận văn.