Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
2.4. Nguyên nhân phát sinh tranh chấp hợp đồng bảo lãnh
Nguyên nhân khách quan đầu tiên phải kể đến đó là sự tác động của nền kinh tế thị trường. Chính sách mở cửa và hội nhập, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước không ngừng phát triển và mở rộng lĩnh vực hoạt động, hội nhập với nền kinh tế thế giới nhằm thu hút nguồn vốn, công nghệ và trình độ khoa học – kĩ thuật tiên tiến của nước ngoài. Trong quá trình hoạt động, yếu tố rủi ro luôn tiềm ẩn. Nhiều doanh nghiệp mặc dù đứng ra bảo lãnh nhưng khi làm ăn kinh doanh thua lỗ mất khả năng thanh toán dẫn đến việc không thực hiện được nghĩa vụ bảo lãnh của mình.
Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cũng thường xuất phát do hợp đồng bảo lãnh thường có giá trị lớn, liên quan tới lợi ích kinh tế và rất phức tạp, có thể kể đến như tranh chấp trong hoạt động bảo lãnh ngân hàng. Bảo lãnh là một trong những nghiệp vụ cấp tín dụng của ngân hàng, là hoạt động thường xuyên, mang tính lợi nhuận nên những chứng thư bảo lãnh do các ngân hàng phát hành thường có giá trị bảo lãnh có thể lên đến hàng tỷ đồng. Hơn nữa, từ một hợp đồng có nghĩa vụ chính ban đầu, các bên có thể sửa đổi, bổ sung hoặc kí thêm nhiều phụ lục hợp đồng nên cũng có thể dẫn đến việc có nhiều chứng thư bảo lãnh được phát hành nhiều lần để phù hợp với hợp đồng chính. Từ đó, khi đã có mâu thuẫn xảy ra thì thường rất phức tạp, việc giải quyết tranh chấp không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, nhiều quy định của pháp luật còn chưa được hiểu thống nhất, dẫn đến cách hiểu của mỗi bên khác nhau nhằm bảo vệ cho quyền và lợi ích của mình, từ đó nảy sinh những bất đồng mâu thuẫn và đi đến tranh chấp.
2.4.2. Nguyên nhân chủ quan
Ý thức pháp luật của các bên tham gia ký kết hợp đồng bảo lãnh là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tranh chấp. Biểu hiện của nguyên nhân này là việc không tuân thủ pháp luật của các chủ thể khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng. Khi xác lập bất cứ một quan hệ hợp đồng nào thì các bên cũng phải tuân thủ các điều kiện cứng mà pháp luật quy định, tuy nhiên trong quá trình thực hiện hợp đồng các bên lại vi phạm quy định của pháp luật:
bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định, bên nhận bảo lãnh yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi chưa đến hạn…
Sự “bội tín” của các bên cũng là nguyên nhân khiến tranh chấp xảy ra.
Hợp đồng bảo lãnh cũng như tất cả các loại hợp đồng khác đều có bản chất xuất phát từ sự tự do ý chí, tự nguyên thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng một hoặc các bên lại không thực hiện đúng với những gì đã thỏa thuận và có hành vi xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của bên còn lại. Khi những hành vi này xảy ra thì quyền lợi của bên kia sẽ bị xâm phạm, dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng là nguyên nhân chính xảy ra tranh chấp giữa các bên để đòi lại quyền lợi của mình.
Bên cạnh đó, do thiếu am hiểu pháp luật, nhiều người chỉ vì quen biết hoặc chút lợi nhuận đã dùng tài sản của mình để bảo lãnh cho các doanh nghiệp thế chấp vay vốn tại các ngân hàng. Đến khi các doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ, không có khả năng trả nợ, những tài sản bảo đảm của bên bảo lãnh đã bị các ngân hàng xử lý để trả nợ thay cho các doanh nghiệp. Một vụ việc cụ thể như: Tháng 5/2011, do cần tiền vốn để làm ăn nên anh Hợp tìm cách vay bạn bè, anh em nhưng không được. Bất ngờ sau đó, một người bạn của anh Hợp là chủ doanh nghiệp Ánh Tùng đồng ý cho vay. Người bạn này nói với anh Hợp là anh chỉ cần đưa "sổ đỏ" thửa đất mà gia đình anh đang sử dụng là vay được tiền.
Tin bạn, anh Hợp đã mang sổ đỏ của thửa đất 201m2 mà gia đình anh đang sử dụng cho bạn để vay tiền. Một vài ngày sau, bạn anh Hợp đưa người đến xác định giá trị tài sản và làm các thủ tục để anh Hợp vay tiền. Theo yêu cầu và hướng dẫn của những người đến làm thủ tục, anh Hợp đã ký biên bản định giá tài
sản và sau đó là cả hợp đồng thế chấp tài sản mà không biết anh đã mang khối tài sản trị giá nhất của cả gia đình để thế chấp và bảo lãnh cho doanh nghiệp Ánh Tùng vay vốn.
Khoảng 5 tháng sau, anh Hợp đề nghị trả tiền lấy lại sổ đỏ. Lúc này, người "bạn tốt" mới bảo anh Hợp đưa 300 triệu đồng thì sẽ nhận lại được sổ.
