Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
1.2. Cơ sở thực tiễn về quản lý Nhà nước đối với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.2.1. Các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài
1.2.1.1. Chủ trương, chính sách của Trung ương
Các thay đổi mang tính đột phá của Luật Đầu tư 2014 đã thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của FDI vào Việt Nam, thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, đã tạo lập cơ sở pháp lý minh bạch để bảo đảm thực hiện nguyên tắc hiến định về quyền tự do đầu tư kinh doanh của công dân trong các ngành nghề mà Luật không cấm;
Thứ hai, đã rà soát, loại bỏ các ngành nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không rõ ràng. Chuẩn xác tên gọi và hệ thống một số ngành nghề chính xác lại, minh bạch các ngành nghề kinh doanh có điều kiện để không trùng lặp. Trên cơ sở đó, sau rà soát 386 ngành nghề đã rút xuống còn 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (Phụ lục 4 Luật Đầu tư, 2014);
Thứ ba, củng cố, hoàn thiện cơ chế bảo đảm đầu tư phải hợp với quy định của Hiến pháp và Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như cập nhật, hoàn thiện các quy định về việc Nhà nước bảo đảm quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư;
Hoàn thiện nguyên tắc không hồi tố trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật thay đổi làm bất lợi đến ưu đãi đầu tư đã áp dụng cho nhà đầu tư,...);
Thứ tư, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, như Luật đã đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với Nhà đầu tư nước ngoài từ 45 ngày xuống còn 15 ngày (Điều 37 Luật Đầu tư);
Thứ năm, hoàn thiện chính sách ưu đãi đầu tư nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư;
Thứ sáu, hoàn thiện chế độ phân cấp và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động đầu tư;
Thứ bảy, cải cách thủ tục đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (như Luật đã bổ sung hình thức đầu tư ra nước ngoài thông qua mua, bán chứng khoán, các giấy tờ có giá khác và đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, các định chế tài chính trung gian khác ở nước ngoài mà không trực tiếp tham gia quản lý hoạt động đầu tư...).
1.2.1.2. Chủ trương, chính sách của tỉnh Phú Thọ
Trong những năm gần đây, thu hút đầu tư từ nước ngoài vào tỉnh Phú Thọ liên tục tăng nhanh, các nguồn lực đầu tư trực tiếp nước ngoài đã góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây là kết quả sau nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ động xúc tiến đầu tư tại các thị trường đầu tư trọng tâm, trọng điểm của tỉnh.
Đổi mới xúc tiến đầu tư:
Chủ động tiếp cận, đối thoại về hướng phát triển của tỉnh; giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và cơ hội, chính sách đầu tư tới các doanh nghiệp, các thị trường trọng điểm, chính là cách tỉnh Phú Thọ thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài một cách hiệu quả.
Mới đây nhất, tháng 4/2018, được sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ do ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh dẫn đầu đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư tại thủ đô Tokyo.
Tại hội nghị, hai bên đã cùng trao đổi, đối thoại những vấn đề cùng quan tâm, đồng thời đưa ra giải pháp phù hợp với tiêu chí của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản.
Tỉnh Phú Thọ cũng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai với phương châm “Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi.”
Trước đó, tháng 12/2017, ông Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã dẫn đầu đoàn công tác sang thủ đô Seunl, Hàn Quốc tổ chức hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư vào tỉnh Phú Thọ” nhằm thu hút thêm đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc vào địa phương.
Tại hội thảo, ông Hoàng Dân Mạc đã nhấn mạnh với phương châm coi trọng đối tác, Phú Thọ luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là từ Hàn Quốc, luôn khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, thủ tục để các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội và hợp tác làm ăn tại tỉnh Phú Thọ.
Nhiều thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand…. cũng được lãnh đạo tỉnh chủ động xúc tiến đầu tư. Cùng với các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp ở nước ngoài, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư trong tỉnh, trong nước cũng được đẩy mạnh triển khai.
