Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý rủi ro tín dụng

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Luận văn thạc sĩ) (Trang 35 - 38)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI

1.3. Quản lý rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở vận dụng chính sách của NHNN

1.3.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến quản lý rủi ro tín dụng

a. Môi trường kinh tế xã hội

Đó là sự tác động của môi trường tự nhiên, môi trường xã hội như bão lụt, hạn hán, động đất, hỏa hoạn, hoặc các hành động ăn cắp, lừa đảo, cướp giật, gây mất tài sản của khách hàng lẫn ngân hàng...

Ngoài ra, sự tác động của môi trường kinh tế, pháp luật, các chính sách nhà nước, đặc biệt là chính sách tiền tệ, tín dụng như tình hình kinh tế chung của đất nước, hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế của nhà nước chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ, sự lừa đảo, chiếm dụng vốn ngân hàng vẫn diễn ra cũng đã ảnh hưởng xấu tới môi trường hoạt động của khách hàng, khả năng tạo ra thu nhập, lợi nhuận và sự phát triển của khách hàng nên tác động đến khả năng thanh toán các khoản nợ. Vì vậy, nó sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh tín dụng của ngân hàng nói chung và rủi ro tín dụng nói riêng.

b. Các chính sách của nhà nước.

Tính ổn định hay bất ổn định về kinh tế và chính sách kinh tế của mỗi quốc gia luôn có tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng trên thị trường. Tính ổn định về kinh tế mà trước hết và chủ yếu là ổn định về tài chính quốc gia, ổn định tiền tệ, khống chế lạm phát là những điều mà các doanh nghiệp kinh doanh rất quan tâm và ái ngại vì nó liên quan trực tiếp đến kết quả kinh doanh của ngân hàng. Nền kinh tế ổn định sẽ là điều kiện, môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh và thu được lợi nhuận cao, từ đó góp phần tạo nên sự thành công trong kinh doanh của ngân hàng. Trong trường hợp ngược lại, sự bất ổn tất nhiên cũng bao trùm đến các hoạt động của ngân hàng, làm ảnh hưởng tới hoạt động Ngân hàng trong đó có quản lý rủi ro tín dụng.

Ngoài ra, môi trường pháp lý chưa hoàn chỉnh, thiếu tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật, văn bản dưới luật, đồng thời với nó là sự sắc nhiễu của các cơ quan hành chính có liên quan sẽ khiến cho ngân hàng gặp phải những khó khăn.

Thêm vào đó, việc chính sách pháp luật của nhà nước chưa hoàn thiện, còn nhiều sự thay đổi khiến cho các chính sách quản lý rủi ro của NHTM còn nhiều bất

cập. Do đó, xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh sẽ tạo thuận lợi trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các NHTM.

c. Sự cạnh tranh trong môi trường ngành

Sự cạnh tranh càng gay gắt thì công tác quản lý rủi ro tín dụng càng có khả năng bị ảnh hưởng. Ngân hàng cũng là một tổ chức hoạt động vì lợi nhuận, vì vậy khi môi trường cạnh tranh trong ngành càng gay gắt, mỗi hệ thống ngân hàng lại tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn tín dụng khác nhau, quy trình quản lý rủi ro tín dụng khác nhau. Để có thể thu hút được khách hàng nhiều hơn thì việc các ngân hàng nới rộng tỷ lệ cho vay, giá trị định giá,... để cạnh tranh với các ngân hàng khác. Chính vì vậy, sự cạnh tranh trong ngành càng gay gắt thì các Ngân hàng càng đưa ra nhiều chiêu lôi kéo khách hàng và vì vậy công tác quản lý rủi ro tín dụng có thể bị giảm thấp. Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh, trong đó các Ngân hàng có cơ chế quản lý rủi ro vươn tới chuẩn mực và cạnh tranh về dịch vụ và lợi ích sẽ giảm thiểu rủi ro trong hệ thống ngân hàng.

1.3.5.2. Nhân tố chủ quan

a. Chiến lược phát triển và mục tiêu của hệ thống.

