CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ PHÁP LUẬT SẢN XUẤT, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG SẢN PHẨM THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG
1.2. Quan niệm về pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường
1.2.1. Khái niệm và nội dung điều chỉnh của pháp luật về sản xuất, kinh
Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự, là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội do Nhà nước ban hành, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền và được thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước.
Mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều có một kiểu Nhà nước và một kiểu pháp luật tương ứng. Lịch sử xã hội loài người đã có các kiểu pháp luật chủ nô, pháp luật phong kiến, pháp luật tư sản và pháp luật xã hội chủ nghĩa. Pháp luật hoàn toàn không phải là sản phẩm thuần túy của lý tính hay bản tính tự nhiên phi giai cấp của con người như học thuyết pháp luật tự nhiên quan niệm. Pháp luật, như Mác – Ăng ghen phân tích, chỉ phát sinh, tồn tại và phát triển trong xã hội có giai cấp, có Nhà nước; bản chất của pháp luật thể hiện ở tính giai cấp của Nhà nước. Tuy nhiên, pháp luật cũng mang tính xã hội, bởi vì ở mức độ nhất định, nó phải thể hiện và bảo đảm những yêu cầu chung của xã hội về văn hóa, phúc lợi, môi trường sống… Về mặt này, pháp luật xã hội chủ nghĩa có sự thống nhất giữa tính giai cấp và tính xã hội.
Pháp luật còn là một bộ phận quan trọng của cấu trúc thượng tầng xã hội.
Nó do cơ sở hạ tầng quyết định, nhưng có tác động trở lại đối với cơ sở hạ tầng.
Nếu pháp luật phản ánh đúng đắn các quy luật vận động và phát triển của xã hội, nhất là các quy luật kinh tế thì pháp luật sẽ có tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội. Ngược lại, pháp luật sẽ kìm hãm sự phát triển đó.
Với cách tiếp cận đó, pháp luật môi trường được hiểu: là những quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa các chủ thể trong quá trình khai thác, sử dụng hoặc tác động đến một hoặc một vài yếu tố của môi
trường trên cơ sở kết hợp các phương pháp điều chỉnh khác nhau nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả môi trường sống của con người11.
Pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường là một bộ phận của pháp luật môi trường, bao gồm hệ thống các quy phạm pháp luật điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình con người tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường nhằm hạn chế tác động xấu tới môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tập trung phát triển bền vững.
Các văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước ban hành quy định về lĩnh vực này như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT ngày 02 tháng 12 năm 2013 quy định trình tự, thủ tục, chứng nhận nhãn sinh thái cho sản phẩm thân thiện với môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành,…
Pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường là một phần của pháp luật về bảo vệ môi trường, vì vậy cũng mang một số đặc điểm của pháp luật về bảo vệ môi trường như: ra đời muộn hơn so với các lĩnh vực pháp luật khác; đang có sự phát triển nhanh chóng và ngày càng hoàn thiện hơn; hướng tới bảo vệ những lợi ích chung của cộng đồng, xã hội;
chịu sự điều chỉnh của pháp luật quốc tế về môi trường.
Là một bộ phận của pháp luật môi trường, pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường bao gồm các nội dung cơ bản sau:
Các quy định chung về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường:
Các quy định khái quát về sản phẩm thân thiện với môi trường; các chính sách, chỉ đạo, định hướng nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng
11 Trường Đại học luật Hà Nội (2015), Giáo trình Luật môi trường, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
sản phẩm thân thiện với môi trường để các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp và người tiêu dùng bước đầu quan tâm, chú ý tới hoạt động này. Các quy định này sẽ giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có hiểu biết ban đầu về sản phẩm thân thiện với môi trường; biết được tác động tích cực của sản phẩm tới môi trường và sức khỏe của con người.
Ở Việt Nam, để được công nhận là sản phẩm thân thiện với môi trường, các doanh nghiệp cần đáp ứng được các tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam/ Nhãn sinh thái theo quy định tại Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT. Đưa ra các tiêu chí Nhãn sinh thái nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm tới người tiêu dùng. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội đưa sản phẩm thân thiện ra thị trường quốc tế.
Các quy định pháp luật về khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường:
Sản phẩm thân thiện với môi trường tuy không còn mới đối với Việt Nam, nhưng chưa thực sự phát triển và chưa có chỗ đứng trên thị trường trong nước cũg như thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng cũng còn những vướng mắc, băn khoăn khi bắt đầu sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Chính vì vậy, để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, Nhà nước ta đã quy định các biện pháp ưu đãi dành cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng như: ưu đãi về thuế, ưu đãi về vốn, ưu đãi về đất đai, ưu đãi về công nghệ,…
Các quy định về sản xuất sạch hơn và công nghiệp môi trường:
Sản xuất sạch hơn là hướng tiếp cận hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh để đảm bảo phát triển bền vững. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản xuất sạch hơn mang ý nghĩa quyết định đối với sản phẩm. Tại Việt Nam, hiện nay Quyết định phê duyệt Chiến lược về sản xuất sạch hơn đã được ban hành. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng và là định
hướng chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm bảo vệ môi trường.
Khái niệm về công nghiệp môi trường được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Công nghiệp môi trường bao gồm nhiều hoạt động như: các hoạt động đánh giá, phân tích và bảo vệ môi trường; các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và tái sinh các nguồn chất thải; cung cấp và vận chuyển các tài nguyên môi trường như nước, các loại vật liệu tái sinh và các nguồn năng lượng sạch; các hoạt động góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, tăng năng suất sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế;… Các quy định pháp luật cụ thể về từng hoạt động của ngành công nghiệp môi trường nằm trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật này.