CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
1.3. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
1.3.1. Pháp luật một số quốc gia về bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng
19
Tại các quốc gia trong hệ thống Common law, biện pháp bảo đảm không phụ thuộc vào hình thức và tên gọi và có mục đích là tạo lập một quyền lợi được bảo đảm đối với một nghĩa vụ nhất định; đồng thời đây là biện pháp được thiết lập thông qua một HĐTD chính. Pháp luật của các nước theo dòng họ Common law coi biện pháp bảo đảm như là nguồn gốc của mọi giao dịch, họ không quan tâm đến quy định các biện pháp bảo đảm mà chỉ quan tâm tới việc thực hiện lợi ích bảo đảm và các vấn đề liên quan tới lợi ích bảo đảm. Lợi ích này có thể thấy được ở một số nước điển hình trên Thế giới. Hai hệ thống pháp luật pháp luật Common Law và Civil Law nhìn chung có sự khác biệt cơ bản, cụ thể là:
a. Nhóm các quốc gia theo dòng họ Common law
Về cơ bản, một số quốc gia như Hoa Kỳ, New Zealand và đa số các bang của Canada có sự phân chia thành BPBĐ thực hiện nghĩa vụ bằng động sản và các BPBĐ thực hiện nghĩa vụ bằng bất động sản.
+ Tại Hoa Kỳ tập trung quy định về BPBĐ bằng động sản (Hội nghị Toàn quốc của các Ủy viên Hội đồng Luật, 1952). Đây được coi như một đạo luật riêng về biện pháp bảo đảm có liên quan đến động sản. Ngoài ra, đạo luật còn thống nhất về lợi ích bảo đảm đối với đất đai và Đạo luật thống nhất về giao dịch đối với đất đai.
+Tại Bang New Brunswick (Canada) có Luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản và Luật về lợi ích bảo đảm bằng liên quan đến đất đai.
+ New Zealand cũng xây dựng Đạo luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản (Personal Property Security Act).
Ở hầu hết các nước theo dòng họ Common Law, pháp luật không điều chỉnh quan hệ bảo đảm đối nhân mà chủ yếu điều chỉnh quan hệ bảo đảm đối vật. Do đó, quan hệ bảo đảm bằng tín chấp không được pháp luật quy định do đây là quan hệ đối nhân, dựa trên uy tín của các bên hoặc một bên thứ ba nào khác đứng ra bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ.
- Về hiệu lực của các biện pháp bảo đảm
Pháp luật về biện pháp bảo đảm tại các quốc gia theo hệ thống Common Law xác định thời điểm biện pháp bảo đảm có hiệu lực là thời điểm ký kết hợp đồng
20
giữa các bên. Tuy nhiên, do lợi ích bảo đảm được xem là vấn đề quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, do vậy vấn đề cần quan tâm nhiều hơn là việc xác định thời điểm lợi ích bảo đảm phát sinh trên thực tế. Có nhiều trường hợp, hiệu lực của hợp đồng chưa hẳn đã làm phát sinh hiệu lực trên thực tế của lợi ích bảo đảm, mà lợi ích bảo đảm chỉ phát sinh hiệu lực trên thực tế khi được gắn với tài sản bảo đảm.
Từ đó, quyền của bên đi vay đối với tài sản bảo đảm sẽ bị hạn chế, lợi ích của TCTD sẽ được bảo đảm chắc chắn hơn và những mối nguy có thể phát sinh từ bên thứ ba được giảm thiểu đáng kể.
+ Đối với động sản, Điều 9-203 UCC, Luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản của New Zealand và một số bang của Canada quy định về lợi ích bảo đảm “gắn” với tài sản khi thỏa mãn các điều kiện sau:
“(1) Bên nhận bảo đảm trao cho bên bảo đảm một khoản giá trị.
(2) Con nợ có quyền đối với tài sản bảo đảm, hoặc quyền chuyển giao các quyền liên quan đến tài sản cho bên nhận bảo đảm
(3) Các bên ký kết hợp đồng bảo đảm, trong đó có mô tả tài sản bảo đảm”
(VCCI, 2006).
+ Đối với bất động sản, các quy định về lợi ích bảo đảm cũng tương đối giống các quy định pháp luật về động sản. Theo quy định tại mục 203 Đạo luật thống nhất về lợi ích bảo đảm đối với đất đai quy định: “Lợi ích bảo đảm gắn với bất động sản khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận trì hoãn thời điểm lợi ích bảo đảm gắn liền với BĐS” (VCCI, 2006).
Tuy nhiên thì lợi ích bảo đảm không đương nhiên có hiệu lực đối kháng với bên thứ ba, mà chỉ phát sinh vơi bên thứ ba sau khi được hoàn thiện.
- Các loại tài sản bảo đảm
Như đã trình bày ở trên, pháp luật ở các quốc gia theo hệ thống pháp luật Common Law chia biện pháp bảo đảm thành bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng động sản và bất động sản và vào tính chất tài sản là động sản hay bất động sản mà sẽ có những quy định khác nhau.
