Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.1. Cơ sở lý luận về quản lý Nhà nước đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý Nhà nước đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của một địa phương cấp tỉnh
1.1.5.1. Các yếu tố bên trong
Trong nghiên cứu này, các yếu tố bên trong được hiểu là các yếu thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh. Các yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với thu hút ĐTTTNN tại tỉnh. Các yếu tố cơ bản thuộc nhóm này bao gồm:
Thứ nhất là công tác kế hoạch hóa. Đây là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước, vì vậy, để quá trình thực hiện đạt kết quả thì mỗi cơ quan quản lý Nhà nước cần phải làm tốt công tác kế hoạch hóa.
Thứ hai, là công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức bao gồm chiến lược đào tạo, việc sử dụng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức. Đây là nhân tố có tính quyết định đến chất lượng quản lý nhà nước đối với thu hút ĐTTTNN. Khi xem xét đến nhân tố con người, chúng ta có thể tính đến một số phương diện sau:
+) Trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, trình độ, năng lực của cán bộ, công chức có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với mục tiêu đảm bảo chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước trong bất kỳ lĩnh vực nào ở mọi cấp độ. Khi cán bộ, công chức không đáp ứng được những yêu cầu về mặt chuyên môn, nghiệp vụ đối với vị trí đang công tác thì không thể hoạt động có hiệu quả cao. Một số cán bộ do thiếu năng lực nên giải quyết công việc chủ yếu dựa theo kinh nghiệm mà thiếu những căn cứ khoa học; thiếu trình độ, kỹ năng nghề nghiệp dẫn đến giải quyết công việc còn chậm; hiểu biết về pháp luật còn yếu nên không ít trường hợp cán bộ hiểu sai tinh thần của văn bản pháp luật dẫn đến việc thực thi sai và không thống nhất các văn bản pháp luật.
+) Phẩm chất, đạo đức: Phẩm chất, đạo đức của cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước đang là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. Muốn các hoạt động quản lý Nhà nước đạt được chất lượng tốt thì công chức Nhà nước phải có các tiêu chuẩn như biết lắng nghe; có kiến thức và kỹ năng giải quyết công việc; thân thiện;
kịp thời, linh hoạt… Để đáp ứng được các yêu cầu trên thì hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước cần phải quan tâm đến công tác cán bộ, phải có chiến lược đào tạo, sử dụng và phát triển cán bộ, công chức.
Thứ ba, điều kiện lao động cần được đảm bảo. Điều kiện lao động bao gồm điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ cho quản lý ảnh hưởng đến khả năng làm việc và sức khỏe của cán bộ, công chức trong quá trình làm việc. Khi điều kiện lao động được đảm bảo, sức khỏe và chất lượng công việc của cán bộ, công chức sẽ được tăng lên, giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Do vậy, điều kiện làm việc có ý nghĩa quan trọng để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác của cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Một số yếu tố về điều kiện vật chất có thể ảnh hưởng tới chất lượng công việc của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý là:
- Bố trí, sắp xếp phòng làm việc hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ công chức, giảm được thời gian thực thi công vụ, nâng cao năng suất lao động cho cán bộ, công chức. Khi sắp xếp, bố trí phòng làm việc phải lưu ý tới yêu cầu chuyên môn, tính chất công việc của cán bộ để bố trí phòng cho thích hợp, đủ diện tích và trang thiết bị làm việc.
- Điều kiện ánh sáng, tiếng ồn;
- Đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc.
1.1.5.2. Các yếu tố bên ngoài
Các yếu tố bên ngoài phạm vi điều chỉnh của các cơ quan quản lý Nhà nước cấp tỉnh bao gồm:
+) Đặc điểm tổ chức và nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị. Hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước phụ thuộc vào nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, sự phân công rành mạch giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Đây là nhóm yếu tố quan trọng hàng đầu có ảnh hưởng đến chất lượng quản lý, bởi vì cơ cấu tổ chức, các quy định pháp luật có chặt chẽ, hợp lý, rõ ràng hay không,… đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Về cơ cấu tổ chức, trong những năm qua, tổ chức bộ máy của các cơ quan chức năng từng bước được cải cách theo hướng tinh giản, từng bước tách chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý kinh doanh. Trong quản lý điều hành, từng bước phân cấp quản lý phù hợp với tình hình thực tế, do đó đã đem lại những chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng công tác quản lý nhà nước các cấp. Tuy nhiên, bộ máy trong nội bộ các cơ quan quản lý cấp tỉnh ở nhiều địa phương chưa thực sự xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong cơ chế thị trường.
+) Yếu tố pháp lý: Các quy định pháp luật chưa chặt chẽ và còn kẽ hở đã ảnh hưởng đến chất lượng của các hoạt động quản lý. Ở nhiều địa phương, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, chưa rõ ràng, chưa thực sự linh hoạt… dẫn đến tình trạng nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước có nhiều cơ quan cùng làm nhưng không hiệu quả, chẳng hạn như công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng,… trong khi đó có những nhiệm vụ cần thiết phải làm thì lại chưa có hệ thống cơ quan chuyên trách đảm nhiệm chẳng hạn như vấn đề đánh giá chất lượng hoạt động quản lý nhà nước.
+) Sự ủng hộ của nhân dân đối với nhà nước nói chung và các cơ quan quản lý nhà nước đối với thu hút ĐTTTNN nói riêng. Sự tín nhiệm của dân đối với cơ quan quản lý Nhà nước càng lớn thì hoạt động quản lý của bộ máy quản lý Nhà nước càng dễ dàng đạt được mục tiêu (Phan Huy Đường, 2010).