Một số khái niệm liên quan đến đề tài

Một phần của tài liệu Lễ hằng thuận trong nhận thức của người phật tử trẻ tại thành phố hồ chí minh (Trang 20 - 24)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.1. Một số khái niệm liên quan đến đề tài

Trong cuộc sống của con người, để tồn tại con người phải luôn luôn nhận thức về thế giới. Nhận thức, tình cảm và hành động là 3 yếu tố cơ bản của con người trong quá trình tồn tại. Nhận thức là tiến trình xác định giúp con người hiểu về môi trường và thế giới xung quanh, từ đó bày tỏ tình cảm và hành động đối với hiện thực cuộc sống.

Nhận thức về cuộc sống, con người có những biểu hiện khác nhau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, trong tác phẩm Bút ký triết học, Lê-nin đã nêu ra quy luật chung nhất của nhận thức: “Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn, đó là đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, của sự nhận thức hiện thực khách quan”. (V.I. Lê-nin, 1976)

Hoạt động nhận thức là hoạt động gồm hai giai đoạn: Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính. Nhận thức cảm tính là mức độ nhận thức thấp, là mức độ nhận thức đầu tiên, phản ánh tâm lý khởi đầu, nó phản ánh những thuộc tính trực quan, sơ khai, bên ngoài của các mối liên hệ sự vật hiện tượng một cách rời rạc. Nhận thức lý tính là mức độ nhận thức cao, phản ánh những thuộc tính bản chất bên trong, những mối liên hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng, tuy nhiên hai cấp độ nhận thức này, chúng luôn có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó, bổ sung với nhau trong quá trình nhận thức của con người.

Trong đề tài này, khảo sát về nhận thức của người Phật tử trẻ khi họ nhìn nhận đánh giá về giá trị của lễ Hằng thuận trong đời sống hôn nhân của người Phật tử như thế nào? Từ đó, họ ứng xử như thế nào trong việc vận dụng giá trị giáo dục và ý nghĩa của buổi lễ trong đời sống hôn nhân của mình.

1.1.1.2. Lễ Hằng thuận

Hằng thuận là thuật ngữ được sử dụng phổ biến khi nói đến hôn lễ tổ chức ở chốn Phật môn. Nhiều ý kiến cho rằng người đặt tên cho lễ Hằng thuận là Hòa thượng Thích Thiện Hòa vào năm 1971. Trong tác phẩm “Nghi thức lễ thành hôn” của Hòa thượng Thích Thiện Hoà thì thuật ngữ “Hằng thuận” được nói đến duy nhất 1 lần ở cuối tác phẩm.

Hằng thuận nói đủ là “Hằng thuận chúng sanh” ( 恒順衆生) là một trong 10 lời nguyện của Bồ tát Phổ Hiền, “Hằng thuận chúng sanh” có nghĩa là thuận theo chúng sanh, tùy duyên theo chúng sanh mà cứu độ. Nó thể hiện tinh thần tùy duyên nhập thế của đạo Phật, nhằm nói đến hôn nhân là chuyện của con người, tùy duyên mà đem đạo vào đời để con người sống tốt hơn.

Ngoài ý nghĩa trên, Hằng thuận là ước muốn đôi Tân hôn sẽ luôn luôn hòa thuận, yêu thương nhau, sống cuộc đời hạnh phúc trọn vẹn trong hôn nhân. Hằng là luôn luôn, mãi mãi, bền vững. Thuận là hòa thuận, là đồng vợ đồng chồng để hôn nhân tốt đẹp.

Trong văn hoá hôn nhân của đạo Phật, Hằng thuận còn là kỹ năng sống chung hạnh phúc, cùng chung lý tưởng sống, chia sẻ trách nhiệm và thủy chung son sắt.

Như vậy, lễ Hằng thuận là nghi thức hôn lễ được tổ chức trang nghiêm chốn thiền môn, mang dấu ấn tâm linh, đạo đức và trí tuệ của Phật giáo, nhằm định hướng, cố vấn và chia sẻ lời Phật dạy đến đôi tân hôn nhân nhằm xây dựng đời sống hôn nhân bình an và hạnh phúc, góp phần xây dựng lối sống gia đình Việt Nam lành mạnh và bền vững.

1.1.1.3. Hôn nhân

Luật Hôn nhân gia đình năm 2014, số: 52/2014/QH13 đã định nghĩa hôn nhân:

“Hôn nhân là quan hệ của vợ và chồng sau khi kết hôn”. Như vậy, lễ cưới là đánh dấu cho quá trình hôn nhân bắt đầu. Về phương diện luật pháp, hôn nhân được chấp nhận về mặt xã hội khi đăng ký kết hôn tại các cơ quan có thẩm quyền và dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng.

