Khuyến khích, hỗ trợ về thuế

Một phần của tài liệu Pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại việt nam (Trang 47 - 50)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ SẢN XUẤT, KINH

2.2. Các quy định pháp luật về khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường

2.2.3. Khuyến khích, hỗ trợ về thuế

Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp: thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu đánh trên phần thu nhập sau khi trừ đi các khoản chi phí hợp lý, hợp pháp liên quan đến thu nhập của đối tượng nộp thuế. Thu nhập của doanh nghiệp từ việc thực hiện những dự án sản xuất mới các sản phẩm thân thiện với môi trường, được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như đối tượng thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong bảo vệ môi trường sẽ áp dụng thuế suất 10% trong thời gian 15 năm theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 13: “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường”. Đồng thời, Khoản 1 Điều 14 Luật này cũng quy định: “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 1, điểm a Khoản 2 Điều 13 của Luật này và doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo”, như vậy, doanh nghiệp sẽ được

miễn thuế tối đa không quá 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đã trong 9 năm tiếp theo.

Đối với thuế xuất khẩu: Điều 44 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ủy quyền cho Bộ Tài chính quy định việc miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với sản phẩm thân thiện với môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết danh mục các sản phẩm này. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, nếu đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm công ích thì được trợ giá theo quy định của pháp luật về sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 128/2016/TT-BTC ngày 09 tháng 8 năm 2016 quy định miễn, giảm thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP. Thông tư quy định miễn thuế xuất khẩu đối với các sản phẩm thân thiện môi trường trong các trường hợp sau:

- Các sản phẩm thân thiện với môi trường có tên trong Biểu thuế xuất khẩu và có văn bản chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ được miễn thuế.

- Giảm 50% mức thuế xuất khẩu (trường hợp mức thuế xuất khẩu sau khi giảm thấp hơn mức sàn khung thuế suất do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thì sẽ áp dụng mức sàn khung thuế suất thuế xuất khẩu) đối với các sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải có tên trong Biểu thuế xuất khẩu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứng nhận theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, thông tư cũng hướng dẫn đối với trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải xuất khẩu không có tên trong Biểu thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu vẫn thực hiện việc kê khai mã hàng tương ứng với mã hàng của sản phẩm đó trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi tại Thông tư 182/2015/TT-BTC và ghi thuế suất thuế xuất khẩu là 0%; trường hợp sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm từ hoạt động tái

chế, xử lý chất thải xuất khẩu thuộc đối tượng được miễn, giảm thuế xuất khẩu đã nộp thuế xuất khẩu vượt quá số tiền được miễn, giảm thì số thuế nộp thừa được xử lý theo quy định tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 tháng 3 năm 2015 quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

Đối với thuế bảo vệ môi trường: các quy định về thuế bảo vệ môi trường hiện hành gồm: Luật Thuế Bảo vệ môi trường năm 2010 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, Nghị quyết 1269/2011/UBTVQH12 ngày 14 tháng 7 năm 2011 về biểu thuế bảo vệ môi trường, Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và các quy định hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Mục tiêu chủ yếu của thuế bảo vệ môi trường là nhằm nâng cao nhận thức, góp phần thay đổi hành vi đầu tư, sản xuất và tiêu dùng, giảm bớt việc sản xuất và tiêu dùng hàng hóa có tác động xấu đến môi trường sau khi sử dụng nên thuế bảo vệ môi trường được xác định không phụ thuộc vào giá của sản phẩm chịu thuế mà được xem xét, cân nhắc dựa trên mức độ độc hại, mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm chịu thuế. Do đó, Luật thuế bảo vệ môi trường năm 2010 áp dụng mức thuế tuyệt đối, không phụ thuộc vào giá của hàng hóa, sản phẩm. Hàng hóa chịu thuế môi trường có hàng hóa khác thân thiện với môi trường hơn thay thế hay không? Đối với hàng hóa, sản phẩm không có hàng hóa, sản phẩm thay thế thì việc đánh thuế môi trường chỉ có tác dụng hạn chế việc sử dụng. Đối với hàng hóa, sản phẩm chịu thuế có hàng hóa, sản phẩm thay thế thì việc đánh thuế môi trường sẽ có tác dụng khuyến khích hành vi sử dụng hàng hóa, sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế hàng hóa chịu thuế. Nhằm khuyến khích doanh nghiệp, người dân chuyển đổi hành vi sử dụng, tiêu dùng sản phẩm góp phần bảo vệ môi trường, qua đó động viên nguồn thu cho ngân sách nhà nước; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đối tượng thu,

điều chỉnh mức điều tiết nhằm góp phần hạn chế sử dụng những hàng hóa gây tác động xấu đến môi trường sinh thái.

Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 69/2012/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường) quy định về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lông như sau:

“Đối với túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật thuế bảo vệ môi trường là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm trong đó) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (high density polyethylene resin), LDPE (Low density polyethylen) hoặc LLDPE (Linear low density polyethylen resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường..”.

Như vậy, túi ni lông đáp ứng được các tiêu chí thân thiện với môi trường, tức là được cấp chứng nhận Nhãn sinh thái sẽ không bị đánh thuế bảo vệ môi trường.

Một phần của tài liệu Pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại việt nam (Trang 47 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)