Chiến lược phát triển và mục tiêu của hệ thống ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý rủi ro tín dụng. Như ta đã biết một nguyên lý cơ bản là: đánh đổi giữa rủi ro và lợi nhuận. Rủi ro cao hơn hứa hẹn một mức lợi nhuận cao hơn. Ở Việt Nam tồn tại một vòng tròn luẩn quẩn của sự phát triển tín dụng của các Ngân hàng. Các Ngân hàng đề ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận, việc áp các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng lợi nhuận (giai đoạn 2008-2010 lên tới 25-35%) làm cho các Chi nhánh, cán bộ tác nghiệp chạy theo doanh số, lúc này việc Quản lý rủi ro bị bỏ ngỏ. Đến khi ngừng phát triển nóng, nợ xấu phát sinh, các Ngân hàng quay lại quản lý rất chặt, ngừng cấp tín dụng, lợi nhuận ngân hàng giảm, các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn, hoạt động ngân hàng không mang lại hiệu quả. Sau đó các ngân hàng lại thúc đẩy phát triển dư nợ… Đây cũng là một bất cập của hệ thống Ngân hàng Việt Nam trong thời gian qua. Vì vậy, việc tạo ra chiến lược phát triển và mục tiêu phù hợp ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý rủi ro tín dụng.

b. Tổ chức quản lý rủi ro trong hoạt động tín dụng

Phần lớn các ngân hàng đều thành lập tổ chức quản trị rủi ro trong hoạt động tín dụng và rủi ro tín dụng như phòng thông tin tín dụng và phòng ngừa rủi ro, phòng giám sát và kiểm tra tín dụng, công ty quản lý nợ và xử lý tài sản đảm bảo. Các tổ chức này có chức năng cung cấp những thông tin thiết yếu cho cán bộ tín dụng về khách hàng, trợ giúp cán bộ trong quá trình ra quyết định cho vay; đồng thời giám sát, kiểm tra tình hình những khoản vay sau giải ngân để sớm phát hiện những dấu hiệu của rủi ro. Khi rủi ro xảy ra thì có biện pháp xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ.

c. Năng lực, kinh nghiệm đội ngũ cán bộ

Con người có vai trò quan trọng, là yếu tố quyết định sự thành bại trong quản lý vốn, tài sản của ngân hàng. Hoạt động của ngân hàng ngày càng phát triển và đa dạng, sử dụng các phương tiện làm việc hiện đại, tiên tiến nên chất lượng của đội ngũ cán bộ phải đảm bảo có đủ đạo đức lẫn nghiệp vụ chuyên môn, có khả năng tiếp thu và ứng dụng khoa học tiên tiến. Chất lượng cán bộ chính là khả năng giao tiếp, trình độ ngoại ngữ, trình độ tin học, trình độ hiểu biết về các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Trình độ cán bộ quản lý điều hành và cán bộ tín dụng hạn chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng thẩm định tín dụng, không đánh giá được chính xác hiệu quả vay vốn, không có biện pháp xử lý kịp thời khi có các tình huống bất lợi xảy ra.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ phải có đạo đức tốt, trong sáng, có tư cách, trách nhiệm, nhiệt tình làm việc... sẽ tránh tình trạng câu kết với khách hàng để lừa đảo, gây thiệt hại cho ngân hàng.

Tóm lại, với đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực cao, có đạo đức nghề nghiệp sẽ giúp ngân hàng tạo được niềm tin nơi khách hàng và làm cho khách hàng ngày càng trở nên hiểu biết, gắn bó với ngân hàng hơn, từ đó, tránh được rủi ro trong quan hệ tín dụng.

d. Cơ sở vật chất và công nghệ ngân hàng

Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trung gian tài chính như các quỹ đầu tư, các công ty bảo hiểm, quỹ tương trợ, quỹ trợ cấp,... càng làm cho thị trường tài chính, tiền tệ thêm sôi động. Nếu ngân hàng không thường xuyên đầu tư mở rộng cơ sở vật chất, cải tiến công nghệ

thì ngân hàng sẽ khó có thể mở rộng quy mô hoạt động, địa bàn hoạt động của ngân hàng sẽ bị thu hẹp, khả năng thu hút các khoản tín dụng có chất lượng sẽ bị hạn chế.

Vì vậy, rủi ro tín dụng sẽ có nguy cơ xuất hiện nhiều, việc thua lỗ và thất bại đối với ngân hàng là điều khó tránh khỏi.

Một phần của tài liệu Quản lý rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Luận văn thạc sĩ) (Trang 35 - 38)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)