CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN QUẢN LÝ RỦI RO TÍN DỤNG ĐỐI VỚI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.4. Kinh nghiệm quản lý rủi ro tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại dựa trên cơ sở vận dụng chính sách của NHNN và bài học rút ra đối với các
1.4.1. Kinh nghiệm của Vietinbank - Chi nhánh thị xã Phú Thọ
Vietinbank - Chi nhánh thị xã Phú Thọ được thành lập theo quyết định số 605/QĐ-NHNN ngày 22/12/1990 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính thức đi vào hoạt động ngày 01/01/1991.
Ngày 15/04/2008 Ngân hàng Công thương Việt Nam chính thức ra mắt thương hiệu mới:
- Tên pháp lý: Ngân hàng Công thương Việt Nam
- Tên đầy đủ (tiếng Anh): Vietnam Bank for Industry and Trade - Câu định vị thương hiệu: Nâng giá trị cuộc sống
Ngày 08/07/2009 Ngân hàng Công thương Việt Nam đổi tên thành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam theo giấy phép thành lập và hoạt động của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam số 142/GP-NHNN cấp ngày 03/07/2009.
Dựa trên cơ sở vận dụng chính sách của NHNN, Vietinbank - Chi nhánh thị xã Phú Thọ đã chú trọng công tác quản lý RRTD trong hoạt động kinh doanh ngân hàng nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất thông qua một số kinh nghiệm như sau:
-Triển khai mô hình quản lý rủi ro phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế: Hiện nay, chi nhánh đang trong giai đoạn chuyển đổi liên tục, mô hình hoạt động của chi nhánh đang được hoàn thiện hướng tới chuẩn mực Basel 2. Trong đó:
+ Phân tách bộ phận tín dụng thành các bộ phận chuyên môn khác nhau như quan hệ khách hàng (tập trung chủ yếu vào hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, khởi tạo tín dụng), bộ phận thẩm định (thực hiện thẩm định tín dụng độc lập và ra các ý kiến về cấp tín dụng cũng như giám sát quá trình thực hiện các quyết định tín dụng của bộ phận quan hệ khách hàng), bộ phận tác nghiệp (thực hiện lưu trữ hồ sơ,
nhập hệ thống máy tính và quản lý khoản vay…). Phân định rõ chức năng đề xuất và thẩm định tín dụng nhằm đảm bảo tính khách quan trong hoạt động cấp tín dụng.
+Thực hiện chấm điểm và xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo định kỳ và hạng khách hàng là căn cứ quyết định mọi ứng xử của ngân hàng (quyết định cấp tín dụng, điều kiện về tài sản bảo đảm, lãi suất, …)
+Tách bạch khâu kiểm tra kiểm soát sau và thực hiện kiểm tra giám sát thường xuyên, đảm bảo hồ sơ tín dụng được kiểm tra qua nhiều bước: trước, trong và sau khi cho vay.
+ Phân tách bộ phận quản lý nợ có vấn đề thành bộ phận riêng biệt, chuyên quản lý và xử lý toàn bộ nợ quá hạn, nợ nhóm 2, nợ xấu tại chi nhánh.
-Xây dựng hệ thống quy trình, quy định bao quát hoạt động quản lý rủi ro:
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đặt quản lý rủi ro ở một vị trí hết sức quan trọng. Hội đồng quản trị đã đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống quản lý rủi ro tín dụng theo chuẩn mực Basel 2. Hệ thống văn bản quy định, quy trình, và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ trong từng giai đoạn luôn được cập nhật để phù hợp với quy định và hạn chế tối đa rủi ro phát sinh trong tác nghiệp. Hệ thống văn bản chia làm 2 loại: Tài liệu bắt buộc và văn bản chỉ đạo trong ngắn hạn. Tài liệu bắt buộc là các tài liệu quy định, quy trình, hướng dẫn mang tính chất ổn định, lâu dài;
các văn bản chỉ đạo mang tính chất hướng dẫn, quy định trong thời gian ngắn.
- Chú trọng xây dựng văn háo kinh doanh Tại Vietinbank - Chi nhánh thị xã Phú Thọ, việc xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng.
Các nhân viên mới luôn được học tập văn hóa doanh nghiệp và nội quy lao động trước khi vào đào tạo các nghiệp vụ chính. Hàng năm, Chi nhánh thường tổ chức hội thi Sân khấu hóa về văn hóa doanh nghiệp và nội quy lao động, đây là cơ hội để các cán bộ hiểu sâu hơn về văn hóa doanh nghiệp, nội quy lao động, cũng là cơ hội gắn kết người lao động trong các bộ phận. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và nâng cao ý thức cán bộ trong hoạt động tín dụng cũng như các hoạt động khác giúp chi nhánh không phát sinh rủi ro tín dụng xuất phát từ yếu tố đạo đức cán bộ. Đây cũng là một trong những mặt đạt được của chi nhánh trong việc nâng cao chất lượng quản lý rủi ro nói chung và quản lý rủi ro tín dụng nói riêng.
