Chương 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
2.3 Mô hình nghiên cứu và lập luận giả thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các DN đầu tư
2.3.2 Lập luận giả thuyết về các yếu tố ảnh hưởng đến sự hài lòng của các DN đầu tư
2.3.2.1 Mối quan hệ giữa yếu tố nguồn lực tài nguyên với SHL của doanh nghiệp đầu tƣ
Có thể nói mục tiêu quan trọng và phổ biến nhất của các nhà đầu tư hiện nay là tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận, do đó các doanh nghiệp thường có xu hướng lựa chọn đầu tư vào các địa phương nào có thể làm cho chi phí sản xuất trở nên rẻ hơn, mang lại lợi nhuận tốt nhất và nguồn lực tài nguyên là một trong những yếu tố đầu tiên mà các doanh nghiệp quan tâm lựa chọn. Nguồn lực tài nguyên ở đây bao gồm: các nguồn tài nguyên thiên nhiên như nguyên liệu, đất đai, nước và những khoáng sản, đảm bảo cho sản xuất phát triển của doanh nghiệp; vị trí địa lý là khoảng cách địa lý đến các thị trường chính trong khu vực, là điểm để kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế, tạo nên chuỗi liên kết, cung cấp và phát triển phân phối hàng hóa cho doanh nghiệp. Những địa phương biết phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi thì sẽ có cơ hội thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư.
Theo nghiên cứu của Hà Nam Khánh Giao và công sự (2013), xuất phát từ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh ở nhiều quốc gia, các nhà đầu tư FDI thường có xu hướng lựa chọn nơi nào có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi để lập kế hoạch đầu tư. Nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010) từ 300 doanh nghiệp tại các thành phố lớn của Việt Nam (TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội) cũng chỉ ra rằng, tất cả những nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có của địa phương đều được doanh nghiệp tìm hiểu và phân tích trước khi đầu tư, còn lợi thế về vị trí thuận lợi sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển và dễ dàng mở rộng phát triển các thị
trường xung quanh. Do đó, địa phương nào có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và vị trí địa lý thuận lợi sẽ hấp hẫn các DN đầu tư.
Khung lý thuyết về năng lực cạnh tranh của Michael E.Poster (2008) trích trong Vũ Thành Tự Anh (2013) cũng đã cho rằng, năng lực cạnh tranh của một địa phương được quyết định bởi ba yếu tố, trong đó có các yếu tố về lợi thế sẵn có của địa phương về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý. Đây là những đầu vào cần thiết cho việc cạnh tranh của các địa phương nhằm thu hút được đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân. Từ những phân tích trên, tác giả đưa ra giải thuyết sau:
H1: Nguồn lực tài nguyên có tác động cùng chiều đến SHL của doanh nghiệp đầu tư.
2.3.2.2 Mối quan hệ giữa yếu tố cơ sở hạ tầng với SHL của doanh nghiệp đầu tƣ
Cơ sở hạ tầng là yếu tố vật chất cơ bản, cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Một địa phương có kết cấu hạ tầng tốt, thuận tiện, xây dựng đồng bộ, đảm bảo sự kết nối là một trong các yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí không cần thiết và có thể triển khai các hoạt động đầu tư.
Điều này sẽ làm hài lòng doanh nghiệp trong thu hút đầu tư.
Theo nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và cộng sự (2005), trên cơ sở lý thuyết về tiếp thị địa phương, nghiên cứu đã chứng minh được cơ sở hạ tầng là yếu tố cơ bản hàng đầu có tác động đến sự thỏa mãn cũng như quyết định đầu tư của doanh nghiệp.
Nghiên cứu của Rogoff et al. (2004) cũng cho rằng, cơ sở hạ tầng cũng là một trong những yếu tố quyết định thành công trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Theo Nguyễn Mạnh Toàn (2010), địa phương nào có cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, đảm bảo thuận lợi, kết nối sẽ làm thỏa mãn SHL của doanh nghiệp, tăng khả năng thu hút đầu tư.
Từ những nghiên cứu trên cho thấy, chúng ta có thể kỳ vọng rằng cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng trực tiếp và tích cực đến SHL doanh nghiệp đầu tư. Ta có giải thuyết sau:
H2: Cơ sở hạ tầng có tác động cùng chiều đến SHL của doanh nghiệp đầu tư.
