7. Kết cấu của luận văn
1.3. Pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Trong bất kỳ mối quan hệ hợp đồng nào, việc xác định xem các quy định pháp luật nào điều chỉnh giao dịch đó là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với một quan hệ hợp đồng phức tạp như hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán doanh nghiệp có vai trò định hướng cho các doanh nghiệp hướng đến việc xây dựng một hợp đồng chặt chẽ và bảo đảm đầy đủ hành lang pháp lý cho các chủ thể tham gia trong quan hệ hợp đồng. Một hợp đồng không tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hợp đồng thì việc thực hiện hợp đồng sẽ gặp nhiều trở ngại và đôi khi dẫn đến sự vô hiệu của hợp đồng.
Vai trò của pháp luật đối với hợp đồng nói chung và các quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng mua bán doanh nghiệp nói riêng đều chủ yếu quy định các điều kiện mà các bên cần đáp ứng cũng như những thủ tục cần thiết khi tham gia vào quan hệ hợp đồng. Điều này nhằm đảm bảo rằng:
sau khi ký kết, hợp đồng mua bán doanh nghiệp có đầy đủ hiệu lực thi hành, có đầy đủ cơ sở pháp lý để các bên thực hiện theo các nội dung đã cam kết, tránh sự bội tín, tránh những tranh chấp và xung đột có thể xảy ra.
Với đặc trưng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp là một hợp đồng phức hợp, sau khi giao kết và có hiệu lực, hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ phát sinh hàng loạt các vấn đề, như: tài chính, thương hiệu, giải quyết các vấn đề liên quan đến lao động, xử lý các khoản nợ thuế, khoản nợ với các bên thứ ba… Do đó, việc xác định pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán doanh nghiệp sẽ giúp các bên ngay tại thời điểm ký kết, thỏa thuận hợp đồng có thể thống nhất phương án xử lý cho toàn bộ các vấn đề phát sinh trước, trong và sau khi ký hợp đồng.
Hệ thống pháp luật điều chỉnh hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở mỗi quốc gia thuộc các dòng pháp luật khác nhau sẽ khác nhau. Nhìn chung, các vấn đề cơ bản nhất của hợp đồng mua bán doanh nghiệp đều chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Với những vấn đề liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, chuyển đổi địa vị pháp lý của chủ doanh nghiệp, quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp…thì chịu sự điều chỉnh của pháp luật về doanh nghiệp.
Với những vấn đề riêng trong hợp đồng (lao động, tài chính, chuyển giao đất đai, tài sản trí tuệ, tài sản có đăng ký quyền sở hữu…) thì chịu sự điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành (pháp luật lao động, pháp luật đất đai, pháp luật tài chính…).
1.3.1. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới về hợp đồng mua bán doanh nghiệp
1.3.1.1. Pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức
Hiện nay, hợp đồng mua bán doanh nghiệp tại CHLB Đức được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật về hoạt động M&A và pháp luật liên quan đến lĩnh vực hợp đồng quan trọng như:
- Bộ luật dân sự Đức (BGB) là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất, là nguồn luật cơ bản điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh. Các quy phạm pháp luật về hợp đồng tập trung tại Quyển I - Phần chung và Quyển II - Luật nghĩa vụ của BLDS Đức.
- Bộ luật Thương mại Đức ban hành năm 1987, sửa đổi năm 1998.
- Luật Công ty hợp danh ban hành 1994, sửa đổi 1998.
- Luật Công ty cổ phần (1965).
- Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn (1892), sửa đổi năm 1980.
- Luật Chống hạn chế cạnh tranh (1992), sửa đổi năm 2005.
Cộng hòa Liên bang Đức là quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu nên phải đảm bảo việc tuân theo các quy định của Liên minh Châu Âu
1.3.1.2. Pháp luật của Cộng hòa Liên bang Nga
Cộng hòa Liên bang Nga quy định khá chi tiết về hợp đồng mua bán doanh nghiệp tại Phần 2, Chương 30, Mục 8, Bộ luật Dân sự Liên bang Nga
Ngoài ra, các văn bản quy định về các hoạt động mua bán doanh nghiệp có thể kể đến như:
- Bộ luật Dân sự Liên bang Nga (phần I – 1994; phần II – 1996; phần III – 2001; phần IV – 2006)
- Luật Công ty Cổ phần (1995)
- Luật Công ty trách nhiệm hữu hạn (1998) - Luật Thị trường Chứng khoán (1996) - Luật Cạnh tranh (2006)
- Luật Đầu tư nước ngoài (1999)
1.3.1.3. Pháp luật của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ
Ở Hoa Kỳ không có quy định về hợp đồng mua bán doanh nghiệp áp dụng chung cho tất cả các bang. Quy định về hoạt động mua bán doanh nghiệp được điều chỉnh bởi chế độ quy định kép (bao gồm các luật liên bang và luật tiểu bang). Có thể kể đến một số đạo luật chung của Liên bang như:
- Bộ luật Thương mại Thống nhất chung Hoa Kỳ (1949) - Luật Chứng khoán liên bang (1933)
- Luật Giao dịch chứng khoán (1934) - Luật Chống độc quyền (1976)
1.3.2. Quy định pháp luật của Việt Nam về hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Tại Việt Nam, quy định về hoạt động M&A tồn tại trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như: Bộ luật Dân sự (2015), Luật Doanh nghiệp (2014), Luật Đầu tư (2014), Luật Chứng khoán (2006), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (2010), Luật Cạnh tranh (2004). Cụ thể, cấu trúc pháp luật về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam được thể hiện như sau:
- Bộ luật Dân sự (2015) quy định về ký kết hợp đồng nói chung;
- Luật Doanh nghiệp (2014) quy định khái niệm, thủ tục tiến hành, các trường hợp phải báo cáo tới cơ quan cạnh tranh, hồ sơ, trình tự đăng ký khi sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp; cách thức quản trị doanh nghiệp, thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp;
- Luật Đầu tư (2014) quy định về hình thức, điều kiện và thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
- Luật Cạnh tranh (2004) quy định khái niệm sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp và quy định kiểm soát hoạt động mua bán doanh nghiệp nói chung khi các doanh nghiệp hình thành sau khi mua bán có tỷ lệ thị phần đạt tới “ngưỡng” theo quy định của Luật Cạnh tranh. Luật Cạnh tranh điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp ở khía cạnh kiểm soát hành vi có thể dẫn đến thủ tiêu cạnh tranh.
- Luật Chứng khoán (2006) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (2010) điều chỉnh việc mua bán doanh nghiệp thông qua hoạt động mua bán cổ phiếu ra công chúng.
Ngoài các văn bản luật, Việt Nam có nhiều nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật; nhưng việc áp dụng quy định của pháp luật trên thực tế còn khó khăn do sự trùng lặp, chồng chéo của pháp luật và sự thiếu vắng nguyên tắc áp dụng pháp luật thống nhất. Bên cạnh đó, pháp luật của Việt Nam hiện hành cũng không có quy định cụ thể về vấn đề liên quan đến hoạt động M&A và các vấn đề liên quan đến hợp đồng mua bán doanh nghiệp tại Việt Nam, như: chủ thể được quyền tham gia hoạt động M&A, thủ tục thực hiện, phương thức thực hiện M&A... Điều này đã gây nhiều khó khăn cho các chủ thể cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện thương vụ M&A.
CHƯƠNG 2