1.4.2. Kinh nghiệm của Agribank chi nhánh Quảng Ninh
Agribank Quảng Ninh được thành lập ngày 1/7/1988 trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Quảng Ninh gồm 1 hội sở tỉnh và 9 chi nhánh cấp huyện. Sau 30 năm hoạt động, Agribank Quảng Ninh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, trở thành ngân hàng thương mại hàng đầu, kinh doanh đa năng, giữ vai trò chủ đạo trong việc đầu tư nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Trong đó, mạng lưới hoạt động của Agribank Quảng Ninh rộng khắp tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố với 40 điểm giao dịch, 31 máy ATM, 45 máy chấp nhận thẻ POS. Bên cạnh đó, Agribank Quảng Ninh cũng đa dạng hóa các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng như: Thanh toán hóa đơn điện, nước, điện thoại, thu ngân sách nhà nước, gửi tiết kiệm online, thanh toán quốc tế, quản lý tiền tệ… Tính đến 31/12/2017, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Quảng Ninh đạt 13.565 tỷ đồng, tăng 2.119 lần so với năm 1988. Tổng dư nợ của ngân hàng đạt 11.568 tỷ đồng, tăng 1.928 lần so với năm 1988, trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn, nông dân chiếm 70% tổng dư nợ. Tuy nhiên, để làm tốt công tác quản lý RRTD, chi nhánh đã có nhiều biện pháp để hạn chế cao nhất RRTD.
Chi nhánh đã thành lập Ủy ban chuyên trách về quản trị rủi ro cho toàn hệ thống. Chức năng hoạt động của Uỷ ban quản trị rủi ro giúp cho Hội đồng quản trị và Ban điều hành cân nhắc rủi ro trước khi đưa ra những quyết định mang tính chiến lược, đồng thời đưa ra được những chiến lược, kế hoạch cụ thể để ứng phó với rủi ro.
Dựa trên cơ sở vận dụng chính sách của NHNN, cơ chế điều hành hoạt động tín dụng và quản lý mọi công tác trong khi cấp tín dụng, lãi suất của Ngân hàng đã mang tính linh hoạt. Các mức lãi suất do Ngân hàng đề ra vừa mang tính định hướng để các chi nhánh tự quyết định mức lãi suất huy động vốn và cho vay phù hợp với mức độ cạnh tranh trên địa bàn hoạt động, đối tượng khách hàng của chi nhánh; đồng thời cân đối được nguồn vốn, sử dụng vốn trong toàn hệ thống.
Quy trình quản trị rủi ro lãi suất đã được Ngân hàng thực hiện đồng bộ với các quy trình quản trị rủi ro khác: quản trị rủi ro tín dụng, quản trị rủi ro lãi suất, quản trị rủi ro thanh khoản, quản trị rủi ro tỷ giá, quản trị rủi ro tác nghiệp. Ngân hàng đã thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ: các sản phẩm huy động vốn, cho vay, gia tăng tỷ trọng các nguồn thu từ dịch vụ để giảm thiểu tác động của rủi ro lãi
suất tới hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ngân hàng đã thực hiện cân đối, phù hợp về mặt thời gian giữa tài sản có và tài sản nợ. Trên thực tế, quản lý rủi ro tại Việt Nam thường phải đối mặt với vấn đề có quá ít hoặc quá nhiều dữ liệu nhưng không phù hợp cho quá trình phân tích đánh giá cơ hội hoặc dự phòng rủi ro. Để khắc phục vấn đề này, tại Agribank Quảng Ninh có những phòng ban chuyên trách, mô hình đồng nhất, nhất quán từ các đơn vị kinh doanh đến bộ phận hỗ trợ. Mô hình 3 tầng lớp bảo vệ (Đợn vị kinh doanh – Đơn vị quản lý – Kiểm toán nội bộ) giúp Agribank Quảng Ninh tăng cường vài trò quản lý và kiểm tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh nói riêng và của toàn hệ thống nói chung, đồng thời phòng ngừa lỗ hổng do các hình thức rủi ro gây ra như:
chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố. Hiện tại, Agribank Quảng Ninh đang dần dần thay đổi văn hóa của quản trị rủi ro từ “kiểm soát” sang “hợp tác” mà không ảnh hưởng đến chất lượng rủi ro tín dụng.