21
Đối với động sản, mọi tài sản được phép giao dịch đều có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm, bao gồm cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình, tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai. Khoản 12 tiết 9-102 Điều 9 của Hoa Kỳ: “Tài sản bảo đảm là những tài sản là đối tượng của lợi ích bảo đảm hoặc quyền cầm giữ nông nghiệp. Thuật ngữ này bao gồm cả: Khoản lợi thu được từ những tài sản mà lợi ích bảo đảm gắn liền; Khoản nợ, chứng thư bảo đảm, tiền trả cho quyền sử dụng tài sản vô hình, giấy hẹn trả tiền được chuyển nhượng; Hàng hóa đem bán ký gửi”
(Hội nghị Toàn quốc của các Ủy viên Hội đồng Luật, 1952). Có thể thấy, khái niệm tài sản bảo đảm được hiểu rất rộng, không chỉ là một hoặc một số đối tượng tài sản cụ thể, mà còn bao gồm cả các khoản lợi thu được từ tài sản bảo đảm.
Phạm vi tài sản bảo đảm đối với bất động sản cũng khá rộng. Theo quy định tại khoản 3 Mục III Đạo luật thống nhất về lợi ích bảo đảm liên quan đến đất đai của Hoa Kỳ đưa ra khái niệm về tài sản bảo đảm“Tài sản bảo đảm là bất động sản là đối tượng của lợi ích bảo đảm”. Đồng thời, khoản 20 Mục III này cũng đưa ra khái niệm về bất động sản:“Bất động sản là bất cứ tài sản hoặc lợi ích nào ở trong, ở trên hoặc ở dưới đất, bao gồm cả khoáng sản, công trình kiến trúc, bất động sản hoặc bất cứ thứ gì mà theo thói quen, theo thông lệ hoặc theo quy định của pháp luật được chuyển nhượng kèm theo đất đai dù không được mô tả trong hợp đồng mua bán hoặc chứng thư chuyển nhượng, và, nếu phù hợp với văn cảnh, cả đất có liên quan đến lợi ích bảo đảm. “Bất động sản” bao gồm cả tiền thuê, lợi ích của chủ đất hoặc chủ nhà, và lợi ích nằm trong lợi ích chung của cộng đồng, trừ trường hợp các luật khác coi lợi ích đó là động sản” (Hoa kỳ, 2012).
Như vậy, đối tượng được dùng để bảo đảm trong HĐTD tại các nước theo hệ thống pháp luật Common Law là rất rộng. Điều đó, gây khó khăn cho các bên trong việc lựa chọn và xác định đối tượng được dùng để bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ của các bên.
b. Nhóm các quốc gia theo dòng họ Civil Law
Khác với các nước theo dòng họ Common Law thì các quốc gia thuộc hệ thống Civil Law như Pháp, Liên bang Nga… hệ thống pháp luật về giao dịch bảo đảm có phạm vi hẹp hơn so với các nước theo dòng họ Common Law, giới hạn đối
22
với một số biện pháp bảo đảm là như: cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, ký quỹ…; trong đó phổ biến là cầm cố và thế chấp. Ngay cả những quy định về cầm cố và thế chấp, cũng có sự khác biệt trong hệ thống pháp luật của các quốc gia nói trên.
+ Pháp luật của Pháp cho rằng biện pháp cầm cố và thế chấp được thực hiện trên cơ sở chuyển giao tài sản bảo đảm. Điều 2017 và Điều 2114 Bộ luật Dân sự Pháp, “Cầm cố là một hợp đồng theo đó người có nghĩa vụ giao cho người có quyền một tài sản nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”, còn “quyền thế chấp là quyền trên những bất động sản được sử dụng vào việc thi hành một nghĩa vụ” (VCCI, 2006).
Tuy vậy, việc phân định đó không hoàn toàn dựa trên tiêu chí chuyển giao tài sản mà còn phụ thuộc vào lại tài sản, theo đó thì cầm cố có thể thực hiện cả đối với động sản và bất động sản, còn thế chấp áp dụng đối với bất động sản.
+ Pháp luật của Cộng hòa liên bang Nga lại phân biệt cầm cố và thế chấp duy nhất theo tiêu chí loại tài sản, theo đó cầm cố được áp dụng đối với động sản và thế chấp được thực hiện đối với bất động sản. Sự phân chia này được quy định gián tiếp tại khoản 2 Điều 334 Bộ luật Dân sự của Cộng hòa liên bang Nga: “Việc cầm cố thửa đất, doanh nghiệp, công trình xây dựng, công trình kiến trúc, căn hộ chung cư và các bất động sản khác (thế chấp) được điều chỉnh theo quy định của Luật về Thế chấp tài sản. Các nguyên tắc về cầm cố quy định trong Bộ luật này được áp dụng đối với thế chấp, trừ trường hợp Bộ luật này hoặc Luật về Thế chấp tài sản có quy định khác” (VCCI, 2006).