Nhờ việc đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư, từ năm 2017 đến nay, tỉnh Phú Thọ đã đón và làm việc với trên 30 lượt doanh nghiệp/nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư; trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Slovakia, Italy, Australia, New Zealand,...
Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút được 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đăng ký 14,5 triệu USD. Một số dự án đang tiến hành triển khai thi công xây dựng và hoàn thiện thủ tục khởi công, chuẩn bị đi vào hoạt động đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cải thiện môi trường đầu tư:
Tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng Phú Thọ vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập như kết nối giao thông chưa thuận tiện, hạ tầng đô thị, nhất là khu cụm công nghiệp còn yếu kém, chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, quỹ đất sạch để xúc tiến đầu tư hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, công nhân kỹ thuật lành nghề nên việc thu hút các dự án đầu tư lớn có khả năng đóng góp cho ngân sách, dự án sử dụng công nghệ cao thân thiện với môi trường còn hạn chế.
Một thực tế nữa là số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu về môi trường đầu tư và thực hiện đầu tư còn thấp so với tiềm năng của tỉnh; trong đó, chưa có nhiều nhà đầu tư mạnh về vốn và công nghệ, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài nổi trội.
Ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ, cho biết để Phú Thọ trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chú trọng cải cách hành chính nhất là thủ tục tiếp nhận hồ sơ dự án, trình tự thực hiện thủ tục dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, tỉnh xúc tiến đầu tư qua nhiều hình thức thông qua hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án trên địa bàn nhanh chóng, hiệu quả làm trọng tâm; đồng thời động viên, khuyến khích các dự án đã đầu tư có hiệu quả mở rộng quy mô, công suất đầu tư.
Ngoài ra, tiếp cận quảng bá mời gọi các nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến hiện đại sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Trong đó, chú trọng xúc tiến đầu tư song phương, trực tiếp với các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ , Israel, các nước trong khối EU.
Lãnh đạo tỉnh cũng tích cực gặp gỡ, đối thoại và đồng hành cùng các nhà đầu tư;
nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ xúc tiến đầu tư; định hướng xúc tiến đầu tư tập trung vào các dự án nhiều tiềm năng.
Tỉnh cũng tập trung xây dựng bản đồ quy hoạch về đất, nắm bắt thêm quỹ đất ngoài khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh để giới thiệu, mời gọi các nhà đầu tư khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, thực hiện phê duyệt và công bố, công khai các thông tin về giá một số dịch vụ thiết yếu như giá thuê đất, thuê hạ tầng, giá điện, nước, giá nhân công, cước vận chuyển, cước thông tin liên lạc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Với các cách làm trên, năm 2018, tỉnh phấn đấu thu hút vốn đăng ký đầu tư (gồm vốn FDI và vốn đầu tư trong nước) từ 5.500-6.000 tỷ đồng, tăng 10-15% so với năm 2017; trong đó, chú trọng thu hút các dự án đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ; lựa chọn các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm có hàm lượng khoa học và công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, có khả năng đóng góp lớn cho ngân sách và sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các dự án đầu tư sử dụng ít năng lượng, tiết kiệm đất.
Gần đây, Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt về ưu đãi, thu hút đầu tư; tập trung xúc tiến đầu tư, chú trọng cải cách hành chính; giảm bớt các khâu trung gian, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư.
Với cách làm này, số doanh nghiệp, dự án và số vốn đầu tư FDI tại Phú Thọ liên tục tăng cao. Nhiều nhà đầu tư từ nước ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Slovakia, Italy... đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Nếu như năm 2012 trên địa bàn tỉnh mới có 85 dự án FDI, vốn đăng ký 491,83 triệu USD; trong đó chỉ có 68 dự án hoạt động, vốn đầu tư 393,2 triệu USD, bình quân 5,78 triệu USD/dự án thì đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 150 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD.
Trong số đó có 120 dự án từ Hàn Quốc với tổng số vốn đăng ký 793 triệu USD; 7 dự án đầu tư từ Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký đạt gần 36 triệu USD (Kim Chi, 2010), (Tỉnh uỷ Phú Thọ, năm 1997, 2010, 2017).