CHƯƠNG 4: GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
4.2. Giải pháp tăng cường quản lý rủi ro tín dụng đối với các NHTM trên địa bàn tỉnh Lào Cai dựa trên chính sách của NHNN
4.2.2. Thực hiện đúng quy trình, quy chế tín dụng nhằm nâng cao công tác quản lý rủi ro tín dụng
Để nâng cao công tác quản lý rủi ro tín dụng cần có sự tách bạch giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động quản lý rủi ro. Chức năng quản lý rủi ro tín dụng cần được giao cho một bộ phận độc lập với phần kinh doanh của chi nhánh.
Hệ thống văn bản của Saigonbank và SHB Lào Cai rất đầy đủ và toàn diện, hướng dẫn chi tiết tác nghiệp đối với từng hoạt động trong quá trình cấp tín dụng.
Các chi nhánh cần quán triệt việc thực hiện nghiêm túc quy trình, quy chế. Do trước đây, chi nhánh chưa thường xuyên cập nhật và chưa quán triệt việc thực hiện nghiêm túc quy trình, nên các tiêu chuẩn tín dụng giảm thấp, việc xác định khẩu vị rủi ro, giới hạn tín dụng, định hướng tín dụng chưa được thực hiện, việc kiểm tra giám sát khoản vay chưa chặt chẽ, kịp thời, dẫn đến chất lượng tín dụng giảm đi rõ rệt.
Quy trình tín dụng bao gồm tất cả những quy định phải thực hiện trong quá trình cho vay, thu nợ nhằm đảm bảo an toàn vốn tín dụng. Quy trình này được bắt đầu từ khi tập hợp thông tin về khách hàng xin vay, Phân tích nguồn trả nợ, Phân tích tín dụng chi tiết, giải ngân món vay, kiểm tra trong và sau khi vay cho đến khi thu hồi hết nợ gốc và lãi. Hoạt động tín dụng có an toàn hay không phụ thuộc chủ yếu vào việc phối hợp nhịp nhàng giữa các bước trong quy trình này. Cụ thể: Phân định rõ giữa khâu thẩm định khách hàng và thẩm định rủi ro và quyết định cho vay để đảm bảo tính độc lập; sớm chuyển đổi mô hình quản lý rùi ro, tiến tới thành lập ban quản lý rủi ro trực thuộc HĐQT, tại trụ sở chính đảm bảo độc lập với ban điều hành. Xây dựng quy trình quản lý rủi ro, có thể mua phần mềm quản lý rủi ro tín dụng của các tổ chức nước ngoài có uy tín để áp dụng quản lý rủi ro trên toàn hệ thống, đảm bảo yêu cầu từng bước áp dụng có hiệu quả các thông lệ quốc tế trong quản trị điều hành hoạt động của các chi nhánh. Ngân hàng cần hiểu rõ về đối tượng mình sẽ cấp tín dụng. Trước khi tham dự bất cứ mối quan hệ tín dụng nào, Ngân hàng cũng cần phải thông hiểu người đi vay và tin tưởng rằng mình đang quan hệ với tổ chức có uy tín và đáng tin cậy về khả năng trả nợ. Ngân hàng không nên cấp tín dụng đơn thuần chỉ vì Ngân hàng đã quen thuộc với người đi vay hoặc người đi vay được xem là có uy tín. Khi đã xác định được đối tượng khách hàng, Ngân hàng phải có được đầy đủ thông tin để có thể đánh giá toàn diện về đặc tính rủi ro thực tế của người đi vay. Một số các nhân tố sau cần thiết phải được xem xét đến và ghi thành văn bản trong quá trình phê duyệt tín dụng. Việc phân tích nguồn trả nợ vay sẽ khác nhau phụ thuộc vào loại hình tín dụng. Các trọng tâm phân tích sẽ rất khác nhau giữa hình thức vay ngắn hạn và vay dài hạn. Đối với khoản vay dài hạn, khả năng sinh lợi dài hạn của đơn vị vay quan trọng hơn bởi vì tiền thu được từ hoạt động đầu tư thường là nguồn để trả nợ vay. Đối với khoản vay ngắn hạn, các phân tích chi tiết về chu kỳ kinh doanh hay chu kỳ tài sản - hàng tồn kho chuyển thành
