Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cụ thể
2.2.4. Giải quyết tranh chấp về bản chất của hợp đồng
Trường hợp người thứ ba trong một quan hệ nghĩa vụ dân sự đưa tài sản của mình ra để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hiện nay rất phổ biến. Ở đây, cần xác định quan hệ giữa người đưa tài sản ra bảo đảm và bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ là quan hệ gì? Hợp đồng giữa các bên là hợp đồng thế chấp hay bảo lãnh?
Tóm tắt vụ án 1:
Do thân quen nên gia đình ông Văn nhờ vợ chồng ông Quang bảo lãnh để gia đình ông Văn vay tiền của ngân hàng MB chi nhánh Quảng Ngãi. Ngày 24/4/2009, các bên đã ký Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất (QSDĐ) của bên thứ ba và thực hiện công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật. Đến hạn, do vợ chồng ông Văn đã không trả được nợ, ngân hàng MB yêu cầu kê biên tài sản là QSDĐ của vợ chồng ông Quang để trả nợ thay cho vợ chồng ông Văn. Tuy nhiên, vợ chồng ông Quang kiện ra Tòa yêu cầu xem xét lại hợp đồng vì vợ chồng ông không vay tiền, không có quyền lợi nào cả nhưng đã ký hợp đồng thế chấp, phải trực tiếp chịu toàn bộ nghĩa vụ và nghĩa vụ không giới hạn đối với các khoản nợ của MB chứ không phải chịu trách nhiệm của người bảo lãnh.
Bản án sơ thẩm số 26/2011/KT-ST ngày 5/8/2011 của TAND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng cho rằng “hợp đồng phản ánh toàn bộ nghĩa vụ của vợ chồng ông Quang như người trực tiếp thiếu nợ ngân hàng MB, không có quy định nào thể hiện cụ thể tính chất của bảo lãnh theo quy định của pháp luật. Đây là việc làm không đúng pháp luật của các bên, dễ bị nhầm lẫn. Đáng lẽ ra các bên phải ký
kết hợp đồng bảo lãnh, quy định rõ mức độ quyền lợi và nghĩa vụ của từng bên, quy định rõ thời điểm chuyển giao quyền và nghĩa vụ, thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh, rồi mới quy định thế chấp QSDĐ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bảo lãnh. Nhưng các bên không thực hiện, đã vi phạm các quy định của Bộ Luật Dân sự tại các Điều 361, 362, 364, 366”.
BLDS năm 2005 quy định, giao dịch dân sự có biện pháp bảo đảm bằng hình thức thế chấp và hình thức bảo lãnh riêng biệt từng mục. Luật Đất đai năm 2003 có quy định có hình thức bảo lãnh QSDĐ, thế chấp QSDĐ của bên thứ ba, nhưng đó là quy định điều chỉnh mối quan hệ sử dụng đất. Các bên xác lập hợp đồng tín dụng là hợp đồng chính, đây là quan hệ dân sự - kinh doanh thương mại. Hợp đồng thế chấp là hợp đồng phụ có liên quan đến QSDĐ, các bên vừa phải tuân theo các quy định của BLDS, Luật Thương mại, vừa tuân theo các quy định về QSDĐ của Luật Đất đai và các luật chuyên ngành liên quan khác; các bên đã không thực hiện đúng quy định của pháp luật về dân sự - kinh doanh thương mại.
Đối với Hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba đã chứng thực và đăng ký giao dịch bảo đảm, Thẩm phán cho rằng, trong thực tế không thi hành được vì quyền lợi và nghĩa vụ của các bên: bảo lãnh, được bảo lãnh, nhận bảo lãnh chưa cam kết cụ thể theo đúng quy định của pháp luật đối với hình thức bảo lãnh, sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, nhất là bên bảo lãnh. Hơn nữa, Hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba, các bên không đề cập đến tài sản gắn liền trên đất… nên không thể nào xử lý được riêng biệt tài sản thế chấp là QSDĐ đã có nhà kiên cố gắn liền. Vì thế, Hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba cần được tuyên bố vô hiệu.
Tại phiên Tòa phúc thẩm sau đó, Thẩm phán - chủ tọa phiên tòa cũng đã bác kháng cáo của MB, tuyên Hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba là vô hiệu và yêu cầu MB trả lại Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình ông Quang37.
37 Dương Công Chiến (2012), “Hậu họa khi hợp đồng thế chấp bị tuyên vô hiệu”, http://thoibaonganhang.vn/hau-hoa-khi-hop-dong-the-chap-bi-tuyen-vo-hieu-bai-2-7080.html, ngày 23/8/2018.
Một vụ việc tương tự khác cũng xảy ra và có quan điểm khác nhau giữa các cấp TAND.
Tóm tắt vụ án 2:
Năm 2007, Ngân hàng Thương mại Cổ phần K. ký hợp đồng cho cơ sở sản xuất gỗ B. vay 5 tỉ đồng trong hai năm. Để bảo đảm cho khoản vay, bên thứ ba là ông NVH đã đứng tên “thế chấp, bảo lãnh” căn nhà của ông tại quận 3 (TP.HCM) trong hợp đồng tín dụng. Sau đó, cơ sở B. không trả nợ nên bị Ngân hàng K. kiện ra TAND TP.HCM yêu cầu phải thanh toán cả nợ gốc lẫn lãi, trường hợp không thanh toán được thì xử lý căn nhà của ông H.
