Chương 5: THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
5.4. Hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo
Bên cạnh những kết quả đạt được, nghiên cứu còn bộc lộ một vài giới hạn nghiên cứu, từ những giới hạn này tác giả đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo:
Thứ nhất, ý định lựa chọn điểm đến của du khách bị tác động bởi nhiều nhân tố, cần bổ sung thêm các nhân tố ví dụ như tinh thần yêu nước, tính cách điểm đến, lý thuyết chấp nhận sử dụng công nghệ … để đo lường đầy đủ hơn các nhân tố tác động trong mối quan hệ giữa truyền miệng điện tử và ý định lựa chọn điểm đến trong nước
Thứ hai, Về không gian nghiên cứu, tác giả tiến hành khảo sát đối tượng là thế hệ thiên niên kỷ sinh sống và làm việc tại nội và ngoại thành Hà Nội, có thể chưa đại diện cho tổng thể thế hệ thiên niên kỷ Việt Nam. Mặc dù Hà Nội là thủ đô của Việt Nam, có lượng người thuộc nhóm năm sinh từ 1980 đến 2000 lớn, tiếp cận internet đông đảo, nhưng kết quả của luận án có thể có một số khác biệt khi áp dụng tại các địa phương khác của Việt Nam. Các nghiên cứu tiếp theo nên mở rộng phạm vi, so sánh các địa phương khác nhau trên toàn đất nước Việt Nam như vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long,…
Thứ ba, Về đối tượng nghiên cứu, mẫu chỉ tập trung vào thế hệ thiên niên kỷ, nhưng hiện nay thế hệ Z (những người sinh ra khoảng những năm 2000 đến năm 2015) cũng đã có quyền quyết định cho chuyến đi của mình. Thế hệ Z được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ nên họ hiểu về công nghệ, sống nhanh và sống ảo. Họ lớn lên trong một thế giới siêu kết nối và điện thoại thông minh là phương thức liên lạc ưa thích của họ, có suy nghĩ và hành vi khác với thế hệ thiên niên kỷ. Do đó trong nghiên cứu tiếp theo có thể mở rộng nghiên cứu sự tác động của truyền miệng điện tử tới ý định đi du lịch của du khách thế hệ Z và so sánh với thế hệ thiên niên kỷ.
Thứ tư, Luận án sử dụng lý thuyết hành vi dự định là lý thuyết gốc, tuy đây là lý thuyết được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực hành vi tiêu dùng, nhưng các nghiên cứu sau có thể sử dụng thêm hoặc sử dụng và so sánh với các lý thuyết khác như: thuyết đạo đức marketing, lý thuyết rủi ro, thuyết giá trị,… để có cái nhìn đa chiều hơn.
Tóm lại, luận án đã hoàn thành các mục tiêu ban đầu đề ra. Với những kết quả đã đạt được, nghiên cứu một mặt cung cấp bằng chứng khoa học về truyền miệng điện tử, sự tương đồng và lý thuyết dự định hành vi, mặt khác cũng góp phần giải thích những thực tiễn trong mối quan hệ các nhân tố trên trong bối cảnh du lịch tại Việt Nam. Truyền miệng điện tử là một công cụ hữu hiệu cần được quan tâm hơn nữa nhằm thúc đẩy ý định đi du lịch trong nước của nhóm thế hệ thiên niên kỷ Việt Nam.
Với nghiên cứu này, tác giả hy vọng các nhà quản trị du lịch sẽ chú trọng hơn nữa về việc khuyến khích tăng cường những truyền miệng tích cực về du lịch trên internet vì đây là một phương thức đòi hỏi không nhiều nguồn lực, với chi phí thấp nhưng hiệu quả thì rất cao.
Tóm tắt chương 5
Chương 5 luận án đã thảo luận về những kết quả kiểm định trong chương 4.
Dựa trên các kết quả kiểm định giả thuyết và thảo luận, tác giả đã đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp mang tính hàm ý cho các nhà quản lý du lịch và các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm giúp cho du lịch trong nước phát triển, thu hút hơn với nhóm khách du lịch thiên niên kỷ Việt Nam. Tiếp theo, chương 5 trình bày một số hạn chế của luận án, từ đó NCS đã đề xuất một số hướng nghiên cứu tiếp theo nhằm mở rộng nội dung và phạm vi nghiên cứu.