Ngôn ngữ thanh nhã, lịch sự

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du qua việc vận dụng điển cố (Trang 49 - 54)

CHƯƠNG 3: MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM CƠ BẢN CỦA NGÔN NGỮ TRUYỆN KIỀU (NGUYỄN DU) QUA VIỆC VẬN DỤNG ĐIỂN CỐ

3.1. Tính uyên bác, trang nhã

3.1.2. Ngôn ngữ thanh nhã, lịch sự

Trong văn chương nói chung, có nhiều trường hợp, nhà văn, nhà thơ

“gặp” phải những chuyện rất “khó nói”, những chuyện mà chính thi hào Nguyễn Du cũng đã trải lòng “hở môi ra cũng thẹn thùng”. “Những việc khó nói nếu dùng lời văn thông thường thì sỗ sàng hay thô tục. Trường hợp này, nếu khéo dùng điển thì ý tứ vẫn rõ ràng mà lời văn thanh nhã trang trọng”

[32; 21]. Hãy ngẫm nghĩ câu chuyện dưới đây:

Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi, (câu 501)

“Dẽ cho thưa hết một lời đã nao.

“Vẻ chi một đóa yêu đào,

“Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

“Đã cho vào bậc bố kinh,

“Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

“Ra tuồng trên Bộc trong dâu, (câu 507)

“Thì con người ấy ai cầu làm chi.

“Phải điều ăn xổi ở thì,

“Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.

“Ngẫm duyên kì ngộ xưa nay,

“Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi - Trương. (câu 512) “Mây mưa đánh đổi đá vàng, (câu 513)

“Quá chiều nên đã chán chường yến oanh.

“Trong khi chắp cánh liền cành, (câu 515)

“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

“Mái tây để lạnh hương nguyền,

“Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Gieo thoi trước chẳng giữ giàng, (câu 519)

“Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?

“Vội chi liễu ép hoa nài,

“Còn thân còn một đền bồi có khi”.

Toàn bộ lời thơ trên là lời của Thúy Kiều nói với Kim Trọng. Nghe Kiều đánh đàn lần thứ nhất, chàng Kim có vẻ “Sóng tình dường đã xiêu xiêu - Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”. Trong hoàn cảnh này, Thúy Kiều đã phải lựa lời để khuyên răn chàng Kim. Đây là một việc không dễ dàng. Làm thế nào để ngăn lại ngọn sóng tình đang dạt dào dâng lên trong lòng Kim Trọng mà để người nói không sỗ sàng mà người nghe cũng không thấy xấu hổ, không mất lòng? Ở đây, Thúy Kiều, hay cũng chính là Nguyễn Du đã lựa chọn cách sử dụng điển cố. Chúng tôi chú ý tới các điển cố đã được in đậm.

- Điển cố “trên Bộc trong dâu” được vận dụng là một thành ngữ của Trung Quốc, chỉ thói tà dâm của trai gái. Trong sách Lễ Ký có ghi: “Tang gian

Bộc thượng chi âm, vong quốc chi âm dã”, nghĩa là: “tiếng trong ruộng dâu trên bãi sông Bộc là tiếng nhạc mất nước”. Bộc là tên một con sông ở Trung Quốc ngăn đôi hai nước Trịnh - Vệ thời xưa. Hai bên sông bộc có rất nhiều phù sa, bồi đắp rất là màu mỡ, dân chúng hai nước Trịnh - Vệ bèn hom dâu ra bờ sông để trồng. Dâu lên xanh tốt, tán lá xum xuê, che kín cả một vùng rộng lớn. Người đứng dưới ruộng bên bờ sông Bộc thì khó mà có người nhìn thấy được bóng dáng. Trên Bộc tức là trên dòng sông Bộc; trong dâu tức là trong ruộng dâu. Điển cố trên ý nói trên sông Bộc và trong ruộng dâu kín đáo ở hai bên sông Bộc. Lợi dụng chỗ thuận tiện ấy, trai gái hai nước Trịnh, Vệ ở hai bên bờ sông Bộc thường hẹn hò, gặp gỡ nhau trong những bãi dâu che kín để tự tình và làm điều dâm ô. Kinh Thi có câu: “Kỳ ngã vu tang trung”. Nghĩa là:

“Hẹn với người ta ở trong bãi dâu”. Vì thế còn tạo cho điển cố “Trên Bộc trong dâu” ngoài cách hiểu như trên còn được dẫn dụng để chỉ những người dâm loàn, không giữ tiết trinh, mải mê theo cái dục của thể xác, thích điều trăng gió. Thúy Kiều đã nói xa, nhắc khéo chàng Kim như thế!