Căn cứ và Luật Hôn nhân gia đình số 52/2014/QH13, tại khoản 1 Điều 3, “hôn nhân là đích đến của tình yêu của người nam và người nữ, là sự kết hợp đồng điệu về giới tính, tình cảm, xã hội, tôn giáo một cách hợp pháp”. Từ đó người nam và người nữ sống chung với nhau với những nghĩa vụ và quyền lợi thích hợp. Hôn nhân còn hướng đến việc sinh sản, giáo dục con cái để duy trì nòi giống, để phát triển con người

ở một dân tộc, quốc gia. Như vậy, hôn nhân là sự kết hợp giữa người nam và người nữ sau khi kết hôn và đã được luật pháp thừa nhận dựa trên sự tự nguyện, yêu thương và bình đẳng. (Luật Hôn nhân gia đình số 52/2014/QH13 ban hành ngày 19/6/2014)

Trên thế giới có nhiều loại hôn nhân khác nhau: Hôn nhân đa thê, là sự kết hợp giữa một người đàn ông và nhiều người phụ nữ, hôn nhân này thường diễn ra thời cổ đại, chế độ phong kiến. Ngày nay, hôn nhân đa thê diễn ra ở các nước châu Phi và các

nước thuộc quốc gia theo Hồi giáo. Hôn nhân đồng tính, là sự kết hợp giữa hai người cùng giới tính với nhau, phổ biến trong xã hội hiện đại. Ngày nay, hôn nhân đồng giới đã được công nhận bởi 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, một đạo luật được ký kết công nhận hôn nhân đồng giới tại Hà Lan vào ngày 1 tháng 4 năm 2001. Ngoài ra, có hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ xem đồng tính là phạm tội, là bất hợp pháp, coi hành động đồng tính luyến ái là phạm tội, có thể bị tử hình. Một số quốc gia còn lại thì có cái nhìn trung dung về hôn nhân đồng tính, không phê phán nhưng cũng không đồng tình, trong đó có Việt Nam.

Một số tôn giáo không công nhận hôn nhân đồng tính, vì xem hôn nhân đồng tính là đi ngược lại thiên ý và phê phán hôn nhân đồng tính. Tuy nhiên, ngày nay nhiều cộng đồng tôn giáo tiến bộ đã ủng hộ và đồng tình hôn nhân đồng giới và tổ chức hôn lễ cho người đồng giới tại chùa hoặc nhà thờ, cụ thể như: Cộng đồng Phật giáo ở Đài Loan, cộng đồng Phật giáo Nhật Bản, cộng đồng Phật giáo ở Úc, Nhà thờ ở Thụy Điển, Giáo hội Presbyterian, Do Thái giáo bảo thủ, Giáo hội Thống Nhất Canada… Hiện tại, luật pháp Việt Nam chỉ công nhận hôn nhân một vợ một chồng, hôn nhân đồng giới thì luật pháp không cấm nhưng chưa thừa nhận trên phương diện pháp lý.

1.1.1.4. Phật tử trẻ

Phật tử là thuật ngữ chỉ cho tất tả những người có chung niềm tin về đạo Phật đã quy y Tam bảo. Phật tử có nghĩa là người con của đức Phật. Chữ Phạn: Buddha-putra.

Pàli: Buddha-putta. Chữ Hán: ( 佛子), Phật Tử là người có niềm tin vào đức Phật và nhận đức Phật làm thầy, lấy lời dạy của đức Phật thực tập trong đời sống hằng ngày;

nương vào Tăng đoàn để hiểu lời dạy của Phật và thực hành Phật pháp thì gọi là Phật tử. Nội hàm của thuật ngữ này là nói đến bốn chúng trong Phật giáo, gồm có: Tỳ kheo Tăng, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc (người cư sĩ nam) và Ưu bà di (cư sĩ nữ). Bốn chúng trong Tăng đoàn Phật giáo gọi chung là Phật tử.

Trong đời sống thường nhật, thuật ngữ Phật tử thường nhắc đến là chỉ dành cho những người Phật tử tại gia. Khái niệm này được mở nghĩa rộng hơn ở Phật giáo đại thừa, Phật tử còn nói đến các vị Bồ tát, là người tin Phật và kế thừa gia nghiệp của Phật, tức là người đang cố gắng nỗ lực phát triển đến quả vị Phật trong tương lai.

Hiện nay, trong thống kê dân số theo đạo Phật, tiêu chí để xem là Phật tử thì phải là người đã tham dự một lễ truyền thọ Tam quy – Ngũ giới tại một ngôi chùa cụ

thể, có những vị giới sư truyền thọ Tam quy và ngũ giới. Nếu người tín đồ chưa tới tuổi trưởng thành chỉ thực hiện nghi thức quy y Tam bảo. Người trưởng thành, ngoài lễ Quy y Tam bảo, thì đạo Phật khuyến khích gìn giữ 5 giới để tu học. Sau khi quy y thì người quy y sẽ có tên đạo gọi là “Pháp danh” - tên gọi mới của người theo đạo với ý nghĩa Tam bảo là chỗ nương tựa tinh thần, với những tiêu chí trên thì gọi là Phật tử.

