Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả nhập khẩu

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường trung quốc của công ty tnhh ecoba công nghệ môi trường (Trang 26 - 29)

CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NHẬP KHẨU VÀ HIỆU QUẢ

2.2. Cơ sở lý luận về hiệu quả nhập khẩu

2.2.4. Các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả nhập khẩu

a. Môi trường kinh tế

Môi trường kinh tế ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhập khẩu và hiệu quả hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp thông qua các nhân tố:

Tỷ giá hối đoái và tỷ suất ngoại tệ hàng nhập khẩu: Tỷ giá hối đoái có tác động mạnh mẽ đến hoạt động nhập khẩu vì tính giá và thanh toán trong nhập khẩu phải dùng đến ngoại tệ. Tỷ giá hối đoái tăng sẽ hạn chế nhập khẩu và ngược lại. Tỷ suất ngoại tệ hàng nhập khẩu là số lượng bản tệ thu về khi phải chi ra một đơn vị ngoại tệ.

Tỷ suất ngoại tệ hàng nhập khẩu cũng có ảnh hưởng đến việc quyết định nhập khẩu hay không nhập khẩu một mặt hàng nào đó. Trên cơ sở so sánh tỷ suất ngoại tệ hàng nhập khẩu với tỷ giá hối đoái, doanh nghiệp sẽ xác định được mức lãi lỗ là bao nhiêu khi tiến hành nhập khẩu hàng hoá đó.

Các quan hệ kinh tế quốc tế: Hiện nay trên thế giới ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức kinh tế quốc tế như: ASEAN, APEC, WTO… Việc tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế này đều đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp nhập khẩu.

Nhờ có những sự hợp tác quốc tế như vậy làm gia tăng ưu đãi thương mại giữa các nước với nhau và giảm bớt hàng rào thuế quan. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, điều này giúp giảm chi phí và giảm giá bán hàng nhập khẩu, dẫn đến tăng doanh thu, tăng hiệu quả hoạt động nhập khẩu.

Sự phát triển của nền sản xuất trong và ngoài nước: Hoạt động nhập khẩu chịu sự tác động trực tiếp của tình hình sản xuất trong và ngoài nước. Sự phát triển của nền sản xuất trong nước tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với hàng nhập khẩu và có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu. Ngược lại, nếu sản xuất trong nước kém phát triển, không thể sản xuất ra những sản phẩm mang tính công nghệ kỹ thuật cao, thì nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng lên. Còn sự phát triển của nền sản xuất ở nước ngoài tạo ra những sản phẩm mới hơn, hiện đại hơn, có giá trị sử dụng cao hơn, hấp dẫn khách hàng hơn nên nó sẽ thúc đẩy nhập khẩu.

b. Môi trường chính trị

Hoạt động nhập khẩu thực chất là hoạt động kinh doanh đối ngoại giữa các quốc gia trên thế giới nhằm thu về lợi nhuận. Do đó, hoạt động này liên quan và chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường chính trị của các quốc gia tham gia. Môi trường chính trị ổn định sẽ tạo tiền đề cho hoạt động nhập khẩu ổn định và đạt hiệu quả cao. Ngược lại, môi trường chính trị không ổn định gây cản trở việc nhập khẩu hàng hóa, dẫn tới tình trạng thiếu hàng hóa, mất khách hàng tiềm năng, khả năng quay vòng vốn thấp, không đảm bảo số lượng và chất lượng của hàng hóa. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp.

c. Môi trường pháp luật và thể chế

Môi trường pháp luật trong hoạt động nhập khẩu hết sức phong phú và đa dạng.