2.3.2.3 Mối quan hệ giữa yếu tố nguồn nhân lực với SHL của doanh nghiệp đầu tƣ
Trong xu hướng công nghệ và khoa học phát triển, yếu tố lao động ngày càng trở nên quan trọng và có tác động tới các DN khi tiến hành lập kế hoạch đầu tư kinh doanh ở một địa phương nào đó. Nguồn nhân lực càng phát triển càng hỗ trợ cho đầu tư, nhất là các DN đầu tư hoạt động trong lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ hiện đại; đồng thời động cơ, thái độ làm việc của người lao động cũng là yếu tố quan trọng để DN xem xét, lựa chọn địa điểm đầu tư. Hiện nay, các DN đầu tư đang có xu hướng chuyển từ việc xem xét gần thị trường tiêu thụ sang ưu tiên tiêu chí trình độ, giá cả sức lao động, như vậy một địa phương có nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ và chất lượng luôn là yếu tố hấp dẫn các DN đầu tư.
Các nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và cộng sự (2005), Na & Lightfoot (2006), Hà Nam Khánh Giao và cộng sự (2013) cũng đã chứng minh rằng, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một yếu tố quan trọng tác động tích cực đến SHL của doanh nghiệp khi quyết định lựa chọn đầu tư vào một địa phương nào đó. Chính vì vậy, chúng ta có giả thuyết sau:
H3: Chất lượng nguồn nhân lực có tác động cùng chiều đến SHL của doanh nghiệp đầu tư.
2.3.2.4 Mối quan hệ giữa yếu tố cơ chế chính sách với SHL của doanh nghiệp đầu tƣ
Khi chuẩn bị đầu tư vào một địa phương nào đó, các doanh nghiệp thường nghiên cứu họ sẽ được bảo vệ như thế nào, được ưu đãi và hỗ trợ gì, tài sản của họ có được đảm bảo không, năng lực lãnh đạo của người đứng đầu địa phương, chính sách thuế có minh bạch và công bằng, TTHC có đơn giản, rõ ràng không. Các yếu tố này sẽ giúp cho DN ít phải gặp những vướng mắc, nhất là vấn đề về pháp luật, quy định của địa phương và có thể thiết lập nhanh chóng các dự án đầu tư. Do đó, cơ chế chính sách mới là yếu tố đặc thù thể hiện tính chủ động của một địa phương trong quá trình tạo ra một chính sách thông thoáng, thuận lợi, chi phí thấp sẽ khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư. Một cơ chế chính sách phù hợp, mềm dẻo, thuận lợi làm giảm chi phí giao dịch, hỗ trợ cho đầu tư sẽ làm cho nhà đầu tư hài lòng với môi trường kinh doanh
hơn, ngược lại một cơ chế chính sách đầu tư không phù hợp hay trong quá trình thực hiện bị thao túng, biến tướng sẽ tạo rào cản lớn, tạo ra một môi trường đầu tư không thuận lợi đối với các doanh nghiệp.
Nghiên cứu của Nguyễn Đình Thọ và cộng sự (2005) cho thấy, cơ chế chính sách đầu tư tốt sẽ dẫn đến sự thỏa mãn, hài lòng của doanh nghiệp trong thu hút đầu tư của một địa phương. Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010) cũng đã chứng minh rằng, cơ chế chính sách của địa phương là yếu tố quan trọng tạo nên sự khác biệt của các địa phương trong quá trình cạnh tranh thu hút vốn đầu tư. Do đó, ta có giả thuyết:
H4: Cơ chế chính sách đầu tư có tác động cùng chiều đến SHL của các doanh nghiệp đầu tư.
2.3.2.5 Mối quan hệ giữa yếu tố môi trường sống và làm việc với SHL của DN đầu tƣ
Môi trường sống là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng lao động và hoạt động kinh doanh. Một môi trường sống chất lượng, chi phí hợp lý sẽ hấp dẫn, khuyến khích DN đầu tư và người lao động sinh sống ổn định và gắn bó lâu dài với địa phương, do đó nó có tác động đến sự lựa chọn của doanh nghiệp đầu tư.
Trên cơ sở vận dụng lý thuyết tiếp thị địa phương, Nguyễn Đình Thọ và cộng sự (2005) đã chứng minh rằng, môi trường sống là một trong ba yếu tố có ảnh hưởng đến SHL của các doanh nghiệp đầu tư. Và nghiên cứu của Nguyễn Mạnh Toàn (2010), cũng cho rằng yếu tố môi trường sống và làm việc là yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng mềm có ảnh hưởng đến quyết định của DN đầu tư nước ngoài khi xem xét lựa chọn địa điểm đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, ta có thể đưa ra giải thuyết sau:
H5: Môi trường sống có tác động cùng chiều đến SHL của các doanh nghiệp đầu tư.