Xét về phương diện văn hóa, người trẻ là những người phát triển toàn diện về mọi phương diện thể chất và tâm lý, được gọi là người trưởng thành. Theo tổ chức liên chính phủ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã định nghĩa: “Tuổi trẻ là những người từ 15 đến 29 tuổi”. Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, độ tuổi kết hôn hợp pháp của nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ từ đủ 18 tuổi trở lên, (khoản 8 Điều 3, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014). Trong nghiên cứu này, tác giả tập trung nghiên cứu đối tượng “Phật tử trẻ” là những người có độ tuổi từ 18 - 29 tuổi đối với nữ giới và từ 20 tuổi - 29 tuổi đối nam giới ở độ tuổi kết hôn. Như vậy, người Phật tử trẻ là người trưởng thành ở độ tuổi từ 18 – 29 và đã quy y Tam Bảo và trong độ tuổi kết hôn.

1.1.1.5. Nghi lễ

Nghi lễ (Ritual) là một trong những thuật ngữ liên ngành chỉ hệ thống các thực hành văn hóa gắn liền với các lễ nghi và nghi lễ được cộng đồng hay dân tộc gìn giữ và lưu truyền qua bao thế hệ theo chiều dài lịch sử. Một điều đặc biệt là nghi lễ luôn gắn liền với cái thiêng ở bình diện xã hội.

Thuật ngữ Ritual bắt nguồn từ tiếng Latinh Ritualis, mang ý nghĩa là một phụng vụ ở đền thờ La Mã cổ đại và thờ cúng ở Giáo hội Công giáo ở Châu Âu thời Trung cổ.

Nghi lễ có lẽ bắt nguồn từ Etruscan, thời Trung cổ đã có những quyển sách mô tả các nghi lễ đăng quang của các Giáo hoàng, Hoàng đế, hay những quyển sách ghi chép về những nghi thức thực hiện hôn lễ, tang lễ của các Linh mục khi thực hiện cho tín đồ.

(Mori, 2014)

Nghi lễ là một hoạt động xã hội lập đi lập lại, một loạt các động tác mang tính biểu tượng dưới dạng múa, ca hát, lời nói, điệu bộ… nghi lễ mang âm hưởng của một nền văn hóa nào đó, thông qua nghi lễ có thể nhận biết nền văn hóa của một quốc gia, dân tộc, bộ tộc, nhóm người.

Nghi lễ có nhiều hình thức khác nhau, nghi lễ mang yếu tố tôn giáo và không tôn giáo. Nghi lễ có yếu tố tôn giáo là những thực hành hướng đến một ý niệm thiêng liêng. Nghi lễ không có yếu tố tôn giáo là nghi lễ, nghi thức diễn ra trong đời sống hằng ngày tại các sự kiện chính trị, giáo dục, xã hội.

Theo Robert Smith (1989), ông cho rằng tôn giáo bao gồm niềm tin và nghi lễ, như vậy, nghi lễ là những thực hành tôn giáo (Edmund, 1939). Theo E. Durkheim (1912) cho rằng: “Nghi lễ là hoạt động chỉ ra những quy định con người biết để tự điều chỉnh hành vi ứng xử của chính mình trước những đối tượng thiêng” (Edmund, 1939).

Nghi lễ theo quan điểm của Tylor đó “là phương tiện giao tiếp với những thực thể linh hồn”, là “cầu nguyện, hiến tế, nhịn ăn, định hướng và tẩy uế” (E.B. Tylor, 2001). Như vậy, quan điểm của các nhà nghiên cứu trên cho rằng nghi lễ luôn gắn liền với thần linh và tôn giáo.

Cái thiêng được chia thành hai hệ thống nhỏ đó là: Cái linh thiêng (sacredness/

holiness/sanctity) gắn liền với đời sống tâm linh, tinh thần. Cái thiêng liêng (ultimate felling) gắn liền với phạm trù xã hội. Uy lực của thần thánh được xem là cái thiêng liêng, như lễ bái thần, Phật trong lễ hội đình làng là những nghi thức văn hóa - xã hội mang tính thiêng liêng. Thời khắc chuyển giao năm mới, thời khắc bái tạ gia tiên trong hôn nhân, nghi thức đánh trống khai trường là nhóm nghi thức mang tính thiêng liêng.

Theo từ điển Britannica, “cái thiêng được định nghĩa là một thứ quyền năng, thực thể, hay khu vực người có tôn giáo hiểu là nằm tại cốt lõi của sự tồn tại và có thể biến đổi đời sống và số phận của họ”. Một số khái niệm khác thường được dùng cùng với khái niệm cái thiêng là “thiêng liêng”, “thần thánh”, “siêu việt”, “thực thể” hay “thực tại tối thượng”, “huyền bí” và “hoàn hảo”. Theo đó, cái thiêng vừa có tính trừu tượng, có thể quan sát và nằm ngoài sự kiểm soát của con người. (Hoàng Văn Chung, 2022)

Một phần của tài liệu Lễ hằng thuận trong nhận thức của người phật tử trẻ tại thành phố hồ chí minh (Trang 20 - 24)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(215 trang)