- Điển cố Thôi - Trương ở đây là nàng Thôi Oanh Oanh và chàng Trương Quân Thụy trong vở Tây Sương ký. Nàng Thôi vì qua yêu chàng Trương mà yêu chiều chàng mọi chuyện nhưng sau lại bị chàng Trương chán chường, ruồng rẫy.

- Điển cố "Chắp cánh, liền cành" nguyên Hán văn là "Tỷ dực điểu"

"Liêm lý chi" (chim chắp cánh cùng bay; cây kết liền cành cùng sống). Sách

"Nhĩ nhã" chép": chim Kiêm giống chim le le, lông màu xanh, chỉ có một cánh và một mắt, ở phương Nam. Mỗi khi muốn bay thì hai con cùng chắp cánh nhau mới bay được. Chim này gọi là "Tỷ dực điểu". Cây liền cành là cành của hai cây giao nhau. Nguyên đời Xuân Thu, vua nước Tống tên Yển vốn hiếu sắc, dâm bạo. Một hôm du ngoạn đến gò Phong Phụ, thấy một thiếu phụ rất đẹp đương hái dâu. Vua càng động lòng tà dục, dò hỏi biết nàng người họ Tức, vợ của nho sĩ Hàn Phùng. Tà ý của vua gặp phải sự cự tuyệt quyết liệt của nàng Tức. Nhưng Vua quyết tâm chiếm nàng bằng được. Đau đớn, uất ức,

chồng nàng cắn lưỡi tự tử. Cuối cùng, chẳng đành, nàng Tức cũng từ trên lầu cao đâm đầu xuống mà chết. Khám trong mình nàng có một bức thư yêu cầu sau khi nàng chết, xin cho chôn chung một mộ với chồng, dưới suối vàng sẽ đội ơn sâu. Vua Tống cả giận, cho người chôn riêng làm hai mộ cách xa nhau.

Ðược ba hôm, bỗng một đêm có hai cây văn tử mọc ở cạnh hai ngôi mộ. Chỉ trong một tuần, cây ấy dài hơn ba thước, những cành quấn quít lấy nhau như một. Thỉnh thoảng có một đôi chim uyên ương đậu ở trên cành, giao đầu kêu nhau một giọng bi ai. Người trong địa phương thương cảm, cho đó là oan hồn của vợ chồng Hàn Phùng hoá sinh, và gọi cây ấy là cây Tương tư. Như vậy, điển "chắp cánh liền cành" chỉ tình vợ chồng gắn bó chung thuỷ, không bao giờ rời xa nhau. Ý của Kiều cho rằng: khi chưa thành vợ chồng mà đã chiều theo ý muốn của Kim Trọng như thế, đến khi thành chồng vợ yêu nhau thì ở bên cạnh đã sẵn lòng rẻ rúng, khinh thường nhau, mất tình đằm thắm mặn nồng.

- Điển “mây mưa” được dịch từ “vân vũ”. Theo lời tựa bài phú Cao Đường của Tống Ngọc, vua nước Sở lên thăm đền Cao Đường, mệt quá ngủ thiếp đi, mộng thấy một phụ nữ xinh đẹp đến tâu rằng: “Thiếp là thần nữ núi Vu Sơn được biết nhà vua ngự chơi nơi này nên đến xin được hầu hạ chăn gối”…Khi ra về, thần nữ lại tâu: “Thiếp ở tại phía nam núi Vu Sơn, sớm làm mây, chiều làm mưa, sớm hôm chiều chiều ở ở dưới Dương Đài”. Cho nên, điển mây mưa ngụ ý nói về việc ân ái, việc ăn nằm với nhau của trai gái.

- Điển “gieo thoi”: “Gieo thoi trước chẳng giữ giàng”. Điển cố này được lấy ý từ chính lá thư mà nàng Thôi Oanh Oanh gửi cho chàng Trương Quân Thụy: “Ngày trước khi chàng cầu thân, thiếp đã chẳng biết gieo thoi cự lại, để đến nỗi sau này bị chàng phụ bạc, đến nỗi phải hổ thẹn cùng chàng, ấy là lỗi tự thiếp, còn dám trách ai” [33, 28]. Sâu xa, điển này bắt nguồn từ câu chuyện chàng trai Tạ Côn với cô gái dệt cửi. “Gieo thoi” là cầm cái thoi dệt cửi ném. Chuyện xưa kể rằng, có người con trai là Tạ Côn tỏ vẻ bỡn cợt, trêu ghẹo một cô gái láng giềng. Cô đương ngồi dệt cửi nổi giận, cầm cái thoi ném

vào mặt Tạ Côn làm gãy hai cái răng cửa. Chung quy lại, điển “gieo thoi” là muốn nói tới cái ý cự tuyệt quyết liệt trước sự sàm sỡ, trước tà dục.