Tiếp tục tin lời bạn, anh Hợp đã mang 300 triệu đồng trả cho ngân hàng. Sau khi đã trả tiền xong xuôi, theo lời bạn anh Hợp ra Chi nhánh Quang Trung ngân hàng Công thương Việt Nam để nhận lại sổ đỏ đã thế chấp. Nhưng câu trả lời anh nhận được là "sổ đỏ" nhà anh đã được thế chấp để bảo lãnh cho khoản nợ 2,8 tỷ đồng của Công ty Ánh Tùng. Lúc này anh Hợp mới biết mình đã bị lừa dối50.
Nhiều trường hợp người dân đã ký vào những văn bản có giá trị pháp lý chắc chắn như hợp đồng thế chấp, biên bản định giá tài sản nhưng bản thân họ không hiểu hết vì không được giải thích cặn kẽ về nội dung các văn bản này.
Phía người đi vay tiền thì cố tình che giấu thông tin nên người có tài sản không thể hiểu hết bản chất của giao dịch mà họ đã ký. Nếu phía ngân hàng và công chứng cũng lờ đi việc giải thích nội dung các văn bản này và hậu quả của việc ký văn bản thì sẽ dẫn đến trường hợp, những kẻ xấu lợi dụng hợp đồng như trên để rút tiền của ngân hàng rồi bỏ mặc ngân hàng đi đòi nợ người dân.
Bên cạnh đó, hiệu quả công tác xét xử của Tòa án khi giải quyết những tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh còn chưa cao. Thực tế cho thấy đội ngũ cán bộ làm công tác xét xử còn hạn chế về năng lực giải quyết các vụ tranh chấp lớn, phức tạp dẫn đến việc giải quyết nhiều vụ án phải kéo dài, kháng cáo, kháng nghị nên phải xét xử đi xét xử lại nhiều lần. Thực trạng tiêu cực trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn còn tồn tại bởi một số cán bộ không thực hiện đúng trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp, dẫn tới việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của một bên đương sự.
50 Bình Minh (2014), “Cạm bẫy “bọc đường” phía sau những vụ mượn sổ đỏ, Ngân hàng “dính đòn””, http://baophapluat.vn/doanh-nghiep/cam-bay-boc-duong-phia-sau-nhung-vu-muon-so-do-nhieu-ngan-hang- dinh-don-200094.html, ngày truy cập 20/8/2018.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn chưa được thực hiện đồng bộ ở khắp các vùng miền trên đất nước. Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa thường xuyên, chặt chẽ.
Hình thức phổ biến pháp luật cũng chưa đa dạng, phong phú; phương tiện kỹ thuật, thiết bị hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ thực hiện tuyên truyền pháp luật đa số hoạt động kiêm nhiệm nên hiệu quả công việc chưa cao, chưa được thường xuyên bồi dưỡng về kỹ năng cũng như cập nhật kiến thức pháp luật. Vì vậy, sự hiểu biết pháp luật của người dân còn hạn chế nên dẫn đến những hành vi vi phạm, từ đó xảy ra tranh chấp.
Kết luận chương 2
Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là một loại tranh chấp khá phức tạp nhưng đang diễn ra ngày càng phổ biến. Trong Chương 2, tác giả đã tìm hiểu một số dạng tranh chấp hợp đồng bảo lãnh thường gặp như tranh chấp về chủ thể, đối tượng, phạm vi bảo lãnh, tranh chấp về bản chất và căn cứ chấm dứt hợp đồng bảo lãnh; đồng thời tập trung phân tích, đánh giá những tranh chấp cụ thể cũng như việc giải quyết tranh chấp đó tại TAND.
Có thể nói, tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là một hiện tượng tất yếu khách quan, có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình thực hiện các nội dung của hợp đồng. Một số nguyên nhân dẫn đến tranh chấp hợp đồng bảo lãnh có thể kể đến như: nguyên nhân khách quan: do tác động của nền kinh tế thị trường, hợp đồng bảo lãnh thường có giá trị kinh tế lớn, một số quy định trong các văn bản pháp luật liên quan tới hợp đồng bảo lãnh còn chưa rõ ràng, thống nhất;
nguyên nhân chủ quan: xuất phát từ chính các bên tham gia hợp đồng (sự “bội tín”, thiếu hiểu biết pháp luật…), công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa thực sự hiệu quả.
Việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh trong nhiều trường hợp liên quan tới rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật nội dung như BLDS, Luật Đất đai, Luật Thương mại, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng… Bằng việc tìm hiểu và sử dụng các tư liệu thực tiễn để phân tích, bình luận; tác giả đã đánh giá được kết quả giải quyết một số tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cụ thể.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh cho thấy kết quả giải quyết của nhiều vụ án không thống nhất giữa các cấp TAND, việc áp dụng pháp luật của cơ quan xét xử còn chưa chính xác… Bên cạnh đó, tác giả cũng tìm hiểu được một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn khi áp dụng pháp luật để giải quyết loại tranh chấp này. Do đó, Chương 2 thực sự có ý nghĩa quan trọng, là phần trọng tâm của Luận văn và là tiền đề cho việc nghiên cứu, đưa ra những kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật dân sự; bên cạnh đó là những kiến nghị thực tiễn để đáp ứng việc thực thi pháp luật đồng bộ, có hiệu quả, đảm bảo việc giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh được chính xác, khách quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.