Đồng thời, Agribank Quảng Ninh đã xây dựng được khối quản trị rủi ro và kiểm soát tuân thủ theo theo tiêu chuẩn quốc tế gồm các phòng ban (Quản lý rủi ro, Thẩm định giá, Pháp chế, Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Xử lý nợ,..). Các phòng ban này liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành quy trình thẩm định khép kín thực hiện các hoạt động quản trị rủi ro tín dụng và rủi ro phi tín dụng như: rủi ro thanh khoản, rủi ro tỷ giá, pháp lý, rủi ro nhân lực và các hoạt động khác. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng đã hoàn thành chuẩn hóa nhiều văn bản nội bộ, quy trình xét duyệt thẩm định, đẩy mạnh công tác giám sát từ xa, xây dựng bộ tiêu chuẩn quản trị rủi ro, đơn giản thủ tục vay, thời gian giải ngân nhanh chóng (chỉ trong ba ngày với những hồ sơ hợp lệ) góp phần đem lại sự tín nhiệm và hài lòng cho khách hàng.
1.4.3. Bài học rút ra cho các Ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Lào Cai Từ kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, ta có thể rút ra một số bài học nhằm nâng cao chất lượng quản lý rủi ro như sau:
Bám sát và vận hành đúng theo chính sách của NHNN, xác định rõ tầm quan trọng của việc hoạch định rủi ro, xác định rõ các ngành nghề rủi ro để đưa ra các cảnh báo sớm, các lĩnh vực hạn chế, và đưa ra việc quản lý riêng đối với các lĩnh vực có mức độ rủi ro cao. Khẩn trương xây dựng mô hình quản lý rủi ro theo các
chuẩn mực quốc tế, phân tách các khâu một cách độc lập nhằm phân tán rủi ro.
Tập trung vào khâu đào tạo cán bộ và văn hóa nội bộ để nâng cao chất lượng quản lý rủi ro. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên NH, đào tạo lại cán bộ thực hiện tốt các nghiệp vụ chuyên môn của NH để xứng với một ngân hàng hiện đại và đứng đầu là ngân hàng bán lẻ, kỹ năng làm việc ngày một tốt hơn.
Thường xuyên xem xét, cải tiến các quy trình, quy định, kiểm tra và phát hiện kịp thời các khâu yếu kém trong quy trình quản lý và đề xuất biện pháp xử lý kịp thời, thường xuyên cải tiến xem xét chất lượng. Xây dựng các quy chế quản lý và hoạt động phù hợp với chuẩn mực quốc tế như quản lý rủi ro, quản trị tín dụng và quản lý tài sản nợ tài sản có, quản lý vốn, kiểm tra, kiểm toán nội bộ, xây dựng các quy trình tín dụng hiện đại và sổ tay tín dụng theo chuẩn mực quốc tế, hệ thống chấm điểm, đánh giá xếp loại tín dụng hữu hiệu.
Tăng cường công tác thẩm định, quản lý tín dụng, kiểm tra kiểm soát trước, trong và sau khi cấp tín dụng. Phát hiện sớm các khoản tín dụng có vấn đề và đưa ra giải pháp quyết liệt từ sớm. Xây dựng hệ thống cảnh báo sớm rủi ro tín dụng. Xây dựng danh mục cho vay hợp lý là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa rủi ro ngay từ khâu hoạch định. Kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư vào các lĩnh vực mới, lĩnh vực rủi ro cao. Phát triển đa dạng, phân tán rủi ro trong danh mục.
Tiếp tục hoàn thiện quy trình phân loại nợ, cảnh báo sớm, bộ sổ tay phương pháp ứng xử trong trường hợp gặp RRTD để nhanh chóng xử lý RRTD tại chính Chi nhánh; đồng thời xây dựng phương án xử lý nợ xấu theo quy định của NH Nhà nước. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư, phương án vay vốn nhằm mục đích lựa chọn các dự án đầu tư có hiệu quả để cấp tín dụng.
Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ NH, nhất là hệ thống thông tin quản lý trong NH, quản lý nguồn vốn, tài sản, quản lý rủi ro, quản lý công nợ và công tác kế toán, hệ thống thanh toán liên NH, hệ thống giao dịch điện tử giám sát từ xa. Xây dựng được khối quản trị rủi ro và kiểm soát tuân thủ theo theo tiêu chuẩn quốc tế gồm các phòng ban (Quản lý rủi ro, Thẩm định giá, Pháp chế, Kiểm tra kiểm soát nội bộ, Xử lý nợ,..). Các phòng ban này liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành quy trình thẩm định khép kín thực hiện các hoạt động quản trị rủi ro tín dụng.
CHƯƠNG 2