CHƯƠNG 3 NHỮNG KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ HỢP
3.4. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam
3.4.1. Cần thống nhất khái niệm doanh nghiệp, mua bán doanh nghiệp
Vấn đề quan trọng nhất để hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về hoạt động mua bán doanh nghiệp và hợp đồng mua bán doanh nghiệp là thống nhất khái niệm về doanh nghiệp và khái niệm mua bán doanh nghiệp. Quan niệm về mua bán doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay được quy định tại nhiều văn bản khác nhau với các cách hiểu cũng khác nhau.
Thứ nhất, khái niệm “doanh nghiệp” tại Điều 2, khoản 1, Luật Cạnh tranh (2004) bao gồm hộ kinh doanh và các chủ thể kinh doanh hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh.
Luật Doanh nghiệp (2014) quy định một cách cụ thể và rõ ràng hơn về “doanh nghiệp”, theo đó doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích
kinh doanh (Điều 4, Khoản 7, Luật Doanh nghiệp). Bên cạnh đó, Luật Doanh nghiệp cũng đưa ra khái niệm về doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo pháp luật Việt Nam và có trụ sở chính tại Việt Nam (Điều 4, Khoản 9, Luật Doanh nghiệp), doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Như vậy, có sự khác biệt trong cách hiểu về “doanh nghiệp” được đưa ra trong Luật Doanh nghiệp và Luật Cạnh tranh. Khái niệm “doanh nghiệp”
theo Luật Doanh nghiệp phải được sử dụng một cách chính thống, làm cơ sở pháp lý và để có một cách hiểu thống nhất về doanh nghiệp. Còn trong quá trình áp dụng và thực thi Luật Cạnh tranh, khái niệm “doanh nghiệp” sẽ phải được hiểu và vận dụng một cách linh hoạt, mềm dẻo bao gồm doanh nghiệp là tổ chức theo quy định của Luật Doanh nghiệp và một số chủ thể kinh doanh khác như cá nhân kinh doanh, hộ gia đình kinh doanh.
Thứ hai, khái niệm mua bán doanh nghiệp.
Như đã phân tích ở chương 1, hiện nay ở Việt Nam chưa có khái niệm mua bán doanh nghiệp, chỉ có khái niệm hợp nhất và sáp nhập doanh nghiệp được quy định tại Điều 194 và Điều 195 Luật Doanh nghiệp (2014). Còn theo quy định tại Điều 16, Luật Cạnh tranh, tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm sáp nhập doanh nghiệp, hợp nhất doanh nghiệp, mua lại doanh nghiệp, liên doanh giữa các doanh nghiệp; và các hành vi tập trung kinh tế khác theo quy định của pháp luật. Do đó, cần có một khái niệm thống nhất về mua bán doanh nghiệp làm tiền đề, cơ sở cho các quy định pháp luật về những nội dung khác của mua bán doanh nghiệp.
Tại chương 1, tác giả luận văn đã đưa ra khái niệm như sau: “Mua bán doanh nghiệp là việc doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp mục tiêu hoặc mua lại tỉ lệ cổ phần, phần vốn góp của thành viên, cổ đông doanh nghiệp mục tiêu nhằm chuyển quyền sở toàn bộ hoặc một phần doanh nghiệp mục tiêu sang doanh nghiệp mua lại”
3.4.2. Về chủ thể của hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Thứ nhất, pháp luật cần có quy định hướng dẫn cách xác định chủ thể mua và chủ thể bán trong giao dịch mua bán doanh nghiệp; trong đó nhấn mạnh trường hợp những chủ thể không thể trở thành thương nhân thì cũng không được tham gia giao dịch mua bán doanh nghiệp. Quy định này sẽ tránh được trường hợp có chủ thể không có quyền kinh doanh, nhưng không bị cấm việc mua lại doanh nghiệp, nên sau khi mua lại doanh nghiệp, tiếp tục đem bán sản nghiệp thương mại vì mục đích lợi nhuận Trong khi việc chuyển nhượng các yếu tố của sản nghiệp thương mại hết sức phức tạp, đòi hỏi quy trình chặt chẽ. Quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, tổ chức là quyền hiến định, pháp luật nên khuyến khích việc đầu tư theo chiều sâu tức là tham gia giao dịch mua bán doanh nghiệp để tiếp tục khai thác, đưa các sản nghiệp thương mại đó vào phát triển sản xuất, kinh doanh chứ không chỉ đơn thuần mua lại để bán lại nhằm kiếm lời do sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán.
Thứ hai, quy định cụ thể chủ thể có quyền mua doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do hiện nay mới có các quy định về chủ thể mua doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tại Nghị định số 128/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có quy định. Do đó, cần làm rõ các vấn đề sau:
- Những đối tượng không được quyền thành lập, quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định tại Điều 18, khoản 2, Luật Doanh nghiệp (2014) có quyền mua doanh nghiệp không?