Tháng 11-2011, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã buộc cơ sở B. phải trả nợ cho Ngân hàng K. Tuy nhiên, Tòa không chấp nhận yêu cầu xử lý nhà của ông H. bởi theo tòa, hợp đồng thế chấp giữa ông H. với ngân hàng vô hiệu vì trường hợp này không phải là thế chấp mà là bảo lãnh.
Tháng 4-2012, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng K. Theo tòa, hợp đồng mà ông H. ký với ngân hàng có tên là “hợp đồng thế chấp, bảo lãnh”. Hợp đồng này nhằm bảo đảm cho khoản vay của cơ sở B. với ngân hàng nên nó là hợp đồng thế chấp chứ không phải là hợp đồng bảo lãnh như cấp sơ thẩm nhận định. Từ đó, Tòa kết luận hợp đồng này hợp pháp, có hiệu lực chứ không vô hiệu38.
Đối với vụ án này, tác giả cho rằng chính cái tên “hợp đồng thế chấp, bảo lãnh” không rõ ràng giữa cơ sở B. với Ngân hàng K. là nguyên nhân dẫn đến sự nhận định khác nhau giữa các cấp tòa. Cấp sơ thẩm cho rằng đó phải là hợp đồng bảo lãnh, cấp phúc thẩm lại xác định đó là hợp đồng thế chấp.
Quan điểm của tác giả:
Đối với hai vụ án trên, có những quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ án như sau:
38 Hoàng Yến (2012), “Xử án tín dụng: Rối chuyện thế chấp, bảo lãnh”, https://vietstock.vn/2012/08/xu-an- tin-dung-roi-chuyen-the-chap-bao-lanh-757-232502.htm, ngày 23/8/2018.
Thứ nhất, công nhận quan hệ hợp đồng giữa các bên là hợp đồng thế chấp và khi người có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì người có quyền có thể xử lý ngay tài sản của người thứ ba. Quan điểm này dựa trên các căn cứ:
Một là, Điều 361 BLDS năm 2005 chỉ quy định bảo lãnh là cam kết của bên bảo lãnh về việc thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh. Tức là không hề có tài sản kèm theo.
Hai là, rất nhiều văn bản hướng dẫn lúc đó quy định chuyển „bảo lãnh bằng QSDĐ” thành “thế chấp QSDĐ” của người thứ ba như: khoản 1 Điều 31 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai (Nghị định số 84/2007/NĐ-CP); khoản 4 Điều 72 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, khoản 2 Mục 2 Thông tư Liên tịch số 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT/BTP- BTNMT ngày 16 tháng 6 năm 2005 hướng dẫn việc đăng ký thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;
khoản 1 Mục I Thông tư Liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường Hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Như vậy, quy định tại các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư Liên tịch của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường được dẫn chiếu nêu trên đã quy định rõ: Hợp đồng bảo lãnh bằng QSDĐ của bên thứ ba được chuyển thành hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba. Theo đúng tinh thần của BLDS năm 2005, các cơ quan công chứng và đăng ký thế chấp chỉ chấp nhận hợp đồng thế chấp, chứ không chấp nhận hợp đồng bảo lãnh bằng tài sản nói chung và bằng bất động sản nói riêng. Điều này khẳng định rằng, hợp đồng thế chấp QSDĐ của bên thứ ba được ký kết giữa bên thế chấp và bên nhận thế chấp là hoàn toàn có cơ sở pháp lý và phù hợp với quy định của pháp luật lúc đó.
Tuy nhiên tác giả cho rằng quan điểm này chưa thực sự hợp lý bởi trong quan hệ hợp đồng, bên thứ ba khi dùng tài sản của mình đều nói để “bảo lãnh”
cho các khoản vay của bên có nghĩa vụ. Hơn nữa, ở vụ án thứ hai, hợp đồng được kí kết là hợp đồng thế chấp – bảo lãnh, tức là bên thứ ba thể hiện ý chí đứng ra bảo lãnh cho bên có nghĩa vụ, sau đó mới dùng QSDĐ của mình để thế chấp cho ngân hàng.
Thứ hai, tuyên bố hợp đồng thế chấp vô hiệu và cho rằng các bên phải kí kết hợp đồng bảo lãnh mới đúng. Quan điểm này dựa trên lý luận thế chấp chỉ là quan hệ hai bên, còn bảo lãnh mới là quan hệ ba bên. Do đó các bên phải kí kết hợp đồng với tên gọi chính xác là hợp đồng bảo lãnh.
