Lý thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu Lễ hằng thuận trong nhận thức của người phật tử trẻ tại thành phố hồ chí minh (Trang 24 - 27)

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Cơ sở lý luận

1.1.2. Lý thuyết nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng lý thuyết chức năng tìm hiểu vai trò của nghi lễ Hằng thuận đối với người Phật tử trẻ và nhận thức của họ về lễ Hằng thuận đối với đời sống của mình như thế nào? Nghi lễ này có chức năng gì trong việc gắn kết các mối quan hệ giữa tôn giáo của người Phật tử trẻ? Đây là câu hỏi mà tác giả đặt ra trong nghiên cứu này. Đại diện tiêu biểu cho trường phái chức năng luận, trước hết phải nói

đến Bronislaw Malinowski (1884 - 1942). Ông là người đầu tiên vận dụng khái niệm chức năng vào nghiên cứu các nhu cầu và chức năng tâm lý của các cá nhân.

Theo Malinowski, chức năng luận nhấn mạnh đến cá thể, xã hội và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chúng. Ông lý giải, hành vi và nghi thức là theo nhu cầu cá nhân và cân bằng xã hội. Vận dụng thuyết chức năng luận trong đề tài để giải thích các nghi lễ tôn giáo và xem nghi lễ như là một cơ chế để cân bằng nội tại, điều chỉnh và ổn định các thiết chế xã hội nhằm duy trì đạo đức, tạo nên sự hài hòa giữa các cá nhân với nhau, với nhóm xã hội và các mối quan hệ liên quan. Malinowski nhấn mạnh đến chức năng của tôn giáo mà nghi lễ đóng vai trò quan trọng, nghi lễ đáp ứng nhu cầu nhận thức, tình cảm của con người, giúp con người thiết lập bình yên nội tại, giải quyết những vấn đề nguy hiểm nằm ngoài kiểm soát của con nguời.

A. R.Radcliffe Brown (1881-1955) là học trò của B. Malinowski , ông đã bổ sung và phát triển trường phái chức năng luận, trên cơ sở dựa vào các yếu tố lịch sử để nghiên cứu về các hiện tượng văn hoá - xã hội, điều này trái ngược với quan điểm của B. Malinowski chỉ cần dựa vào bối cảnh xã hội hiện tại. Theo Brown, “tôn giáo không phải là ảo tưởng hay niềm tin sai lầm về thực tại, mà là phần thiết yếu của hệ thống xã hội”. Minh chứng qua nghi lễ của tôn giáo cho thấy, “nghi lễ” có một chức năng xã hội cụ thể, điều tiết và duy trì cảm xúc từ thế hệ này sang thế hệ khác, khi đó “cảm xúc”

chính là “niềm tin”. Trong nghiên cứu về nghi lễ Hằng thuận cho thấy, “Lễ Hằng thuận”

giúp duy trì tình cảm, gắn kết các thành viên trong một nhóm xã hội cụ thể là những người theo đạo Phật, một cộng đồng tôn giáo. Quan điểm này của Brown khá tương đồng với luận điểm của É. Durkheim về chức năng tôn giáo. Theo Durkheim, nghi lễ tôn giáo mang lại những cảm giác tích cực, tạo nên sự gắn kết, tăng cường đoàn kết giữa cá nhân và xã hội đã góp phần tạo nên niềm tin, giá trị cho một nhóm người trong cộng đồng.

Các nhà chức năng luận quan tâm đến những gì nghi lễ diễn ra như một hiện tượng xã hội, cụ thể, nghi lễ ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động xã hội như thế nào, cách tiếp cận chức năng nhấn mạnh đến cách mà nghi lễ củng cố mối quan hệ xã hội truyền thống đến cá nhân, cấu trúc xã hội của một nhóm được duy trì củng cố thông qua nghi lễ, giá trị xã hội cơ bản sản sinh ra nghi lễ đó.

