Một điển cố được sử dụng nhiều lần

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du qua việc vận dụng điển cố (Trang 71 - 75)

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA NGÔN NGỮ TRUYỆN KIỀU (NGUYỄN DU) QUA VIỆC VẬN DỤNG ĐIỂN CỐ

3.6. Dụng điển tạo tính linh hoạt, sáng tạo

3.6.3. Một điển cố được sử dụng nhiều lần

Thường thường một điển cố dùng nhiều sẽ dễ trở thành sáo rỗng, nhàm chán hoặc có khi lại mang tính chất phô trương. Nhưng Nguyễn Du đã vận dụng một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt và biến hóa khiến ngôn ngữ Truyện Kiều trở nên đa dạng, thần tình. Có những điển cố được sử dụng rất nhiều lần.

Chúng tôi đã thống kê về tần suất xuất hiện của các điển cố, kết quả như sau:

Bảng 3.2 Tần suất xuất hiện của điển cố

STT Tần suất xuất hiện Số lượng Tỉ lệ Ghi chú

1 1 lần 76 24,9

2 2 lần 57 18,7

3 3 lần 59 19,3

4 Trên 3 lần 113 37,1

7 Tổng 305 100,0

Kết quả thống kê cho thấy, số lượng điển cố có tần suất từ 3 lần trở lên chiếm một số lượng lớn, có đến 113 điển cố chiếm tỉ lệ 37,1%. Mỗi trường hợp vận dụng lại “chở” một nội hàm ý nghĩa khác nhau mà vẫn rất phù hợp với tình ý của đoạn văn. Chúng tôi xin đưa ra một số trường hợp làm minh

chứng. Chẳng hạn như điển "ba sinh" được Nguyễn Du dùng tới 5 lần. Lần thứ nhất, Kim Trọng trong chuyến du xuân đã gặp gỡ Thúy Kiều, chàng trở về mang nặng mối tình nhớ nhung, tương tư Thúy Kiều:

Ví chăng duyên nợ ba sinh (257)

Lần thứ hai, khi Kim Trọng thuê được chỗ gần nhà Thúy Kiều thì Kim Trọng rất lấy làm mừng rỡ:

Mừng thầm chốn ấy chữ bài,

Ba sinh âu hẳn duyên trời chi đây,... (281)

Điển "ba sinh" dịch từ chữ "tam dịch" tức là ba kiếp chuyển sinh từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong hai trường hợp trên, điển "ba sinh" có khi nằm ở đầu câu thơ, có khi nằm ở cuối câu thơ nói về duyên nợ từ ba kiếp với nhau. Cuộc gặp gỡ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều như một mối duyên tiền định.

Lần thứ ba: "Nhớ lời nguyện ước ba sinh" (1259)

Vẫn là sự vận dụng điển “ba sinh” nhưng trong trường hợp này lại diễn tả một ý nghĩa khác: diễn tả tâm sự của Kiều, nhớ Kim Trọng khi ở lầu xanh tại Lâm Tri. Lần đầu bước vào chốn lầu xanh, phải chấp nhận tiếp khách làng chơi, nỗi lòng của nàng đã hướng tới người yêu.

Lần thứ tư, sau khi Hồ Tôn Hiến bắt Kiều đánh đàn hầu rượu đã:

Dạy rằng: - “Hương lửa ba sinh (2581) Dây loan xin nối cầm lành cho ai?...”

Điển “ba sinh” trong lời Hồ Tôn Hiến dạy Thúy Kiều về vấn đề duyên nợ vợ chồng: vợ chồng đều do kiếp sống luân hồi của con người theo thuyết nhà Phật đó là hiện tại - quá khứ - tương lai. Cái chủ đích của Hồ Tôn Hiến là muốn Kiều mặc nhiên chấp thuận làm vợ mình.

Lần thứ năm, khi Kiều tái hợp với Kim Trọng, tác giả lại dùng:

Ba sinh đã phỉ mười nguyền Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy.

Điển cố “ba sinh” được sử dụng trong câu thơ để nhấn mạnh sự tương hợp của Thúy Kiều và Kim Trọng là do tiền định. Nhưng trong trường hợp này, điển “ba sinh” không còn chỉ “duyên đôi lứa”, mối duyên vợ chồng nữa mà là “duyên bạn bầy” .

