CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH XUẤT KHẨU HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP
2.2. Một số tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa của
Ở góc độ năng lực cạnh tranh của sản phẩm, lý thuyết thương mại truyền thống đã xem xét năng lực cạnh tranh của một sản phẩm thông qua lợi thế so sánh về chi phí sản xuất và năng suất so với đối thủ cạnh tranh. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm được đo bằng thị phần của sản phẩm cụ thể trên thị trường. Cạnh tranh sản phẩm thể hiện những lợi thế của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh. Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của sản phẩm bao gồm các tiêu chí cơ bản và các chỉ tiêu cụ thể.
2.2.1. Các tiêu chí cơ bản
➢ Giá thành và giá cả sản phẩm:
Giá thành và giá cả sản phẩm ảnh hưởng đến vị thế cạnh tranh, thị phần, doanh thu và lợi nhuận của công ty. Giá thành và giá cả sản phẩm trong tương quan với chất lượng thấy được và các chi phí chuyển đổi, chi phí tiêu dùng sản phẩm. Qua phân tích giá thành và giá cả sản phẩm, đánh giá được vị thế của sản phẩm của một doanh nghiệp trên thị trường, cũng như chất lượng sản phẩm được bộc lộ rõ ràng nhất. Do vậy, doanh nghiệp
20
có thể chủ động kiểm soát giá thành và giá cả sản phẩm sẽ là một trong những tiêu chí giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
➢ Chất lượng sản phẩm:
Có thể nói chất lượng sản phẩm là một phạm trù kinh tế kĩ thuật khá trừu tượng. Khi nhìn nhận dưới những góc độ khác nhau, ta lại có những quan điểm khác nhau về chất lượng sản phẩm. Theo Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO): “Chất lượng là một tập hợp các tính chất và đặc trưng của sản phẩm có khả năng thoả mãn những nhu cầu đã nêu ra hoặc tiềm ẩn”.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng cấu thành nên năng lực cạnh tranh của sản phẩm. Do vậy, doanh nghiệp nào có sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, doanh nghiệp đó sẽ có năng lực cạnh tranh về sản phẩm cao nhất. Tùy vào đặc điểm, tính chất của từng loại hàng hóa cũng như trình độ sản xuất của từng quốc gia mà tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên, đánh giá chất lượng sản phẩm nói chung vẫn thống nhất trên ba khía cạnh là đảm bảo chất lượng đầu vào, đảm bảo quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng đầu ra. Một sản phẩm được coi là đạt tiêu chuẩn chất lượng, có khả năng cạnh tranh về chất lượng phải đảm bảo được trên cả ba khía cạnh trên.
- Đảm bảo chất lượng đầu vào: Hoạt động sản xuất muốn đạt được hiệu quả cao nhất cần có sự cung cấp liên tục của nguyên vật liệu. Việc thiếu hụt sẽ làm gián đoạn sản xuất, sản lượng cung cấp không đủ cho thị trường, điều này sẽ gây ra thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp, dù trong ngắn hạn hay dài hạn. Bên cạnh đó, sử dụng nguồn nguyên liệu tốt và tiết kiệm là một cách để tối ưu chi phí, nâng cao được chất lượng sản phẩm cho doanh nghiệp.
- Đảm bảo quy trình sản xuất: Sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả, đầu tư trang bị máy móc, công nghệ hiện đại động đồng thời áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế vào quy trình sản xuất để nâng cao năng suất lao động cũng như lợi thế cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm của doanh nghiệp.
- Đảm bảo chất lượng đầu ra: Khi tìm nguồn cung ứng, một số rủi ro phổ biến như nguyên vật liệu không đạt chuẩn, sự chênh lệch về chất lượng giữa sản phẩm mẫu và thành phẩm, hàng hóa bị lỗi,... dẫn đến số lượng sản phẩm bị trả về tăng cao
21
và tiêu tốn chi phí của doanh nghiệp vào việc xử lí sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.
Tuy nhiên, điều này có thể được hạn chế thông qua việc đảm bảo chất lượng đầu vào và quy trình sản xuất, từ đó cắt giảm các chi phí phát sinh không đáng có.
Ngoài ra, chỉ tiêu chất lượng được cụ thể hóa qua hệ thống các tiêu chuẩn chất lượng do các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế, quốc gia ban hành, điển hình như hệ thống tiêu chuẩn ISO, tiêu chuẩn của EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản. Sản phẩm đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng thì sẽ được ghi cụ thể trên bao bì của sản phẩm, tổ chức công nhận cũng như năm công nhận.
➢ Hệ thống phân phối và uy tín doanh nghiệp:
Hệ thống phân phối phản ánh khả năng bao quát thị trường mục tiêu và năng lực duy trì các cam kết với khách hàng cũng như hiệu quả trong tổ chức kinh doanh của doanh nghiệp đối với sản phẩm. Doanh nghiệp có một hệ thống phân phối tốt sẽ giúp tăng sao sự nhận diện sản phẩm của khách hàng và người tiêu dung, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường, tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ cạnh tranh.
Thương hiệu và danh tiếng của doanh nghiệp là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh sản phẩm. Nó được phản ánh chủ yếu thông qua văn hóa doanh nghiệp, bao gồm: sản phẩm, văn hóa ứng xử, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, hoạt động từ thiện,... Một khi doanh nghiệp tạo được danh tiếng với đối tác, khách hàng thì đó là một tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp ở hiện tại và tương lai. Chính vì vậy, nâng cao danh tiếng thành thương hiệu mạnh là một vấn đề mà doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay. Thương hiệu mạnh là minh chứng thành công của hoạt động doanh nghiệp khi được công nhận bởi phản ứng tích cực từ phía cộng đồng và cả khách hàng trung thành. Hay nói cách khác, một thương hiệu mạnh là một thương hiệu dẫn đầu trong tâm trí khách hàng. Nếu sản phẩm được gắn các thương hiệu mạnh, nổi tiếng thì giá thành hàng hóa cao hơn, từ đó giúp thị phần của doanh nghiệp tăng lên đáng kể. Hơn nữa, thương hiệu mạnh cũng có sức hút lớn với thị trường mới, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trưởng và thu hút khách hàng tiềm năng tìm hiểu về sản phẩm của mình.
22 2.2.2. Các tiêu chí cụ thể
➢ Các tiêu chí định lượng:
- Thị phần của sản phẩm trên thị trường trong từng năm so với đối thủ cạnh tranh.
- Mức sản lượng, doanh thu tiêu thị của mặt hàng đó trong từng năm so với đối thủ cạnh tranh.
- Mức chênh lệch về giá của mặt hàng so với đối thủ cạnh tranh.
➢ Các tiêu chí định tính:
- Mức chênh lệch về chất lượng của sản phẩm so với đối thủ cạnh tranh.
- Mức độ hấp dẫn của sản phẩm về mẫu mã, kiểu cách so với các đối thủ cạnh tranh.
- Ấn tượng về hình ảnh nhãn hiệu hàng hóa của nhà sản xuất ra mặt hàng đó so với hàng hóa cùng loại của các đối thủ cạnh tranh.