Thẩm quyền, nguyên tắc và ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh

Một phần của tài liệu Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh theo quy định của pháp luật dân sự việt nam (Trang 32 - 37)

Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH

1.2. Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh và pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh

1.2.3. Thẩm quyền, nguyên tắc và ý nghĩa của việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh

1.2.3.1. Thẩm quyền

Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh có thể là tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực dân sự hoặc kinh doanh thương mại. Do đó, trước hết theo Bộ luật Tố tụng

Dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì tranh chấp hợp đồng bảo lãnh thuộc thẩm quyền của Tòa án theo loại việc28.

Tuy nhiên, khi xác định cụ thể Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh thì phải tiếp tục căn cứ vào quy định của BLTTDS năm 2015 về xác định thẩm quyền giữa các Tòa án.

Thẩm quyền theo cấp: Căn cứ khoản 1 Điều 35 BLTTDS năm 2015, tranh chấp hợp đồng bảo lãnh thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Thẩm quyền theo lãnh thổ: Căn cứ điểm a, b khoản 1 Điều 39 BLTTDS năm 2015, thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:

- Nếu các bên có thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết thì Tòa án đó có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

- Nếu các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án nơi cư trú làm việc của nguyên đơn hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc nơi bị đơn có trụ sở có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

1.2.3.2. Nguyên tắc

Thứ nhất, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên tham gia quan hệ hợp đồng bảo lãnh và bên thứ ba có liên quan, khuyến khích thương lượng, hòa giải để giải quyết vấn đề. Lợi ích luôn là vấn đề hàng đầu của các bên khi tham gia bất cứ quan hệ hợp đồng nào trong xã hội, trong đó có quan hệ hợp đồng bảo lãnh. Do đó, vấn đề ưu tiên khi giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế của các bên. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì hòa giải là thủ tục bắt buộc trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Do đó nếu Tòa án thực hiện tốt việc hòa giải sẽ góp phần vừa giúp các bên giải quyết được

28 Khoản 3 Điều 26 và khoản 1 Điều 30, BLTTDS năm 2015.

tranh chấp một cách ôn hòa, vừa giảm bớt được gánh nặng thủ tục, chi phí, thời gian khi phải mở phiên tòa xét xử.

Thứ hai, giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh phải nhằm ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Bất cứ một tranh chấp nào khi xảy ra cũng gây thiệt hại cho không chỉ các bên đương sự mà còn có tác động tiêu cực đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, làm gia tăng căng thẳng đối với các mối quan hệ trong xã hội, gây ra gánh nặng đối với việc giải quyết tranh chấp của cơ quan có thẩm quyền. Chẳng hạn, chứng thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng có thể có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng, nếu có tranh chấp sẽ dẫn đến nhiều vấn đề không hề đơn giản. Do đó, khi giải quyết tranh chấp, Tòa án cần vận dụng chính xác, linh hoạt các quy định của pháp luật để không những đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự mà còn ổn định hài hòa các mối quan hệ xã hội, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh còn phải tuân thủ một số nguyên tắc như thực hiện đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng như lợi ích công cộng, tôn trọng tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận của các bên, bảo đảm giữ được bí mật của hoạt động kinh doanh cũng như uy tín của các bên trong quan hệ tranh chấp, thiện chí, trung thực và tuân thủ nguyên tắc pháp chế….

1.2.3.3. Ý nghĩa

Việc Tòa án áp dụng những quy định của pháp luật dân sự để giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh vừa là một nội dung quan trọng trong hoạt động xét xử thực tiễn của Tòa án, vừa là biện pháp để pháp luật dân sự phát huy vai trò trong đời sống xã hội.

Kí kết hợp đồng bảo lãnh là cách thức ngày càng được lựa chọn nhiều bởi các chủ thể khi muốn vay vốn phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng như bất cứ quan hệ pháp luật dân sự nào, quan hệ hợp đồng bảo lãnh cũng tiềm ẩn những rủi ro, những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên và tranh chấp xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt khi đất nước đang bước sang nền kinh tế

thị trường. Vì vậy, giải quyết tốt tranh chấp hợp đồng bảo lãnh góp phần mang lại những ý nghĩa thiết thực sau:

- Đối với phương diện kinh tế: Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh được giải quyết sẽ đáp ứng được lợi ích vật chất của các bên, góp phần thúc đẩy môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh. Hơn nữa, nếu thực hiện tốt công tác hòa giải tại Tòa án còn giảm được gánh nặng chi phí, thời gian và công sức khi phải mở các phiên tòa xét xử.

- Đối với phương diện chính trị: Giải quyết tốt tranh chấp hợp đồng bảo lãnh không những góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội mà còn củng cố lòng tin của nhân dân đối với cơ quan xét xử, với chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước. Tranh chấp nếu không được giải quyết kịp thời và chính xác sẽ ảnh hưởng đến công tác thi hành án, tình trạng kháng cáo, khiếu nại vượt cấp, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội.

- Đối với phương diện xã hội: Giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh góp phần đảm bảo sự đoàn kết nội bộ trong nhân dân, hài hòa các mối quan hệ từ gia đình, họ hàng đến xã hội. Thực tiễn cho thấy rất nhiều tranh chấp dân sự nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có thể chuyển thành vụ án hình sự.

Kết luận chương 1

Trong Chương 1, Luận văn đã tập trung nghiên cứu và làm rõ một số vấn đề lý luận và pháp luật về hợp đồng bảo lãnh cũng như giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh tại Tòa án. Trên cơ sở tìm hiểu các quy định của pháp luật, tác giả đã đưa ra được khái niệm và một số đặc điểm cơ bản của hợp đồng bảo lãnh, nghiên cứu về chủ thể, đối tượng, phạm vi, hình thức, hiệu lực và các căn cứ chấm dứt của hợp đồng bảo lãnh. Điểm nổi bật nhất khi nghiên cứu về hợp đồng bảo lãnh đó là tác giả đã trình bày quan điểm của mình về tính chất đối nhân triệt để của bảo lãnh và quy định “sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

Bên cạnh đó, tác giả cũng nêu được khái niệm, đặc điểm cơ bản của tranh chấp hợp đồng bảo lãnh và giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh. Đồng thời xác định thẩm quyền của TAND các cấp và những nguyên tắc giải quyết tranh chấp đối với loại hợp đồng này.

Việc giải quyết bất cứ tranh chấp nào, trong đó có tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh mang lại những ý nghĩa thiết thực ở nhiều phương diện: kinh tế, chính trị và xã hội. Do đó, việc nghiên cứu một số vấn đề lý luận và pháp luật về hợp đồng bảo lãnh cũng như giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng bảo lãnh thực sự cần thiết và là tiền đề để tác giả có cơ sở đánh giá thực tiễn giải quyết những tranh chấp cụ thể về loại hợp đồng này tại Chương 2 của Luận văn này.

Chương 2

THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH

Một phần của tài liệu Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh theo quy định của pháp luật dân sự việt nam (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)