Doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nâng cao vai trò của Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước trong hoạt động tái cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước ở Việt Nam (Trang 36 - 45)

1.2. NHỮNG VẤN ĐỀ CƠ BẢN VỀ TÁI CẤU TRÚC TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP CÓ VỐN ĐẦU TƯ NHÀ NƯỚC

1.2.1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước

Các quan niệm về doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước.

DN là tổ chức kinh tế được thành lập để tiến hành sản xuất và cung cấp các hàng hoá, dịch vụ ra thị trường với mục đích sinh lời. Nhà nước với tư cách là chủ thể kinh tế - xã hội có quyền bỏ vốn đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Các phương thức đầu tư vốn có thể là tham gia cùng với các thành phần kinh tế khác thiết lập Công ty cổ phần hay Công ty TNHH để thực hiện kinh doanh theo pháp luật nhằm thực hiện mục tiêu của mình. Trong nền kinh tế, do vị trí và vai trò của DN có thể chịu ảnh hưởng bởi vị trí, vai trò và tính chất của chủ sở hữu, nên thông thường ở các nước có phân biệt DN có vốn đầu tư Nhà nước; DN tư nhân; DN có vốn đầu tư nước ngoài...

DN có vốn đầu tư Nhà nước là những cơ sở kinh tế do Nhà nước sở hữu một phần hoặc toàn bộ. Quyền sở hữu thuộc về Nhà nước hay cơ bản thuộc về Nhà nước là đặc điểm quan trọng để phân biệt DN có vốn đầu tư Nhà nước với các loại hình DN khác trong nền kinh tế thị trường.

Có rất nhiều quan niệm khác nhau về DNNN ở các nước do cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, đa số các nước đều có điểm chung khi nói đến DNNN đó là vấn đề sở hữu Nhà nước.

Theo Tổ chức phát triển công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) thì:

DNNN là các tổ chức kinh tế thuộc sở hữu Nhà nước hoặc do Nhà nước kiểm soát có thu nhập chủ yếu từ việc tiêu thụ hàng hoá và cung cấp dịch vụ. Theo quan niệm của UNIDO, DNNN bao hàm cả những DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn và những DN mà Nhà nước chỉ sở hữu một bộ phận vốn, nhưng nắm quyền chi phối mọi hoạt động của DN.

Nghiên cứu về DNNN cho thấy DNNN không chỉ là một bộ phận của kinh tế Nhà nước mà còn là một bộ phận của DN nói chung được hình thành và phát triển trong nền kinh tế của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, tiêu chí cụ thể để phân loại và nhận biết về DNNN của các nước lại rất khác nhau. Ở mỗi nước trong các tiêu chí để phân biệt DNNN lại có sự nhấn mạnh khác nhau về tiêu chí này hoặc tiêu chí khác. Theo định nghĩa về DNNN của Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế thì DNNN phải có 3 tiêu chí sau:

- Chính phủ là cổ đông chính trong DN hoặc nếu không Chính phủ có thể thực hiện việc kiểm soát những chính sách chung mà DN theo đuổi và bổ nhiệm hoặc cách chức Ban quản lý DN.

- DN có nhiệm vụ sản xuất hàng hoá và dịch vụ cho công chúng, hoặc cho các DN tư nhân, DNNN khác.

- DN phải tự chịu trách nhiệm về thu chi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở Việt Nam, quan niệm về DNNN đã được điều chỉnh nhiều lần cho phù hợp với yêu cầu quản lý qua các giai đoạn phát triển của đất nước. Có thể lược qua như sau:

Luật DN 2005: DNNN là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ.

Luật DN 2014 do Quốc hội khoá 13 ban hành ngày 26/11/2014 đã thu hẹp phạm vi DNNN; theo đó: “DNNN là tổ chức kinh tế do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ”; đồng thời cũng chỉ rõ: DN có vốn đầu tư Nhà nước là DN chỉ có một phần vốn đầu tư Nhà nước. Như vậy, chỉ có các DN mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ mới thuộc phạm trù DNNN; với các DN mà Nhà nước chỉ sở hữu một phần vốn điều lệ, không phân biệt là đa số hay thiểu số đều thuộc phạm trù DN có có vốn đầu tư Nhà nước. Với các DN có vốn đầu tư Nhà nước, ngoài chủ sở hữu là Nhà nước còn có các chủ sở hữu khác – các đồng chủ sở hữu.