Với cách giải quyết này, tác giả cho rằng có phần hơi cứng nhắc. Nếu chỉ dựa vào số lượng chủ thể để phân biệt đó là quan hệ thế chấp hay bảo lãnh thì chưa đầy đủ mà còn phải căn cứ vào bản chất của quan hệ đó, tức là nội dung và khách thể của quan hệ. Đối với giao dịch dân sự, cơ quan xét xử cần tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự thỏa thuận giữa các bên, tên gọi của hợp đồng không phải là yếu tố then chốt, vì bản chất của giao dịch mới là quan trọng. Tùy thuộc vào nội dung thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ của các bên để nhận diện đó là quan hệ bảo lãnh hay thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của người khác. Trường hợp cam kết thực hiện nghĩa vụ thay và dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì phải xác định đó là quan hệ bảo lãnh, còn trường hợp các bên thỏa thuận bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của chính bên có nghĩa vụ thì phải xác định đó là quan hệ thế chấp.
Thứ ba, quan điểm này theo hướng không tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng vẫn thừa nhận bản chất của hợp đồng là hợp đồng bảo lãnh, người thứ ba là người bảo lãnh và đến lượt nghĩa vụ bảo lãnh lại được bảo đảm bằng thế chấp tài sản của người bảo lãnh. Do đó, khi người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ của mình, người thứ ba phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh và chỉ khi người bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì mới có thể xử lý tài sản của họ.
Chẳng hạn, theo Bản án số 35/2010/KDTM-PT ngày 14/7/2010 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, “về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, căn cứ thoả thuận của bên vay là bà Hải, bên bảo lãnh là ông Minh và bà Lập với bên nhận bảo lãnh là Ngân hàng tại hợp đồng thế chấp số 3226/2006
ngày 06/4/2006 và phụ lục hợp đồng số 01-3226/2006 ngày 02/10/2007 thì ông Minh và bà Lập đã dùng tài sản là quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại K30/3 (38/1 cũ) Trần Phú có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất ở do UBND thành phố Đà Nẵng cấp ngày 07/8/2000 để bảo lãnh cho bà Hải vay số tiền trên. Bản án sơ thẩm căn cứ quy định tại Điều 369 Bộ luật Dân sự, chấp nhận yêu cầu của ngân hàng về xử lý tài sản bảo đảm; trong trường hợp bà Hải không thanh toán được số nợ trên thì phát mãi tài sản bảo lãnh nói trên để ngân hàng thu hồi nợ là có căn cứ và đúng pháp luật”39.
Hướng xử lý thứ ba nêu trên là thuyết phục và đã được Tòa án nhân dân tối cao áp dụng40. Theo tác giả, cách giải quyết này hợp tình hợp lý hơn so với hai cách giải quyết nêu trên bởi: vừa đảm bảo nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận của các bên khi kí kết hợp đồng, không trái ý chí tự nguyện chỉ vì tên gọi của hợp đồng chưa chính xác; vừa tránh cho các cơ quan công chứng, chứng thực, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất khỏi nguy cơ bị khởi kiện khi các cơ quan này đã thực hiện công chứng, chứng thực, đăng ký thế chấp theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Hơn nữa, cách giải quyết này cũng góp phần ổn định các mối quan hệ kinh tế - xã hội bởi nếu tuyên vô hiệu sẽ biến các khoản vay của ngân hàng từ có bảo đảm thành không có bảo đảm, gây thiệt hại lớn cho bên có quyền.
Các ngân hàng ký hợp đồng thế chấp thay vì hợp đồng bảo lãnh cũng có lý do chính đáng, bởi nếu ký hợp đồng bảo lãnh thì không thể công chứng, không thể đăng ký giao dịch bảo đảm. Do đó mặc dù bản chất là bảo lãnh nhưng lại phải kí dưới tên hợp đồng thế chấp – bảo lãnh hoặc hợp đồng thế chấp nhưng lồng vào hợp đồng các nội dung về bảo lãnh.
Hướng giải quyết thứ ba này cũng đã được luật hóa trong BLDS năm 2015 thông qua quy định theo đó “các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh” (khoản 3 Điều
39 Đỗ Văn Đại (2016), “Thực trạng giải quyết tranh chấp tín dụng tại Việt Nam: Kinh nghiệm xử lý và những điểm cần lưu ý”, http://viac.vn/an-pham/toa-dam-xu-ly-tranh-chap-tin-dung-tai-toa-an-va-trong-tai- a532.html, ngày truy cập 17/8/2018.
40 Đỗ Văn Đại (2014), Luật nghĩa vụ dân sự và bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Chính trị Quốc gia, phần Bản án số 154-156.
336). Ở đây, nghĩa vụ chính được bảo đảm bởi nghĩa vụ bảo lãnh và đến nghĩa vụ bảo lãnh lại được bảo đảm bởi biện pháp bảo đảm bằng tài sản của người bảo lãnh (thông thường là biện pháp thế chấp hoặc cầm cố).
Như vậy với quy định của BLDS năm 2015 như hiện nay, ngân hàng có thể trở lại tên gọi trước đây cho những hợp đồng bảo đảm của bên thứ ba là hợp đồng bảo lãnh – thế chấp, hợp đồng bảo lãnh – cầm cố. Điều này sẽ tránh cho ngân hàng rủi ro pháp lý về tên gọi của hợp đồng bảo đảm tiền vay.