Chương 1: MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG BẢO LÃNH
2.2. Thực tiễn áp dụng pháp luật giải quyết các tranh chấp hợp đồng bảo lãnh cụ thể
2.2.1. Giải quyết tranh chấp về chủ thể của hợp đồng bảo lãnh
Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (sau đây gọi là VVF) mua trái phiếu doanh nghiệp qua chứng thư bảo lãnh thanh toán do Phó tổng giám đốc SeaBank ký phát hành, đóng dấu hội sở. Theo nội dung thư bảo lãnh này, SeaBank cam kết nếu tổ chức phát hành là Tập đoàn Vina Megastar không thanh toán khi đến hạn, thì SeaBank sẽ thanh toán trong một ngày làm việc sau khi nhận được văn bản yêu cầu từ bên thanh toán.
Khi trái phiếu của Tập đoàn Vina Megastar đã đến hạn, nhưng công ty này không thực hiện việc thanh toán cả gốc và lãi cho VVF. Căn cứ thư bảo lãnh phát hành ngày 24/10/2011 của SeABank, VVF yêu cầu SeABank phải thực hiện nghĩa vụ của bên bảo lãnh, cụ thể là thanh toán tiền gốc và lãi của số tiền 150 tỷ đồng.
Chứng thư bảo lãnh được phát hành ngày 24/10/2011, do bà Nguyễn Thị Hương Giang - là Phó tổng giám đốc SeABank ký, bảo lãnh phát hành trái phiếu cho Tập đoàn Vina Megastar. Yêu cầu của VVF và đại diện pháp lý - Văn phòng luật sư Nam Hà Nội không được SeABank chấp nhận, với lý do chứng thư bảo lãnh này trái pháp luật. Cụ thể, SeABank cho rằng, việc bà Giang ký bảo lãnh phát hành trái phiếu là không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật và quy định của SeABank với những lý do sau:
- Ngày 24/10/2011, bà Lê Thu Thủy, quyền Tổng giám đốc SeABank ký giấy ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Hương Giang được ký chứng thư bảo lãnh đối với đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Vina Megastar cho VVF. Giấy ủy quyền nêu rõ, việc ký thư bảo lãnh phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và quy định của SeABank.
- Theo Quyết định số 693/2011/QĐ-HĐQT ngày 16/5/2011 của HĐQT Ngân hàng về phân quyền phán quyết đối với Hội đồng tín dụng Hội sở và Ban tổng giám đốc, thì Tổng giám đốc được phê duyệt các giao dịch với khách hàng của SeABank, trong đó có việc phê duyệt, ký chứng thư bảo lãnh (bao gồm cả bảo lãnh phát hành trái phiếu) với mức tối đa không quá 30 tỷ đồng. Đối với các khoản vay, bảo lãnh, mở thư tín dụng có hạn mức từ trên 30 tỷ đồng sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng tín dụng và trên 70 tỷ đồng sẽ phải được sự phê duyệt của HĐQT. Như vậy, bà Giang với cương vị là Phó tổng giám đốc và được bà Thủy ủy quyền thì được ký chứng thư bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Giang ký chứng thư bảo lãnh nêu trên với số tiền bảo lãnh 150 tỷ đồng mà chưa có sự phê duyệt của HĐQT Ngân hàng.
- Ngoài ra, theo Quyết định số 503/2007/QĐ-HĐQT ngày 12/11/2007 của HĐQT SeABank ban hành Quy chế bảo lãnh của SeABank và Quyết định 3505/2011/QĐ-TGĐ ngày 18/8/2011 của Tổng giám đốc SeABank, thì việc phát hành chứng thư bảo lãnh phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ gồm: hồ sơ đề nghị bảo lãnh của khách hàng, hợp đồng cấp bảo lãnh và qua các cấp phê duyệt của người có thẩm quyền. Sau khi có các tài liệu trên, người được giao quyền của SeABank mới được ký chứng thư bảo lãnh. Nhưng trong hồ sơ quản lý hiện tại của SeABank liên quan đến chứng thư bảo lãnh ngày 24/10/2011 do bà Nguyễn Thị Hương Giang ký, thì Ngân hàng không có hồ sơ đề nghị bảo lãnh và hợp đồng cấp bảo lãnh với Tập đoàn Vina Megastar, giao dịch bảo lãnh cho Tập đoàn Vina Megastar không tồn tại trong hệ thống quản lý của SeABank. Do đó, SeABank cho rằng, việc bà Giang ký chứng thư bảo lãnh phát hành trái phiếu cho VVF là vượt thẩm quyền và không đúng quy định của Ngân hàng. Do vậy, chứng thư bảo lãnh là vô hiệu và SeABank không chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với chứng thư bảo lãnh trái pháp luật này.
Về lý do từ chối bảo lãnh của SeABank, phía VVF cho rằng:
- Trong trường hợp này không thể đổ lỗi cho cá nhân bà Giang, vì trong chứng thư bảo lãnh có con dấu của SeABank.