Như vậy, có thể thấy mặc dù phương pháp diễn đạt có thể khác nhau, nhưng các quan niệm về DNNN, DN có vốn đầu tư Nhà nước có nội dung cơ bản là:

- Là tổ chức kinh tế do Nhà nước thành lập, hoạt động theo mục tiêu của chủ sở hữu Nhà nước. Trong nền kinh tế, hình thức cụ thể của DN có vốn đầu tư Nhà nước được lập cũng giống như DN mọi thành phần kinh tế khác, gồm Công ty TNHH hay Công ty cổ phần.

- DNNN có tư cách pháp nhân với đủ 4 yếu tố là: (i) là tổ chức được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, đăng ký, công nhận một cách hợp pháp;

(ii) có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; (iii) có tài sản độc lập với Nhà nước và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ của mình;

(iv) có quyền nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Về mặt hình thức được biểu hiện: DN phải có tên gọi, địa chỉ, trụ sở chính; có mục tiêu, ngành nghề kinh doanh phù hợp với giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; có con dấu riêng và trong hoạt động kinh doanh có trách nhiệm nộp thuế cho Chính phủ.

- Quy mô DNNN được lập có thể lớn hoặc nhỏ. Ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới xác định DNNN gồm DN 100% vốn Nhà nước; và những DN có vốn Nhà nước góp có quyền chi phối (trên 50% vốn điều lệ DN).

- Chủ sở hữu của DNNN là Nhà nước. Do Nhà nước là chủ sở hữu, nên Nhà nước có quyền kiểm soát, chế định các hoạt động của DNNN theo các mục tiêu của chủ sở hữu. Tuy nhiên, kiểm soát và chế định của Nhà nước đến đâu là tuỳ thuộc vào tỷ lệ vốn của Nhà nước đầu tư vào DN. Đối với DN 100% vốn Nhà nước, Nhà nước có toàn quyền về mọi mặt đối với DN. Đối với DN có vốn của Nhà nước và vốn nhiều chủ sở hữu khác, có 2 trường hợp xảy ra: Trường hợp tỷ lệ vốn Nhà nước thấp so với chủ sở hữu khác, Nhà nước không có quyền chi phối hoạt động của DN. Trường hợp tỷ lệ vốn Nhà nước chiếm tỷ trọng cao, tuy rằng có nhiều chủ sở hữu tham gia để hình thành cơ chế quản lý chung, nhưng Nhà nước giữ quyền quyết định chi phối hoạt động của DN.

- Vốn Nhà nước đầu tư thành lập DN là vốn công, được lấy từ ngân sách Nhà nước. Tài sản trong DNNN, DN có vốn đầu tư Nhà nước là một bộ phận tài sản của Nhà nước. Sau khi thành lập những DN này là một chủ thể kinh doanh. Nhưng

chủ thể kinh doanh này không có quyền sở hữu đối với tài sản mà chỉ có quyền quản lý và sử dụng trên cơ sở quyền sở hữu của Nhà nước, hay nói cách khác là có sự tách rời giữa quyền sở hữu và quyền quản lý sử dụng vốn và tài sản của danh nghiệp. Đặc điểm này cho thấy DNNN phải có trách nhiệm trong việc bảo toàn và phát triển số vốn mà Nhà nước đầu tư vào.

Đặc điểm doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước

Về cơ bản DNNN và DN có vốn đầu tư Nhà nước có đầy đủ các đặc điểm như các DN khác trong nền kinh tế, như: có tư cách pháp nhân, có quyền tự chủ trong kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh... Điểm khác biệt giữa DNNN, DN có vốn đầu tư Nhà nước với các DN khác là chủ sở hữu vốn (một trong chủ sở hữu vốn) của DN là Nhà nước. Chủ sở hữu Nhà nước có những đặc điểm khác biệt so với các chủ sở hữu khác, thể hiện ở những điểm sau:

Một là, Nhà nước là một hệ thống phức tạp. Nhà nước bao gồm nhiều cơ quan quản lý khác nhau, từ cấp Trung ương đến địa phương. Rất khó có thể xác định cụ thể chủ thể sở hữu Nhà nước như các chủ sở hữu là cá nhân hay pháp nhân khác. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan niệm và quy định Chính phủ thống nhất thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại DN.

Xét về bản chất, Chính phủ cũng chỉ là chủ sở hữu được Nhà nước uỷ quyền.

Hai là, vấn đề thực hiện quyền của chủ sở hữu Nhà nước. Do chủ thể sở hữu Nhà nước có nhiều cấp quản lý từ Trung ương đến địa phương nên việc thực hiện quyền quản lý, giám sát sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, thu nhập từ tài sản Nhà nước thường được thực hiện thông qua các hình thức: bộ máy hành chính làm việc theo chế độ công chức, hoặc thông qua Công ty đầu tư kinh doanh vốn.