- Các trường hợp bị cấm làm chủ sở hữu của nhiều doanh nghiệp tư nhân hay thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác thì có quyền mua doanh nghiệp tư nhân, sau đó chuyển đổi loại hình doanh nghiệp không? Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp (2014) chưa ghi nhận việc chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần hay loại hình công khác, trừ việc chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Để hoạt động mua bán doanh nghiệp đối
với loại hình doanh nghiệp tư nhân được diễn ra một cách linh hoạt thì cần bổ sung các quy định về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp.
Thứ ba, cần có quy định thống nhất giữa Luật Cạnh tranh (2004) và Luật Doanh nghiệp (2014) về chủ thể có quyền mua doanh nghiệp là doanh nghiệp hay bao gồm cả các cá nhân đáp ứng các điều kiện về tư cách chủ thể mua doanh nghiệp.
3.4.3. Về hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Pháp luật của Việt Nam nên xây dựng quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể về hình thức của hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Theo đó, một cách chung nhất, hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần phải được lập thành văn bản. Trong trường hợp đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp chứa đựng những tài sản đặc thù (như bất động sản, tài sản có đăng ký quyền sở hữu) thì hợp đồng mua bán doanh nghiệp còn phải được công chứngtheo đúng quy định của pháp luật. Việc công chứng hợp đồng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể dễ dàng tiến hành hoạt động mua bán doanh nghiệp, tránh được những mâu thuấn, tranh chấp phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng
3.4.4. Về nội dung cơ bản của hợp đồng mua bán doanh nghiệp
Hiện nay, pháp luật của Việt Nam không có quy định về những nội dung cốt yếu của hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Đây có thể coi là một trong những bất cập của pháp luật ở Việt Nam và phần nào chưa đáp ứng được giao dịch mua bán doanh nghiệp trong thực tiễn.
Hợp đồng mua bán doanh nghiệp là một hợp đồng phức tạp, có đối tượng mua bán đặc thù là doanh nghiệp. Do đó, pháp luật cần có quy định hướng dẫn về những nội dung cốt yếu mà hợp đồng mua bán doanh nghiệp cần đạt được. Nói cách khác, nếu hợp đồng mua bán doanh nghiệp không đáp ứng được một trong những nội dung cốt yếu đó, hợp đồng mua bán doanh nghiệp có thể bị tuyên vô hiệu một phần hoặc vô hiệu toàn bộ, tùy từng trường hợp cụ thể.
+ Quy định về đối tượng của quan hệ hợp đồng mua bán doanh nghiệp.
Nhằm xác định chính xác đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp thì pháp luật cần có quy định cụ thể về loại hình mua bán doanh nghiệp như pháp luật của các nước phát triển. Theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, mua bán doanh nghiệp không bao gồm hình thức mua lại cổ phần, phần vốn góp của cổ đông, thành viên công ty đủ để kiểm soát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu. Các nhà làm luật có thể tham khảo cách quy định của pháp luật của Cộng hòa Liên bang Nga; theo đó, quy định đối tượng của hợp đồng mua bán doanh nghiệp là doanh nghiệp, bao gồm một tổ hợp tài sản (tài sản vô hình và hữu hình, bất động sản và động sản…).
Thực trạng của pháp luật Việt Nam là chưa tồn tại một quan điểm thống nhất về tài sản. Điều 105 Bộ luật Dân sự (2015) quy định về tài sản theo hướng là một quy phạm định nghĩa: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Quy định này vẫn chỉ được xây dựng theo hướng liệt kê mà chưa đưa ra được nội dung khái quát bản chất của tài sản là gì. Về cơ bản, một đối tượng trong thế giới khách quan được coi là tài sản khi nó nằm trong sự kiểm soát, chi phối, nắm giữ được của con người. Nói cách khác, tài sản có một số đặc điểm như: (i) Thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định; (ii) Đáp ứng một lợi ích nhất định của con người (lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần); (iii) Mang tính giá trị (giá trị và giá trị sử dụng). Do đó, các nhà làm luật cần xây dựng một quan điểm thống nhất về nguyên tắc phân loại tài sản cho toàn bộ hệ thống pháp luật để trên cơ sở đó, xây dựng các quy định pháp lý kèm theo cho phù hợp với từng loại tài sản.
Ngoài ra, các nhà làm luật cần đưa ra những quy định cụ thể và thống nhất về trình tự, thủ tục chuyển giao từng loại tài sản đặc thù trong doanh nghiệp, các quy định cụ thể về nguyên tắc định giá tài sản.
+ Quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong việc mua bán doanh nghiệp.
