Các quy định về phát triển công nghiệp môi trường

Một phần của tài liệu Pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại việt nam (Trang 55 - 61)

CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ SẢN XUẤT, KINH

2.3. Các quy định về sản xuất sạch hơn và phát triển công nghiệp môi trường

2.3.2. Các quy định về phát triển công nghiệp môi trường

Khoản 14 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 định nghĩa: “Công nghiệp môi trường là một ngành kinh tế cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm phục vụ các yêu cầu bảo vệ môi trường”. Hoạt động của ngành công nghiệp môi trường sẽ cung cấp các sản phẩm và dịch vụ môi trường đáp ứng nhu cầu phòng ngừa ô nhiễm và bảo vệ môi trường, bao gồm: Các hoạt động đánh giá, phân tích và bảo vệ môi trường; các hoạt động kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải và tái sinh các nguồn chất thải; cung cấp và vận chuyển các tài nguyên môi trường như nước, các loại vật liệu tái sinh và các nguồn năng lượng sạch; các hoạt động góp phần tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và tài nguyên, tăng năng suất sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế; các hoạt động thu gom, xử lý các loại chất thải từ tất cả các hoạt động trong xã hội34. Như vậy, phát triển ngành công nghiệp môi trường sẽ tác động lớn tới quá trình bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp môi trường đã có những thay đổi đáng kể, song còn mang tính đơn lẻ, thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả chưa cao, chưa khai thác được hết khả năng của thị trường. Ví dụ, đối với hoạt động thu gom phế liệu, ở nước ta chủ yếu là hoạt động tự phát, chưa có hệ thống xử lý đạt quy chuẩn, Nhà nước rất khó quản lý, theo dõi đối với hoạt động này; vì vậy, dù là có hoạt động thu gom phế liệu, rác thải nhưng lại chưa đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế,…

Có thể đánh giá thực trạng ngành công nghiệp môi trường ở nước ta hiện nay như sau:

- Công nghệ và dịch vụ chưa phát triển; nhiều lĩnh vực và sản phẩm môi trường vẫn còn thiếu ở Việt Nam so với nhiều nước, nguồn cung về thiết bị, công nghệ và dịch vụ yếu, thiếu và chưa phong phú.

34 PGS. TS. Vũ Thị Duyên Thủy, Điều chỉnh pháp luật về phát triển công nghiệp môi trường tại Việt Nam - Nhu cầu và định hướng,Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

- Đội ngũ các nhà khoa học và công nghệ môi trường, các doanh nghiệp môi trường còn yếu và thiếu, đặc biệt là chuyên gia có trình độ cao và có kinh nghiệm, dẫn đến uy tín và thương hiệu của các nhà cung cấp chưa đủ thuyết phục người sử dụng nội địa, thiếu tính cạnh tranh với quốc tế.

- Ngành công nghiệp môi trường hiện tại vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quốc gia trong thời gian tới nhằm gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ, sản phẩm môi trường của ngành công nghiệp này.

- Các doanh nghiệp công nghiệp môi trường ở Việt Nam chưa thực sự phát triển gắn liền với việc tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong và ngoài nước. Điều đó khiến mức độ lệ thuộc vào các doanh nghiệp nước ngoài càng lớn do càng thiếu động lực và nguồn lực phát triển.

Thực trạng trên bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau như sự non kém trong kinh nghiệm phát triển công nghiệp môi trường; sự hạn chế về khả năng tài chính; sự yếu kém trong quản lý môi trường… Song, sự thiếu vắng các quy định pháp luật cần thiết làm cơ sở pháp lý cho các hoạt động liên quan đến phát triển công nghiệp môi trường là một trong những nguyên nhân không nhỏ.

Vì vậy, xây dựng các quy định pháp luật về phát triển ngành công nghiệp môi trường là đòi hỏi cấp thiết phát sinh từ thực trạng ngành công nghiệp môi trường ở nước ta hiện nay35.

Hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp môi trường trong bảo vệ môi trường cũng như phát triển kinh tế, Việt Nam đã ban hành một số văn bản nhằm phát triển ngành công nghiệp môi trường như:

- Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20 ngày 7 tháng 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Đề án này có mục tiêu tổng quát

35 PGS. TS. Vũ Thị Duyên Thủy, Điều chỉnh pháp luật về phát triển công nghiệp môi trường tại Việt Nam - Nhu cầu và định hướng,Tạp chí Dân chủ và Pháp luật

là phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ, sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường. Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015 là giai đoạn xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường; phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, các tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường.

- Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Văn bản này đề cập đến định hướng, mục tiêu và kế hoạch hành động phát triển công nghiệp môi trường. Theo đó, định hướng chung là phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm, môi trường, sử dụng năng lượng bền vững. Với định hướng đó, một trong những mục tiêu của kế hoạch này là hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

- Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 13 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025". Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2025, ngành công nghiệp môi trường trở thành một ngành kinh tế có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu về bảo vệ môi trường trong nước; từng bước tiến tới xuất khẩu các công nghệ, thiết bị, dịch vụ và sản phẩm bảo vệ môi trường có lợi thế cạnh tranh. Đề án phấn đấu phát triển các công nghệ xử lý, tái

chế chất thải, phân tích, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường;

công nghệ sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng của thế giới; đẩy mạnh ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đồng thời, phát triển sản xuất thiết bị và sản phẩm đáp ứng cơ bản nhu cầu bảo vệ môi trường trong nước, từng bước tiến tới xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và năng lực cạnh tranh; năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý nước cấp và nước thải, 60 - 70% nhu cầu thiết bị xử lý và tái chế chất thải rắn, 70 - 80% nhu cầu thiết bị xử lý khí thải, khoảng 50 - 60 % nhu cầu thiết bị thu gom, vận chuyển và phân loại chất thải, 40 - 50% nhu cầu thiết bị quan trắc môi trường; 60 - 70%

nhu cầu sản phẩm bảo vệ môi trường; 40 - 50% thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo; 60 - 70% thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả; 20 - 30% thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng tái tạo; xuất khẩu được 20 - 30% các sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường. Phát triển dịch vụ môi trường cơ bản đáp ứng nhu cầu của xã hội về xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị, công nghiệp, chất thải nguy hại; phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm và nhu cầu phân tích, quan trắc môi trường và các dịch vụ tư vấn về môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, năng lượng.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng quy định về công nghiệp môi trường tại điểm c Khoản 3 Điều 142, theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý. Điều 151 và Điều 153 Luật này cũng quy định về các ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp môi trường. Nhà nước đầu tư và có chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân phát triển công nghiệp môi trường; các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường sẽ được hưởng các ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay cũng có những quy định cụ thể đối với từng ngành công nghiệp môi trường nằm trong các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau như Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu, Thông tư số 27/2015/TT- BTNMT ngày 29 tháng 5 năm 2015 về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành,…

Tuy nhiên, các quy định trên còn thiếu tính thống nhất, gây khó khăn khi áp dụng trên thực tế, hiệu quả thực thi chưa cao, do chế tài xử phạt chưa nghiêm nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn sự chồng chéo giữa Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 với luật khác, ví dụ như Luật Đầu tư năm 2014, cụ thể: Khoản 2 Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định chủ trương đầu tư dự án; trong khi đó, thủ tục, hồ sơ yêu cầu quyết định chủ trương đầu tư tại Khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014 lại không yêu cầu cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Kết luận Chương 2

Công nghiệp môi trường, sản xuất sạch hơn, sản phẩm thân thiện với môi trường đã, đang và sẽ tác động tới sự phát triển bền vững của Việt Nam nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung. Tiến tới mục tiêu là hội nhập kinh tế quốc tế, không nằm ngoài xu thế phát triển của các quốc gia, Việt Nam đã ban hành các quy định điều chỉnh vấn đề này. Từ các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể nhận thấy, Nhà nước rất quan tâm tới vấn đề phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, dành những ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện lớn nhất cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng; góp phần mở rộng thị trường sản phẩm thân thiện với môi trường. Bên cạnh những điểm tích cực ấy, pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn còn quy định chung chung, chưa cụ thể, còn một số hạn chế cần được khắc phục. Chương 3 của Luận văn sẽ đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Pháp luật về sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường tại việt nam (Trang 55 - 61)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)