Ba là, tính chất đa mục tiêu trong đầu tư vốn vào DN của Nhà nước. Hiệu quả kinh tế không phải là mục tiêu duy nhất trong việc đầu tư vốn vào DN của Nhà nước. Nhà nước đầu tư vốn vào các DN không chỉ có mục tiêu kinh tế mà còn nhằm các mục tiêu chính trị, an ninh, văn hóa, xã hội. Tính chất đa mục tiêu này đã dẫn tới sự phức tạp khi đánh giá hiệu quả của việc đầu tư, sử dụng vốn, tài sản của chủ sở hữu Nhà nước.

1.2.2. Những vấn đề cơ bản về tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước

Mục tiêu hoạt động của các DN trong nền kinh tế là tối đa hóa giá trị DN. Để đạt được mục tiêu này, DN phải thực hiện nhiều biện pháp, trong đó lựa chọn một cấu trúc tài chính hợp lý là một biện pháp quan trọng. Có nhiều quan niệm về tái cấu trúc tài chính DN.

Trước hết ta xem xét các quan niệm về tái cấu trúc DN:

Ngô Trí Long 2011, cho rằng tái cấu trúc DN là quá trình tổ chức, sắp xếp lại DN nhằm tạo ra trạng thái tốt hơn cho DN để thực hiện những mục tiêu đề ra. Mục tiêu chung của tái cấu trúc DN là đạt được một thể trạng tốt hơn cho DN để DN hoạt động hiệu quả hơn dựa trên những nền tảng về sứ mệnh, tầm nhìn, định hướng chiến lược sẵn có của DN. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, tái cấu trúc có thể chỉ nhằm mục tiêu đạt được sự cải thiện vận hành ở một mảng nào đó trong tổ chức DN.

Một chương trình tái cấu trúc DN toàn diện sẽ bao trùm hầu hết các lĩnh vực như cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực, cơ chế quản lý, điều hành; các hoạt động và các quá trình; các nguồn lực khác của DN. Tái cấu trúc DN cũng có thể được triển khai cục bộ tại một hay nhiều mảng của DN (tài chính, nhân sự, bán hàng, sản xuất…) nhằm đạt mục tiêu là nâng cao thể trạng của bộ phận đó. Một quá trình tái lập đúng nghĩa và trọn vẹn phải bao gồm ít nhất ba bước chính sau: Tư duy lại;

Thiết kế lại; Xây dựng lại.

Như vậy, có thể nói tái cấu trúc là một phần của quá trình tái lập, chủ yếu chỉ đi vào mục tiêu nâng cao thể trạng của DN trên nền tảng hiện có, trong khi đầu ra của tái lập là giải pháp tốt nhất cho DN, bao gồm đích đúng, con đường đúng, phương tiện đúng dựa trên một nền tảng có thể hoàn toàn mới.

Hoàng Trần Hậu 2011, cho rằng tái cấu trúc DNNN chia ra làm 2 cấp độ: vĩ mô (khu vực DNNN) và cấp độ vi mô (từng DNNN).

Trên phương diện tái cấu trúc vĩ mô là tái cấu trúc cả hệ thống, được hiểu là quá trình điều chỉnh lại sở hữu, mô hình, cơ chế hoạt động, quản lý, bố trí lại nguồn

lực đối với DNNN cho từng ngành, từng lĩnh vực của nền kinh tế theo mục tiêu của Nhà nước. Đó là quá trình làm mới để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả xã hội và sức mạnh cho DNNN. Trên khía cạnh này, tái cấu trúc DNNN gồm: (i) tái cấu trúc sở hữu vốn bằng việc sáp nhập, mua bán vốn kể cả thành lập mới DNNN;

(ii) quan hệ sở hữu vốn và quyền sử dụng vốn: thống nhất quyền sở hữu, quản lý sử dụng vốn ở một đại diện sở hữu hay nhiều đại diện sở hữu của chủ sở hữu Nhà nước; (iii) tái cấu trúc đầu tư vốn của Nhà nước: Nhà nước có chiến lược đầu tư vào các lĩnh vực để tăng vốn Nhà nước khi cần thiết; (iv) tái cấu trúc mô hình hoạt động, quản trị: Nhà nước cần định ra mô hình quản trị DNNN bằng cách ban hành các bộ quy tắc quản trị cho DNNN; (v) tái cấu trúc quản lý Nhà nước trong đó đặc biệt là tái cấu trúc hệ thống giám sát DNNN.