khoản phải thu và sau đó chuyển thành tiền - là cần thiết để xác định khả năng những hạng mục cụ thể trong bảng tổng kết tài sản có thể chuyển hoá thành tiền để hoàn trả nợ vay. Đo lường, theo dõi, cảnh báo và kiểm soát rủi ro tín dụng, cần phân tích và định lượng một cách đầy đủ các loại rủi ro tín dụng và xây dựng một quy trình giám sát đầy đủ nhằm hạn chế các loại rủi ro này và có các kế hoạch để đối phó trong các trường hợp có biến động đột xuất của môi trường kinh doanh, sự thay đổi cơ cấu tổ chức, thay đổi công nghệ. Xây dựng hệ thống đánh giá tín dụng chất lượng, tránh việc xét duyệt cho vay phần nhiều dựa trên tài sản thế chấp và dựa trên sự trình bày của cán bộ tín dụng về khách hàng, thiếu sự kiểm tra, tái thẩm định lại thông tin. Cần đưa ra các quy định nội bộ về hoạt động tín dụng, cụ thể hóa trách nhiệm của các cá nhân đối với việc thẩm định, kiểm tra, giám sát khoản vay và quản lý tài sản đảm bảo. Cụ thể như: trách nhiệm về sự xác thực của các thông tin nêu trong báo cáo thẩm định, trách nhiệm kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay và kiểm tra khách hàng, nội dung kiểm tra, định kỳ kiểm tra đối với từng khoản vay và tài sản đảm bảo.
Việc quán triệt thực hiện đúng theo quy trình quy chế, thường xuyên tổ chức học tập quy trình, quy chế cho cán bộ, giải đáp thắc mắc về những bất hợp lý của quy định, quy trình, những khó khăn vướng mắc khi thực hiện để phản hồi lại với chi nhánh thực hiện sửa đổi cho phù hợp với hoạt động thực tiễn. Tuy hiện nay việc cho vay có sự kiểm soát ngân hàng Saigonbank và SHB Việt Nam, nhưng chi nhánh cần quán triệt việc thẩm định khoản vay phải thực hiện chặt chẽ ngay tại cấp chi nhánh, nâng cao chất lượng thẩm định, hạn chế rủi ro từ chi nhánh, nâng cao chất lượng hồ sơ trình Trụ sở chính để đẩy nhanh tốc độ xử lý cũng như giảm thiểu được rủi ro ngay từ đầu.
Cần thực hiện nghiêm túc quy trình quản lý rủi ro tín dụng, không bỏ bớt hoặc làm hình thức là yếu tố quan trọng quyết định công tác quản lý rủi ro tín dụng.
Để thực hiện được điều này chi nhánh cần phân công cụ thể cho một phòng ban đầu mối duy trì hiệu lực của hệ thống quản lý rủi ro, thực hiện các công tác: nhận diện rủi ro, đôn đốc việc đo lường rủi ro, đưa ra các biện pháp kiểm soát rủi ro và theo dõi việc duy trì thực hiện của hệ thống. Phòng Quản lý rủi ro trên sẽ có trách nhiệm lập các báo cáo theo dõi và đưa ra các giải pháp để tham mưu cho ban Giám đốc
đưa ra các quyết định về tín dụng, định hướng tín dụng. Với nhiều thông tin đa chiều việc đưa ra các quyết định về cho vay đối với lĩnh vực, ngành nghề hoặc đối với nhóm khách hàng sẽ chính xác hơn.
Chú trọng công tác kiểm tra chéo, hậu kiểm tại chi nhánh, tổ chức kiểm tra thường xuyên sẽ nâng cao ý thức tuân thủ cho cán bộ, các phòng ban, hạn chế sai sót phát sinh cũng như phát hiện sớm để có thể khắc phục kịp thời.