- Trong giấy ủy quyền của quyền Tổng giám đốc SeABank đã nêu rất rõ là bà Giang được ký chứng thư bảo lãnh đối với đợt phát hành trái phiếu của Tập đoàn Vina Megastar cho VVF”. Trong giấy ủy quyền, ngay nội dung thứ nhất có nêu rõ “Bên B (bà Giang) thay mặt bên A (bà Thủy) ký chứng thư bảo lãnh cho trái phiếu do Vina Megastar phát hành theo hợp đồng đặt mua trái phiếu số…
với giá trị 150 tỷ cho bên thụ hưởng là VVF”29.
Như vậy vấn đề được đặt ra trong vụ án này bà Giang có phải là người có thẩm quyền được kí chứng thư bảo lãnh hay không và quy định về hạn mức kí chứng thư bảo lãnh của SeABank có ảnh hưởng tới hiệu lực của chứng thư bảo lãnh không?
Quan điểm của tác giả:
Trước hết cần khẳng định rằng thời điểm bà Lê Thu Thủy giữ chức vụ Quyền Tổng giám đốc SeABank, ủy quyền cho bà Giang ký chứng thư bảo lãnh là hoàn toàn hợp pháp. Căn cứ điểm b, khoản 1 Điều 12 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì bà Thủy được xác định là người đại diện theo pháp luật của SeABank; và theo khoản 1 Điều 143 BLDS năm 2005: “Cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể uỷ quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Do đó, việc ủy quyền của bà Thủy là hợp pháp và bà Giang được xác định là người đại diện theo ủy quyền.
Đối với quy định về hạn mức ký chứng thư bảo lãnh đối với Phó TGĐ được ký chứng thư bảo lãnh không quá 30 tỷ đồng, còn các khoản trên 70 tỷ đồng phải được sự phê duyệt của HĐQT:
29 Anh Việt (2012), “SeABank từ chối thanh toán bảo lãnh của Tài chính Vietel – Vinaconex”, https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/seabank-tu-choi-thanh-toan-bao-lanh-cua-tai-chinh-vietelvinaconex- 21607.html, ngày 25/8/2018.
- Theo Quyết định số 693/2011/QĐ-HĐQT của SeABank: Hạn mức bảo lãnh mà bà Thủy (Tổng giám đốc) được ký là 30 tỷ đồng, bà Thủy viết giấy ủy quyền cho bà Giang nên phạm vi ủy quyền cũng chỉ tối đa là 30 tỷ đồng.
- Việc bà Giang ký chứng thư bảo lãnh với giá trị bảo lãnh 150 tỷ đồng tức là vượt quá phạm vi đại diện được ủy quyền. Phần vượt quá phạm vi đại diện là 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hạn mức ký chứng thư bảo lãnh là bao nhiêu thuộc về quy định nội bộ của ngân hàng, nếu ngân hàng không cung cấp thông tin thì khách hàng không thể biết được điều này. Hơn nữa, chứng thư bảo lãnh đã có dấu đỏ của SeABank, và VVF chỉ căn cứ vào con dấu hợp pháp này. Một văn bản đã có chữ ký của lãnh đạo và có con dấu đỏ tức là phải trải qua quá trình kiểm duyệt và các quy trình, thủ tục của phía ngân hàng, việc SeABank chối bỏ và cho rằng chứng thư bảo lãnh được ký sai quy trình do ngân hàng này quy định là không hợp lý bởi khách hàng không thể và không có trách nhiệm kiểm tra quy trình ký cũng như đóng dấu văn bản của ngân hàng. Do đó, phía VVF không thể biết được.
Như vậy, chứng thư bảo lãnh do bà Giang ký về mặt pháp lý được coi là vượt quá phạm vi đại diện nhưng SeABank đã biết mà không phản đối. Theo khoản 1 Điều 146 BLDS năm 2005 thì: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối…”. Đồng thời, theo khoản 1 Điều 93 BLDS năm 2005, pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân. Do đó, SeABank hoàn toàn phải chịu trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với VVF, kể cả với phần giá trị vượt quá phạm vi đại diện.
Vấn đề nhân viên của SeABank có lợi dụng chức vụ quyền hạn để cố ý làm trái quy định hay không thì phải phụ thuộc vào việc điều tra và có thể liên quan tới vụ án hình sự hoặc trách nhiệm bồi hoàn của cá nhân làm sai mà không thuộc phạm vi tranh chấp trong vụ án này.
Hiện nay, hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện theo quy định của BLDS năm 2015 đã được quy định thêm trường hợp: Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện30. Như vậy, đối chiếu với vụ án trên ta thấy có thêm căn cứ rằng nếu SeABank không cung cấp hoặc cố tình không cung cấp quy định nội bộ về hạn mức ký chứng thư bảo lãnh thì ngân hàng này được xác định là có lỗi trong việc khiến VFF không biết hoặc không thể biết về việc bà Giang ký chứng thư bảo lãnh vượt quá hạn mức được phép.