Trên phương diện vi mô, tái cấu trúc DNNN được tiến hành với những công việc điều chỉnh lại sở hữu, mô hình, cơ chế hoạt động, quản lý, bố trí lại nguồn lực đối với từng DNNN. Trên khía cạnh này, tái cấu trúc DNNN gồm: tái cấu trúc chiến lược, thể chế quản trị, mô hình, tái thiết lập chính sách quản trị tài chính, kế toán, quản trị sản xuất, kỹ thuật…

Các quan niệm về cấu trúc tài chính và tái cấu trúc tài chính:

Klayman 1994, cho rằng cấu trúc tài chính là sự kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và các khoản nợ phải trả. Trong đó, nợ phải trả bao gồm nợ vay dài hạn (vay dài hạn ngân hàng, nợ hình thành từ phát hành trái phiếu, thuê tài chính), các khoản tín dụng thương mại và các khoản phải trả ngắn hạn khác. Do đó tái cấu trúc tài chính là quá trình sắp xếp lại cấu trúc tài chính gồm vốn chủ sở hữu và nợ phải trả.

Đặng Phương Mai 2016, đưa ra khái niệm về cấu trúc tài chính của DN là sự kết hợp các nguồn vốn, bao gồm: nguồn vốn ngắn hạn và nguồn vốn dài hạn, nguồn vốn nợ và vốn chủ sở hữu, được sử dụng để tài trợ cho các tài sản của DN, nhằm mục tiêu tối đa hoá giá trị DN. Tái cấu trúc tài chính DN là quá trình thay đổi một cách căn bản cấu trúc tài chính của DN, để thiết lập một cấu trúc tài chính phù hợp với từng giai đoạn phát triển của DN cũng như sự thay đổi của môi trường kinh doanh, nhằm đạt mục tiêu tối đa hóa giá trị DN.

Bùi Văn Vần và Vũ Văn Ninh (2013) cho rằng tái cấu trúc tài chính là quá trình tổ chức, cơ cấu lại cấu trúc tài sản và nguồn vốn kinh doanh của DN một cách tối ưu, đồng thời đảm bảo sự phù hợp giữa cơ cấu tài sản và nguồn tài trợ. Từ quan niệm này cho thấy, cấu trúc tài chính bao gồm cấu trúc tài sản và cấu trúc nguồn vốn.

Tiếp cận trên khía cạnh tái cấu trúc DN, các nghiên cứu của Muller(1987)[95], Markies (1993)[86], Bowman and Singh (1993)[46] đã thống nhất tái cấu trúc DN trên góc độ tài chính là những thay đổi cơ bản về cấu trúc tài sản, cấu trúc tài chính của DN để đưa đến một trạng thái tốt hơn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN. Tái cấu trúc DN trên góc độ tài chính gồm ba hoạt động cơ bản là: tái cấu trúc tài chính (financial restructuring); tái cấu trúc danh mục đầu tư hay tái cấu trúc tài sản (portfolio restructuring); tái cấu trúc hoạt động (operational restructuring).

Trong đó:

- Tái cấu trúc tài chính (financial restructuring): Là việc thực hiện các biện pháp nhằm thay đổi quy mô và kết cấu của cấu trúc tài chính hiện tại. Trong ngắn hạn, tái cấu trúc tài chính nhằm cải thiện khả năng thanh toán. Mục tiêu tái cấu trúc tài chính trong trung và dài hạn là nhằm thiết lập lại cấu trúc tài chính cân đối, giảm thiểu rủi ro hướng tới mục tiêu tối đa hóa giá trị DN. Ngoài ra, tái cấu trúc tài chính còn đảm bảo cung cấp đủ vốn và dòng tiền để tài trợ cho sự tăng trưởng trong tương lai.

- Tái cấu trúc tài sản hay danh mục đầu tư (portfolio restructuring): là việc thực hiện các giải pháp nhằm xác định lại lĩnh vực kinh doanh theo hướng mở rộng hay thu hẹp. Trong đó chiến lược tập trung hóa (refocusing) được thực hiện thông qua thoái vốn tại các khoản đầu tư nhằm tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Chiến lược đa dạng hóa được thực hiện thông qua các hoạt động sáp nhập, mua lại hay thâu tóm các DN khác. Tái cấu trúc danh mục đầu tư khi thực hiện trên quy mô lớn có thể dẫn đến những thay đổi trong chiến lược kinh doanh, danh mục sản phẩm, phân khúc thị trường, quy mô DN... vì vậy còn được gọi là tái cấu trúc chiến lược.

Một phần của tài liệu (Luận án tiến sĩ) Nâng cao vai trò của Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước trong hoạt động tái cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhà nước ở Việt Nam (Trang 36 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(194 trang)