Vận dụng quan điểm chức năng luận của các học giả, trong nghiên cứu nhận thức của người Phật tử trẻ về lễ Hằng thuận, nhằm đánh giá vai trò của lễ Hằng thuận đối với người trẻ trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình trong xã hội hiện nay. Từ đó, cho thấy nhu cầu của người Phật tử trẻ trong việc tổ chức lễ Hằng thuận trong đời sống hôn nhân của mình.

1.1.2.2. Lý thuyết chọn lựa hợp lý

Lý thuyết chọn lựa hợp lý (Rational choice theory) có nguồn gốc từ triết học, lý thuyết kinh tế học, nhân học và một số ngành khoa học xã hội khác. Quan điểm của các nhà triết học cho rằng: Bản chất con người là “vị kỷ”, luôn tìm đến sự hài lòng, thoả mãn và những gì có lợi ích cho bản thân. Theo M. Weber, G. Simem, Elster hay của R. Boudon thuyết chọn lựa hợp lý là một biến thể của thuyết cá nhân phương pháp luận (individualisme methodologique), hướng tiếp cận này nhấn mạnh đến cá nhân con người, sự chọn lựa hợp lý chính là các cá nhân lựa chọn hành động. Thuyết này gắn liền với tên tuổi của các nhà xã hội học tiêu biểu như: George Homans, Peter Blau và James Coleman.

Theo Homans, ông nhấn mạnh thuật ngữ “chọn lựa” là việc phải cân nhắc, tính toán để quyết định sử dụng loại phương tiện hay cách thức tối ưu trong số những điều kiện hay cách thức hiện có để đạt được mục tiêu trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực, tức là Homans đã nhấn mạnh đến đặc trưng “tối ưu hóa” của sự lựa chọn hợp lý.

Còn theo J.Elster, khi đối diện với một số hành động, con người thường chọn lựa làm cái mà họ tin là có khả năng đạt được kết quả cuối cùng tốt nhất. Vào những năm 1980, Stark và Bainbrigde đã mở rộng nghiên cứu lý thuyết này dựa trên sự phát triển của nó khi trong tôn giáo. Trong tác phẩm “Lý thuyết về tôn giáo” (Stark & Bainbridge, 1996), lý thuyết lựa chọn hợp lý trong tôn giáo được xem là một bước phát triển lớn trong nghiên cứu khoa học xã hội. Theo Stark và Bainbridge, về bản chất tôn giáo là một sự cố gắng để làm hài lòng những ham muốn hoặc để có được những phần thưởng có giá trị mà con người sẵn sàng bỏ ra chi phí để có được. Có thể đó là phần thưởng cụ thể tồn tại hoặc không tồn tại. Nghiên cứu lý thuyết của Stark và Bainbridge dựa trên lý thuyết trao đổi, có một mối liên hệ trao đổi giữa người theo đạo và đấng siêu nhiên của họ, giữa người muốn được che chở và người che chở.

Vận dụng lý thuyết lựa chọn hợp lý của Stark và Bainbridge khi giải thích hiện tượng tôn giáo dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, giữa tín đồ và đấng thiêng liêng, sự mật thiết giữa tổ chức tôn giáo đến các mô hình hành vi của con người.

Người Phật tử trẻ mong muốn được sự chứng minh gia hộ của Phật, chư Tăng và lời chúc phúc của họ hàng, bạn bè… thông qua nghi lễ Hằng thuận để cuộc sống của vợ/chồng được bình an và hạnh phúc. Ngược lại, vai trò của người thầy, người hướng dẫn Phật tử cũng mong muốn mang những giáo lý của Phật để truyền dạy cho Phật tử hiểu rõ hơn về đạo nghĩa vợ/chồng khi bước vào đời sống hôn nhân.

Một phần của tài liệu Lễ hằng thuận trong nhận thức của người phật tử trẻ tại thành phố hồ chí minh (Trang 24 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(215 trang)