Ngoài một số nội dung các bên bắt buộc phải thỏa thuận ghi nhận trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp theo quy định của pháp luật dân sự về hợp đồng thì cũng cần quy định thêm về một số vấn đề sau để các bên tham khảo khi ký kết hợp đồng mua bán doanh nghiệp:
- Khi bên bán doanh nghiệp chuyển giao quyền và nghĩa vụ cho bên mua thì các bên phải thỏa thuận cụ thể về trách nhiệm của bên mua hoặc bên bán phải thông báo việc chuyển giao và chủ thể thực hiện nghĩa vụ đối với bên thứ ba, tránh những rủi ro, tránh chấp xảy ra, gây thiệt hai cho các bên chủ thể tham gia hợp đồng
- Thỏa thuận về nghĩa cụ cung cấp các thông tin về doanh nghiệp mục tiêu của bên bán doanh nghiệp cho bên mua doanh nghiệp. Đây là thỏa thuận quan trọng để bên mua quyết định có mua lại doanh nghiệp mục tiêu hay không và cũng là cơ sở để tránh các tranh chấp không đáng có xảy ra sau khi mua bán doanh nghiệp. Do vậy, các bên phải thỏa thuận về nghĩa vụ của bên bán trong việc cung cấp chi tiết, đầy đủ thông tin, chính xác và trung thực xác tài liệu, các hợp đồng, thông tin tài chính, lao động, thuế, các vấn đề đang thực hiện…
- Về vấn đề lao động trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp: pháp luật về doanh nghiệp cần có quy định rõ về việc bên bán và bên mua cần thỏa thuận về phương án sử dụng lao động khả thi và việc tiếp nhận hay không những nghĩa vụ đối với người lao động mà bên bán chưa thực hiện. Còn phương án sử dụng lao động như thế nào, nghĩa vụ của bên mua sau khi trở thành người lao động kế tiếp như thế nào, sẽ do pháp luật lao động quy định, tránh quy định chung chung là tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động.
- Một thỏa thuận cũng đóng vai trò quan trọng trong hợp đồng mua bán doanh nghiệp là các điều khoản cấm cạnh tranh. Trong hợp đồng phải xác định rõ trách nhiệm của bên bán doanh nghiệp trong việc bảo đảm các bí mật kinh doanh của doanh nghiệp mục tiêu và cấm bên bán thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như doanh nghiệp đã bán. Quy định này là
nhằm tránh việc dẫn đến khả năng bên mua mất khả năng cạnh tranh trên thị trường, bảo đảm lợi ích của bên mua doanh nghiệp.
3.4.5. Về vi phạm hợp đồng mua bán doanh nghiệp và chế tài
Pháp luật của Việt Nam nên có những quy định hướng dẫn cụ thể về trường hợp được coi là vi phạm cơ bản nghĩa vụ theo hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Theo đó, các hành vi có thể bị coi là vi phạm nghĩa vụ cơ bản bao gồm: vi phạm nghĩa vụ thanh toán, vi phạm nghĩa vụ chuyển giao tài sản, vi phạm nghĩa vụ thực hiện thủ tục pháp lý cần thiết để hoàn thiện giao dịch mua bán doanh nghiệp…
Về chế tài “phạt vi phạm” và “bồi thường thiệt hại”, cần thống nhất quy định về mối quan hệ giữa “phạt vi phạm” và “bồi thường thiệt hại”. Theo đó, các bên có quyền thỏa thuận áp dụng cả hai chế tài “phạt vi phạm” và “bồi thường thiệt hại” cũng như có quyền thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại cũng như mức phạt vi phạm.
Về chế tài hợp đồng vô hiệu, đây là một trong những vấn đề tương đối phức tạp và bất cập của pháp luật Việt Nam nói chung. Liên quan đến hợp đồng mua bán doanh nghiệp, cần có quy định pháp luật cụ thể phân loại vô hiệu hợp đồng mua bán doanh nghiệp (vô hiệu tuyệt đối, vô hiệu tương đối hay vô hiệu toàn bộ, vô hiệu từng phần…). Cần thống nhất các quy định về cơ sở xác định hợp đồng mua bán doanh nghiệp vô hiệu, thủ tục tuyên vô hiệu hợp đồng, phương án cụ thể trong giải quyết từng trường hợp hợp đồng mua bán doanh nghiệp vô hiệu…
Từ một số kiến nghị nêu trên, có thể rút ra kết luận rằng, có nhiều vấn đề cần phải được giải quyết khi xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều tiết về hợp đồng mua bán doanh nghiệp. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về vấn đề này cần phải có sự phối hợp của nhiều cơ quan có thẩm quyền để đưa ra những chính sách pháp luật vừa phù hợp với thực tiễn kinh doanh, vừa thống nhất với các văn bản hiện hành, nhưng vẫn phải đảm bảo yếu tố phù hợp với thông lệ kinh doanh quốc tế.