Năm lần dùng điển “ba sinh” mà lần nào cũng sát đúng với tâm lý, hoàn cảnh của nhân vật. Cái tài của Nguyễn Du, độ tinh tế, sâu sắc của ngôn ngữ Truyện Kiều chính là ở đó!

Điển "đoạn trường" cũng được tác giả dùng trong các vị trí khác nhau rất sát với từng hoàn cảnh cụ thể một cách nhuần nhuyễn và biến hoá. Bởi lúc đầu ông lấy hai tiếng “đoạn trường” đặt tên cho tác phẩm là "Đoạn trường tân thanh". Lần thứ nhất Nguyễn Du sử dụng điển "đoạn trường" trong giấc mơ Đạm Tiên nói với Kiều:

Mà xem trong sổ đoạn trường có tên (200)

Điển “đoạn trường” được Nguyễn Du sử dụng ở câu thơ trên như một lời báo mộng cho số phận của Thuý Kiều cũng giống như Đạm Tiên.

Lần thứ hai, Nguyễn Du sử dụng điển cố "đoạn trường" trong lời nói của Đạm Tiên với Kiều trong cơn mê:

Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao? (996)

Điển "đoạn trường" trong lời Đạm Tiên nói với Kiều như một lời định mệnh cho số phận nàng Kiều.

Lần thứ ba, Nguyễn Du sử dụng điển cố "đoạn trường" để kể về cảnh Kiều ở thanh lâu lần thứ nhất:

Xót người trong hội đoạn trường đòi cơn (1270)

Điển "đoạn trường" được Nguyễn Du sử dụng trong lời thơ diễn tả sự thương xót của Kiều về mình và những người cùng chung số phận bạc mệnh, oan nghiệt như nàng.

Lần thứ tư, trước khi Kiều tự vẫn, Kiều đã nhớ lại câu nói trong mộng trước kia của Đạm Tiên và nàng đã nghĩ.

Này thôi hết kiếp đoạn trường từ đây! (2622)

Điển "đoạn trường" được Nguyễn Du sử dụng trong lời thơ diễn tả suy nghĩ của nàng Kiều trước lúc tự vẫn ý muốn nói với bản thân rằng nỗi đau khổ và oan nghiệt, cũng như số phận bạc mệnh của nàng từ nay sẽ kết thúc.

Lần thứ 5, điển cố "đoạn trường" được tác giả sử dụng trong lời Giác Duyên hỏi Tam Hợp đạo cô:

Kiếp sao gặp những đoạn trường thế thôi (2654)

Với điển cố "đoạn trường" ở câu thơ trên, ý Nguyễn Du muốn tổng kết về số phận của nàng Kiều chỉ triền miên những nỗi đau khổ.

Lần thứ sáu, Nguyễn Du sử dụng điển cố "đoạn trường" trong lời Tam Hợp đạo cô trả lời Giác Duyên:

Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi (2666)

Ý muốn nói cuộc đời đau khổ bạc mệnh như bủa vây sẵn, không sao thoát được.

Lần thứ 7: Nguyễn Du sử dụng điển cố trong lời của Tam Hợp đạo cô trả lời sư Giác Duyên:

Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi (2676)

Lần này tác giả đã dùng điển cố "đoạn trường" nhằm nhấn mạnh, số phận bạc mệnh, oan nghiệt của nàng Kiều.

Lần thứ 8, Nguyễn Du sử dụng điển "đoạn trường" diễn tả hoàn cảnh Đạm Tiên nói với Kiều khi Kiều được vớt dưới sông Tiền Đường lên trong lúc mơ màng:

Đoạn trường thơ, phải đưa mà trả nhau (2722)

Với điển "đoạn trường" nằm ở đầu câu nhấn mạnh cuộc đời oan nghiệt như là món nợ đau lòng nàng phải trả.

Lần thứ 9, Nguyễn Du sử dụng điển "đoạn trường" trong lời Kiều đáp với Kim Trọng sau khi gãy khúc đàn vui lúc sum họp.

Đoạn trường tiếng ấy hại người bấy lâu (3212)

"Đoạn trường" ở lần này kết thúc nỗi đau của nàng Kiều sau 15 năm.

Như vậy với điển cố “đoạn trường”, Nguyễn Du sử đã dụng một cách tài tình, minh chứng cho sự điêu luyện, biến hóa của ngôn ngữ Truyện Kiều.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du qua việc vận dụng điển cố (Trang 71 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)