CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ SẢN XUẤT, KINH
2.3. Các quy định về sản xuất sạch hơn và phát triển công nghiệp môi trường
2.3.1. Các quy định về sản xuất sạch hơn
Theo định nghĩa của Chương trình môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), sản xuất sạch hơn là việc áp dụng liên tục chiến lượng phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào các quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ nhằm nâng cao hiệu suất sinh thái và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường.
Đối với quá trình sản xuất: sản xuất sạch hơn bao gồm bảo toàn nguyên liệu và năng lượng, loại trừ các nguyên liệu độc hại, giảm lượng và tính độc hại của tất cả các chất thải ngay tại nguồn thải.
Đối với sản phẩm: sản xuất sạch hơn bao gồm việc giảm các ảnh hưởng tiêu cực trong thiết kế và phát triển các dịch vụ32.
Mục tiêu của sản xuất sạch hơn là tránh ô nhiễm bằng cách sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu và năng lượng một cách hiệu quả nhất, nghĩa là sẽ có một tỷ lệ nguyên vật liệu được chuyển vào thành phẩm thay vì bị loại bỏ. Khi các doanh nghiệp nhận thấy lợi ích của sản xuất sạch hơn trong việc giảm thiểu tác động có hại của sản xuất công nghiệp tới môi trường và con người, đồng thời làm tăng lợi nhuận thông qua việc sử dụng nước và năng lượng và nguyên vật liệu hiệu quả hơn, sẽ dễ chấp nhận xu thế hướng tới thiết kế sản phẩm bền vững.
Sản xuất sạch hơn có thể hiểu là tổng hợp các giải pháp quản lý, kiểm soát nội vi, quản lý quá trình công nghệ, thiết bị để giảm thiểu chất thải, nghiên cứu sử dụng các nguyên, nhiên vật liệu ít độc hại, cải tiến sản phẩm theo hướng thân thiện hơn với môi trường và sức khỏe con người. Sản xuất sạch hơn không có nghĩa là thay đổi công nghệ, mà bắt nguồn từ việc thay đổi nhận thức, xem xét lại cách thức quản lý, đến việc thay đổi nguyên liệu, cải tiến thiết bị33. Sản xuất sạch hơn mang tính ngăn ngừa, giảm thiểu chất thải trước khi chúng được sinh ra trong quá trình sản xuất.
Sản xuất sạch hơn là một cách tiếp cận chủ động mang lại lợi ích về kinh tế, cải thiện môi trường làm việc, giảm ô nhiễm trong sản xuất. Từ những năm 1998, Việt Nam đã có những hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và áp dụng thử nghiệm ở một số cơ sở sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau như ngành sản xuất giấy, dệt may, thủy sản, mía đường…. và đã thu được nhiều hiệu quả tích cực. Đến năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020” tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009. Đây là cơ sở pháp lý và là định hướng chỉ đạo quốc gia yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước áp dụng sản xuất sạch hơn trong
32 Ths. Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Báo cáo chuyên đề (2015), Xây dựng nội dung cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện hệ thống kiểm toán môi trường và quản lý sinh thái áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường
33 Hồ Thị Nga, Khóa luận tốt nghiệp (2009), Xây dựng chiến lược kinh doanh thân thiện với môi trường trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, Trường Đại học Ngoại thương, tr. 86
công nghiệp. Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật áp dụng sạch hơn trên cơ sở tự nguyện và phát huy nội lực của các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm thực hiện các mục tiêu môi trường và lợi ích kinh tế, sản xuất sạch hơn trong công nghiệp được thực hiện trên cơ sở tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và nhận thức của các cơ sở sản xuất công nghiệp về lợi ích được mang lại từ việc áp dụng sản xuất sạch hơn. Mục tiêu của Chiến lược trong giai đoạn 2016 đến 2020 là: 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn tiết kiệm được từ 8 – 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn; 90% các Sở Công Thương có cán bộ chuyên trách đủ năng lực hướng dẫn áp dụng sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược này, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 7619/QĐ-BCT ngày 26 tháng 8 năm 2014 ban hành Quy chế quản lý và tổ chức thực hiện các đề án thành phần của Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo này, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng sản xuất sạch hơn trong quá trình sản xuất và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Việc tham gia vào chương trình sản xuất sạch hơn mang lại cho doanh nghiêp nhiều lợi ích.
Tuy nhiên số lượng các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn còn khá hạn chế. Theo báo cáo tổng kết của Sở Công Thương một số tỉnh, ước tính chỉ có khoảng 11% doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn. Ngay cả những địa phương có điều kiện thuận lợi tiếp cận về thông tin và công nghệ cũng như sẵn có nguồn lực hỗ trợ như Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng chỉ có 25% số doanh nghiệp thực sự áp dụng sản xuất sạch hơn vào sản xuất.