Thúy Kiều thực hết sức khéo léo! Ngôn ngữ của Nguyễn Du thật kì diệu!

Chỉ bằng cách dẫn điển cố, Thúy Kiều đã nêu cái đạo phải theo, đã nói cái lẽ chung cho mọi người. Kể hàng loạt những việc yêu đương, ái ân của trai gái mà không dùng tới một lời thô lỗ, khiếm nhã nào. Lời văn vẫn thực trong sáng, thanh nhã. Cái ý tứ của nàng rất rõ ràng. Nàng cũng không cần phải nói: “thiếp sẽ hết sức cự tuyệt...” nhưng thực là nàng đã cự tuyệt một cách quyết liệt mà khôn khéo. Ta nên hiểu, sự cự tuyệt của Kiều chỉ là ngăn ngọn

“sóng tình” đang dâng lên ở Kim Trọng, là để chàng biết “dừng” cho đúng với đạo lý chứ không phải là cự tuyệt tình yêu của Kim Trọng. Trái lại, nàng cũng thẳng thắn bày tỏ tấm chân tình của mình

- Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

- Vội chi liễu ép hoa nài, Còn thân còn một đền bồi có khi.

Đó là những lời an ủi, vuốt ve Kim Trọng, lời hứa hẹn chan chứa tình âu yếm, dịu dàng. Thế nên, cái người bị cự tuyệt là chính chàng Kim đây, không hề thấy bị mất lòng, bị phật ý, trái lại, càng thêm yêu, thêm nể trọng trước sự tinh tế, trước tư cách đoan trang của Thúy Kiều:

Thấy lời đoan chính dễ nghe, Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

Để thấy rõ hơn tính trang trọng, thanh nhã trong ngôn ngữ Truyện Kiều mà việc sử dụng điển cố đã đem lại, ta hãy xét thêm một câu chuyện nữa:

“Biết bao bướm lả ong lơi (1229) Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm

Dập dìu lá gió càng chim (1231) Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Trường Khanh (1232)

Lầu xanh vốn được biết đến là chốn ô hợp, dâm đãng, xấu xa. Bởi ở đó, là những câu chuyện về sự ăn chơi hưởng lạc, chuyện tiếp khách làng chơi, chuyện ái ân nam nữ,... Thúy Kiều, sau rất nhiều lần phản kháng, không còn cách nào khác, đành phải chấp nhận cuộc sống chốn thanh lâu, chấp nhận tiếp khách làng chơi. Để tái hiện cuộc sống sinh hoạt ở chốn lầu xanh, nếu bằng ngôn ngữ thông thường, ắt hẳn phải sử dụng thứ ngôn ngữ tục tĩu, thô lỗ, thậm chí gây phản cảm với bạn đọc. Nhưng Nguyễn Du đã khéo léo sử dụng các điển cố lá gió càng chim, Tống Ngọc, Trường Khanh vừa miêu tả được cuộc sống chốn thanh lâu mà vẫn giữ được vẻ trang trọng, thanh nhã trong lời văn.

Điển cố "lá gió cành chim" lấy từ chuyện nàng Tiết Đào (đời Đường) lúc nhỏ làm thơ: Chim nghinh nam bắc điểu - Diệp tống vãng lai phong, nghĩa là: cành đón chim nam bắc; lá đưa gió lại qua. Cha nàng xem, biết phận con không ra gì, bởi hàm ý của nó chỉ việc tiếp khách làng chơi.

Còn Tống Ngọc, Trường Khanh đều là những nhân vật trong lịch sử Trung Quốc. Tống Ngọc là người nước Sở đời Xuân Thu. Trường Khanh tức Tư Mã Tương Như. Cả hai đều là người có tài, đẹp trai, lãng mạn, đa tình.

Mượn hai nhân vật này, Nguyễn Du chủ yếu muốn miêu tả sự tiếp khách của Thúy Kiều đối với đối tượng nào. Đó đều là những khách làng chơi sang trọng, phong lưu tài tử (giống như Tống Ngọc, Trường Khanh) chứ không phải hạng khách tầm thường, phàm phu tục tử. Với hai điển cố này ý thơ trở nên kín đáo, tao nhã, mà hiệu quả diễn đạt của câu thơ rất mạnh mẽ.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ Đặc điểm ngôn ngữ Truyện Kiều của Nguyễn Du qua việc vận dụng điển cố (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)