CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP TẠI CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI
1.2. CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNGTHƯƠNG MẠI
1.2.6. Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng doanh nghiệp
Chất lượng tín dụng doanh nghiệp là kết quả của một quá trình dài từ kết nối được với khách hàng có nhu cầu vay vốn, đến khi khoản tín dụng được NHTM được xét duyệt, phát ra cho đến khi được thu hồi. Trong quá trình đó có rất nhiều tác động gây rủi ro dẫn đến việc ngân hàng không thu hồi được vốn và phải chịu phần thiệt. Để quản lý tốt chất lượng tín dụng đòi hỏi ngân hàng và đặc biệt là các tín bộ tín dụng, nhân viên ngân hàng phải hiểu rõ nguyên nhân ảnh hướng tới nó.
a. Các nhân tố chủ quan
Chính sách tín dụng: Chính sách tín dụng bao gồm các chính sách chăm sóc khách hàng, chính sách quy mô và giới hạn cho vay, chính sách lãi suất, chính sách về thời hạn cho vay và kỳ hạn nợ, chính sách liên quan đến TSBĐ,... Một chính sách tín dụng đúng đắn sẽ giúp ngân hàng thu hút được nhiều khách hàng vay vốn, đảm bảo khả năng sinh lời tự hoạt động TDNH trên cơ sở phân tán được rủi ro, tuân thủ các quy chế và quy định của pháp luật, đường lối chính sách của Nhà nước. Vì vậy để đảm bảo hoạt động tín dụng của ngân hàng tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng thì các ngân hàng phải xây dựng một chính sách tín dụng hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, đảm bảo an toàn cho vay của NHTM cũng chính là đảm bảo mức sinh lời cho ngành ngân hàng.
Quy trình tín dụng: là quy trình các nhân viên ngân hàng và nhân viên tín dụng cùng phối hợp với khách hàng vay thực hiện các bước kỹ thuật nghiệp vụ cơ bản, chỉ rõ cách làm, trình tự các bước từ khi bắt đầu đến khi kết thúc một giao dịch tín dụng. Quy trình tín dụng là một yếu tố quan trọng, cần phải thực hiện một cách khoa học, hợp lý sẽ cho phép bảo đảm thực hiện được khoản vay chất lượng.
Chất lượng thông tin tín dụng: Hoạt động tín dụng muốn đạt được hiệu quả cao, an toàn cần phải có hệ thống thông tin hữu hiệu phục vụ công tác này. Ngân hàng muốn nâng cao chất lượng tín dụng của mình, cần phải xây dựng hệ thống thông tin đầy đủ và linh hoạt, nhờ đó cung cấp các thông tin chính xác, kịp thời tăng cường khả năng ngăn ngừa rủi ro tín dụng. Các thông tin chính xác và kịp thời về dự án của khách hàng giúp ngân hàng đưa ra các quyết định tín dụng có chất lượng cao.
Năng lực của ngân hàng trong việc thẩm định tín dụng: Thẩm định là một khâu phức tạp nhất của nhân viên TDNH và thường xuyên gặp khó khăn và sai sót. Các công tác thẩm định TDNH trước hết các nhân viên tín dụng cần xem xét về đạo đức khách hàng, khả năng tài chính, mức độ tín nhiệm, năng lực sản xuất kinh doanh. Sau đó xem xét hiệu quả của dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh để quyết định có có vay hay không.
Năng lực kiểm soát, giám sát và xử lý các tình huống tín dụng của ngân hàng:
Hoạt động tín dụng cần phải kiểm soát, giám sát và xử lý các tình huống tín dụng thường xuyên và vô cùng cần thiết đối với mọi NHTM. Công tác tác kiểm tra càng thường xuyên và chặt chẽ càng làm cho hoạt động tín dụng đi đúng hướng, thực hiện đúng quy tắc, quy chế cũng như quy trình tín dụng. Kiểm soát nội bộ là hoạt động cần thực hiện thường xuyên và đó chính là biện pháp ngăn ngừa, hạn chế những sai sót của nhân viên tín dụng, giúp cho hoạt động tín dụng kịp thời sửa chữa, tạo điều kiện nâng cao chất lượng tín dụng.