- Về hiệu lực của biện pháp bảo đảm
Khác với hệ thống pháp luật theo dòng họ Common Law. Tại các nước Civil, hiệu lực của giao dịch bảo đảm được xác định dựa trên hiệu lực của hợp đồng. Tuy nhiên, một số quốc gia chỉ quy định về điều kiện để hợp đồng có hiệu lực mà không quy định về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng. Như vậy có thể hiểu rằng, hợp đồng có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 1108 Bộ luật dân sự Pháp, “hợp đồng chỉ có hiệu lực đã thỏa mãn đầy đủ bốn điều kiện chủ yếu:Các bên giao kết hoàn toàn tự nguyện;Các bên giao kết có năng lực giao kết hợp đồng; Đối tượng của hợp đồng phải được xác định; Căn cứ của hợp đồng phải hợp pháp”. Đồng thời, Điều 1134 Bộ luật dân sự
23
Pháp cũng quy định về hiệu lực của nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng: “Hợp đồng được giao kết có giá trị là luật đối với các bên giao kết”. Căn cứ vào các quy định này, có thể thấy rằng giao dịch bảo đảm có hiệu lực khi hợp đồng bảo đảm đáp ứng đầy đủ các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực. Tuy nhiên tại Điều 2127 Bộ luật dân sự Pháp quy định: “Thế chấp theo thỏa thuận chỉ có thể thực hiện dưới hình thức văn bản công chứng trước hai công chứng viên hoặc một công chứng viên và hai người làm chứng”. Do vậy, trường hợp đặc biệt, quyền thế chấp theo thỏa thuận chỉ có hiệu lực khi được công chứng tức là yếu tố về hình thức của hợp đồng.
- Tài sản bảo đảm
Theo quy định của pháp luật của các nước theo hệ thống pháp luật Civil Law, về nguyên tắc, mọi tài sản đều có thể được sử dụng làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, mỗi biện pháp bảo đảm sẽ có phạm vi tài sản được sử dụng làm tài sản bảo đảm khác nhau.
Đối với cầm cố, tùy vào từng quốc gia mà phạm vi tài sản bảo đảm có thể rất rộng hoặc hẹp hơn. Tại Ba Lan, biện pháp cầm cố chỉ được áp dụng đối với động sản. BLDS Ba Lan quy định: “Động sản có thể được đem cầm cố để bảo đảm cho khoản nợ” (Khoản 1 Điều 306) và “Quyền, nếu có thể chuyển giao được, cũng có thể trở thành tài sản cầm cố” (Điều 327). Trong khi đó, tại Pháp quy định phạm vi tài sản cầm cố rộng hơn, bao gồm cả động sản và bất động sản. Điều 2071 Bộ luật dân sự Pháp quy định: “Cầm cố là một hợp đồng theo đó người có nghĩa vụ trao cho người có quyền một vật nhằm bảo đảm cho nghĩa vụ”. Đồng thời, Điều 2072 quy định: “Vật bảo đảm cho nghĩa vụ là động sản thì gọi là cầm cố động sản, là bất động sản thì gọi là cầm cố bất động sản”.
Trong khi thế chấp thì phạm vi tài sản bảo đảm bị giới hạn hơn nhiều, chỉ bao gồm các bất động sản, kèm theo đó là phạm vi các bất động sản được sử dụng để thế chấp cũng bị hạn chế. Các bất động sản này cũng phải đáp ứng một số các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật. Điều 2118 BLDS Pháp quy định: “Chỉ có thể đem thế chấp:Những bất động sản trong thương mại và những vật vụ của bất động sản được coi là bất động sản; Quyền hưởng hoa lợi trên một tài sản và những vật phụ trong thời gian có quyền hưởng hoa lợi”; Điều 2119 cũng quy định: “Động
24
sản không thể đem thế chấp”. Theo pháp luật tại Cộng hòa liên bang Nga quy định tại Khoản 2 Điều 334 BLDS Cộng hòa liên bang Nga: “Việc cầm cố thửa đất, doanh nghiệp, công trình xây dựng, công trình kiến trúc, căn hộ chung cư và các bất động sản khác (thế chấp) được điều chỉnh theo quy định của Luật về Thế chấp tài sản. Các nguyên tắc về cầm cố quy định trong Bộ luật này được áp dụng đối với thế chấp, trừ trường hợp Bộ luật này hoặc Luật về Thế chấp tài sản có quy định khác”. Đối với thế chấp tài sản tại Liên bang Nga quy định chỉ có một số bất động sản sau mới được sử dùng làm vật bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ.
Như vậy, pháp luật về biện pháp bảo đảm ở các nước theo dòng họ Civil Law nhìn chung có sự hạn chế hơn, tuy nhiên nó có sự phân biệt rõ ràng, tương ứng với mỗi biện pháp bảo đảm là các loại tài sản nhất định. Điều đó giúp cho các bên tham gia dễ dàng thực hiện và áp dụng biện pháp bảo đảm khi thực hiện HĐTD.