Khi tham gia kinh doanh nhập khẩu, các doanh nghiệp không chỉ chịu sự chi phối của hệ thống pháp luật nước mình, mà còn chịu sự ảnh hưởng của hệ thống pháp luật quốc gia xuất khẩu, thậm chí là sự chi phối của các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế chung nhất. Việc các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ các yếu tố, nguyên tắc chung về pháp luật giúp hoạt nhập khẩu diễn ra một cách cụ thể, khách quan, từ đó giúp hoạt động nhập khẩu đạt hiệu quả tối ưu nhất.

d. Cơ sở hạ tầng và khả năng tiếp cận các nguồn lực

Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu không thể tách rời hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc, vận

tải... từ khâu nghiên cứu thị trường đến khâu thực hiện hợp đồng, vận chuyển hàng hoá và thanh toán. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển sẽ làm đơn giản hoá hoạt động nhập khẩu, giảm bớt được chi phí và rủi ro, nâng cao tính kịp thời, nhanh gọn trong quá trình nhập khẩu, tăng vòng quay của vốn.

Ngược lại, khi hoạt động nhập khẩu phát huy được tính hiệu quả thì nó sẽ góp phần làm cho sản xuất trong nước phát triển, tăng thu ngân sách từ đó Nhà nước có điều kiện hơn để đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông và thông tin liên lạc phục vụ nhu cầu phát triển của nền kinh tế quốc dân.

2.2.4.2. Nhóm nhân tố bên trong doanh nghiệp a. Quy mô của doanh nghiệp

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào quy mô sản xuất kinh doanh của nó. Quy mô của doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng giúp tối ưu chi phí nhập khẩu. Việc tận dụng được lợi thế kinh doanh theo quy mô sẽ giúp doanh nghiệp giảm giá vốn nhập khẩu hàng hóa, tối ưu các chi phí liên quan đến quá trình nhập khẩu. Điều này có nghĩa là khi doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng nâng cao được hiệu quả hoạt động nhập khẩu.

b. Chất lượng nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực được coi là nhân tố quan trọng nhất thuộc về bản thân doanh nghiệp. Nguồn nhân lực là chủ thể thực hiện các hoạt động nhập khẩu, duy trì và điều hành các hoạt động đó. Nguồn nhân lực chất lượng giúp tiết kiệm thời gian giao dịch, giúp cho quá trình nhập khẩu của doanh nghiệp diễn ra liên tục, nhanh chóng và giúp giảm thiểu rủi ro…, từ đó giúp giảm chi phí và tăng doanh thu nhập khẩu. Ngoài ra, khi mọi lao động nhập khẩu trong doanh nghiệp đều có năng lực nghiệp vụ, có kiến thức chuyên môn thì năng suất lao động sẽ cao, sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho hoạt động kinh doanh nhập khẩu.

c. Năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo

Năng lực quản trị ảnh hưởng đến việc xác định hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu. Trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt như hiện nay thì càng đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo, quản lý phải linh hoạt, nhạy bén, biết nắm bắt thời cơ, vượt qua những nguy cơ trong kinh doanh để đem lại thành công cho doanh nghiệp. Năng lực quản trị của đội ngũ lãnh đạo càng cao thì hiệu quả sử dụng các nguồn lực càng lớn, hiệu quả nhập khẩu cũng từ đó được nâng cao.

d. Nguồn vốn của doanh nghiệp

Đối với một doanh nghiệp nhập khẩu, điều kiện tiên quyết để có quan hệ buôn bán là bên mua phải đảm bảo khả năng thanh toán. Một doanh nghiệp muốn nhập khẩu đòi hỏi phải có một nguồn vốn đủ mạnh bởi nếu thiếu vốn, quá trình nhập khẩu không thể thực hiện được. Nguồn vốn lớn hay khả năng huy động vốn tốt vừa giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vốn, vừa đảm bảo được hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, nguồn vốn lớn giúp doanh nghiệp thực hiện thanh toán nhanh, tăng uy tín trong quan hệ buôn bán với đối tác nước ngoài và có thể được hưởng các ưu đãi như chiết khấu thương mại, giảm giá hàng hóa.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường trung quốc của công ty tnhh ecoba công nghệ môi trường (Trang 26 - 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(78 trang)