Tổ chức, quản lý chất lượng nhân sự của ngân hàng: Để nâng cao chất lượng tín dụng thì ngân hàng phải xây dựng chiến lược về con người, chính là nguồn nhân sự của ngân hàng. Ngân hàng cần có đội ngũ nhân viên tín dụng giỏi, được đào tạo bài bản, am hiểu luật pháp và có kiến thức đa dạng về thị trường đặc biệt trong lĩnh vực tham gia đầu tư vốn, nắm vững những quy định liên quan đến hoạt động tín dụng. Nhân viên tín dụng cần phải sàng lọc một cách kỹ càng và có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức nâng cao nghiệp vụ một cách thường xuyên để bắt kịp với nhịp độ phát triển và biến đổi của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, họ còn phải có tiêu chuẩn về đạo đức, bởi lẽ nhân viên tín dụng thiếu trách nhiệm hay cố tình vi phạm sẽ gây ra tổn thất cho ngân hàng.
Công nghệ ngân hàng, trang thiết bị kỹ thuật: Với công nghệ, trang thiết bị hiện đại sẽ tạo điều kiện cho các nhân viên tín dụng rút ngắn thời gian giao dịch đem lại sự tiện lợi tối đa với khách hàng, thu thập thông tin nhanh chóng, chính xác hơn.
b. Các nhân tố khách quan
Về phía doanh nghiệp.
- Năng lực tài chính của doanh nghiệp: Đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới bản thân doanh nghiệp và chất lượng tín dụng của ngân hàng. Doanh nghiệp muốn vay vốn của ngân hàng thì đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực tài chính để trả nợ. Cuối cùng, sau khi đã vay được vốn của ngân hàng, doanh nghiệp cần phải sử dụng vốn đúng mục đích để tạo ra lợi nhuận đảm bảo khả năng trả nợ cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần
đánh giá chính xác tình hình tài chính và khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra quyết định cấp tín dụng đúng đắn.
- Sự trung thực của doanh nghiệp: Nhiều doanh nghiệp mạo hiểm với kỳ vọng thu được lợi nhuận cao, họ sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn lừa gạt ngân hàng làm cho ngân hàng không xác định được chính xác về mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp gây ra rủi ro cho ngân hàng trong việc thu hồi nợ.
Về phía môi trường kinh tế
- Nhân tố pháp lý: Nhân tố này bao gồm tính đồng bộ khoa học của hệ thống pháp luật, tính đầy đủ thống nhất của các văn bản đồng thời gắn liền với quá trình thực thi pháp luật. Thiếu pháp luật, có chế quản lý của Nhà nước sẽ không có hiệu quả . Yêu cầu đối với hệ thống pháp luật cần phải khách quan, quy luật, hệ thống và có tính cưỡng chế.
Nhân tố pháp lý có vị trí hết sức quan trọng đến hoạt động của ngân hàng nói chung và chất lượng tín dụng nói riêng.
- Tình hình kinh tế chính trị trong nước và quốc tế: Một quốc gia có nền kinh tế, chính trị, xã hội ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi và yên tâm cho các nhà đầu tư. Xã hội có ổn định thì nền kinh tế mới ổn định và phát triển được. Bên cạnh đó, Về xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra sôi động trên thế giới. Vì thế tính hình kinh tế - chính trị - xã hội ở nước ngoài cũng ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - chính trị - xã hội trong nước từ đó ảnh hưởng tới ngành ngân hàng và chất lượng tín dụng của ngân hàng.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Nội dung chương 1 đã đề cập đến những vấn đề cơ bản về chất lượng tín dụng tại các NHTM và sự cần thiết nâng cao chất lượng tín dụng tại NHTM. Theo đó, chương 1 cũng đã hệ thống một cách cơ bản nhất về cơ sở lý luận về các chỉ tiêu đánh giá chất lượng của hoạt động tín dụng doanh nghiệp tại các NHTM, các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng tín dụng doanh nghiệp. Đây là một phần vô cùng quan trọng trong chương 1 bởi đó chính là tiền đề và là cơ sở nền tảng để phân tích thực trạng chất lượng tín dụng doanh nghiệp và đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng doanh nghiệp tại NHTM.